Vladimir Lenin và sự sụp đổ của nước Nga
Chuyến tàu làm rung chuyển thế giới
Khi mùa xuân năm 1917 kéo đến một châu Âu đang bị chia cắt bởi “cuộc Đại Chiến” (Đệ nhất Thế chiến), một chuyến tàu phóng nhanh xuyên qua những khu rừng tĩnh lặng của Thụy Điển, giống như một con rắn trong bóng đêm, trườn về phía con mồi. Điểm đến của nó: thành phố Petrograd. Mục đích của nó: tiêu diệt chính phủ Nga.
Vũ khí bí mật của Đức nhằm kết thúc chiến tranh không phải là điều mà người ta có thể tưởng tượng. Đó không phải là một quả bom nguyên tử. Bom nguyên tử sẽ không được phát triển trong một phần tư thế kỷ nữa. Đó cũng không phải là một loại vũ khí hóa học mới, giống như những loại vũ khí được sử dụng trong chiến tranh chiến hào khốc liệt ở Mặt trận phía Tây. Cũng chẳng phải là phi cơ chiến đấu mới hay oanh tạc cơ tầm xa.
Đó là một điều gì đó nguy hiểm hơn bất kỳ điều gì trên đây. Đó là một người đàn ông, một trí thức kiêm nhà cách mạng vũ trang tên là Vladimir Ilyich Ulyanov, được lịch sử biết đến với cái tên Vladimir Lenin.
Đưa Lenin đến Petrograd trên một chuyến tàu kín giống như tiêm chất độc vào trái tim của một nạn nhân vốn đã suy kiệt. Theo sử gia Ted Widmer, các nhà lãnh đạo Đức biết rằng kẻ cuồng tín không khoan nhượng, vô đạo đức này — kẻ phá hoại theo chủ nghĩa Marx đầy toan tính này — có khả năng lật đổ chính phủ lâm thời vốn đã bất ổn của nước Nga, được lập nên khi Sa hoàng Nicholas Đệ nhị bị lật đổ vào tháng 03/1917.
Nước Nga có thể đã bất ổn từ sau những thất bại liên tiếp của chiến tranh và băng hoại đạo đức sau đó — sự can thiệp bất chính vào chính phủ của kẻ hung ác Rasputin, suy thoái kinh tế dẫn đến bạo loạn lương thực, và cuối cùng là sự kiện Sa hoàng thoái vị — nhưng nước Nga vẫn chưa bị phá hủy. Chính là vì Lenin, người đến Petrograd vào ngày 16/04/1917, đã lên nắm quyền kiểm soát cuộc cách mạng đang diễn ra. Điều này đánh dấu sự khởi đầu quá trình tự hủy hoại của tất cả những gì nước Nga đã có. Sau đó, đất nước này được tái thiết thành nhà nước cộng sản chính thức đầu tiên mà thế giới từng được chứng kiến và trở nên tồi tệ hơn.
Về Lenin
Vào thời điểm trở về Nga, cuộc đời của Lenin đã trải qua nhiều biến cố. Ông sinh ra ở thành phố Simbirsk, nằm trên Sông Volga, là con thứ ba trong gia đình có sáu người con. Ông đã thể hiện khả năng học tập xuất sắc khi còn nhỏ, tốt nghiệp trung học với vị trí đứng đầu lớp. Năm 16 tuổi, ông trở thành người vô thần.
Ngoài việc hiến dâng cho chủ nghĩa vô thần, hai sự kiện khác từ thời còn trẻ dường như đã đẩy ông theo con đường cách mạng. Đầu tiên, cha ông, một thanh tra trường học, bị chính phủ đe dọa nghỉ hưu sớm, vì họ nghi ngại ảnh hưởng của trường công đối với xã hội Nga.
Thứ hai, anh trai của ông, Aleksandr, bị treo cổ vì tội âm mưu cùng những nhà cách mạng khác ám sát Sa hoàng Alexander Đệ tam. Như sử gia Warren Carroll viết trong “Cuộc Khủng Hoảng của Cơ Đốc Giáo, 1815-2005” (The Crisis of Christendom, 1815-2005):
“Kể từ khi người anh trai kính mến của ông là Alexander bị hành quyết, … Vladimir Ulyanov đã luôn đau đáu một mục tiêu vững chắc, được lý luận chặt chẽ: thực hiện một cuộc cách mạng ở nước Nga nhằm lật đổ sa hoàng và chính phủ của ông, giống như các nhà Cách mạng Pháp từng lật đổ vua Louis XVI và ‘chế độ phong kiến’ của ông, nhưng lần này nhân danh giai cấp công nhân … dưới ách độc tài của đảng phái mà ông ta sẽ thành lập và lãnh đạo.”
Sự tập trung cao độ của Lenin được duy trì xuyên suốt 17 năm chuẩn bị. Khi ông viết những luận cương cách mạng và bị hấp dẫn bởi những kẻ cấp tiến khác, ông đã gặp rắc rối với pháp luật. Ông bị đuổi khỏi trường đại học, và sau đó bị trục xuất khỏi Nga. Năm 1916, ông sống cùng vợ mình ở thành phố Zurich, Thụy Sĩ, dành hàng giờ mỗi ngày trong thư viện để đọc sách và ôm mộng về cuộc cách mạng của mình, cũng như chế độ độc tài mà dường như mãi mãi nằm ngoài tầm với. Như ông Widmer kể lại trong bài viết “Lenin and the Russian Spark” (Lenin và tia lửa khơi mào ở Nga), Lenin thậm chí còn cân nhắc việc thuê một chiếc phi cơ để bay qua những quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá để đến nước Nga, nhưng đây chẳng qua chỉ là giấc mơ hão huyền mà thôi. Ông ta có rất ít sự trợ giúp, và chẳng có tiền đồ.
