Sức mạnh của loài chó: Thế kỷ của những chú chó trong nghệ thuật
Hàng chục ngàn năm trước đây, mặc dù thời gian chính xác vẫn còn đương tranh cãi, loài chó đã được con người thuần hóa. Cũng giống như vậy, việc khắc họa hình ảnh những chú chó trong nghệ thuật có một lịch sử phong phú trải rộng khắp thế giới. Những chú chó từng xuất hiện trong các bức bích họa ở hang động và núi đá vào thời kỳ sơ khai, trên đồ gốm sứ Hy Lạp cổ đại, tranh khảm (mosaic) La Mã, thảm trang trí và tượng thời trung cổ, cũng như những bức chân dung của các bậc thầy hội họa thời xưa.
Trong lịch sử nghệ thuật, loài chó đại diện cho một loạt các phẩm chất, không chỉ gồm lòng trung thành, bảo vệ, quyền lực, sức mạnh, và trí thông minh, mà còn là người bạn đồng hành. Một phân tích tập trung vào những chú chó, trải dài từ các tác phẩm nghệ thuật của Pháp, Flemish, Hà Lan, và Anh quốc trong nhiều thế kỷ, sẽ giúp người xem hiểu được ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ, đa diện về hình ảnh của loài chó.
‘Hình nộm lăng mộ của một quý bà’
Tại bảo tàng Met Cloisters, một phòng tranh tên là “Nhà nguyện Gothic” có hình dáng của một nhà nguyện ở thế kỷ 13. Một trong những tác phẩm thời trung cổ nổi bật của phòng tranh này là “Tomb Effigy of a Lady” (Hình nộm lăng mộ của một quý bà), có vẻ là đại diện cho nữ quý tộc Margaret xứ Gloucester, phu nhân của ngài Robert II, nam tước xứ Neubourg.
Trong hình nộm này, nữ quý tộc Margaret với hai cánh tay trong tư thế cầu nguyện, mang trên mình trang phục và các phụ kiện quý tộc ở thời của bà. Chiếc khăn trùm đầu (phụ kiện đầu của phụ nữ) cho thấy bà là người phụ nữ đã kết hôn. Một cái hầu bao, hay ví đeo của phụ nữ, để đựng tiền xu phát cho người nghèo, một hộp đựng kim chỉ và con dao ăn đựng trong vỏ bọc được treo lơ lửng trên thắt lưng của bà. Tuy nhiên, biểu tượng đáng chú ý nhất về đời sống tiết hạnh của bà là một chú chó điêu khắc nằm dưới chân, mặc dù không thể xác định là giống chó gì. Những lăng mộ thời trung cổ thường có những chú chó, tượng trưng cho các đức tính như lòng trung thành và tận tụy, nằm dưới chân hình nộm.
Trong suốt thời kỳ Phục hưng, những bức tranh chân dung hôn nhân đã tiếp nối truyền thống dùng [hình ảnh] loài chó để nhấn mạnh đức tính chung thủy của người phụ nữ. Ví dụ các bức tranh nổi tiếng thế giới như “Arnolfini Portrait” (Chân dung Arnolfini) của danh họa Jan van Eyck và “Venus of Urbino” (Vệ nữ thành Urbino) của danh họa Titian (mặc dù có cuộc tranh luận học thuật về việc liệu nhân vật trung tâm của bức Venus of Urbino có thực sự là một phụ nữ có gia đình hay không). Trong các thế kỷ tiếp theo, cho dù biểu tượng lịch sử của chú chó có được nhìn nhận hay không, thì trong các bức chân dung của những phụ nữ nổi bật — từ tầng lớp quý tộc như Nữ hoàng Charlotte, đến nhân vật tai tiếng như Quý bà Hamilton — thường vẽ một người phụ nữ đi cùng với chú cún cưng rất thời trang.
Chó ngao Anh của Hoàng gia
Họa sĩ theo trường phái Baroque gốc Flemish Anthony van Dyck là học trò xuất sắc nhất của danh họa Peter Paul Rubens. Ông đã dành giai đoạn sau của sự nghiệp để làm họa sĩ vẽ chân dung hoàng gia cho Vua Charles Đệ nhất, nước Anh. Ông sáng tạo những họa phẩm tôn vinh vẻ đẹp và quyền lực cho gia đình hoàng gia với màu sắc phong phú và nét cọ mạnh mẽ. Một tác phẩm được ủy thác từ mối giao kết hiệu quả này là bức “The Five Eldest Children of Charles I” (Năm người con lớn của Vua Charles Đệ nhất).
