Cách xưng hô vợ chồng của cổ nhân như thế nào?
“vợ chồng” kết tóc xe duyên, “phu thê” kính nhau như khách. Từ xưa đến nay có rất nhiều cách xưng hô khác nhau cùng chỉ vợ và chồng. Vậy đó là những cách xưng hô nào?
Trong các tiểu thuyết võ hiệp, bạn có thể đã nghe đến cặp từ “phu quân – phu nhân”, còn trong phim ảnh cổ trang thì cách gọi “tướng công – nương tử” lại dường như quen thuộc hơn cả. Mỗi cặp từ, mỗi cách xưng hô đều có nguồn gốc riêng, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một vài trong số đó.
Lão công và lão bà
Ngày nay, trên báo chí và các kênh truyền thông của người Hoa, chồng được gọi là ‘lão công’ và vợ được gọi là ‘lão bà’. Cách gọi này này thay thế cho trượng phu và thê tử, và gần như thay thế các cách gọi chính thống và thanh lịch.
Chữ “lão” ở đây vốn là để chỉ tuổi tác đã già, ví như trong “Tam quốc chí – Đặng Ngãi truyện” có câu: “Thất thập lão công, phản dục hà cầu!” (Chồng đã bảy mươi, còn mong gì đây?). Đến thời Minh và Thanh, ‘lão công’, ‘lão bà” cũng là danh từ để chỉ vợ chồng, nhưng lại dùng cho những trường hợp thô tục. Ví dụ trong “Kim Bình Mai”, sau lần đầu tiên gặp Phan Kim Liên, Tây Môn Khánh đã hỏi Vương Bà: “Lại đây, cho ta hỏi dưới mái nhà cách vách này là nương tử của ai?”. Vương Bà nói: “Đại quan nhân sao lại không nhận ra? Lão công (chồng) cô ấy bán đồ ăn ở phía trước huyện nha“.
So với cách gọi lão công và lão bà, vợ chồng cũng có thể gọi nhau là “khanh” để thể hiện tình cảm vừa ý tứ lại vừa khăng khít, thương yêu và đùm bọc lẫn nhau. Vào thời Hán, các cặp vợ chồng đều gọi nhau theo cách này. Trong bài Cổ Nhạc Phủ thi “Tiêu Trung Khanh thê”, Lưu Chi Lan gọi Tiêu Trung Khanh là ‘khanh’. Thời cận đại, trong thư “Vĩnh biệt vợ”, Lâm Giác Dân đã đặt biệt danh cho vợ là ‘khanh khanh’, thể hiện tình cảm chân thành khiến trái tim bao người xúc động.
Tướng công và phu nhân, tướng công và nương tử
‘Tướng công’ là cách xưng hô đối với chư hầu, ‘phu nhân’ là cách gọi để chỉ vợ của chư hầu và thiếp của thiên tử. Trong quyển “Giải thích về tên gọi, giải thích về thân thuộc” có viết: “Vợ của chư hầu gọi là phu nhân, phu cũng tức là phù trợ, giúp đỡ chồng vậy”. Vì vậy, trong cách xưng hô giữa vợ và chồng, người chồng được gọi là ‘tướng công’ và người vợ được gọi là ‘phu nhân’. Đồng thời, cách gọi này cũng cho thấy sự viên dung lẫn nhau về thân phận và địa vị của hai người.
Nếu ‘tướng công’ (chỉ người chồng) là tôn xưng dành cho những người có học, thì ‘nương tử’ (chỉ người vợ) là cách xưng hô trong trường hợp nào? Đào Tông Nghi trong quyển 1-4 “Nam thôn chuyết canh lục” chép rằng, cách gọi vợ của những người dân bình thường hay vợ của các quan nhân đều là nương tử. Cách xưng hô này vẫn được sử dụng trong triều đại nhà Minh và nhà Thanh.
Lương nhân và nội tử, ngoại tử và nội tử
Bên cạnh đó, từ “lương nhân” là chỉ người chồng hoặc người bạn đời đã có từ xa xưa. “Mạnh Tử – Li Lâu hạ” viết: “Lương nhân cũng là người luôn mong chờ suốt đời vậy”. Lương nhân là vị phu quân có thể khiến cho người vợ yên tâm giao phó cả cuộc đời. Trong bài “Hàn Khuê thi” của Tiêu Dịch đời Nam Tống có câu: “Chim khách bay về phương nam trong đêm, người chồng vẫn chưa trở về”, diễn tả nỗi nhớ nhung của người vợ khi chồng xa nhà.
