Chuyện ngụ ngôn gia đình: Tác phẩm ‘Nghe ông kể chuyện’ của họa sĩ Albert Anker
Những lời bình nhẹ nhàng về tác phẩm nghệ thuật đầy thú vị
Bốn đứa trẻ ngồi xung quanh một ông lão, người ông của chúng, chăm chú lắng nghe ông kể chuyện là bức họa “Grandfather Telling a Story” (Nghe ông kể chuyện) của họa sĩ Albert Anker vẽ năm 1884.
Bối cảnh của bức tranh là một ngôi nhà nông trại ở làng quê Thụy Sĩ. Vào thế kỷ 19, canh tác nông nghiệp là chỗ dựa chính của nền kinh tế tại hầu hết các nước Âu Châu. Các trang trại của nông dân là nơi nuôi dưỡng và cung cấp cho các nhu cầu của họ. Họ tự cung cấp thực phẩm, tự may y phục, và tự chế tạo các loại công cụ và phương tiện chẳng hạn như chiếc xe cút-kít được nhìn thấy ở phía trước của bức tranh.
Đây là một gia đình có ba thế hệ và gia đình này không giàu có. Hai trong số những đứa trẻ đi chân trần. Đứa trẻ lớn nhất ở bên phải vừa đan len vừa lắng nghe ông kể chuyện. Một người phụ nữ lớn tuổi, có lẽ là người bà, ngồi ở bên trái bọn trẻ có thể cũng đang lắng nghe câu chuyện của người ông khi bà nhặt vỏ đậu hoặc hạt trong một chiếc giỏ. Ở phía xa bên trái là một người phụ nữ, có lẽ là người mẹ của bọn trẻ, cô cầm một chiếc xô và cho đàn gà ăn.
Những câu chuyện về gia đình có ý nghĩa quan trọng. Như trong hầu hết mọi xã hội, một thú vui mà trẻ em yêu thích nhất là nghe kể chuyện, đặc biệt là các câu chuyện từ những bậc trưởng bối. Trang web Grandkids Matter nói rằng “… ông bà là những người kể chuyện thiên bẩm, và các câu chuyện của họ có ý nghĩa sâu sắc hơn là chỉ để giải trí đơn thuần cho các cháu. Nhiều câu chuyện của ông bà có thể giúp trẻ em trưởng thành trong sự giáo dưỡng tốt đẹp và kể chuyện có thể sẽ trở thành một phần của di sản … của lịch sử gia đình và vốn sống.”
Những câu chuyện thắt chặt tình thân gia đình. Một đứa trẻ sẽ trở nên yêu mến và kính trọng người trưởng bối kể chuyện. Khi trẻ em trưởng thành, chúng sẽ hiểu hơn hơn về lịch sử gia đình. Đồng thời, những câu chuyện này bồi đắp các giá trị của gia đình và định hình các giá trị của cá nhân. Các em học hỏi cách đưa ra những quyết định sáng suốt. “Các giá trị bền vững được truyền lại từ đời này qua đời khác sẽ giúp nuôi dưỡng các cá nhân vững vàng mà biết rõ mình là ai,” dựa theo trang web Adventures in Nanaland.
Những câu chuyện gia đình sẽ kết nối các em với gia đình: tướng mạo của chúng, cách chúng cư xử, cách chúng nói chuyện. Khi một đứa trẻ lớn lên, có lẽ cậu bé hay cô bé ấy sẽ có trải nghiệm tương tự với điều đã từng nghe từ Ông mình, hoặc viếng thăm nơi mà Ông đã kể cho chúng nghe trong một câu chuyện. Những câu chuyện gia đình tiếp nối một sợi dây lịch sử để bảo đảm các giá trị truyền thống được duy trì. Có lẽ một cụm từ đã kể trong một câu chuyện sẽ nhắc nhở một đứa trẻ cách để vượt qua những giai đoạn khó khăn. Trang web Adventures in Nanaland tiếp tục chia sẻ rằng: “Các cuộc nghiên cứu cho thấy trẻ em càng hiểu biết về gia đình của mình, thì các em sẽ càng đối đãi tốt hơn khi đối diện với những quyết định khó khăn.”
Những câu chuyện gia đình sẽ giúp các em có được cảm giác thuộc về cũng như giúp các em cảm thấy an toàn ở vị trí của chúng trong thế giới này. Khi nhận thức được mình là ai trong gia đình, một đứa trẻ sau này có thể xác lập vị trí của mình ở trong cộng đồng rộng lớn hơn.
Một họa sĩ người Thụy Sĩ
Họa sĩ Albrecht Anker (1831–1910) được mệnh danh là “họa sĩ quốc gia” của đất nước Thụy Sĩ nhờ những bức họa được yêu thích của ông vẽ về cuộc sống làng quê Thụy Sĩ vào thế kỷ 19. Trong khi học tập ở Đức, ông đã tiếp xúc với nền nghệ thuật vĩ đại cũng như tìm thấy và theo đuổi tiếng gọi trở thành họa sĩ.
Trong bài viết đăng trên trang web của Swiss Institute for Art Research (Viện Nghiên cứu Nghệ thuật Thụy Sĩ), bà Therese Bhattacharya-Stettler tuyên bố rằng các bức họa của ông Anker “được vẽ với kỹ năng điêu luyện, mang đến vẻ đẹp rực rỡ cho các khung cảnh thường nhật thông qua những chọn lựa tinh tế về màu sắc và ánh sáng.”
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times