Những giấc mộng kỳ lạ minh chứng rằng ‘nhân duyên là do Trời định’
Nhân duyên liệu có phải do thiên định? Có hay không chuyện giấc mộng điềm báo nhân duyên? Dù là nam hay nữ thì đều có người từng trải qua loại giấc mộng như vậy, và kết quả đúng là một mối nhân duyên tốt.
Thái thú Kinh Nam có một cô con gái đang độ tuổi 18, nhan sắc thanh tú xinh đẹp. Mọi người ở đây gọi nàng là Kim Lệ. Thái thú và phu nhân đã tìm cho con gái một gia đình hôn phối môn đăng hộ đối, vô cùng vừa ý. Hai nhà đã chọn được ngày lành tháng tốt, chỉ chờ đến ngày thành thân để hoàn thành việc đại sự lớn trong đời.
Mấy ngày trước khi diễn ra hôn lễ, Kim Lệ đã có một giấc mộng. Nàng mộng thấy có người nói với mình rằng: “Hôn sự mà phụ thân nàng đã lựa chọn sẽ không thành, người đó không phải là chồng tương lai của nàng”. Người trong giấc mộng còn nói cho nàng biết tên người chồng tương lai của mình là “Kim Quân Khanh”, còn nói rằng “chồng nàng không phải người nơi này”.
Kim Lệ không nói chuyện này với bất kỳ ai, kể cả phụ mẫu của mình. Trên chiếc thắt lưng của y phục cưới, nàng thêu đầy ba chữ “Kim Quân Khanh”. Mẫu thân nàng trông thấy ba chữ đó nhưng không hiểu ý nghĩa là gì, cũng không tiện hỏi con gái, bèn âm thầm đem chuyện này kể lại với tướng công.
Thái thú sau khi nghe xong thì trong lòng có chút nghi ngờ, lẽ nào… con gái ta có tư tình với viên quan thuộc hạ nào dưới trướng của ta chăng? Nghĩ vậy, ông ngay lập tức cho tra xét một lượt nhưng vẫn không tìm ra người có tên gọi là “Kim Quân Khanh” trong số những thuộc hạ của mình.
Phụ mẫu lo lắng con gái bị người ta lừa gạt mà lầm đường lạc lối. Chỉ còn cách duy nhất là chất vấn con gái, do đó ông bà bèn cho gọi con gái đến gặng hỏi. Trong lòng Kim Lệ không hề cất giữ bí mật nào, chẳng qua chỉ là một giấc mộng kỳ lạ mà thôi, vốn không bằng không chứng, cho nên nàng không muốn kinh động đến cha mẹ. Lúc này nàng bèn đem những gì nghe được trong giấc mộng kể hết toàn bộ cho cha mẹ. Hai người sau khi nghe kể về giấc mộng kỳ lạ mơ hồ đó, cảm thấy không có chứng cứ gì nên cũng không để ý đến chuyện này nữa.
Nào ngờ, không lâu sau, con rể tương lai bất ngờ qua đời, hôn sự này vì vậy mà cũng hủy bỏ.
Nửa năm sau, Thái thú Hiệp châu mới nhậm chức đi ngang qua Kinh Nam, liền sai người gửi thư thăm hỏi, đề tên là “Kim Quân Khanh”. Hai vợ chồng Thái thú Kinh Nam vừa trông thấy ba chữ này thì hết sức kinh ngạc.
Kim Quân Khanh đến thăm hỏi Thái thú Kinh Nam, Thái thú tiếp đãi rất nhiệt tình chu đáo, còn giữ ông ta ở lại phủ suốt mấy ngày liền. Trong mấy ngày này, vợ chồng Thái thú thăm dò thì được biết phu nhân của Kim Quân Khanh vừa mới qua đời, hai vợ chồng càng cho rằng giấc mộng của con gái quả đúng là dự báo của Thượng thiên. Do đó, họ càng hết lòng tác hợp mối nhân duyên này.