Thời cổ đại, vợ chính của Khanh Đại Phu được gọi là ‘nội tử’. Sách “Giải thích về tên gọi, giải thích về thân thuộc” chép: “Vợ của bậc Khanh thì gọi là nội tử, là người phụ nữ lo toan mọi việc của gia đình vậy”. Vào thời Xuân Thu, vợ của Tể tướng Yến Anh có thể nói là một trong những nội tử nổi tiếng nhất, đến nay sử sách còn lưu danh.
“Hán Thư” có ghi: “Yến Anh tướng Cảnh Công, khi ăn không coi trọng việc ăn thịt, vợ không mặc áo lụa, trị vì được nước Tề”. Yến Anh làm tể tướng nước Tề, nổi tiếng thời bấy giờ. Có câu chuyện kể rằng, một ngày vua Tề Cảnh Công đến nhà Yến Anh ngỏ ý muốn gả ái nữ cho ông. Vào thời điểm đó, Yến Anh đã kết hôn nhiều năm rồi và vợ ông cũng không còn trẻ nữa. Tề Cảnh Công thấy người vợ già và xấu của Yến Anh mặc quần áo vải gai thô bèn cho rằng bà không xứng với ông. Lúc ấy hai người cùng uống rượu thưởng nhạc, Cảnh Công vừa trông thấy vợ của Yến Anh liền hỏi: “Đây là thê tử của khanh à?”. Sau đó vua Tề Cảnh Công ngỏ ý gả con gái cho Yến Anh, nhưng ông ba lần từ chối. Dù thành công trong sự nghiệp và kỳ vọng cao đến đâu, ông vẫn thủy chung gắn bó với người vợ thuở hàn vi của mình. Câu chuyện của ông đã lưu lại một kiểu mẫu về tình cảm son sắt “lương nhân và nội tử” cho hậu thế.
Bởi vợ là ‘nội tử’ chăm chút cho gia đình từ bên trong, nên người đời sau cũng gọi chồng là ‘ngoại tử’. Cách gọi ấy bắt nguồn từ khi nào? Trong “Hằng ngôn lục” của Tiền Đại Hân thời nhà Thanh có câu chuyện: Lương Từ Phỉ ngâm vịnh bài thơ “Tặng nội thi” và trồng đào trước nhà, còn vợ của ông là Lưu Thị thì đối đáp lại bằng bài thơ “Đáp ngoại thi”. Cách gọi ‘nội tử’ và ‘ngoại tử’ bắt đầu từ đây, cách gọi này đến nay vẫn được người hiện đại sử dụng phổ biến.
Cảo Châm và Chuyết Kinh
Trong “Ấu học quỳnh lâm”, quyển hai, phần “Vợ chồng” có chép: “Chồng gọi vợ là Chuyết Kinh, cũng gọi là nội tử; vợ gọi chồng là Cảo Châm, cũng xưng là lương nhân”. Cách gọi Cảo Châm có nguồn gốc như thế nào? Cảo Châm là một công cụ để cắt cỏ, còn được gọi là Thiết. Vì chữ Thiết nhìn giống với chữ Phu nên còn gợi liên tưởng đến chữ “trượng phu”. Quyền Đức Dư đời Đường trong tác phẩm “Ngọc Đài Thể” viết rằng: “Chuyên hoa bất khả khí, mạc thị cảo chuyên quy” (Nhanh nhanh trau chuốt trang điểm, để đợi chồng trở về), thể hiện sự hài hước và tình cảm của người xưa.
Người vợ mượn chữ Cảo Châm là công cụ làm cỏ để gọi chồng, còn người chồng mượn chiếc kinh thoa (trâm cài đầu) của phụ nữ để gọi vợ là Chuyết Kinh. Đây cũng là một điển cố khá nổi tiếng. Trong “Liệt nữ truyện” ghi lại rằng, Mạnh Quang là vợ của Lương Hồng Khải, một ẩn sĩ nổi tiếng thời Đông Hán. Mạnh Quang hiền thục đảm đang, nhưng ít khi trang điểm phấn son, ngày thường bà chỉ lấy một cành gỗ làm trâm cài đầu và dùng vải thô làm váy, nhưng lại giúp Lương Hồng Khải hoàn thành công việc đồng áng để có thể chuyên tâm đọc sách. Mạnh Quang là người vợ hiền, mộc mạc giản dị, đơn thuần tự nhiên nhưng tốt hơn châu ngọc. Vì vậy người đời sau gọi vợ một cách khiêm tốn là Chuyết Kinh.
Phu tử và phu nhân, quân và thiếp
“Phu tử” là tôn xưng để gọi người chồng. Thuở xưa, khi con gái sắp lấy chồng, mẹ đã sốt sắng dặn dò rằng: Khi về nhà chồng thì phải vâng lời phu tử! Trong “Mạnh Tử – Đằng Văn Công quyển hạ” có câu: “Con về nhà chồng, phải kính phải răn, chớ trái mệnh phu tử“.
