Phát ngôn viên Houthi từng được Bắc Kinh đào tạo và tốt nghiệp ở học viện quân sự Trung Quốc
Phát ngôn viên của phiến quân Houthi, Chuẩn tướng Yahya Sarie, đã tốt nghiệp từ Học viện Lục quân Thạch Gia Trang của Trung Quốc. Theo một chuyên gia đến từ Đài Loan, đây không phải là một điều gì đó mới lạ. ‘Kiểu trao đổi quân sự này là một phần trong chính sách ngoại giao chung của ĐCSTQ.’
Chuẩn tướng Yahya Saree, hay còn được gọi là Ye Haiya (葉海亞, Diệp Hải Á) trong tiếng Trung, là phát ngôn viên của phiến quân Houthi — một lực lượng bị Hoa Kỳ xác định là tổ chức khủng bố. Gần đây, lực lượng này đã tiến hành các cuộc tấn công sử dụng trang thiết bị hiện đại cao cấp nhắm vào các tàu thương mại và tàu thuyền khác đi qua Hồng Hải.
Điều này đặt ra một câu hỏi mà câu trả lời lại dẫn đến Trung Quốc. Hôm 21/01, cổng thông tin Internet Trung Quốc NetEase* đã đăng tải rằng Chuẩn tướng Yahya “từng học ở Trung Quốc, biết tiếng Trung, và tốt nghiệp Học viện Lục quân Thạch Gia Trang.”
Trên Weibo, một số người khác bổ sung thêm thông tin rằng ông Yahya từng đi du học ở ngoại quốc — trong số các ngành học có cả công nghệ quân sự cao cấp — sở hữu tài năng về văn chương và võ thuật, cũng như có một ngoại hình ưa nhìn. Ông được khen ngợi vì có sự quan tâm lớn đối với văn hóa Trung Quốc.
Đối với ông Tô Tử Vân (Su Ziyun), giám đốc Viện Nghiên cứu Công nghiệp và Tài nguyên Quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia Đài Loan, việc này không phải là một điều gì đó mới lạ. Ông nêu lên thực tế rằng có nhiều học viện quân sự trên lãnh thổ Trung Quốc đã đào tạo nhiều sinh viên, binh sĩ, hoặc nhà ngoại giao ngoại quốc. Các thành viên của các nhóm như Hamas từng theo học tại Trung Quốc.
Ông cho biết thêm: “Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cung cấp đào tạo quân sự hoặc nhân sự cho các tổ chức phi chính phủ quốc tế hoặc lực lượng vũ trang ở châu Phi và Trung Đông, đồng thời đã có những trao đổi quân sự với Nga. Kiểu trao đổi quân sự này là một phần trong chính sách ngoại giao chung của ĐCSTQ.”
Học viện Lục quân Thạch Gia Trang của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) nằm ở Thạch Gia Trang, thủ phủ của tỉnh Hà Bắc giáp với Bắc Kinh. Đây là một học viện quân sự hiện đại có uy tín được thành lập vào năm 1937. Học viện cung cấp nhiều chương trình đào tạo quân sự, bao gồm huấn luyện chiến thuật, các khóa học lãnh đạo, đào tạo kỹ thuật và các chương trình chuyên ngành. Các trường đại học khác cung cấp đào tạo quân sự cho người ngoại quốc bao gồm Đại học Quân y số 4 (Tây An, tỉnh Thiểm Tây), Đại học Công nghệ Quốc phòng (khuôn viên chính tọa lạc tại Trường Sa, tỉnh Hồ Nam), và Học viện Radar Không lực Quân Giải phóng Nhân dân (Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc).
Quảng bá cho ‘xuất cảng chủ nghĩa cộng sản bằng bạo lực’
Ông Ông Minh Hiền (Weng Mingxian), giáo sư kiêm giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Đạm Giang, cũng cho biết nhiều học viện quân sự ở Trung Quốc đại lục đã đào tạo cho các sinh viên, binh sĩ, hoặc nhà ngoại giao ngoại quốc.
ĐCSTQ trợ giúp các lực lượng thân cộng sản ở khắp nơi trên thế giới. Lý do của họ là: Có khả năng “một ngày nào đó, một lực lượng thân cộng sản có thể lên nắm quyền, và điều đó sẽ có lợi cho họ.”
Do đó, các đơn vị liên quan ở Hoa lục, tức là các đơn vị của chính quyền Trung Quốc, “cho dù là các học viện quân sự thuộc Bộ Quốc phòng hay chính bản thân Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, hay Mặt trận Thống nhất, đều sẽ thực hiện mọi công việc liên quan như tuyển dụng ở hải ngoại, làm công tác tuyên truyền, v.v.”