Nhưng rồi có điều gì đó trong bánh răng của vũ trụ đã dịch chuyển, và mọi thứ thay đổi, và kẻ nổi loạn cô độc và bị lãng quên đó nhận được cơ hội mà ông ta khao khát đến tột độ: Ông trở thành nhân vật đóng vai trò then chốt trong vận mệnh của châu Âu, và quả thật, là toàn bộ thế giới, cho đến tận thời đại của chúng ta. Người Đức quyết định giúp ông trở về, đưa ông lên một chiếc tàu của Đức, và điều này đã vĩnh viễn thay đổi lịch sử. Theo những lời của tác giả Carroll, “Nếu từng có một người đàn ông đơn độc, làm nên cuộc cách mạng mang tính lịch sử thế giới, thì người đó chính là Lenin. Ông ta đã để lại cho thế giới tất cả nỗi kinh hoàng của thế kỷ 20.”
Đưa Lenin đến nước Nga
Thủ tướng Winston Churchill từng có phép so sánh nổi tiếng giữa chuyến trở về Nga của Lenin với sự xuất hiện của một “vi khuẩn dịch hạch.” Người Đức biết rõ khả năng gây bạo động của Lenin cũng như lời cam kết của ông là đưa nước Nga thoát khỏi cuộc chiến. Ông ta giống như một căn bệnh truyền nhiễm. Ban đầu, họ dự định truyền căn bệnh này này trực tiếp từ Thụy Sĩ, qua Áo, đến Nga, nhưng như sử gia Carroll miêu tả, Hoàng đế Charles của Áo từ chối để điều đó xảy ra. Hoàng đế đã tiên đoán chính xác rằng, điều xấu ác này sẽ bất thình lình tấn công toàn thế giới bằng cách cố gắng sử dụng Lenin như một vũ khí. Vì vậy, thay vào đó, kế hoạch là đưa Lenin đến phía Bắc, đến nước Đức, Thụy Điển, Phần Lan, và cuối cùng, là Nga.
Như Ông Widme cho chúng ta hay, vợ chồng Lenin cùng những người đồng hành khác đã đi trên một toa tàu gỗ màu xanh lá có hai toilet, việc dùng nhà vệ sinh bị Lenin kiểm soát bằng một hệ thống vé (“vé hạng hai” dành cho người hút thuốc, và phải nhường đường cho người cầm “vé hạng nhất” khi cần giải quyết nhu cầu cá nhân). Về mặt nguyên tắc, đoàn tàu không hoàn toàn được “đóng kín,” vì hành khách vẫn xuống tàu theo thứ tự để nghỉ qua đêm ở thành phố Frankfurt.
Toa tàu được tách ra khỏi bánh xe và đưa lên một chiếc phà để băng qua vùng Baltic. Sau khi băng qua thành phố Stockholm, đoàn tàu gần như đến Vòng Bắc Cực trước khi xuyên qua Phần Lan và vòng về phía nam để đến thành phố Petrograd (thành phố Saint Petersburg) lúc 11 giờ tối. Tại đó, Lenin được đám đông nồng nhiệt chào đón và một ban nhạc chơi bài “La Marseillaise,” quốc ca của Cách mạng Pháp — một chi tiết ghê rợn gợi nhớ về cuộc đổ máu trong quá khứ và điểm báo về cuộc đổ máu sắp xảy ra.
Sau khi xuống tàu ở Petrograd, Lenin nhanh chóng tập hợp nhóm các chuyên gia cách mạng của ông từ khắp nơi trên thế giới. Như thủ tướng Winston Churchill mô tả trong bài diễn thuyết trước Nghị viện, được sử gia Carroll trích dẫn: “Với những bóng ma này vây quanh, Lenin bắt đầu sử dụng khả năng quỷ quyệt để xé nát mọi thể chế mà Nhà nước Nga và quốc gia này phụ thuộc vào. Nước Nga bị đã bị hạ gục.”
Cuối cùng, cuộc cách mạng của Lenin đã thành công. Vào ngày 07 và 08/11/1917, Đảng Bolshevik của Lenin và lực lượng dân quân “Hồng vệ binh” lật đổ Chính phủ Lâm thời và tuyên bố rằng mọi quyền lực giờ đây thuộc về Xô Viết — hay các hội đồng công nhân và binh lính — dĩ nhiên là, dưới quyền chỉ huy của Vladimir Lenin.
Chế độ do Lenin thành lập được xem là một trong những chế độ tàn bạo và khát máu nhất trong lịch sử. Cuộc Khủng bố Đỏ và các cuộc thanh trừng của Joseph Stalin, người kế nhiệm Lenin, đã khiến hàng triệu người thiệt mạng. Theo một số báo cáo, chủ nghĩa Marx-Lenin tổng cộng đã sát hại hơn 100 triệu người, theo “Sách Đen Về Chủ Nghĩa Cộng Sản: Tội Ác, Khủng Bố, Đàn Áp” (“The Black Book of Communism: Crimes, Terror, Repression”).
Câu chuyện đầy u tối của Lenin cho chúng ta thấy những ý tưởng tồi tệ — và những người thi hành chúng — có thể nguy hiểm đến mức nào. Những gì ông ta gây ra vẫn chưa được kiểm soát, và tiếng vang của chuyến tàu định mệnh vào tháng 04/1917 vẫn còn tiếp tục rung chuyển thế giới.
Thiên Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times