Hoa Kỳ thử nghiệm khả năng răn đe ‘năng động’ đối với Iran bằng cách đưa Thủy quân lục chiến lên các tàu chở dầu thương mại
Trong các phiên điều trần về ngân sách quốc phòng của Quốc hội Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga là những đối thủ nổi bật trong suốt mùa đông, mùa xuân, và mùa hè, và trong khi Trung Quốc có thể là thách thức quân sự “đáng gờm” đối với Hoa Kỳ, thì một cuộc đối đầu đang diễn ra với Iran có thể thử nghiệm một chiến lược đang phát triển trong việc khai triển và phản ứng của Ngũ Giác Đài trước các cuộc đối đầu quân sự.
Ngay lúc này, có thể có, hoặc không có, chuyện phân đội 20 người của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ trên các tàu chở dầu treo cờ ngoại quốc có thể hoặc không đi qua Eo biển Hormuz để đương đầu với người Iran trong các đoàn tàu tốc hành đang lượn vòng sử dụng vũ khí tự động cỡ nòng lớn và súng phản lực.
Các nhà phân tích cho biết, nếu không ai nổ súng thì đó là một chiến thắng cho “cách tiếp cận năng động và linh hoạt hơn” đối với các chiến lược răn đe ở Trung Đông, đặc biệt là trong việc đối phó với những hành động khiêu khích của Iran trên tuyến đường thủy quan trọng nơi 20% lượng dầu thô của thế giới rời Vịnh Ba Tư.
Nếu bên nào đó bắn, thì đó cũng là một chiến thắng cho chiến lược răn đe bởi vì, họ cho biết, không ai biết được liệu một con tàu chỉ là do thủy thủ lái buôn điều khiển hay còn có Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ trên tàu, để mà làm ra những chuyện cướp biển, bắt cóc tàu, và bắt giữ con tin đe dọa tính mạng cho những kẻ xấu như Hải quân Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRIN).
Kể từ đầu tháng Bảy, Bộ Quốc phòng (DOD) đã kiên quyết từ chối xác nhận hay phủ nhận đối với các kế hoạch đưa các biệt đội Thủy quân lục chiến từ 15 đến 20 người lên các tàu thương mại mang cờ ngoại quốc ở Biển Ả Rập, với lý do họ có tiêu chuẩn “không bình luận về các hoạt động đang diễn ra/trong tương lai.”
Họ cũng không xác nhận hay phủ nhận các yêu cầu liên tiếp để làm rõ rằng Thủy quân lục chiến cuối cùng thực sự đã điều khiển một số tàu đi qua Eo biển Hormuz và có thể đang làm như vậy ngay lúc này.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng đã thừa nhận các lực lượng bổ sung ở Biển Ả Rập và Vịnh Ba Tư đã đến đó, bao gồm lực lượng tấn công đổ bộ của Hải quân với 3,000 binh sĩ Thủy quân lục chiến, nhằm đáp trả một loạt các cuộc tấn công vào tàu thương mại trên eo biển của IRIN vào mùa xuân này và đầu mùa hè.
Trong nhiều lần bình luận, Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ (CentCom) có trụ sở tại Tampa, Florida, Bộ chỉ huy tác chiến Trung Đông của Ngũ Giác Đài, cũng né tránh việc trực tiếp xác nhận liệu các phân đội Thủy quân lục chiến có đang sử dụng súng săn trên tàu chở dầu và tàu container ở Biển Ả Rập hay không.
Trong thông cáo báo chí hôm 20/07, CentCom chỉ ám chỉ rằng hồi tháng Bảy, “các lực lượng bổ sung” sẽ đến để “cung cấp những khả năng độc đáo” nhằm đáp trả “những nỗ lực gần đây của Iran nhằm đe dọa luồng di chuyển thương mại tự do ở Eo biển Hormuz và các hải phận xung quanh eo biển.”