Chuyên gia Ông Minh Hiền nói rằng từ khi ĐCSTQ được thành lập vào năm 1921 và lập ra Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) vào năm 1927, họ đã khẳng định rằng họ muốn đoàn kết các dân tộc bị áp bức trong thế giới thứ ba trên khắp thế giới trong một cuộc kháng chiến chung — “vì vậy, họ không tiếc công sức để tuyên truyền về bạo lực cách mạng và xuất cảng chủ nghĩa cộng sản bằng bạo lực.”
Tương tự, Iran cũng đang xuất cảng chiến tranh, dựa vào các nhóm người Shiite ở Afghanistan, Iraq, Syria, và Lebanon — gọi là “Trục kháng chiến.” Cánh vũ trang của họ là Lực lượng Quds, đơn vị tinh nhuệ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran dành cho các chiến dịch ở hải ngoại.
‘Binh pháp Tôn Tử’ được thực hiện ở Trung Đông
Ông Tô Tử Vân cho biết: “Thủ lĩnh của tổ chức Yemen đã cố tình tấn công các tàu thương mại và tàu du lịch ở khu vực Hồng Hải, vây Ngụy cứu Triệu như trong ‘Binh pháp Tôn Tử.’ Điều này tương đương với việc trợ giúp cho Hamas bằng cách gây áp lực lên phương Tây khi làm gián đoạn các hoạt động vận chuyển.”
Theo ông Tô Tử Vân, Chuẩn tướng Yahya đã học binh pháp ở Trung Quốc — bao gồm cả tác phẩm của Tôn Tử. Nhưng có lẽ ông đã không đọc kỹ “Binh pháp Tôn Tử” và cách ông tiến hành các cuộc tấn công của Houthi vào giao thông đường biển không thực sự cho thấy sự tính toán kỹ lưỡng.
Bởi vì “nếu xuất cảng dầu thô của các nước Ả Rập bị ảnh hưởng, thì nền kinh tế của họ sẽ bị ảnh hưởng theo và điều này cũng sẽ gây tổn hại cho Yemen và Hamas.”
Ông Yahya được bổ nhiệm làm người đứng đầu bộ phận tâm lý chiến và lãnh đạo đạo đức của Lực lượng Vũ trang Yemen (YAF) vào năm 2017, đồng thời trở thành đại tá vào cùng năm. Năm 2018, ông được thăng cấp lên chuẩn tướng và trở thành phát ngôn viên của phiến quân Houthi.
Trung Quốc đang hứng chịu các cuộc tấn công của Houthi?
Lập trường của Bắc Kinh về cuộc chiến giữa Israel và Hamas là mơ hồ; Trung Quốc không lên án vụ tấn công hồi tháng 10/2023. Phiến quân Houthi đã tấn công tàu thuyền ở Hồng Hải kể từ khi cuộc chiến giữa Israel và lực lượng Hồi Giáo cực đoan Hamas khai màn. Lực lượng dân quân Shiite này tự xem mình là một phần của “Trục kháng chiến” chống lại Israel, vốn bao gồm cả Hamas và lực lượng dân quân thân Iran Hezbollah ở Lebanon.
Đồng thời, một đại diện hàng đầu của phiến quân Houthi cam kết bảo đảm an toàn cho việc đi lại an toàn của các tàu Nga và Trung Quốc. Một số chủ tàu quan tâm đến cam kết này đã quyết định tạm thời treo cờ Trung Quốc lên để đi qua khu vực này.
Tuy nhiên hôm 19/01, Bắc Kinh đã kêu gọi phiến quân Houthi dừng tấn công vào tàu thương mại ở Hồng Hải: “Chúng tôi đề nghị dừng các mối đe dọa đối với tàu thương mại để duy trì sự hanh thông của chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu cũng như trật tự thương mại quốc tế,” theo như tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning).
Bộ Công thương ở Bắc Kinh cũng kêu gọi khôi phục an ninh tại Hồng Hải. “Ưu tiên hàng đầu là kết thúc chiến tranh ở Dải Gaza càng sớm càng tốt, để ngăn chặn xung đột mở rộng hoặc thậm chí mất kiểm soát,” bà Mao bổ sung.
Iran cần kiểm soát Houthi
Điều gì ẩn sau những phát ngôn này? Các chuyến hàng chở dầu của Bắc Kinh phụ thuộc 65% vào đường biển. Ông Tô Tử Vân tin rằng các cuộc tấn công vào tàu ở Hồng Hải cũng sẽ ảnh hưởng đến việc di chuyển của tàu chở dầu, tàu container, và giao thông trở về từ Trung Đông.
Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang rơi vào vòng xoáy đi xuống và cuộc xung đột ở Hồng Hải sẽ khiến tình hình thêm nghiêm trọng. Vì vậy, con đường này của ĐCSTQ thực chất là không bền vững. Ông Tô Tử Vân nhận xét thêm:
“Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn Iran kiểm soát phiến quân Houthi, tức là họ muốn Iran ngừng cung cấp phi đạn chống hạm cho lực lượng Houthi — bởi vì điều cũng đang xảy ra là, bản thân Bắc Kinh đã phải chịu thiệt hại nặng nề.”