Lo lắng trước tình trạng suy giảm hiểu biết lịch sử ở Mỹ, người mẹ sử gia biên soạn giáo trình homeschool không thiên lệch
Cuốn sách “Chronos” — tài liệu hướng dẫn giảng dạy lịch sử cho trẻ em — đang trở thành công cụ không thể thiếu đối với nhiều người Mỹ.
Một người mẹ dạy học tại gia với nhiều nỗi trăn trở về trình độ hiểu biết lịch sử ở Hoa Kỳ đã biến kiến thức chuyên môn của cô thành giải pháp — một chương trình giảng dạy lịch sử tại gia đã thay đổi khuôn mẫu giảng dạy của các lớp học ở tại các trường học truyền thống.
Cô Holly Metesh, 38 tuổi, có bằng thạc sĩ lịch sử và đang điều hành The Homeschool Historian, một nền tảng về nguồn tư liệu lịch sử dành cho học sinh học tại gia phân chia theo trình tự thời gian và mang tính cân bằng. Cô Metesh và chồng sống gần thành phố Champaign, Illinois, cùng ba người con. Cô đã dạy các con học tại gia trong 9 năm qua.
“Thành thật mà nói, người Mỹ bình thường không có kiến thức nền tảng về lịch sử, và đây không phải là vấn đề mới.” Cô Metesh, tác giả cuốn sách hướng dẫn giảng dạy lịch sử có nhan đề “Chronos,” nói với The Epoch Times. “Tôi muốn cung cấp một tài liệu hướng dẫn theo trình tự thời gian về những điều mà mọi người Mỹ nên biết, theo một hình thức cho phép các bậc cha mẹ dạy con tại gia có thể tự trang bị kiến thức cho mình cùng lúc với các con, và tôi muốn nó trung lập nhất có thể.”
Trong cuốn sách Điều Đó Xảy Ra Như Thế Nào (Và Tại Sao Nó Quan Trọng) (How it Happened (And Why It Matters)) của mình, cô Metesh trích dẫn một nghiên cứu năm 2018 do Quỹ Học bổng Quốc gia Woodrow Wilson (nay là Viện Công dân và Học giả) thực hiện với trên 40,000 người Mỹ từ tất cả các tiểu bang của Hoa Kỳ. Trong số những người được khảo sát, chỉ có 27% người dưới 45 tuổi thể hiện “sự hiểu biết rất căn bản” về lịch sử, và trong nhóm tuổi đó chỉ có 19% vượt qua bài kiểm tra. Trong tất cả những người đại diện cho các nhóm tuổi, chỉ có 4 trên 10 người vượt qua bài kiểm tra.
“Kiến thức và hiểu biết lịch sử là hết sức quan trọng vì nó giúp chúng ta hiểu tại sao mọi thứ lại diễn ra như vậy, chúng ta đến từ quốc gia nào, và chúng ta sẽ đi về đâu,” cô Metesh nói. “Theo tôi, nó đi đôi với quyền và trách nhiệm công dân. Làm thế nào chúng ta có thể bảo vệ và trân quý những thứ mà mình không hiểu biết?”
Chương trình giảng dạy
Người mẹ ba con này đã “luôn thực hiện một số hình thức cải tiến chương trình giảng dạy” với các con mình. Cô cho rằng việc biên soạn một chương trình giảng dạy là bước đi tiếp theo hoàn toàn tự nhiên. Trong hơn 5 năm, cô đã biên soạn cuốn “Chronos,” một cuốn sách hướng dẫn giảng dạy lịch sử cho trẻ em từ mẫu giáo đến lớp 8.
Cuốn sách Chronos bao gồm 32 bài học về các chủ đề từ Thời kỳ đồ đá cho đến các sự kiện ngày nay, được xếp theo trình tự thời gian.
“Cuốn sách bắt đầu với lịch sử thế giới, thu hẹp phạm vi vào Nền văn minh phương Tây sau sự sụp đổ của đế chế Rome, và sau đó lại thu hẹp vào lịch sử Mỹ quốc sau Thời đại của các cuộc Thám hiểm. Cuốn ‘Chronos’ được giảng dạy lặp lại mỗi năm, từ mầm non đến lớp 8, để khi học sinh bước vào bậc trung học đã nắm rất chắc kiến thức về các niên đại và bối cảnh lịch sử,” cô nói.
Cô Metesh, một người theo Cơ Đốc Giáo, cho biết điều cô muốn nêu ra “chỉ có sự thật.” Mặc dù cô sẽ đưa thêm vào các tài liệu về lịch sử Kinh Thánh và nhà thờ bất cứ khi nào cô thấy phù hợp, giống như bất kỳ nhà sử học nào, nhưng cô “không cố gắng định hướng bất kỳ ai” ủng hộ quan điểm chính trị, triết học, hoặc thần học của riêng cô.
Bản thân cô là một “sản phẩm của hệ thống trường công,” khi cô Metesh nhận thấy mình muốn bắt kịp giáo trình của trường công về mặt nội dung và trình tự giảng dạy, cô đã đưa ra một lựa chọn sáng suốt là “ngừng suy nghĩ như một nhà giáo dục và bắt đầu suy nghĩ như một sử gia.”