Một báo cáo hôm 11/08 của Viện Hải quân Hoa Kỳ (USNI) cho biết kể từ giữa tháng Bảy, ít nhất 100 binh sĩ Thủy quân lục chiến thuộc Đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến số 26 (MEU) đã được huấn luyện ở Bahrain về cách bảo vệ và lên tàu buôn trên biển.
Báo cáo của USNI, sau đó được các quan chức Ngũ Giác Đài ẩn danh xác nhận với hãng thông tấn Associated Press, cho biết cuộc huấn luyện này bắt đầu trước khi MEU thứ 26 đến Bahrain trên tàu tấn công đổ bộ USS Bataan (LHD 5) và tàu đổ bộ USS Carter Hall (LSD-50).
Có lẽ điều đó có nghĩa là việc huấn luyện vẫn tiếp tục với các phân đội không chỉ lên các tàu đi qua Eo biển Hormuz mà còn cả Hồng Hải, Vịnh Aden, và bờ biển Sừng Châu Phi của Somalia.
Các hành động khiêu khích của Iran
CentCom tuyên bố, kể từ năm 2021, các tàu thủy tấn công nhanh do các đơn vị Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRCG) và các hộ vệ hạm IRNI điều khiển đã tấn công, bắt giữ, hoặc cố gắng bắt giữ gần 20 tàu buôn mang cờ quốc tế ở Vịnh Oman, Eo biển Hormuz, và phía nam Vịnh Ba Tư.
Sự quấy rối đó gia tăng từ tháng Tư đến giữa tháng Bảy sau sự kiện hôm 22/04, một tòa án Hoa Kỳ ra lệnh tịch thu dầu Iran trên tàu Suez Rajan — một tàu chở dầu do Hy Lạp quản lý.
Đây là vụ tịch thu mới nhất trong chuỗi các vụ tịch thu và chống tịch thu tàu kéo dài năm năm của Hoa Kỳ, các đồng minh, và Iran.
Hôm 24/04, IRIN đã giam tàu Advantage Sweet do Trung Quốc sở hữu, Thổ Nhĩ Kỳ điều hành khi tàu này đi qua eo biển. Hôm 03/05, người Iran trên các tàu nhỏ đã chiếm giữ tàu Niovi thuộc sở hữu của Hy Lạp ở eo biển.
Hôm 05/07, IRIN đã cố gắng bắt giữ hai tàu chở dầu đang đi qua Vịnh Oman. Hai tàu đã bị tấn công gần eo biển này là tàu TRF Moss chở dầu/hóa chất do Hồng Kông quản lý, Singapore sở hữu, gắn cờ Quần đảo Marshall, vừa rời Jubail, Saudi Arabia, đến Trung Quốc và tàu Richmond Voyager, và một tàu chở dầu thuộc sở hữu của Hy Lạp, do Hoa Kỳ quản lý, mang cờ Bahamas, đang chở dầu thô từ Ras al-Juayma của Saudi Arabia đến Singapore.
Theo thủy thủ đoàn của tàu Richmond Voyager, họ đã bị một hộ vệ hạm IRNI bắn đạn xuyên giáp 40 mm sau khi từ chối tuân theo các lệnh dừng lại.
Những lời kêu gọi báo nguy của tàu Richmond Voyager đã thu hút phi cơ P-8 Poseidon của Hải quân Hoa Kỳ, một phi cơ không người lái (drone) MQ-9 Reaper, và khu trục hạm mang hỏa tiễn dẫn đường USS McFaul (DDG 74) đến hiện trường, khiến hộ vệ hạm Iran phải rời đi.
Ngày hôm sau, Hạm đội 5 Hoa Kỳ tuyên bố rằng họ đã ngăn chặn nỗ lực trong đêm nhằm bắt giữ hai tàu chở dầu trong vùng biển quốc tế của IRNI trong khi Iran cáo buộc Hải quân Hoa Kỳ vi phạm Điều 111 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Theo truyền thông nhà nước Iran, tàu Richmond Voyager đã va chạm với một tàu Iran, khiến năm thành viên thủy thủ đoàn bị thương. Iran cho biết họ đã có lệnh của tòa án để bắt giữ con tàu này. Thủy thủ đoàn của Richmond Voyager khẳng định không có vụ va chạm nào xảy ra và không có lệnh của tòa án nào được đề cập khi họ bị tàu Iran bắn.
