Những công dân Mỹ mới nhất đón mừng tư cách công dân vào Ngày Độc Lập
Hai mươi người nhập cư từ 17 quốc gia đọc lời tuyên thệ trung thành ở miền Trung Florida tại một trong hàng trăm lễ nhập tịch vào ngày 04/07 trên khắp đất nước.
APOPKA, Florida—Vận động viên nhảy dù chuyên nghiệp Igor Tolstov đã nhảy từ phi cơ triển lãm hàng không trong hơn 40 năm trong sự cổ vũ của đám đông, nhưng bước chuyển biến niềm tin lớn nhất của ông là cú rơi tự do một mình từ Nga vào năm 2017.
Ông nói với The Epoch Times: “Mỹ hiện là quốc gia của tôi, đất nước của tôi.”
Ông Tolstov, 57 tuổi, ở Deland, Florida, là một trong 20 công dân mới của Mỹ đến từ 17 quốc gia đã giơ tay phải và đọc lời tuyên thệ công dân trong buổi lễ nhập tịch hôm 04/07 tại Trung tâm Cộng đồng Hy vọng ở Apopka, gần Orlando, Florida.
Là người gốc Barnaul, Nga, ông Tolstov chơi nhảy dù từ năm 14 tuổi, trở thành vận động viên chuyên nghiệp từ năm 16 tuổi. Con cháu của ông vẫn còn ở lại vùng Tây Siberia. Ông không biết khi nào—hoặc liệu—mình có gặp lại họ hay không.
“Hôm nay là một ngày trọng đại,” ông nói trước khi buổi lễ bắt đầu, không biết phải diễn tả cảm xúc của mình như thế nào.
“Tôi không biết. Cảm giác cũng giống như khi quý vị rơi tự do,” ông Tolstov nói, tính toán rằng ông đã dành 160 giờ trong cuộc đời mình lao thẳng xuống Trái Đất mà không có gì ngoài chiếc dù nylon trên lưng.
Lần nhảy dù tiếp theo, ông sẽ làm như vậy với tư cách là một công dân của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. “Giờ đây là,” ông mỉm cười, “một cú hạ cánh nhẹ nhàng.”
Buổi lễ kéo dài 45 phút này là một trong 196 buổi lễ — từ Căn cứ Không quân Misawa, Nhật Bản, đến Mesa, Arizona, đến Des Moines, Iowa, đến Sturbridge, Massachusetts — diễn ra từ hôm 28/06 đến 05/07 khi 11,000 người trở thành công dân mới, theo Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS).
“Còn gì có tính biểu tượng hơn là việc chào đón 20 công dân mới vào Ngày Độc Lập?” Giám đốc Văn phòng USCIS ở Orlando Michael McCleary nói, tay cầm một tập hồ sơ có giấy chứng nhận công dân.
Một số người muốn nhìn thấy tờ giấy chứng nhận, chỉ để chắc chắn rằng tờ chứng nhận [của mình] có ở đó.
Giáo sư trường luật đã về hưu Robert McIntosh, một giáo viên tình nguyện về quyền công dân tại Trung tâm Cộng đồng Hy vọng, đã nhắc đến triết gia Aristotle và cố Tổng thống Thomas Jefferson trong bài diễn thuyết của ông trước mặt 20 người nhập tịch và khoảng 40 bạn bè và gia đình trong lớp học tiểu học.
Nhưng đó là một câu trích dẫn của cố Thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ Louis Brandeis, người phục vụ từ năm 1916 đến năm 1939, mà ông đã yêu cầu các công dân mới suy ngẫm.
Ông nói: “Chức vụ chính trị quan trọng nhất chính là vị trí của một công dân.”
Thẩm phán Leslie Hoffman Price của Tòa Địa hạt miền Trung Florida, trước khi thực hiện [nghi lễ đọc] lời tuyên thệ dài 140 từ, đã lưu ý rằng những công dân mới của Mỹ đến “từ nhiều vùng đất khác nhau, nhiều nền văn hóa khác nhau, nhưng quý vị có chung một điều—niềm khát khao, lòng kiên trì để trở thành một người Mỹ, trở thành công dân của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.”
Bà nói, các thế hệ người nhập cư đã xây dựng đất nước, duy trì hình thức chính phủ đại diện, làm nên nước Mỹ như hiện tại — và tương lai của đất nước.
“Bây giờ là đến lượt quý vị,” Thẩm phán Hoffman Price nói.
Giấc mơ đã trở thành hiện thực
Anh Roshin Roy, một sinh viên khoa học máy điện toán 25 tuổi tại trường Đại học Central Florida, đã sẵn sàng cho bước ngoặt đó, cơ hội đó với “một cơ hội mới ở một vùng đất mới.”
Anh Roy và gia đình mình—chị gái anh cũng thuộc trong số những công dân mới—đã từ Kerala, Ấn Độ, đến cách đây 5 năm.
