Mối bang giao giữa Nga và Armenia đang xuống mức thấp nhất khi Yerevan xem xét lại liên minh với Moscow
Lãnh đạo Armenia đặt câu hỏi về mối bang giao với Nga sau cuộc tấn công thành công của Azerbaijan vào khu vực Karabakh.
Thủ tướng Armenia đã đổ lỗi cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga không ngăn chặn được cuộc tấn công của Azerbaijan — quốc gia lâu nay vẫn luôn đối địch với Armenia — tại khu vực điểm nóng Karabakh. Moscow cho rằng lời nhận xét của Thủ tướng Armenia là “không thể chấp nhận được.”
Kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, khu vực miền núi Karabakh vẫn là nơi bị Azerbaijan và Armenia tranh chấp gay gắt.
Sau khi nắm toàn quyền kiểm soát Karabakh, Azerbaijan hiện đang kêu gọi các nhóm ly khai trong khu vực hạ vũ khí theo các điều khoản của lệnh ngừng bắn.
Hồi năm 2020, Armenia và Azerbaijan đã xảy ra cuộc chiến kéo dài sáu tuần để giành Karabakh. Cuộc xung đột kết thúc bằng lệnh ngừng bắn do Moscow làm trung gian, giúp Azerbaijan nắm quyền kiểm soát khu vực này.
Kể từ đó, lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga vẫn được khai triển dọc biên giới của Armenia và Azerbaijan, nơi bạo lực tiếp tục bùng phát từng đợt.
Thủ tướng Armenia đặt vấn đề về Liên minh
Hôm 24/09, ông Pashinyan cảnh báo rằng cuộc tấn công mới đây của Azerbaijan có thể sẽ dẫn đến làn sóng người dân tộc Armenia từ Karabakh ồ ạt tiến vào Armenia.
Ông nói trong một bài phỏng vấn trên truyền hình: “Nếu không có sự bảo vệ hiệu quả trước việc [Azerbaijan] thanh lọc sắc tộc… thì người Armenia ở Nagorno-Karabakh sẽ xem việc lưu vong khỏi quê hương là cách duy nhất để cứu lấy mạng sống và bảo vệ danh tính của họ.”
Ông Pashinyan đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng nhân đạo tiềm ẩn đối với Azerbaijan và lực lượng gìn giữ hòa bình Nga được khai triển trong khu vực, điều làm cho phía Moscow khó chịu.
Ông khẳng định thêm rằng quan hệ đối tác chiến lược của Armenia với Nga “không đủ để bảo đảm an ninh bên ngoài của Armenia.”
Từ năm 1991, Armenia là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), một liên minh quân sự gồm sáu quốc gia do Moscow lãnh đạo.
Tuy rằng Azerbaijan không phải là thành viên CSTO nhưng quốc gia này có mối bang giao bền chặt với Nga.
Trong nhiều năm, Moscow đã tìm cách giải quyết tranh chấp ở Karabakh với hy vọng loại bỏ nguồn gốc bất ổn thường xuyên ở khu vực phía nam của dãy Caucasus, sân sau lâu đời của quốc gia này.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Pashinyan đặt câu hỏi về giá trị của liên minh giữa Armenia với Nga.
Sau cuộc xung đột biên giới đẫm máu hồi đầu tháng này (09/2023), ông cáo buộc Moscow đã không bảo đảm an ninh cho Armenia trước “cuộc xâm lược” của Azerbaijan.
Ngay sau cuộc tấn công của Azerbaijan, ông Armen Grigoryan, người đứng đầu hội đồng an ninh Armenia, đã cáo buộc quân đội mà Nga được khai triển trong khu vực này đã không hoàn thành nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của họ.
Tuy nhiên, Moscow bác bỏ khẳng định này, lưu ý rằng phía Baku đã giới hạn cuộc tấn công quân sự của mình ở khu vực được quốc tế công nhận là lãnh thổ của Azerbaijan.
‘Những cuộc chơi địa chính trị’
Những tuần gần đây đã chứng kiến sự xích mích ngày càng gia tăng giữa Moscow và Yerevan — và có thể thấy Yerevan nghiêng về phía các đối thủ phương Tây của Nga.
Vào giữa tháng Chín, Armenia đã khiến Moscow tức giận khi làm chủ nhà và đóng góp lực lượng trong cuộc tập trận chung với quân đội Hoa Kỳ trong 10 ngày.
Hơn nữa, Armenia gần đây đã bắt đầu quá trình phê chuẩn Quy chế Rome, qua đó xác nhận tính hợp pháp của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).
Trước đó trong năm nay, ICC đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin vì cho rằng ông đã phạm các tội ác chiến tranh — một cáo buộc đã bị Moscow bác bỏ.
Đáng chú ý, bà Yuri Kim, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ lâm thời phụ trách các vấn đề Âu Châu và Á-Âu, đã đi cùng bà Samantha Power, người đứng đầu Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, trong chuyến đi gần đây tới Yerevan.
Tại phiên điều trần hôm 14/09 trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, bà Kim nói rằng “còn quá sớm để nói” liệu Armenia có đang hướng về quỹ đạo của Tây phương hay không.