Cũng ngày hôm sau, một đơn vị IRGC đã bắt giữ tàu chở dầu NADA 2 mang cờ Ai Cập ở Vịnh Ba Tư khi cho rằng tàu này đang buôn lậu dầu. IRIN, IRGC, và Lực lượng Không quân Iran đều đưa ra tuyên bố rằng họ đã đẩy lùi một “nỗ lực quân sự quyết đoán của Hoa Kỳ” nhằm ngăn chặn vụ bắt giữ.
CentCom khẳng định họ không can thiệp vào vụ bắt giữ vì Iran đã đúng — NADA 2 đang buôn lậu dầu và nổi tiếng về buôn lậu dầu trong khu vực.
Hôm 11/07, Indonesia đã bắt giữ tàu chở dầu cực đại Arman 114 của Iran — một con tàu có quá khứ phức tạp — sau khi cho rằng tàu này vận chuyển dầu trái phép cho một tàu chở dầu cực đại khác, S Tinos, ngoài khơi bờ biển phía bắc của quốc gia Đông Nam Á này.
Hôm 20/07, IRGC và chỉ huy Hải quân IRIN Alireza Tangsiri cảnh báo Iran sẽ trả đũa bất kỳ quốc gia nào tịch thu dầu của Iran.
Ông nhắc lại rằng, theo Luật Biển năm 1982, Iran có quyền truy đuổi các tàu ngoại quốc trong vùng biển quốc tế đã vi phạm hoặc bị nghi ngờ đã vi phạm luật pháp hoặc quy định của nước này khi đi qua vùng biển của nước này ở eo biển.
Phản ứng của Hoa Kỳ
Để đáp trả những gì được gọi là các hành động khiêu khích, hồi đầu tháng Bảy, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã ra lệnh cho nhóm đổ bộ của tàu USS Bataan và một tàu tuần dương mang hỏa tiễn dẫn đường bổ sung tiến vào Biển Ả Rập, nơi hai tàu này gia nhập lực lượng Hải quân Hoa Kỳ, thường do một nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm dẫn đầu, đã đợi sẵn ở trạm luân chuyển ở đó.
Ông Austin cũng ra lệnh cho Không Lực khai triển thêm các phi cơ F-35, A-10, và F-16 tới khu vực này.
Tư lệnh CentCom Tướng Erik Kurilla cho biết, “Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ cam kết bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực chịu trách nhiệm của chúng tôi, bao gồm một số tuyến đường biển quan trọng nhất trên thế giới.”
“Các lực lượng bổ sung này cung cấp những khả năng độc đáo, cùng với các quốc gia đối tác của chúng tôi trong khu vực, bảo vệ hơn nữa luồng di chuyển thương mại quốc tế tự do và duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đồng thời ngăn chặn các hoạt động gây bất ổn của Iran trong khu vực.”
Thư ký Báo chí Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Không quân Pat Ryder nói với các phóng viên hôm 07/08 rằng mục tiêu của việc xây dựng lực lượng ở Biển Ả Rập là “làm việc với các đối tác trong khu vực để ngăn chặn hành vi gây hấn tiềm tàng nhằm giữ cho các tuyến đường vận chuyển đó được thông suốt, và một lần nữa, nhằm hướng đến một mục tiêu dài hạn trong việc bảo vệ an ninh và ổn định trong khu vực.”
Nhưng không có thông báo và tuyên bố công khai nào đề cập đến các kế hoạch đưa các phân đội Thủy quân lục chiến lên các tàu mang cờ ngoại quốc, điều mà Hải quân đã không thực hiện trong “Chiến tranh Tàu chở dầu” những năm 1980 khi Iran tấn công hơn 160 tàu thương mại.
Hôm 04/08, các quan chức Ngũ Giác Đài ẩn danh đã xác nhận với nhiều hãng truyền thông rằng Hoa Kỳ đang xem xét nhiều lựa chọn trong việc ngăn chặn các đơn vị IRNI và IRGC quấy rối các tàu.
