Hành trình của một người mẹ cứu con gái khỏi phẫu thuật chuyển giới
‘Đi khắp chân trời góc bể’ tìm kiếm sự giúp đỡ
“Một cô gái trẻ thông minh, tuyệt vời” với một giọng hát hay. Đó là lời mô tả của bà Julie về cô con gái 19 tuổi Eileen của mình.Bốn năm trước, khi cô con gái từng “si mê các chàng trai” của bà tuyên bố rằng cô bé muốn làm phẫu thuật chuyển giới, bà Julie đã rất choáng váng lúc ban đầu.Sau đó bà đã bắt đầu “đi khắp chân trời góc bể” để tìm sự trợ giúp cho con gái Eileen. Bà Julie khởi đầu một hành trình cứu con gái mình khỏi điều mà bà lo sợ sẽ là sai lầm lớn nhất trong cuộc đời của con.
Bà Julie đã chia sẻ câu chuyện của mình với The Epoch Times. Bà hy vọng những trải nghiệm của bà sẽ làm sáng tỏ một vấn đề khó khăn.
Nhận nuôi ‘vừa kịp lúc’
Vợ chồng bà Julie sống ở một tiểu bang miền nam Hoa Kỳ cùng với hai cô con gái “xinh đẹp,” cả hai đều được nhận nuôi từ Trung Quốc. Bà Julie là một luật sư đã bán về hưu; bà đã hành nghề luật trong hơn 30 năm.
Con gái lớn của họ, Eileen, được phát hiện bị bỏ rơi khi mới 13 ngày tuổi. Bé được đưa vào “viện phúc lợi trẻ em” — một trong những trại trẻ mồ côi do nhà nước Trung Quốc điều hành. Khi Eileen mới được hơn một tuổi, bà Julie đã mang bé trở về Hoa Kỳ.
“Bé được đặt trong vòng tay của tôi khi được 13 tháng tuổi. Bé chỉ nặng 15 pound. Bé không thể khóc. Bé không thể gọi được. Và bé thậm chí còn không thể cầm nổi một cái bình,” bà Julie cho hay.
Trở về Hoa Kỳ, bà Julie đưa Eileen đến gặp một chuyên gia nhi khoa, vị này nói với bà rằng bé bị suy dinh dưỡng và cô bé đã nhận được sự giúp đỡ “vừa kịp lúc.”
“Cô bé có thể không sống qua được tháng tới,” bác sĩ nói với bà Julie.
“Trong vòng hai tuần, cô bé đã có thể tự cầm bình,” bà Julie kể lại, và trong vòng 10 ngày, cuối cùng cô bé đã có thể cất tiếng, tiếng khóc khi đói.
Ký ức về sang chấn thời sơ sinh
Cha mẹ cô bé không biết chuyện gì đã xảy ra với Eileen trong những tháng cô bé ở trại trẻ mồ côi, nhưng bà Julie nhớ những năm tháng chập chững biết đi của con gái mình là “đầy những nỗi kinh hoàng về đêm.”
Khi Eileen được hơn ba tuổi rưỡi, gia đình đưa cô bé đến một nhà hàng Trung Quốc.
Nhà hàng này được xây dựng ở Đài Loan, vận chuyển ra hải ngoại, và lắp ráp lại ở Hoa Kỳ, bà Julie cho biết. Nhà hàng có một kiểu cách Trung Hoa đặc trưng, khác với hầu hết các nhà hàng Trung Hoa ở Mỹ.
“Nó trông khác hẳn. Thức ăn có mùi vị khác biệt. Nó thật đẹp,” bà Julie nói. “Khi bước vào đó, chúng tôi có cảm giác như đang quay trở lại Trung Quốc.”
“Mẹ ơi, chúng ta đang ở Trung Quốc!” cô bé nói.
Họ ngồi xuống và bà Julie bắt đầu xem thực đơn của mình. Đột nhiên bà nhận thấy con gái đang nhìn chằm chằm vào thứ gì đó ở phía bên kia phòng.
“Con đang nhìn gì thế, con yêu?”
