Tình mẫu tử trong tranh của danh họa William-Adolphe Bouguereau
Một số tác phẩm của họa sĩ người Pháp ở thế kỷ 19, William-Adolphe Bouguereau, đã thể hiện tài năng đáng kinh ngạc với nét đẹp dịu dàng của người phụ nữ. Được xem là một trong những họa sĩ vẽ giải phẫu cơ thể người tài hoa nhất ngày nay, ông đã thổi hồn vào các nhân vật của mình qua việc khắc họa những sắc thái tinh tế của tính cách và tâm trạng.
Sự trân trọng của họa sĩ Bouguereau dành cho những người mẹ trẻ được thể hiện rõ nhất qua loạt tranh dành riêng cho chủ đề này mà ông bắt đầu từ năm 1865. Họa sĩ nhìn nhận rằng tình mẫu tử là biểu hiện của tự nhiên. Bằng cách hướng tới vẻ đẹp nữ tính, cuộc sống đồng quê mộc mạc, và sự trong sáng của tuổi thơ, ông đã trìu mến khắc họa tấm lòng tận tụy của người mẹ hạnh phúc dành cho đứa con tựa như thiên thần của mình, một chủ đề trong nhiều tác phẩm được ngợi ca của ông.
Tình mẫu tử
Nhiều lời tán dương, những sự ủy nhiệm và triển lãm tranh hàng năm tại Paris Salon đã cho thấy niềm yêu thích to lớn về cách ông diễn tả về tình mẫu tử. Những bức tranh lý tưởng hóa về các nông gia đức hạnh, sống một cuộc đời bình dị gắn liền với thiên nhiên, đã nhanh chóng được các nhà sưu tập người Mỹ săn đón, mang đến cho họa sĩ Bouguereau cả danh tiếng quốc tế lẫn sự giàu có. Những bức tranh về cuộc sống ở miền đồng quê nước Ý đã được nhiều khách hàng người Mỹ của ông ưa chuộng.
Bức tranh “Young Mother Gazing at Her Child” (Người mẹ trẻ ngắm nhìn con của mình) và “Le Lever” (Thức dậy) là hai trong số nhiều tác phẩm được vẽ hướng tới thị trường quốc tế. Trong cả hai họa phẩm này, người mẹ trẻ mặc bộ trang phục vùng Ciociari, chiếc váy mang tính lịch sử của nước Ý, với áo bồng màu trắng nổi bật trên nền váy sẫm màu, xòe rộng và dải đai thêu hoa.
Những lý tưởng theo phong cách Tân cổ điển về tính đối xứng, hình dáng rõ ràng, và sử dụng ánh sáng thần tiên, tăng thêm kịch tính và nâng tầm nghệ thuật. Trong bức tranh “Lever” (Thức dậy), đôi tay vươn lên của cô bé và vòng tay ôm tròn của người mẹ tạo nên sự đối xứng trong cái ôm trìu mến của họ. Sử dụng kỹ pháp Chiaroscuro (ánh sáng và bóng tối) tạo sự tương phản giữa ánh sáng ban mai rạng ngời trên khuôn mặt của đứa trẻ và phông nền sẫm màu ở phía sau, làm nổi bật tình yêu thương mà đứa trẻ đang cảm nhận.
Điểm chung giữa các họa phẩm trong loạt tranh này là tập trung vào cả hai nhân vật ở tiền cảnh, làm tăng lên ảnh hưởng trực quan của cử chỉ âu yếm giữa người mẹ trẻ và đứa con của cô. Bằng cách đặt các chủ thể của mình theo một hệ thống phân cấp thị giác, họa sĩ Bouguereau đã mượn từ bố cục cổ điển của tác phẩm được kiến lập trong thời kỳ Phục Hưng. Với một số cảnh nền được làm mờ trong bóng tối, ông chuyển hướng tập trung của người thưởng lãm vào người mẹ trẻ và đứa con của cô. Những đối tượng ở phía trước và những nét phác thảo mờ ở khung nền truyền tải thêm thông tin về câu chuyện của bức tranh.
Vì vậy, một bức tranh bình thường về người phụ nữ và con của mình đã trở thành điều gì đó mang tính thần thoại, kết nối với những món quà và cảm xúc dạt dào mà các bà mẹ và những đứa con trao cho nhau.
Niềm an ủi trong sự thống khổ
Vào những năm 1870, họa sĩ Bouguereau đã là một người cha kết hôn được vài năm. Nhưng nếu cảm nhận về tình mẫu tử nơi ông ngày một sâu sắc hơn thông qua việc quan sát vợ và con của mình, thì điều đó cũng đi kèm nỗi thống khổ khôn cùng. Vào năm 1866, cô con gái 4 tuổi Jeanne của ông đã qua đời. Bi kịch này là sự kiện đau buồn đầu tiên trong một chuỗi bi kịch. Vào năm 1875, con trai của ông, Georges, ngã bệnh và qua đời ở tuổi 16. Nỗi tiếc thương của họa sĩ Bouguereau đã truyền cảm hứng cho hai bức tranh tôn giáo đẹp nhất của ông: họa phẩm “The Pieta” (Đức Mẹ Sầu Bi) và “The Virgin of Consolation” (Đức Mẹ Đồng Trinh, Đấng An Ủi).