Ông Desmond Shawe-Taylor, cựu giám định viên cho những bức họa của Nữ hoàng, gọi đó là “một trong những bức chân dung vĩ đại nhất của họa sĩ van Dyck.” Tác phẩm này vẽ một nhóm trẻ em hoàng gia không quá trang trọng nhưng thanh lịch. Phong thái của các em tạo ra sự tương phản rõ rệt với truyền thống chân dung trước đây, khi những em bé hoàng gia được thể hiện trong bố cục cứng nhắc và trang trọng như những người lớn thu nhỏ.
Ở trung tâm của bức tranh là một cậu bé và chú chó của mình. Cậu bé là người kế vị của Vua Charles Đệ nhất, Thái tử Charles, người sau này trở thành Vua Charles Đệ nhị. Chú chó này là giống chó ngao Anh cỡ đại được vẽ rất ấn tượng.
Chó ngao Anh có một lịch sử phong phú kéo dài từ thời La Mã với vai trò là chó bảo vệ. Vì thế, ngoài việc tượng trưng cho lòng trung thành, loài chó này cũng đại diện cho quyền lực và sự bảo vệ. Tuy nhiên, vị trí đặt tay của hoàng tử lên đầu chú chó ngụ ý rằng chính hoàng tử mới là chủ nhân của sinh vật mạnh mẽ này, có khả năng trở thành người cai trị đất nước một ngày nào đó.
Vào 25 năm đầu của thế kỷ 17, chó ngao Anh đã trở thành một giống chó gần như có nguy cơ tuyệt chủng. Như nhà giám tuyển Robin Gibson giải thích trong cuốn sách “Pets in Portraits” (Những thú cưng trong tranh chân dung) của ông, rằng sự hiện diện của loài chó trong tranh cũng có thể được hiểu là một biểu tượng thể hiện địa vị [của nhân vật]. Ở góc dưới bên phải của họa phẩm này là một chú chó spaniel ngồi duyên dáng, lanh lợi. Giống chó spaniels rất phổ biến trong các gia đình hoàng gia Tudor và Stuart, và chúng đặc biệt gắn liền với Vua Charles Đệ nhị, người đã lấy tên mình đặt cho hai giống chó cảnh spaniels mà vẫn còn phổ biến cho đến ngày nay: chó spaniel King Charles và chó spaniel Cavalier King Charles.
Họa phẩm nhỏ tinh tế
Một trong những danh họa tài năng và sáng tạo nhất của Thời đại Hoàng kim Hà Lan là ông Gerrit Dou, học trò của danh họa người Hà Lan Rembrandt. Tài năng nghệ thuật của ông Dou gây ấn tượng với vua Charles Đệ nhị đến mức nhà vua đã mời ông đến triều đình Anh, nhưng họa sĩ Dou đã chọn ở lại quê nhà, nơi ông là thành viên của nhóm nghệ thuật Leiden Fijnschilders. Các tác phẩm của họ đặc trưng ở dạng khung ảnh nhỏ, mang lại cảm giác gần gũi, cùng với những chi tiết được quan sát cẩn thận, tinh xảo, và có độ chân thực cao.
Họa sĩ Dou là một bậc thầy trong việc hoàn thiện bề mặt và thường vẽ trên các tấm gỗ sồi. Ông đặc biệt nổi tiếng với thể loại tranh phong cảnh, những bức tranh nhỏ về cuộc sống đời thường. Một trong những kiệt tác của ông là bức tranh nhỏ cỡ 6.5 x 8.5 inch, “Dog at Rest” (Chú chó nghỉ ngơi), đây là bức tranh duy nhất của ông vẽ theo chủ đề và kích cỡ như vậy. Năm 1834, nhà môi giới nghệ thuật người Anh John Smith, người chuyên nghiên cứu về nghệ thuật Hà Lan thế kỷ 17, nói rằng “không thể có bức tranh nào đạt đến độ hoàn hảo cao hơn những gì được thể hiện trong bức tranh nhỏ tinh xảo này.”
Bức tranh “Dog at Rest” (Chú chó nghỉ ngơi) được họa sĩ Dou lấy cảm hứng từ một bản vẽ và bản khắc của họa sĩ Rembrandt về những chú chó. Ông mô tả một chú chó có vết dơ, lông thô ráp xù xì, đang cuộn tròn ngủ trưa ngon lành trên kệ hoặc bàn. Chú chó đang ở trong trạng thái mơ màng, với đôi mắt chỉ vừa mới hé mở. Bên cạnh chú là một số vật dụng gia đình hàng ngày: một chiếc bình đất nung lớn, một cái giỏ mây, một bó củi, và một chiếc dép.