“Mẹ ơi, đó là nơi người ta đặt những cái giường cho những đứa trẻ mới sinh. Đó là nơi họ đặt giường!” Eileen trả lời.“Và rồi đột nhiên, cô bé không còn chịu ngủ ở nhà một mình nữa. Cô bé thậm chí còn không đi vệ sinh nếu không có tôi,” bà Julie nói. “Cô bé kinh hãi trước bất cứ hình ảnh nào mà mình nhìn thấy.”
Sau chuyện ấy, phải ba tháng sau Eileen mới ngủ trên giường của mình.
‘Họ bắt con phải ngoan’
Khi Eileen lên năm tuổi, một tiếp viên hàng không hỏi cô bé có muốn uống gì không. Eileen đã đáp lại: “Dạ vâng, cho cháu xin nước táo được không?” Khi cô tiếp viên khen Eileen có cách cư xử tốt, Eileen nói với bà Julie, “Mẹ ơi, họ bắt con phải ngoan ở trại trẻ mồ côi. Con phải ngoan.”
Mẹ cô ngạc nhiên trước lời nói đó. Rõ ràng, Eileen đã có những ký ức đáng sợ về khoảng thời gian ở trại trẻ mồ côi, mặc dù cô bé chỉ mới là một đứa trẻ sơ sinh.
Vài năm sau, Eileen bị ám ảnh bởi việc tìm ra danh tính Trung Quốc của mình. Mẹ cô thấy cô bé 8 tuổi ngồi bên máy điện toán, tìm kiếm cái tên cô đã được đặt ở trại trẻ mồ côi.
“Cháu đang cố gắng tìm kiếm gia đình của mình trên Internet,” bà Julie nói.
Bà Julie phải mất một năm để giúp Eileen chấp nhận khái niệm nhận con nuôi và hiểu rằng cha mẹ nuôi giờ đây là gia đình của cô.
“Vâng, con hiểu rồi. Con là một công chúa người Hoa được một gia đình rất tử tế nuôi dưỡng,” cuối cùng Eileen nói với bà Julie.
Cha mẹ Eileen gửi cô bé đến một trường tiểu học nhỏ thuộc Giáo hội Giám nhiệm (Episcopalian), nơi Eileen học tiếng Hoa, tiếng Latinh, và tiếng Tây Ban Nha. Bà Julie cho biết con gái bà có các kỹ năng ngôn ngữ tuyệt vời.
Tuy nhiên, ở trường trung học, Eileen có dấu hiệu khó khăn trong giao tiếp xã hội và chật vật trong việc kết bạn.
Những dấu hiệu nguy hiểm
Những dấu hiệu đáng lo ngại hơn bắt đầu ở trường trung học.
Eileen theo học tại một trường trung học có khoảng 2,400 học sinh, một ngôi trường lớn hơn nhiều so với trước đây cô bé từng học. Ngoài ra, có rất ít học sinh Á Châu.
Theo bà Julie, Eileen có “một nhóm bạn tốt” vào năm thứ nhất, nhưng đến cuối năm đó, hầu hết trong số họ đã rời đi, và “cô bé chỉ còn lại một người bạn gái, người ăn mặc kỳ quặc so với một cô gái bình thường.”
“Tôi không quan tâm mọi người ăn mặc như thế nào, nhưng có gì đó trong chuyện này khiến tôi lo lắng,” bà Julie nói. “Con gái tôi thực sự rất thích gần gũi với cô bé đó.”
Một ngày vào tháng 06/2019, Eileen vừa bước sang tuổi 16, bất ngờ nói với cha mẹ trong bữa tối rằng cô bé nghĩ mình là người song tính luyến ái. Phản ứng của bà Julie là “Ôi Chúa ơi, chúng ta có thể không nói về chuyện này ngay bây giờ được không?”
Mọi chuyện càng trở nên phức tạp hơn. Vài tuần sau, Eileen thay đổi câu chuyện và nói với cha mẹ rằng cô là người đồng tính nữ. Và vài tuần sau, cô lại thay đổi câu chuyện, lần này nói rằng mình là người chuyển giới.
Gian nan tìm một bác sĩ ‘tốt’
Để làm rõ tình hình, bà Julie đưa Eileen đến gặp một loạt bác sĩ tâm thần và nhà trị liệu, và những lời nhận xét của họ khiến bà sửng sốt. Bác sĩ đầu tiên cho rằng Eileen có “vấn đề về danh tính” do được nhận làm con nuôi.