Cùng năm đó, vợ ông Nelly hạ sinh cậu con trai thứ ba của họ, Maurice. Tuy nhiên, niềm vui của họ chỉ kéo dài ngắn ngủi. Sức khỏe của bà Nelly suy giảm sau khi sinh bé Maurice và bà đã qua đời vào tháng 04/1877. Hai tháng sau, bé Maurice cũng qua đời.
Trong tác phẩm “The Virgin of Consolation”, chúng ta thấy Đức Mẹ Đồng Trinh khoác áo choàng màu đen. Trên đùi bà là một thiếu phụ trẻ không thể nguôi ngoai trước cái chết của con mình. Là một tín đồ Công Giáo kiên định, họa sĩ Bouguereau được cho là đã tìm được sự an ủi từ tác phẩm này.
Thật hiếm có ai mà cuộc đời quá nhiều bi kịch lại đi kèm với những thành tựu tuyệt vời như vậy, khi kiệt tác này nối tiếp kiệt tác khác của ông ra đời. Ông đã vẽ 12 bức tranh sơn dầu vào năm 1877, 17 bức tranh vào năm 1878 và 23 bức tranh vào năm 1879, bao gồm một số tác phẩm vĩ đại nhất và đầy hoài bão nhất của ông.
Gần cuối cuộc đời, họa sĩ Bouguereau đã miêu tả tình yêu của mình đối với nghệ thuật: “Mỗi ngày tôi đi tới xưởng vẽ của mình với đầy ắp niềm vui. … Và khi màn đêm buông xuống, khi buộc phải dừng vẽ vì trời tối, tôi mong chờ đến buổi sáng hôm sau.”
Giữ gìn truyền thống
Thập niên 1870 phần lớn là quãng thời gian ảm đạm đối với họa sĩ Bouguereau. Có lẽ, điểm sáng duy nhất là ông được bầu vào Học viện Mỹ thuật (Académie des Beaux-Arts). Trong suốt cuộc đời, họa sĩ Bouguereau là người bảo trợ cho Học viện này và tất cả những gì mà ngôi trường đại diện, niềm vinh dự được bầu chọn làm thành viên [của học viện] là điều ông trân trọng. Ông đã viết, “trở thành thành viên của Học viện này … là niềm vinh diệu công khai duy nhất mà tôi thực sự mong muốn.”
Ông đã kiên định giữ gìn truyền thống đến mức những người theo trường phái Ấn tượng (Impressionism), nhiều người là những họa sĩ nổi tiếng nhất ở thế hệ sau ông, đã xác định họ sẽ đi ngược với các tiêu chuẩn của ông và coi thường các tác phẩm của ông. Dẫu vậy, khi họa sĩ Bouguereau qua đời vào năm 1905, ông đã được tôn vinh bằng lễ truy điệu long trọng và các tượng đài tưởng nhớ tại thủ đô Paris và ở quê nhà của ông, thành phố La Rochelle.
Sự trở lại gần đây của những lý tưởng cổ điển và phương pháp đào tạo truyền thống đã đặt họa sĩ Bouguereau vào hàng những vị quán quân. Theo ông Fred Ross, nhà sáng lập Trung tâm Phục hưng Nghệ thuật, tác phẩm của Bouguereau liên tục gặt hái vinh dự cho thấy ông “xứng đáng với những danh hiệu cao nhất trong lĩnh vực nghệ thuật.”
Như các họa sĩ theo trường phái Tân cổ điển cùng thời của ông, họa sĩ Bougeureau đã tìm thấy sự chỉ dẫn từ nghệ thuật và kiến trúc cổ đại của Hy Lạp và La Mã. Ông vẽ những bức tranh với vẻ đẹp lý tưởng qua sự cân bằng hiệu quả và trật tự trong bố cục tranh của mình. Rõ ràng là ông có khả năng khắc họa tài tình những sắc thái trong sáng và tinh tế về tính cách và tâm trạng của tình mẫu tử.
Họa sĩ Bougeureau đã nhìn nhận tình mẫu tử là thể hiện của tự nhiên và sự toại nguyện. Thông qua nét cọ của mình, ông đã truyền tải cảm xúc qua ánh sáng và bóng tối, đồng thời vẽ lên phần tinh túy trong phẩm hạnh của người mẹ — người phụ nữ vô cùng thân thương trong tất cả vẻ đẹp rung động lòng người của họ.
Charles Timm là một tác giả đến từ New Jersey, ông yêu thích viết về mỹ thuật và văn hóa truyền thống.
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times