Trung Quốc tiếp đón Hamas, Fatah trong bối cảnh các cuộc đàm phán về thả con tin tiến triển chậm chạp
Theo một quan chức Trung Quốc, cuộc gặp này nhằm mục đích ‘thúc đẩy sự đoàn kết nội bộ của người Palestine, cũng như đạt được thỏa thuận trong các cuộc đối thoại sau này.’
Nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đang cố gắng trở thành cầu nối cho một kỷ nguyên hợp tác mới giữa các phe phái đối địch của Palestine khi các cuộc đàm phán về con tin với Hamas không thành công. Sự việc này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang cố gắng tăng cường ảnh hưởng của mình ở Trung Đông để gây bất lợi cho Hoa Kỳ.
Hôm 30/04, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Fatah và nhóm khủng bố Hamas đã bày tỏ rằng họ sẵn sàng tìm kiếm sự hòa giải thông qua đối thoại tại các cuộc đàm phán mang tính gắn kết tại Bắc Kinh.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm (Lin Jian) tuyên bố trong cuộc họp báo hôm 30/04 rằng hai bên đã đến Bắc Kinh hồi đầu tuần và tổ chức một “cuộc đối thoại sâu sắc và thẳng thắn.”
Ông cho biết thêm, cả hai phía đã đồng ý nỗ lực hơn nữa để “thúc đẩy sự đoàn kết nội bộ của người Palestine, cũng như đạt được thỏa thuận trong các cuộc đối thoại sau này.”
Hamas được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công nhận là cơ quan chính phủ hợp pháp ở Dải Gaza, bất chấp việc nhóm này bị các quốc gia phương Tây, bao gồm cả Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu, chỉ định là một tổ chức khủng bố.
Trong khi đó, Fatah là phe lớn nhất của Tổ chức Giải phóng Palestine, được nhiều quốc gia công nhận là đại diện hợp pháp duy nhất của người dân Palestine.
Tuy nhiên hiện tại, Fatah chỉ kiểm soát phần lớn lãnh thổ Palestine ở Tây Ngạn, sau khi bị đẩy ra khỏi Gaza trong cuộc chiến ngắn với Hamas vào năm 2006 và 2007.
Hai phe này không còn xung đột công khai với nhau nhưng vẫn chưa thể hòa giải được các tranh chấp chính trị hoặc đoàn kết để ủng hộ cho một cơ quan quản lý duy nhất dành cho người dân Palestine.
Những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm đóng vai trò hòa giải giữa các tổ chức này đã diễn ra vào thời điểm Bắc Kinh đang cố gắng khẳng định mình là một giải pháp thay thế cho Hoa Kỳ. Nhà cầm quyền này tự cho mình là cầu nối ngoại giao quốc tế với các quốc gia Trung Đông, khu vực mà Hoa Kỳ đã bị mất đi sức ảnh hưởng kể từ khi rút khỏi Afghanistan vào năm 2021.
Năm ngoái, tương tự như sự kiện lần này, Bắc Kinh đã chủ trì các cuộc đàm phán giữa Saudi Arabia và Iran, nhưng được giới truyền thông chú ý nhiều hơn. Hai quốc gia này sau đó đã đồng ý khôi phục mối bang giao, và ngay sau đó Tổng thống (TT) Hoa Kỳ Joe Biden đã đồng ý gặp gỡ lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình.
ĐCSTQ từ lâu đã xây dựng liên minh với các tổ chức khủng bố và nổi dậy ở Trung Đông như một phần trong các hoạt động gây ảnh hưởng toàn cầu của mình.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết vào thời điểm đó rằng: “Trung Quốc không giấu giếm sự thật rằng họ muốn mở rộng ảnh hưởng của mình trên toàn thế giới, cho dù đó là ở châu Phi, Mỹ Latinh, hay Trung Đông.”
“Tôi sẽ không vội vàng suy đoán rằng có một loại chiến lược lớn nào đó đằng sau.”
Tuy nhiên hiện tại, chính phủ TT Biden đang áp dụng một lập trường xoa dịu hơn trước các đề xướng của Bắc Kinh, bởi vì Hoa Kỳ cũng đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục Hamas tham gia đàm phán về con tin với Israel cũng như thúc giục Israel áp dụng một chiến lược nhẹ nhàng hơn trong cuộc chiến ở Gaza, nơi mà chính quyền do Hamas kiểm soát đã báo cáo số dân thường thiệt mạng cao.
Chia sẻ với các phóng viên trong cuộc họp báo qua điện thoại hôm 30/04, ông Kirby nói rằng mặc dù ông không có thông tin cụ thể về cuộc gặp gỡ này, nhưng ông hoan nghênh việc nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng nếu có thể để ổn định các mối quan hệ ở Trung Đông, đặc biệt là quan hệ với Iran — quốc gia hậu thuẫn chính của Hamas.
“Trung Quốc nói rằng họ muốn có ảnh hưởng trong khu vực này,” ông Kirby nói. “Trung Quốc nói rằng họ muốn xung đột chấm dứt. Và nếu [họ] nghiêm túc với những nỗ lực đó thì chắc chắn chúng tôi sẽ cởi mở với việc này.”
“Chắc chắn, nếu Trung Quốc muốn gây ảnh hưởng hoặc sử dụng ảnh hưởng mà có thể dẫn đến an ninh và ổn định trong khu vực như họ đã từng làm, chẳng hạn như chúng tôi biết họ từng liên lạc với Tehran còn chúng tôi thì không. Thì tất cả mọi việc sẽ tốt đẹp hơn, và chắc chắn là chúng tôi sẽ hoan nghênh những nỗ lực đó.”
Ông Kirby cũng bày tỏ rằng Hoa Kỳ sẽ hoan nghênh mọi diễn biến tích cực trong cuộc đàm phán đang diễn ra về hơn 100 con tin bị bắt trong vụ tấn công Israel ngày 07/10/2023 của Hamas, ngay cả khi những diễn biến đó là nhờ Trung Quốc mà có được.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times