Bác sĩ thứ hai bảo đảm với bà Julie rằng bà sẽ không khẳng định Eileen là con trai. “Nhưng tóm lại thì bà ấy đã làm vậy,” bà Julie nói.
Người thứ ba cũng “làm điều tương tự,” theo bà Julie.
Trong suốt sáu tháng, bà Julie đã đi khám hết bác sĩ này đến bác sĩ khác, tất cả đều khiến bà vô cùng thất vọng.
“Họ thật kinh khủng,” bà Julie nói. “Tôi đã đưa [Eileen] đến bệnh viện một lần, và họ [hỏi tôi], liệu bà muốn một đứa con gái đã chết hay một đứa con trai còn sống?”
Bà Julie trả lời: “Bác sĩ ở bên cạnh con tôi được 10 phút. Tôi đã ở bên cạnh con tôi 15 năm. Tôi nghĩ tôi biết rõ con mình.”
Bà Julie mô tả bình luận trên là một lời thao túng cảm xúc.
Những người bạn trực tuyến, những ảnh hưởng xấu
Bà Julie cũng hồi tưởng một sự việc đáng lo ngại: sự việc mà bà cho là yếu tố chính dẫn đến tình trạng sức khỏe tinh thần của Eileen.
Vào tháng 01/2020, nhận thấy sức khỏe tâm thần của con gái ngày càng sa sút, bà Julie bắt đầu tìm kiếm manh mối trên điện thoại di động của Eileen.
Bà phát hiện ra hàng trăm tin nhắn giữa Eileen và một cô gái tên MJ, người mà Eileen đã gặp trên mạng Internet.
Trước sự bàng hoàng và thất vọng của mình, bà Julie phát hiện ra rằng Eileen đã nói với MJ nhiều điều về mẹ của mình, mà theo bà Julie, đơn giản là nói không đúng sự thật. Cô bé nói với người bạn trực tuyến rằng bà Julie sẽ ép cô bé mặc áo nịt ngực và đầm, bắt cô mặc đồ màu hồng, và tháo hết dây buộc tóc để cô không thể búi tóc lên.
Tuy nhiên, câu trả lời của MJ càng khiến bà Julie hoảng hốt hơn.
MJ đã nói với Eileen rằng mẹ cô là “kiểu người ngược đãi điển hình,” “một người thao túng tâm lý,” và “một người tạo ra gắn kết đau thương (trauma bonder).” “Cha của bạn cần ly hôn mẹ của bạn và đưa những đứa con ra khỏi nhà,” cô gái đó khuyên Eileen.
“Đây là một cô bé 15 tuổi nói với con gái tôi [những điều này]. Nói cách khác, cô bé ngụ ý, ‘Mẹ bạn ghét bạn,’” bà Julie nói. Bà coi mối quan hệ trực tuyến này là yếu tố chính dẫn đến hành vi của con gái mình.
Theo bà Julie, MJ cũng cho Eileen tiếp xúc với nội dung khiêu dâm và các trang web có vấn đề.
“Con gái tôi, lúc đó mới 15 tuổi, chưa chuẩn bị tinh thần để chứng kiến những thứ đó. Đối với tôi, đó là sự lạm dụng,” bà Julie cho biết.
Điều bà Julie thấy đáng sợ nhất là MJ gợi ý rằng các cô gái hãy chuyển đến tiểu bang Oregon, nơi họ có thể phẫu thuật chuyển đổi giới tính ở tuổi 15.
Thông qua tài khoản Instagram của MJ, bà Julie phát hiện ra rằng cô ấy đang sử dụng hormone testosterone và đang gây quỹ trên GoFundMe để cắt bỏ bộ ngực của mình.
“Đó là một điều rất, rất đáng sợ khi phải trải qua với tư cách là cha mẹ, [chứng kiến] những người bạn của con mình sử dụng hormone và hủy hoại cơ thể của các cháu,” bà Julie nói.