Thái thú Kinh Nam nói với Kim Quân Khanh rằng: “Kim Quân có biết chăng, trước khi ngài đến đây thì lão phu đã được nghe đến đại danh của ngài rồi”.
Kim Quân Khanh lộ vẻ ngạc nhiên, hỏi rằng rốt cuộc là chuyện gì?
Thái thú Kinh Nam liền đem giấc mộng của con gái kể lại với Kim Quân Khanh, đồng thời bày tỏ nguyện vọng muốn gả con gái cho Kim Quân Khanh.
Kim Quân Khanh nghe xong thì liên tục xua tay, đáp rằng: “Việc này không được, việc này không được ! Tôi năm nay đã 42 tuổi rồi, chênh lệch tuổi tác với lệnh ái quả rất lớn, làm sao có thể được kia chứ! Hơn nữa, phu nhân của tôi cũng vừa mới qua đời, tôi quả thật không nhẫn tâm lấy vợ khác nhanh như vậy. Xin hai vị hiểu cho”.
Phu nhân Thái thú Kinh Nam bèn mang thắt lưng do con gái thêu đưa cho Kim Quân Khanh xem. Kim Quân Khanh nhìn thấy trên thắt lưng thêu đầy tên mình thì trong lòng dâng lên một cảm xúc đặc biệt, hôn sự này lẽ nào đúng thật là do Thượng thiên đã định sẵn?
Lúc này Thái thú mới tha thiết mà rằng: “Nếu không phải nhờ Thần linh chỉ thị, tiểu nữ làm sao biết được đại danh của “Kim Quân Khanh”? Người con rể lúc đầu được lão phu lựa chọn đã qua đời trước lúc thành thân, phu nhân của Kim Quân cũng mất cách đây không lâu, nếu không phải là an bài của vận mệnh thì sao lại có chuyện trùng hợp như vậy được?”
Thái thú phu nhân đứng bên cạnh cung kính gọi Kim Quân Khanh là Phủ quân rồi nói rằng: “Vận mệnh không thể kháng cự, hôn nhân đều là do thiên định, nếu Thượng thiên đã có chỉ thị, Kim Phủ Quân cũng đừng nên cự tuyệt hôn sự này nữa!”.
Lúc này, Kim Quân Khanh thầm nghĩ đây có lẽ là an bài của Thượng thiên, duyên phận của hai người đã được định sẵn từ tiền kiếp. Cuối cùng Kim Quân Khanh cũng đồng ý mối hôn sự này, không lâu sau thì thành thân với con gái của Thái thú. Về sau hai người sống với nhau suốt 30 năm, Kim Quân Khanh hơn 70 tuổi thì qua đời. Kim Lệ sinh cho ông được mấy người con trai, gia đình hạnh phúc mỹ mãn.
Ngoài ra còn có những câu chuyện tương tự khác, như câu chuyện kỳ lạ về một nam tử cưới được thê tử hệt như trong giấc mộng.
Vào thời nhà Tống, có Tôn Cự Nguyên và Lý Bang Trực là bạn đồng môn, cả hai cùng tham gia vào một kì thi khoa cử và cùng làm quan dưới thời vua Tống Thần Tông Hy Ninh. Hơn nữa, phủ đệ của cả hai lại ở gần nhau.
Tôn Cự Nguyên trấn thủ Hải Châu, Lý Bang Trực lại làm phó Thông phán ở đây. Thông phán ty và quận viên ở sát vách nhau, con gái nhỏ của Tôn Cự Nguyên thường đến quận viên chơi. Lý Bang Trực mỗi lúc trông thấy cô con gái nhỏ nhà họ Tôn thì đều nhìn chằm chằm một lúc lâu. Thậm chí, lúc sắp lên xe ra khỏi cửa, chỉ cần nghe thấy tiếng của cô con gái nhỏ nhà họ Tôn đến hoa viên thì ông đều từ trên xe nhảy xuống, vội vàng chạy về phủ để nhìn theo bóng dáng của cô gái.
