Miền Tây Cũ và Miền Tây Mới của Hoa Kỳ qua tranh của họa sĩ Jack Sorenson
Nghệ sĩ cao bồi lớn lên ở Trang trại Texas được truyền cảm hứng từ bộ phim ‘Gunsmoke’
“Bạn không thể vẽ một cách rụt rè nhút nhát.”
Mạnh mẽ.
Đó là cách mà nghệ sĩ cao bồi đến từ Canyon, Texas, nói về hội họa của mình.
“Tôi thà vẽ sai một nét cọ mạnh mẽ còn hơn vẽ đúng một nét cọ rụt rè,” họa sĩ Jack Sorenson, 69 tuổi, chia sẻ với The Epoch Times.
Với 48 năm kinh nghiệm vẽ tranh sơn dầu Miền Tây Cũ và Miền Tây Mới, họa sĩ Sorenson đã thuần thục kỹ pháp nghệ thuật từ một số họa sĩ miền Tây Mỹ quốc tài năng nhất.
“Đó là cách tôi tiếp cận hội họa,” ông nói. “Tôi sáng tác nhanh, nhanh hơn nhiều so với hầu hết các nghệ sĩ mà tôi biết. Tôi thường có thể vẽ một bức tranh lớn trong vòng một tuần khá dễ dàng.”
Ngay khi ý tưởng tới — câu chuyện mà ông muốn kể — ông bắt đầu phác họa để phát triển tất cả các nội dung. Sau đó, khi ông bắt đầu vẽ, ông chỉ cố gắng “vẽ thật chuyên tâm.”
Tuổi thơ ở trang trại Texas của ông với năng khiếu bẩm sinh và nhiều người thầy giỏi đã cùng làm nên nghệ sĩ Sorenson như ông hôm nay.
Năng khiếu thiên bẩm và Những người thầy thông thái
Cũng giống như nhiều họa sĩ, hành trình tới tài năng bậc thầy của Sorenson đã bắt đầu với năng khiếu bẩm sinh.
“Ngày đầu tiên vào lớp một, thầy giáo đã gọi cho mẹ tôi và nói, ‘Tôi nghĩ Jack là một thần đồng,’” ông chia sẻ. “Và mẹ tôi không hiểu điều đó nghĩa là gì; bà nói, ‘Ôi, trời, lần này con tôi đã làm gì ạ?’”
Cậu bé lúc đó đã có thể vẽ bất kỳ thứ gì — và nay vẫn thế. Tuy nhiên, những thứ mà cậu bé Sorenson thích vẽ nhất là những gì xung quanh cậu trong quá trình trưởng thành. Cha cậu là một chủ trang trại: vậy nên cậu bé vẽ ngựa.
“Cha tôi đã từng huấn luyện ngựa chuyên để tách gia súc ra khỏi đàn,” ông nói. “Chủ nhân của những con ngựa mà cha tôi đã huấn luyện luôn muốn các bản vẽ của tôi về những con ngựa của họ vì họ yêu quý chúng.
“Vì vậy tôi đã bắt đầu từ chỗ có thể vẽ bất kỳ con ngựa nào.”
Mặc dù năng khiếu bẩm sinh rất quan trọng, nhưng Sorenson đã được học từ nhiều người thầy — những người giúp ông phát triển kỹ năng vẽ và quan sát. Một trong những người đầu tiên và có ảnh hưởng nhất là cố họa sĩ Dord Fitz theo trường phái biểu hiện (expressionism) sống tại Oklahoma, lúc đó ông Sorenson mới 21 tuổi.
“Thầy là một thiên tài. Thầy bảo tôi đi xuống chân hẻm núi và nói, ‘Thầy muốn em vẽ tất cả màu xanh lục mà em thấy,’ và rồi dường như có 60 sắc thái khác nhau của màu xanh lục,” họa sĩ Sorenson nói.
“Tôi đi đến và đưa cho thầy xem bức tranh đó và thầy nói, ‘Được rồi, bây giờ em hãy quay trở lại đó và giảm bớt một nửa; chỉ vẽ cho thầy 30 [sắc thái] mà em thường thấy nhất.’ Tôi làm theo lời thầy, rồi tôi phải giảm bớt còn 12 sắc thái.
“Việc đầu tiên là nhận diện giá trị. Thầy nói màu sắc có thể là bất kỳ thứ gì nếu tôi lấy đúng giá trị, và tôi không chắc điều đó là hoàn toàn đúng, nhưng tôi hiểu những gì thầy đang cố gắng truyền đạt.”
Qua nhiều thập niên, ông đã theo học 28 nghệ sĩ khác nhau của miền Tây — đáng kể là họa sĩ Howard Terpning, tranh của ông bán với giá lên đến 250,000 dollar, họa sĩ Martin Greeley, và họa sĩ Bruce Green.
Tất nhiên, các nghệ sĩ lớn của hội họa miền Tây như Russell và Remington, đều thấp thoáng hiện diện trong tác phẩm của Sorenson, với lối kể chuyện của họa sĩ Russell và kỹ pháp hội họa của họa sĩ Remington.
