TT Biden gặp thủ tướng Thụy Điển tại Tòa Bạch Ốc để ủng hộ nỗ lực gia nhập NATO của nước này
HOA THỊNH ĐỐN — Hôm 05/07, Tổng thống Joe Biden đã chào đón Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đến Tòa Bạch Ốc để bày tỏ sự ủng hộ đơn ghi danh gia nhập NATO của quốc gia Bắc Âu này, trước hội nghị thượng đỉnh lịch sử của liên minh quân sự NATO sẽ diễn ra vào tuần tới (10-16/06).
Thụy Điển đã bày tỏ mong muốn mạnh mẽ được gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), viện dẫn những lo ngại về an ninh gia tăng sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine hồi năm ngoái (2022). Tuy nhiên, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ là những bên phản đối chính đối với đơn ghi danh của Stockholm.
Trong cuộc gặp song phương, tổng thống gọi Thụy Điển là một “người bạn và đối tác quý giá” và cho biết việc nước này gia nhập liên minh quân sự NATO là “rất quan trọng.”
Đây là cuộc gặp song phương đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo tại Tòa Bạch Ốc kể từ khi ông Biden nhậm chức.
Cả hai nhà lãnh đạo đều sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới tại thủ đô Vilnius của Lithuania vào tuần tới. Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào ngày 11 và 12 tháng Bảy này sẽ quy tụ các nguyên thủ quốc gia, quan chức quân sự, và nhà ngoại giao từ 31 quốc gia thành viên của liên minh.
Ông Kristersson cảm ơn ông Biden về lời mời tới Hoa Thịnh Đốn trước thềm hội nghị thượng đỉnh và lưu ý rằng Thụy Điển “đánh giá cao” sự ủng hộ của ông đối với việc gia nhập NATO.
Hội nghị thượng đỉnh tại Vilnius năm nay diễn ra vào một thời điểm quan trọng, với một số người gọi đây là cuộc họp quan trọng nhất kể từ thời Chiến Tranh Lạnh hoặc có lẽ là kể từ ngày thành lập NATO vào năm 1949. Các quốc gia thành viên dự kiến sẽ thảo luận về những thách thức an ninh toàn cầu quan trọng, trong bối cảnh các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc gia tăng.
Tại sao Thụy Điển đối mặt với sự phản đối?
Các quyết định của NATO được đưa ra thông qua một thủ tục dựa trên sự đồng thuận của tất cả các quốc gia thành viên.
Nghị viện Hungary gần đây đã quyết định hoãn việc phê chuẩn đơn ghi danh gia nhập của Thụy Điển cho đến phiên họp lập pháp mùa thu. Chính phủ Thủ tướng Viktor Orbán cáo buộc các chính trị gia Thụy Điển nói “những lời dối trá trắng trợn” về tình trạng nền dân chủ của Hungary.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang trì hoãn chấp thuận yêu cầu của Thụy Điển, với lý do quốc gia Bắc Âu này không giải quyết được những lo ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng Stockholm không nên mong đợi sớm gia nhập liên minh.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc Thụy Điển quá dễ dãi với một số nhóm nhất định, bao gồm các nhóm chiến binh người Kurd và những người có liên quan đến âm mưu đảo chính hồi năm 2016.
Các cuộc biểu tình đốt kinh Koran gần đây tại Thụy Điển cũng khiến Thổ Nhĩ Kỳ nổi cơn thịnh nộ. Các nhà lãnh đạo của Thụy Điển đã lên án hành động này, nhưng những cuộc biểu tình như vậy là hợp pháp theo luật tự do ngôn luận của đất nước.
“Về mặt đánh giá chiến lược và an ninh, việc Thụy Điển trở thành thành viên NATO sẽ là gánh nặng hay lợi ích hiện đang là chủ đề gây tranh cãi hơn bao giờ hết,” Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho biết trong một cuộc họp báo hôm 04/07.
Các nhà ngoại giao hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển dự kiến sẽ gặp nhau tại trụ sở của NATO ở Brussels vào ngày 06/07 để cố gắng giải quyết những khác biệt.
Thời điểm trọng đại
Việc Thụy Điển gia nhập NATO sẽ là một thời điểm quan trọng đối với quốc gia này, vốn đã tránh tham gia vào các liên minh quân sự trong hơn 200 năm.
Tháng trước (06/2023), Thủ tướng Kristersson đã bày tỏ mong muốn gia nhập NATO trước hoặc trong hội nghị thượng đỉnh tháng Bảy ở Vilnius.
Cả Thụy Điển lẫn Phần Lan đều phản đối việc gia nhập liên minh này trong nhiều thập niên, lựa chọn trung lập và không kết đồng minh. Tuy nhiên, sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine hồi năm ngoái, cả hai quốc gia đã từ bỏ những lập trường lâu năm đó và chính thức nộp đơn xin làm thành viên của NATO.
Sau nhiều tháng trì hoãn, nghị viện Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng thuận xác nhận tư cách thành viên của Phần Lan hôm 30/03, cho phép Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự này hồi tháng Tư.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn của Mỹ, mặc dù các quy định kinh tế và ngoại giao của Liên minh Âu Châu (EU) có thể được sử dụng để buộc Hungary rút lại sự phản đối của mình đối với tư cách thành viên của Thụy Điển, nhưng mối lo ngại lớn hơn lại là Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một cuộc họp báo về hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới ở Vilnius, ông Max Bergmann, giám đốc Chương trình Châu Âu, Nga, và Á-Âu tại CSIS, cho biết: “Tôi nghĩ đó sẽ là một thất bại thực sự đối với liên minh này nếu không thể giúp Thụy Điển hoàn thành việc gia nhập, và đó là một thất bại bởi vì điều này đang bị cản trở bởi một thành viên, Thổ Nhĩ Kỳ.”
“Và cho đến nay, liên minh này đã rất thân thiện với Thổ Nhĩ Kỳ.”
“Nhưng quý vị biết đấy, giờ đây khi mà thực sự cần phải có hành động, thì việc này thực sự đặt ra câu hỏi rằng liệu đây có phải là một liên minh mà Thổ Nhĩ Kỳ thuộc về hay không.”
Ngoài Thụy Điển, ba quốc gia khác — Bosnia và Herzegovina, Georgia, và Ukraine — đều đã bày tỏ nguyện vọng muốn gia nhập NATO.
Hồi năm ngoái, Kiyv đã chính thức nộp đơn ghi danh gia nhập liên minh, tuy nhiên, họ không có khả năng gia nhập cho đến khi chiến tranh ở Ukraine kết thúc. Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương thiết lập nguyên tắc phòng thủ tập thể, có nghĩa là bất kỳ cuộc tấn công nào vào một thành viên NATO “sẽ được xem như một cuộc tấn công chống lại toàn khối.”
Trong cuộc họp báo, ông Sean Monaghan, một học giả được mời đến trong Chương trình Châu Âu, Nga, và Á-Âu tại CSIS, cho biết: “Về căn bản, tư cách thành viên của Ukraine sẽ tương đương với một lời tuyên chiến với Nga. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng điều đó có thể xảy ra.”
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times