Vợ của Lý Bang Trực mấy lần trông thấy hành vi này của chồng mình thì đều cảm thấy rất kỳ lạ, không nhịn được bèn hỏi chồng duyên cớ vì sao?
Lý Bang Trực thẳng thắn đáp lời, rằng bản thân từng có một giấc mộng. Trong mộng thấy mình đi đến hậu viên, trông thấy con gái nhỏ của Tôn Cự Nguyên thì liền đi theo sau cô gái, nhưng mãi vẫn không theo kịp, do đó liền vội vàng đuổi theo, không biết vì sao lại dẫm lên giày của cô gái, còn cài hoa lên tóc cô. Mộng đến đây thì chợt tỉnh.
Vợ của Lý Bang Trực nghe xong câu chuyện thì vô cùng buồn bã, thút thít mà rằng: “Cài hoa lên tóc một người con gái có nghĩa là đã hứa hôn với cô gái ấy. “Giày” (鞋) và “hòa hợp” (諧) đồng âm với nhau, tướng công dẫm phải giày của cô gái ấy, ý chỉ rằng hai người sẽ là một cặp phu thê hòa hợp mỹ mãn, điều này có nghĩa là thiếp sắp phải ra đi rồi”.
Lý Bang Trực vội vàng an ủi vợ: “Nương tử nghĩ nhiều rồi, làm gì có chuyện ấy được chứ? Ta chẳng qua chỉ là thường ngày hay nhìn thấy con gái nhà họ Tôn, ngày nghĩ đêm mơ vậy thôi!”.
Nào ngờ, không lâu sau, vợ của Lý Bang Trực quả nhiên qua đời.
Lý Bang Trực vì vậy tin rằng giấc mộng mà mình nhìn thấy sẽ linh nghiệm. Do đó, một thời gian sau, Lý Bang Trực liền nhờ người mai mối đến cầu thân với nhà họ Tôn. Tôn Cự Nguyên sau khi nghe lời của người mai mối thì nổi trận lôi đình: “Ta và Lý Bang Trực vốn là bạn bè đồng môn thân thiết, tuổi tác cũng chẳng chênh lệch nhau là bao, ông ta làm sao có thể làm con rể của ta được? Có lý nào như vậy, thật là tức chết đi được!”. Lời này truyền đến tai của Lý Bang Trực, khiến ông ta sợ đến mức không dám nhắc lại chuyện này nữa.
Về sau, Tôn Cự Nguyên được điều đến Kinh Thành nhậm chức Hàn Lâm Học Sĩ, tại đây ông mắc phải trọng bệnh. Có một vị khách đến thăm hỏi ông.
Hai người khi nói đến đại sự sinh tử thì Tôn Cự Nguyên nói rằng bản thân sau khi chết đi cũng không có gì lưu luyến, chỉ duy có hôn nhân đại sự của con gái vẫn chưa được sắp xếp ổn thoả, đây là điều khiến ông lo lắng nhất.
Người khách kia nói: “Trong các viên quan đương triều hiện nay, luận văn chương đạo đức thì không ai hơn được Lý Bang Trực, ông ta lại không có thê tử. Sao ông không gả con gái cho ông ta?”
Tôn Cự Nguyên đáp: “Hôn sự này mấy năm trước đã có người đến hỏi rồi, vốn dĩ chẳng có vấn đề gì, chỉ là tuổi tác của Lý Bang Trực ngang ngửa với tôi, làm sao có thể làm con rể của tôi được chứ?”
Người bạn nói: “Chỉ cần hôn nhân đại sự của con gái ông được giải quyết ổn thỏa, thì tuổi tác không phải là vấn đề gì lớn!”.
Tôn Cự Nguyên qua đời trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, người nhà cuối cùng đã gả con gái cho Lý Bang Trực.
Cô con gái nhà họ Tôn sau khi gả cho Lý Bang Trực về sau được triều đình sắc phong là Lỗ quận phu nhân.
Nguồn tư liệu: “Di Kiên Chí” của Hồng Mại thời nhà Tống.
Cổ Dung biên tập
Lê Oanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