“Đây là một thời khắc quan trọng đối với tôi. Tôi đã luôn mơ ước trở thành một công dân,” anh nói với The Epoch Times, đồng thời lưu ý rằng điều đầu tiên anh sẽ làm với tư cách là một công dân mới là ăn mừng cùng gia đình rồi quay lại việc học để hoàn thành chương trình học của mình trong năm nay.
Đất nước mới của anh cần các nhà khoa học máy điện toán. Anh Roy chia sẻ: “Tôi muốn trở thành một phần của đất nước này.”
Cô Maya Green, 29 tuổi đến từ Changrai, Thái Lan, đã sinh sống ở Hoa Kỳ được 5 năm. Cô là một y tá đã được cấp giấy phép hành nghề và đang làm việc tại một bệnh viện ở khu vực Orlando.
Mọi thứ thật không dễ dàng khi cô mới đến Orlando, và phải chờ chín tháng để có thẻ xanh cho phép cô làm việc trong một chuyến hành trình dài đưa cô đến Chicago, Texas, Miami, và quay lại Orlando sau khi gặp người chồng đã kết hôn được bốn năm của cô, anh Austin Green.
Trong chuyến hành trình đó, cô Green không chỉ tìm được sự nghiệp—cũng trong lĩnh vực mà đất nước cô cần—và một đất nước, mà còn tìm được một gia đình. Có nhiều người cũng ở đó. Cô có nhiều người bên cạnh mình.
Chị dâu của cô, Kali Tripp, đến từ San Antonio, Texas, mang cho cô một chiếc váy trong sắc đỏ, trắng, và xanh để mặc tại buổi lễ.
Trước buổi lễ, cô Green nói rằng — thực ra cô đã nói với gia đình mình bằng những ngôn từ rõ ràng của người Mỹ — họ sẽ làm gì để ăn mừng lần đầu tiên cô trở thành công dân của nước cộng hòa này.
“Chúng ta sẽ đi ăn thôi. Tôi vui mừng quá đến nỗi không nuốt nổi,” cô nói.
Trên thực tế, điều đầu tiên cô Green làm — giống như những công dân mới cùng với cô — là ghi danh bầu cử trước khi rời tiền sảnh.
Cô Annalee Brown, 30 tuổi, nhân viên chăm sóc và trợ lý y tế người gốc Jamaica, đang lo lắng cho gia đình và bạn bè trên hòn đảo quê hương cô sau khi nơi này bị cơn bão Beryl tàn phá một ngày trước đó.
Trong lúc ngồi tại chỗ của mình để chờ buổi lễ bắt đầu, cô đang tận hưởng mọi thứ xung quanh, nói chuyện với người phụ nữ đến từ Lithuania ngay bên cạnh, hay với người đàn ông đến từ Nam Hàn trước mặt cô.
Cô Brown đã ở Mỹ được 11 năm. Cô nói, việc trở thành một công dân “có ý nghĩa rất lớn đối với tôi,” đồng thời thừa nhận rằng cô “có chút” hồi hộp.
Khi được hỏi cô sẽ làm gì khi bước ra khỏi cửa với tư cách là một công dân, cô ngừng lại rồi nói, “Tôi phải suy nghĩ về điều đó.” Sau đó cô nhanh chóng nói thêm, “Ăn mừng.”
‘Di sản của tôi… Tương lai của tôi’
Ông Doron Tordjman đã ở Hoa Kỳ được 43 năm. Xuất thân từ Israel, ông là lập trình viên của Disney, sống ở Nam California trong nhiều thập niên trước khi được chuyển đến Disney World ở miền Trung Florida cách đây hai năm.
Kinh nghiệm mua nhà và tìm cách mua một khẩu súng đã khiến ông nhận ra rằng, “Bây giờ đã đến lúc trở thành một công dân. Tôi chỉ muốn trở thành công dân chính thức.”
Ông và người vợ đã kết hôn được 14 năm của mình, bà Victoria, một người gốc Las Vegas, biết chính xác điều đầu tiên mà ông sẽ làm với tư cách là một người Mỹ “chính thức” sẽ là gì.
“Chúng tôi sẽ thưởng thức một chiếc burger,” ông nói.
Anh Mathias Cuello, 35 tuổi, và vợ, cô Jackeline, đang quây quần cùng những đứa con đang tuổi mẫu giáo của họ trước khi rời khỏi trung tâm.
Anh hiện là một kỹ thuật viên điện tử hàng không. Anh đã cùng gia đình chuyển từ Argentina đến Hoa Kỳ khi mới 10 tuổi. Với tư cách là một công dân, anh nói, “Bây giờ tôi hy vọng có thể có được một công việc tại FAA,” tức là Cục Hàng không Liên bang.
Nhưng không chỉ vậy, anh Cuello còn nói rằng, “Tôi đã là người Mỹ 98% nhưng cần phải là 100%.”
Đám đông lần lượt rời khỏi trung tâm để đi vào bãi đậu xe, túm tụm dưới bóng râm của những cây sồi phủ đầy rêu để tránh cái nắng oi bức. Những chú bướm bay lượn quanh bụi cây Pentas đang nở đầy hoa oải hương.
Ngọc Mai biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times