“Một trong số các cháu đã phẫu thuật cắt bỏ ngực. Rủi ro của việc đó là rất cao, và ngành y tế không hề quan tâm. Họ đang kiếm tiền từ việc này. Và những [người] này sẽ là bệnh nhân suốt đời. Nhiều người không biết các loại thuốc đó có tác dụng gì lên cơ thể.”
“Đó là những gì chúng tôi phải giải quyết. Cố gắng ngăn [Eileen] sử dụng hormone và phẫu thuật để cắt bỏ các bộ phận cơ thể,” bà Julie nói.
‘Chỉ có tình yêu thương thôi là chưa đủ’
Bà Julie tin rằng chỉ tình yêu thương thôi thì không đủ để giúp con gái bà vượt qua thử thách này. Bà cần sự giúp đỡ chuyên nghiệp.
“Bạn phải chủ động. Bạn phải nghiên cứu. Và tìm đúng người để giúp đỡ con bạn trong cảnh khốn cùng,” bà nói.
“Nếu con tôi, Lạy Chúa đừng có chuyện đó, mắc ung thư. Tôi sẽ đi khắp cùng trời cuối đất để tìm ai đó tìm ra phương pháp chữa trị. Tôi sẽ không nghỉ ngơi. Và điều này cũng tương tự. Đây là một đứa trẻ đang gặp nạn, và tôi cảm thấy bất lực.
“Nhưng với đức tin, trí tuệ của tôi và chồng tôi, chúng tôi đã tận lực để bảo đảm rằng chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để đưa con bé đến một nơi tốt đẹp hơn,” bà Julie nói.
Đối với người cha và người mẹ đang lo âu của Eileen, không gì có thể cản bước họ.
Sau sáu tháng tìm kiếm, bà Julie đã tìm được một nhà tâm lý học chuyên về chấn thương và chứng rối loạn mặc cảm ngoại hình. Trước sự ngạc nhiên của bà, vị bác sĩ này khác với những bác sĩ khác mà con gái bà từng gặp.
“Bà ấy thật tuyệt vời,” bà Julie nói. “Bà không [đơn giản] tin rằng các cháu là người chuyển giới khi các cháu nói rằng mình là người chuyển giới, vì vậy bà đang điều trị cho [Eileen] và chẩn đoán cô bé bị chấn thương trước khi được nhận nuôi.”
Bác sĩ nói với bà Julie rằng những sự kiện đau thương xảy ra trong năm đầu đời của Eileen đã tái tạo lại bộ não của cô bé.
Bà chẩn đoán Eileen mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới (BPD). Các triệu chứng của rối loạn bao gồm các mối quan hệ không ổn định, sợ bị bỏ rơi, rối loạn điều hòa cảm xúc, và các vấn đề về danh tính.
Trong số các triệu chứng BPD của Eileen là rối loạn nhận dạng. Để minh họa, bà Julie nói, “Hai năm trước, [Eileen] đã vẽ một bức chân dung tự họa. Cô bé có mái tóc vàng, đôi mắt xanh, quai hàm vuông, và chiếc cằm nhọn. Đó là những gì cô bé nghĩ về vẻ ngoài của mình. Nhưng thực tế, cô bé có diện mạo đậm chất Á Châu. Cô bé có mái tóc đen, đôi mắt đen. Cô bé thực sự xinh đẹp.”
Theo nghiên cứu của chính bà Julie và những người khôi phục lại giới tính ban đầu sau khi đã trải qua quá trình chuyển giới (detransitioner) mà bà đã nói chuyện cùng, nhiều người mắc chứng bức bối giới đều mắc chứng BPD.
Quan trọng nhất, nhà tâm lý học này đã trấn an cha mẹ Eileen rằng nếu được điều trị thường xuyên, con gái họ sẽ bình phục.
Bà Julie cho biết Eileen đã đến gặp bác sĩ hàng tuần kể từ năm 2019, và sức khỏe tinh thần của cô bé “tốt hơn nhiều.”
“Cháu hiện rất ổn. Tôi nghĩ trong thâm tâm cháu biết mình cần được giúp đỡ,” bà Julie nói.