Họ cho biết Hải quân đang cung cấp các phân đội Thủy quân lục chiến cho các tàu mang cờ Hoa Kỳ, chở thủy thủ đoàn bao gồm công dân Hoa Kỳ, hoặc vận chuyển hàng hóa đến hoặc đi từ Hoa Kỳ.
Các quan chức Ngũ Giác Đài cho biết các công ty vận tải thương mại phải liên lạc với Hải quân Hoa Kỳ để yêu cầu được bảo vệ. Họ cho biết, không có ủy quyền chính thức nào được cấp để Thủy quân lục chiến thực sự khai triển trên các tàu thương mại kể từ đầu tháng Tám.
Việc Iran làm gián đoạn giao thông ở eo biển Hormuz có tính chất từng đợt, và trong khi các đơn vị INRO và IRCG quấy rối một số tàu nhất định, thì Iran không có động cơ kinh tế quốc gia nào trong việc cản trở thương mại suốt thời gian dài ở eo biển vì nước này được hưởng lợi từ hoạt động xuất nhập cảng ra vào Vịnh Ba Tư.
Hôm 15/08, Kpler, một công ty tình báo hàng hóa theo dõi các tàu chở dầu, cho biết rằng Iran đã vận chuyển 1.5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày sang Trung Quốc từ đầu tháng Tám đến nay, đang vượt lên khối lượng xuất cảng sang Trung Quốc cao nhất trong một thập niên vừa qua.
Theo Kpler, số lượng dầu thô của Iran xuất cảng Iran sang Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2023 đạt trung bình khoảng 917,000 thùng/ngày.
Iran cũng đang xúc tiến xuất cảng các phi cơ không người lái (drone) sang Nga để sử dụng trong cuộc chiến với Ukraine và, theo nhiều nguồn tin khác nhau, nước này cũng đang nhập cảng khoáng sản và công nghệ cần thiết để làm giàu uranium tới độ tinh khiết 60%, một hành động vi phạm thỏa thuận với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Lợi ích và rủi ro
Việc đưa Thủy quân lục chiến và các thủy thủ có vũ trang lên các tàu thương mại không phải là điều gì mới mẻ đối với Hải quân Hoa Kỳ.
Lực lượng Vệ binh Vũ trang của Hải quân đã được khai triển trên các tàu thương mại trong Đệ nhị Thế chiến, ngay cả trước khi Hoa Kỳ chính thức tham chiến, đặc biệt là ở Đại Tây Dương.
Đô đốc đã về hưu James Stavridis, cựu Tư lệnh Tối cao NATO, đã viết trong một bài xã luận trên Bloomberg ngày 11/08 rằng việc Thủy quân lục chiến lên tàu đi qua Eo biển Hormuz đánh dấu việc Hoa Kỳ trở lại với vai trò lịch sử đồng thời cũng là sự phát triển trở-lại-tương-lai của vai trò dẫn đầu hải quân Thế kỷ 21 của “một lực lượng chiến đấu mạnh mẽ trên các tàu buồm, thường bảo vệ các đoàn tàu thương mại.”
Ông Farzin Nadimi, một thành viên cao cấp của Viện Washington kiêm nhà phân tích chuyên về các vấn đề an ninh và quốc phòng Iran và Vịnh Ba Tư, cho biết trong một chuyên mục hôm 08/08 rằng cách Hoa Kỳ phản ứng trước hành động khiêu khích gần đây nhất của Iran có thể cho thấy một sự thay đổi trong các chiến lược ở Trung Đông.
Ông viết: “Hoa Kỳ đã phải điều chỉnh đáng kể tư thế phòng thủ của mình ở Trung Đông thông qua các khái niệm và thủ tục mới để bảo vệ lợi ích an ninh tập thể,” đồng thời gọi việc khai triển có mục tiêu là “sự khởi đầu của một cách tiếp cận năng động và linh hoạt hơn đối với việc khai triển quân sự ở khu vực chịu trách nhiệm của Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ.”