Những tác phẩm của họa sĩ Dou thường chứa hình ảnh tượng trưng về chủ đề đạo đức mang tính giáo dục. Bức tranh “Dog at Rest” (Chú chó nghỉ ngơi) có thể được coi là một bức tranh tĩnh vật vanitas. Người xem được nhắc nhở về bản chất vô thường của những thành tựu trần thế, thú vui, và của cải thế gian, đồng thời nhắc nhở về sự sinh tử của chính họ. Đây là một đề tài phổ biến trong các tác phẩm nghệ thuật được sáng tác ở Leiden vào thời của họa sĩ Dou. Tuy nhiên, bản chất tượng trưng chính xác của bức “Dog at Rest” vẫn còn là bí ẩn và là một phần sức hấp dẫn lâu dài của tác phẩm.
‘Chú chó Tristram và Fox’
Bức tranh “Tristram and Fox” (Chú chó Tristram và Fox), tác phẩm của họa sĩ tranh phong cảnh và chân dung người Anh sống vào thế kỷ 18 Thomas Gainsborough, hiện đang được trưng bày trong triển lãm “Portraits of Dogs: From Gainsborough to Hockney” (Chân dung của những chú chó: Từ Gainsborough đến Hockney) tại bảo tàng The Wallace Collection (đến hết ngày 15/10/2023). Giám tuyển triển lãm Xavier Bray chia sẻ: “Mối quan hệ của chúng ta với những chú chó — mối quan hệ yêu thương, không thể giải thích được đó — đã được đưa vào lịch sử nghệ thuật một cách hấp dẫn, và là sự phản ánh sâu sắc hơn về xã hội.” Thể loại chân dung về loài chó phát triển mạnh từ thế kỷ 17 trở đi, đặc biệt là ở Anh quốc. Triển lãm này thể hiện mối gắn kết đặc biệt giữa con người và thú cưng của họ, và bức “Tristram and Fox” là một ví dụ đặc biệt thành công.
Họa sĩ Gainsborough là một người yêu chó, và ông thường vẽ những chú chó trong các bức chân dung và phong cảnh của mình. Trong một số tác phẩm nghệ thuật của ông, những chú chó là chủ thể chính. Theo truyền thuyết của gia đình, “Tristram và Fox” là một bức chân dung về những chú chó cưng của họa sĩ Gainsborough, mặc dù tác phẩm không được họa sĩ đặt tên. Bức tranh được cho là đã treo trên mái lò sưởi trong ngôi nhà của ông ở London. Những cái tên mà họa sĩ Gainsborough đặt cho những chú chó phản ánh sự tham gia của ông vào lĩnh vực văn học và chính trị vào thời đó: Chú chó Tristram, ở bên phải, được đặt tên theo một nhân vật cùng tên trong tiểu thuyết “The Life and Opinions of Tristram Shandy, Gentleman” (Cuộc Đời và Quan Điểm của Quý Ông Tristram Shandy) của tác giả Laurence Sterne. Trong khi đó Fox được đặt tên theo chính trị gia Charles James Fox của Đảng Whig.
Bức chân dung mềm mại của họa sĩ Gainsborough về những thú cưng của ông, không phải là chó làm nhiệm vụ hay chó săn, cũng thể hiện thái độ của thời đại ấy về những người bạn đồng hành này. Ông Alexander Collins, một giám tuyển khác của triển lãm, nói rằng đã có một “cuộc thảo luận triết học vào thế kỷ 18 về bản chất của động vật và xem liệu chúng có biết cảm thụ và thông minh về mặt cảm xúc hay không. Đó là một phần tinh thần của thời đại tôn trọng động vật, hiểu được trí thông minh của chúng và cho chúng bản sắc riêng.”
Bố cục và nét vẽ của họa sĩ Gainsborough khiến người xem nhìn nhận những chú chó như những sinh mệnh có tri giác. Đôi mắt của chú chó Fox long lanh và cái miệng hé mở. Đôi mắt sáng sáng rỡ và hiền lành, cái mũi, và cái miệng của chú được thể hiện chuẩn xác và tương phản với nét vẽ mềm mại mà họa sĩ Gainsborough dùng để tả bộ lông và cái cổ màu trắng, xếp nếp. Bộ lông của chú chó Tristram có bề mặt lởm chởm hơn, và chú có đôi tai mềm mượt.
Thu Quý biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times