Cả hai đặc tính đều nổi bật trong sáng tác của Sorenson.
Phong cách đa dạng
Có lẽ vì có nhiều thầy hướng dẫn khác nhau, nên ông Sorenson đã phát triển phong cách đa dạng. Ông có thể vận dụng trường phái tả thực tinh tế nhất, như được thể hiện trong tác phẩm “Easy to Come By, Hard to Get Away With” (Dễ lấy, nhưng khó thoát), khắc họa những người sống ngoài vòng pháp luật bị bắt quả tang bởi một sĩ quan cảnh sát.
“Những người này đã cướp cỗ xe ngựa và họ có chiếc rương sắt,” họa sĩ nói. “Và họ đã bị bắt.”
Khung cảnh Miền Tây Cũ được vẽ trau chuốt của Sorenson bắt nguồn từ tình yêu mà ông đã nuôi dưỡng trong khi xây dựng các thị trấn ở vùng biên cương và đánh cỗ xe ngựa trong các màn tái hiện cao bồi đấu súng kịch tính — một phương diện khác trong tuổi thơ của ông.
Tất nhiên, lớn lên với việc xem các bộ phim “Gunsmoke” và “Rawhide” đã khuyến khích niềm đam mê Miền Tây Cũ.
Mặc dù, những lời ủy thác sáng tác đôi khi yêu cầu một bức tranh chặt chẽ hơn, nhưng ông Sorenson thích “vẽ tranh tương đối phóng khoáng.”
“Tôi nhận ra rằng tôi càng vẽ, thì càng khoáng đạt hơn,” ông nói. “Vẽ khoáng đạt khó hơn nhiều so với vẽ chặt chẽ vì các sắc thái không gian âm (negative space) của bạn cũng quan trọng như không gian dương (positive space).
“Bạn phải rất chú ý với từng nét cọ, và tôi muốn tất cả mọi người ngắm tranh của tôi đều cảm thấy giống như tôi đang tận hưởng.”
Họa sĩ Sorenson thích vẽ theo kiểu wet-on-wet (hơn là trên các lớp sơn màu đã khô), trực tiếp phủ một lớp màu nước lên tấm vải canvas trắng mà vẫn lưu lại những nét cọ thấy được. Ông thường xuyên vẽ tranh trực họa ngoài trời để duy trì độ nhạy phán đoán màu sắc của mình.
Để minh họa cho lối vẽ “khoáng đạt” này, họa sĩ Sorenson đã vẽ chân dung [viên cảnh sát miền viễn Tây] Bass Reeves, là sĩ quan cảnh sát nổi tiếng người Oklahoma ở lãnh thổ người Mỹ bản địa, ông cũng là một người Mỹ gốc châu Phi.
“Ông là cảnh sát trưởng người Mỹ gốc châu Phi duy nhất, và tôi đã được yêu cầu vẽ chân dung ông cho một tờ tạp chí,” họa sĩ Sorenson chia sẻ, ông nói thêm tranh của ông đã lên trang bìa của 90 tờ tạp chí trong suốt sự nghiệp của mình.
Dấu ấn của một họa sĩ
Trước hết, một bức tranh phải có nét đặc trưng — dấu ấn của người họa sĩ. Một số họa sĩ vẽ “màu sắc Kodak,” họa sĩ Sorenson nói. Bất kỳ thứ gì bạn thấy trong bức ảnh đều xuất hiện trên tấm nền canvas.
“Nếu bạn và tôi chỉ sao chép một bức ảnh, thì sẽ không nói lên bất kỳ chỗ nào khác biệt giữa bạn và tôi,” ông Sorenson nói. “Theo ý tôi, đó không phải là nghệ thuật. Bạn cần phải lưu dấu ấn đặc trưng của riêng bạn lên tất cả mọi thứ.
“Những chú ngựa của tôi phải trông giống những chú ngựa — bạn chớ hiểu lầm tôi — nhưng tôi muốn chúng trông giống những chú ngựa trong sự hình dung của mình.”
Đối với những điều gọi là “dấu ấn”, họa sĩ Sorenson cho biết ông hướng đến “khơi gợi hồi ức của ai đó có cùng bối cảnh” giống như ông, ông nói thêm, “Tôi chỉ cảm thấy là cần phải khơi gợi cảm xúc. Đó là lý do vì sao các câu chuyện rất quan trọng đối với tôi.”
Nhưng điều này còn hơn thế nữa. Đối với họa sĩ Sorenson, các chàng cao bồi vẫn luôn là “các anh chàng có tính cách mạnh mẽ,” và đó là một đức tính tỏa sáng xuyên suốt trong sáng tác của ông. “Tôi chưa từng gặp một chàng cao bồi nào có phẩm hạnh thấp kém cả,” ông cho hay. “Tất cả họ dường như đều có chuẩn mực đạo đức cho mình.”
Tác phẩm “Winds of Change”
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times