Theo bà Julie, vị bác sĩ này lạc quan rằng Eileen sẽ “dần dần thoát khỏi điều này” miễn là cô bé tiếp tục điều trị hằng tuần cho đến khi bộ não cô trưởng thành hoàn toàn. Các nghiên cứu đã cho biết rằng phần lý trí của não không trưởng thành hoàn toàn cho đến khoảng 25 tuổi.
Bác sĩ này cũng nói với bà Julie, từ kinh nghiệm của bà, rằng “90%” các bạn trẻ có vấn đề về danh tính thực sự có thể trở lại bình thường, nhờ sự điều trị.
Bức bối giới và sang chấn trong quá khứ
Bà Julie trích dẫn một nghiên cứu của Bệnh viện Nhi Boston cho thấy tỷ lệ mắc chứng bức bối giới ở trẻ được nhận nuôi cao hơn nhiều.
Bà tin rằng những sang chấn trong quá khứ — chẳng hạn như việc con gái bà bị bỏ rơi và sau đó là không được chăm sóc trong trại trẻ mồ côi do nhà nước Trung Quốc điều hành — có thể ảnh hưởng lớn đến trạng thái tinh thần của đứa bé được nhận nuôi.
“Tôi nghĩ con gái tôi tin rằng nó bị bỏ rơi [ở Trung Quốc] vì bé là con gái. Và sẽ tốt hơn nếu là con trai,” bà Julie nói.
Bà lưu ý rằng bà đã chứng kiến nhiều tình huống tương tự ở những gia đình khác có con gái được nhận nuôi từ Trung Quốc. “Tất cả chúng tôi đều nghĩ chúng tôi có cùng một đứa con,” bà nói. “Câu chuyện của họ rất giống với tôi.”
‘Một nơi an toàn để trở về’
Bà Julie nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải duy trì mối quan hệ yêu thương với những đứa trẻ đang phải chật vật với chứng bức bối giới, và mang lại cho các cháu cảm giác thân thuộc: “Chỉ cần yêu thương và vững vàng, và hy vọng chúng ta đang làm tất cả những điều đúng đắn.”
“[Chúng ta phải] hiểu khi những đứa trẻ này ‘bị lạc lối,’ chúng được bảo rằng ‘cha mẹ bạn không yêu bạn,’ ‘bạn phải rời xa bố mẹ.’ [Kết quả là], chúng trở nên rất tức giận với bạn với tư cách là một bậc cha mẹ [và] hiếu chiến, và đó là những gì chúng tôi đã trải qua,” bà Julie nói.
“Các cháu phải biết có một nơi an toàn để các cháu trở về.”
Bà tin [rằng] tình yêu thương và sự quyết tâm là rất quan trọng trong việc đấu tranh cho hạnh phúc của con gái mình.
“Là cha mẹ, bạn học được rằng bạn phải lựa chọn các trận chiến của mình,” bà nói, lưu ý rằng bà không đối đầu với con gái mình về một số vấn đề, mà chỉ đưa ra giới hạn cho những vấn đề khác. Bà cho biết hiện tại bà có thể linh hoạt về việc ăn mặc, nhưng sẽ không cho phép con gái mình sử dụng hormone. Hơn nữa, “Không có tên nam và không có [thay đổi] đại từ xưng hô nào xảy ra trong nhà tôi.”
“Tôi không thể diễn tả cho bạn tình yêu của tôi dành cho đứa bé này. Tôi cảm động vì tôi yêu cô bé rất nhiều. Tôi muốn cô bé được hạnh phúc,” bà Julie nói. “Và tôi muốn cô bé yêu bản thân mình vì chính con người [đích thực] cô bé chứ không phải con người mà cô bé nghĩ.”
“Là cha mẹ, bạn phải học hỏi. Bạn phải chiến đấu,” bà nói thêm. Các trang web như Genspect, nơi tập hợp các nguồn dành cho các bậc cha mẹ đang tìm kiếm sự trợ giúp cho trẻ em bị bối rối về giới tính — các nguồn không nhất thiết phải tuân theo câu chuyện phổ biến — là rất quan trọng, cũng như sự giúp đỡ của các bậc cha mẹ khác.
Các bút danh được sử dụng trong bài viết này để bảo vệ sự an toàn và riêng tư của gia đình.
Ký giả Kerry Xue đã đóng góp bài viết này.
Tố Như biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times