“‘Quá khứ’ bao gồm dữ kiện lịch sử, những điều chúng ta có thể chứng minh và có rất ít hoặc không có tranh cãi về chúng, và ‘lịch sử’ chính là cách các sử gia diễn đạt hoặc giải thích các dữ kiện đó,” cô chia sẻ với The Epoch Times. “Lịch sử đưa ra các kết luận và kể lại câu chuyện, và bất kỳ ai kể câu chuyện đó sẽ định đoạt cách nó được kể ra.
“Hướng dẫn giảng dạy của tôi mong muốn đưa ra nhiều cách diễn giải khác nhau bằng cách sử dụng nhiều nguồn thông tin khác nhau — các nguồn thông tin sơ cấp và thứ cấp, các bài viết trên web, YouTube, phim tài liệu, các nguồn hạng ba, thậm chí cả sách tiểu thuyết lịch sử tại thư viện — để học sinh có thể lấy ví dụ mẫu từ các cách diễn giải hiện có và đưa ra kết luận của riêng mình … Có thể chưa đạt được sự khách quan hoàn toàn, nhưng chúng ta có thể tiến gần điều đó hơn.
“Cuốn sách này sắp xếp các sự kiện theo trình tự thời gian và bối cảnh [lịch sử], không theo chủ đề. Chúng ta đã quen với việc được dạy những mảnh ghép quá khứ theo cách rời rạc, bị tách khỏi bối cảnh; ở trường tiểu học, các sự kiện được chia thành những chủ đề như ‘Cứu tinh của cộng đồng,’ hoặc ‘Biểu tượng quốc gia,’ sau đó ở các lớp lớn hơn, các em học về các chủ đề này theo các giai đoạn thời gian nhất định, nhưng các nội dung không liên kết với nhau. Không có giáo trình nào mạch lạc, giảng dạy theo trình tự thời gian, nhằm giúp học sinh thấy được các sự kiện đã diễn tiến như thế nào cũng như những hệ quả trước mắt và lâu dài là gì.”
Cô Metesh học thuật chép sử (historiography) vào năm đầu đại học và nhớ đã “hoàn toàn chấn động” trước khái niệm “giải thích lịch sử” (historical interpretation). Cô chợt nhận ra rằng độc giả bình thường không phải là một phần của lĩnh vực đặc biệt này mà họ chỉ đơn giản là “lặp lại những thứ đã được các nhà phiên dịch đầy quyền lực đưa vào chương trình giảng dạy.”
Các con của cô Metesh vốn luôn được học tại gia, nhưng cô cũng từng dạy những học sinh trước đây học trong hệ thống trường công và có thể thấy sự khác biệt rất lớn.
“Trẻ em chỉ học những gì chúng cần, làm bài kiểm tra, và rồi quên đi những gì mình học vì nó dường như không [mấy] quan trọng trong đời thực, hoặc không liên quan gì đến cuộc sống của các em,” cô cho biết. “Giáo dục tại gia và cuốn ‘Chronos’ đi theo các triết lý và phương pháp giáo dục hoàn toàn khác, do đó đưa đến những kết quả khác biệt; [chúng tôi] khơi dậy trí tò mò tự nhiên của các em, các em có thể thoải mái đặt câu hỏi, và chúng tôi luôn nghiên cứu các mối liên kết cũng như quan hệ nhân quả.”
Cho dù đó là các bậc cha mẹ dạy học tại gia hay những người không thuộc cộng đồng giáo dục tại gia, giáo trình của cô Metesh đang trở thành một tài liệu không thể thiếu đối với nhiều người Mỹ.
“Có những khoảng thời gian, tôi giống như là hét lên những suy nghĩ của mình vào hư không, và sau đó tôi bắt đầu có được những người theo dõi không biết từ đâu ra,” cô Metesh cho hay. “[Với] nhiều lượt xem hơn thì lại có nhiều lời chỉ trích hơn; tôi đã bị xúc phạm, và phải chặn những lời nhục mạ bừa bãi trên Internet … Nhưng nhìn chung, hồi đáp đều là tích cực.
“Nhiều người nói rằng các con họ từ chỗ sợ hãi môn lịch sử đã chuyển sang hào hứng với nó, và một trong những thông điệp phổ biến nhất mà tôi nhận được là các gia đình hiện nay đang thường xuyên tìm kiếm những trải nghiệm phong phú liên quan đến lịch sử như thăm bảo tàng và diễn lại các sự kiện. Các bậc cha mẹ đã nói với tôi rằng họ cảm thấy tự tin hơn trong việc dạy dỗ con cái, đây có lẽ là điều đáng khích lệ nhất … Đó là một trải nghiệm tuyệt vời.”
Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với chúng tôi tại [email protected], và tiếp tục tìm thấy nguồn cảm hứng hàng ngày bằng cách ghi danh nhận bản tin Inspired newsletter tại TheEpochTimes.com/newsletter