“Phu nhân” là người vợ giúp đỡ phu tử của mình, trong khi các thê thiếp gọi chồng là ‘quân’ hoặc ‘nam quân’. Trịnh Huyền thời nhà Hán đã chú thích trong sách “Lễ Ký” – phần “Nội tắc”: “Phàm là thê thiếp thì gọi chồng là quân”. Luân thường có sự khác biệt giữa các mối quan hệ trong gia đình.
Quan nhân và nô gia
“Quan nhân” nghĩa đen là người có chức vụ chính thức, không phải người thường. Ví dụ, trong tác phẩm “Thức đại lí bình sự vương quân mộ chí danh” của Hà Dũ đời Đường viết: “Ngươi phải gả cho một quan viên, không được gả cho một nam tử phàm tục”. Về sau, ‘quan nhân’ trở thành tôn xưng khi người vợ gọi chồng.
“Nô” và “gia nô” là cách tự xưng rất khiêm tốn của người phụ nữ. Trong biến văn thuyết xướng và tiểu thuyết tại Đôn Hoàng cũng biểu đạt ý giống như vậy, chẳng hạn như “Đôn Hoàng biến văn tập tân thư – quyển 5 – Vương Chiêu Quân biến văn” có viết: “Chỉ tay lên mây trắng mà hô gọi, nghe một nhạc khúc tạm biệt quê hương của nô”. Vào thời nhà Minh, trong tác phẩm “Tĩnh thế hằng ngôn – quyển 9 – Trần Đa Thọ sinh tử phu thê” có viết: “Ta và nàng kết tóc xe duyên, vui buồn cùng nhau. Nay quan nhân mắc bệnh, cũng là trong mệnh của nô gia có vậy. Hai ta sống chết có nhau thì có lý gì phải nói!”.
Trượng phu và thái thái, trượng phu và thê tử
Theo đơn vị đo lường thời nhà Chu, một người đàn ông trưởng thành cao khoảng mét tám, vì vậy danh từ “trượng phu” là một thuật ngữ chung cho nam giới. Chẳng hạn như: “Trượng phu ở độ tuổi 20 không thể không lấy vợ; phụ nữ ở tuổi 15 không thể không làm gì”. Trong “Trùng san tống bản mao thi chú sớ phụ hiệu khám kí / Quốc Phong – phiêu hữu mai”, hai chữ ‘trượng phu’ trong câu là chỉ đàn ông đối với người phụ nữ. Từ ‘trượng phu’ cũng là để chỉ bậc nam tử có chí khí và anh dũng. Sau này cách gọi người đàn ông trong mối quan hệ hôn nhân là ‘trượng phu’, là người làm chủ trong gia đình. Trong các tiểu thuyết thời Minh, thường thấy chữ ‘trượng phu’ là danh xưng gọi chồng. “Tây du ký” hồi thứ 12 cũng có câu: “Ta tên gọi là Lý Thúy Liên, trượng phu của ta tên là Lưu Danh Toàn”.
“Thái thái” là tôn xưng chỉ vợ của Tuần bổ hoặc Thượng quan viên trở lên thời nhà Minh. Trong “Tục thuyết phu – quyển 16 – giáp ất thừa ngôn, biên đạo thi” viết: “…duy chỉ có vợ của chức trung thừa trở lên được gọi là thái thái”. Trong “Nho lâm ngoại sử” có câu: “Nếu như người phụ nữ đã gả chồng, lúc gả thì gọi là tân nương, sau này gọi là nãi nãi, thái thái, mà không gọi là tân nương nữa”.
Cách xưng hô “thê tử” có khởi nguồn từ thời thượng cổ. Trong “Giải thích về tên gọi, giải thích về thân thuộc”, cách xưng hô ‘phu thê’ phản ánh mối quan hệ vợ chồng bình hòa trong gia đình. Trong “Thi kinh – thường lệ” viết: “Thê tử hảo hợp, như cổ sắt cầm”, qua đó miêu tả vợ chồng sống an hòa cùng nhau như âm thanh tương hợp của đàn sắt đàn cầm vậy.
Từ các loại danh xưng về vợ chồng thời cổ đại cho đến nay, có thể thấy cho dù là ẩn ý hay tao nhã, ngọt ngào hay chất phác, thì đều có nguồn gốc riêng, mỗi danh từ đều hàm chứa ý nghĩa tinh tế, mỗi cách xưng hô đều chan chứa tình nghĩa giữa vợ và chồng.
Do Dung Nãi Gia thực hiện
Mạnh Hải biên dịch