Ông nói, thay vì “nhấn mạnh vào việc đặt các căn cứ lớn và lâu dài, Hoa Kỳ sẽ gia tăng tài sản và nguồn lực từ các địa điểm khác tùy theo mối đe dọa và nhu cầu,” để trợ giúp khai triển thường xuyên các nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm của Hải quân tới trạm “Gonzo” ở Biển Ả Rập.
Việc khai triển nhóm đổ bộ bổ sung phản ánh nhu cầu dự kiến của Thủy quân lục chiến với các phi cơ F-16 và F-35 bổ sung từ các căn cứ của Không Lực Hoa Kỳ ở Aviano, Ý, và Phi đội Chiến đấu cơ Viễn chinh số 421 từ Căn cứ Không Lực Hill ở Utah.
Ông Nadimi cho biết, sự hiện diện nhất quán — vòng luân chuyển hàng không mẫu hạm của Hạm đội 7 — vẫn cần được duy trì.
Ông nói: “Để ngăn chặn Iran, Hoa Kỳ phải có sẵn các tài sản ở chiến khu để tác động đến quá trình tính toán ra quyết định của giới lãnh đạo ở Tehran và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo.”
Ông Nadimi cho biết sự hiện diện cố định của Hoa Kỳ ở Trung Đông càng lớn, thì việc đạt được ba mục tiêu chính sách của Ngũ Giác Đài — răn đe, trấn an, và hợp tác an ninh — càng trở nên căng thẳng hơn.
“Mặc dù hợp tác an ninh chắc chắn không cần một sự hiện diện lớn của Hoa Kỳ, nhưng điều này cần loại nhân sự phù hợp ở đúng nơi đúng chỗ hơn bất cứ điều gì khác,” ông Nadimi viết, lưu ý rằng vấn đề hiện nay “chính là cần hiện diện bao nhiêu để thực hiện đến cùng một cách hiện quả ba nhiệm vụ này?”
Hiện tại, có thể có hoặc không việc Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đang có mặt trên các tàu ở Eo biển Hormuz, hơn nữa, sự hiện diện của họ với vai trò răn đe đi kèm với rủi ro.
“Đó là một khu vực tiềm ẩn nhiều tính toán sai lầm,” Phó đô đốc đã về hưu Mark Fox, cựu phó chỉ huy CentCom, cho biết trong hội thảo trực tuyến ngày 25/07 của Viện An ninh Quốc gia Do Thái của Mỹ.
Cũng trong cuộc thảo luận này, Trung tướng Thủy quân lục chiến đã về hưu Dave Beydler cho biết có một điều chắc chắn rằng, sẽ không có lực lượng xâm nhập nào chiếm giữ một con tàu ở Eo biển Hormuz — và không có việc như vậy trong một tháng — nếu họ tin rằng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ có mặt trên tàu.
Ông nói: “Quý vị sẽ không lên một tàu thương mại có các binh sĩ Thủy quân lục chiến trên tàu,” đồng thời lưu ý rằng Thủy quân lục chiến có súng máy, drone phản công, và khả năng phản công trên không “trong khi tiếp xúc trực tiếp với các tàu mặt nước và phi cơ phản lực đang đi cùng nhau từ các nhóm chiến đấu phi cơ trong chiến khu.”
Nhưng liệu họ có thực sự kích động một cuộc tấn công hay vô tình mở rộng các quy tắc giao chiến của Hải quân với sự hiện diện của Thủy quân lục chiến, những người có hoặc không đương đầu với người Iran trong các đoàn tàu tốc hành đang lượn vòng sử dụng vũ khí tự động cỡ nòng lớn và súng phản lực ngay lúc này?
“Nhiệm vụ đó đưa đến kết quả mà đôi khi rất khó xác định là đạt được khả năng răn đe,” ông Beydler nói. “Làm sao quý vị biết rằng quý vị đang thành công trong việc ngăn chặn các sự kiện lớn, sự kiện nhỏ, v.v.?”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times