Bí quyết của người xưa để hôn nhân hạnh phúc dài lâu (Phần 2)
Tiếp theo Phần 1.
Các trang giải trí gần đây tràn ngập tin tức về những vụ việc ly hôn của người nổi tiếng. Nhìn vào tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc trong vài thập niên qua, nó đã tăng vọt từ 2% trong những năm 1970 đến 40% như hiện nay. Tại sao các cuộc hôn nhân ở thời hiện đại lại đoản mệnh như vậy? So sánh với trước đây, người xưa trước khi kết hôn chưa từng gặp mặt, nhưng cả hai đều có thể sống cùng nhau đến bạch đầu giai lão. Thời đại ngày nay, mỗi người tự thân đều lựa chọn kỹ lưỡng nửa kia của mình, nhưng tại sao lại không thể làm được như cổ nhân? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem vấn đề rốt cuộc là ở đâu?
Tương kính như tân
Trong “Tả Truyện” chép rằng, có một năm, Tấn Văn Công phái đại thần Cữu Quý đi sứ đến nước Tần. Lúc Cữu Quý đi ngang qua đất Ký (vùng Tắc Sơn thuộc Sơn Tây ngày nay), nhìn thấy một người đàn ông tên Khích Khuyết đang làm ruộng, thê tử mang thức ăn ra đồng cho ông. Thê tử của Khích Khuyết đưa thức ăn một cách cung kính, Khích Khuyết nhận lấy bằng cả hai tay, cảm ơn thê tử, hai người kính trọng và cư xử với nhau như tân khách. Cữu Quý thấy vậy rất cảm động, nên đã đưa Khích Khuyết về nước Tấn và tiến cử cho Tấn Văn Công.
Cữu Quý nói: “Kính là biểu hiện của phẩm cách cao thượng, người cung kính lễ nghĩa ắt có đức hạnh, trị quốc cần người có đức, xin bệ hạ hãy dùng người này.”
Khích Khuyết về sau làm đến chức quan Đại phu ở nước Tấn. Đây là nguồn gốc của câu thành ngữ “tương kính như tân.” Hơn nữa, sự tôn kính giữa phu thê không nên bị ảnh hưởng bởi thân phận, dù là bách tính bình dân hay vương hầu đều nên tôn kính trượng phu và thê tử của mình.
Trong “Tiêu Bảo Di truyện” chép: “Bảo Di, tự là Trí Lượng, con thứ sáu của Tiêu Loan, em cùng mẹ với Bảo Quyển. Vì yêu thích Nam Dương trưởng công chúa, nên được ban 1,000 xấp vải lụa và lễ vật đầy đủ. Công chúa là người có đức hạnh, lúc hành sự cùng trượng phu nhất mực dùng lễ cung thuận, tuy hòa hợp nhiều năm nhưng không hề thiếu sự kính trọng. Bảo Di mỗi ngày về nhà, công chúa đều đứng dậy thi lễ, hai bên đối đãi như khách. Lúc Thái phi bệnh, nàng tự mình chăm sóc, chưa từng quay về nghỉ ngơi. Bảo Di tính tình ôn thuận, dùng lễ đối đãi, công chúa phụng kính, trong ngoài hòa hợp. Thanh Hà Vương rất xem trọng hai người.
Trong “Ngụy thư” cũng có ghi chép tương tự: Tiêu Bảo Di, con trai thứ sáu của Tề Minh Đế, sau khi chạy nạn đến Bắc Ngụy đã cưới Nam Dương trưởng công chúa của Bắc ngụy làm thê tử. Trưởng công chúa không lấy thân phận là muội muội của Hoàng thượng mà tự kiêu. Tuy quan hệ giữa hai người rất tốt trong nhiều năm nhưng sự cung kính với phu quân chưa từng thay đổi. Khi Tiêu Bảo Di vào cửa, công chúa nhất định sẽ đứng dậy nghênh đón. Tiêu Bảo Di tính tình ôn hòa, lúc nào cũng tôn kính trưởng công chúa. Hai người rất hòa hợp, tình cảm hòa ái.
Có người cho rằng, vợ chồng kính nhau như khách thì khẳng định không yêu đối phương. Kỳ thực, tôi cho rằng đây chính là biểu hiện của sự quý mến và tôn trọng lẫn nhau giữa hai người. Đó là người mà mình trân trọng, vậy nên mỗi ngày đều lấy mặt tốt nhất của mình ra để đối diện với đối phương, đối đãi bằng thái độ bao dung nhất, nói chuyện bằng ngữ khí hòa nhã nhất, như vậy mâu thuẫn chẳng phải sẽ rất khó phát sinh sao?
Sách “Tính lý hội thông. Nhân luân” thời nhà Minh chép: Trấn thị ở Tây Sơn nói: “Đạo làm chồng ở chỗ kính thân làm gương cho vợ, đạo làm vợ kính thân để vâng theo chồng. Cho nên, người cha đối với chuyện kết hôn của con tất dạy “lấy kính để gắng gỏi noi gương,” người mẹ đối với chuyện con gái xuất giá dạy “kính chồng răn mình.” Đạo vợ chồng thảy đều ở đây.
Phu thê tương kính như tân có thể tránh được rất nhiều mâu thuẫn, nhưng trong cuộc sống chắc chắn sẽ có sóng gió. Giữa người với người khó tránh khỏi xích mích, lúc này điều cần nhất chính là sự nhẫn nhịn.
Nhẫn (nội tại)
Trước tiên, xin chia sẻ với quý vị một đoạn văn đặc biệt thú vị, đó là thiên “Hôn tiền dực” trong “Tứ lễ dực” thời nhà Minh. Thiên “Hôn tiền dực” trong “Tứ lễ dực” có phần “Nữ tử lễ” chép: Một gia đình bình thường nuôi dạy con gái, luôn nghe theo ý thích của con, khiến người con ấy cảm thấy suốt đời sẽ được nuông chiều và sinh tâm kiêu ngạo. Nàng không việc gì không làm, không phân biệt được tôn ti trật tự lớn nhỏ, muốn mọi người đều phải nghe theo mình. Cô cậu, chồng, hay em gái cũng vậy, anh em, chị em nhà chồng cũng thế. Tôn ti trong nhà dù bậc trưởng bối cũng có thể sai khiến được sao? Giả như ra lệnh đều phải phục tùng, giống như nhà mẹ ruột, người phụ nữ có thể như vậy sao? Nếu không như vậy thì thế nào? Tích dưỡng lâu ngày thành bất bình, gắng gượng không bực dọc, phớt lờ mọi việc, nếu không chết vì bệnh thì cũng vì sự kiêu ngạo đó mà giết chết bản thân. Nếu một thiếu nữ được tu dưỡng theo gia giáo trong nhà thì lúc lấy chồng cũng như vậy. Một lòng giữ gia đạo thì các con của nàng cũng sẽ học theo. “Những thứ có được chẳng phải càng nhiều hơn sao.” Vậy nên mới chép thành cuốn “Nữ tử lễ”.
Trong sách nói, con gái sinh ra trong gia đình bình thường đều có lòng kiêu ngạo lâu thành thói quen, nhưng con gái dù được sủng ái nhiều đến đâu, khi lấy chồng rồi thì thân phận và địa vị sẽ khác, ở nhà chồng không thể nào giống như nhà mẹ đẻ được. Nếu lúc đó tâm lý có sai lệch, trong lòng mất cân bằng, thời gian lâu rồi không phải trầm cảm thành bệnh thì chính là buồn bực mà thống khổ. Đây là do thói quen nuông chiều hại chết nàng.
Ở đây tuy nói là nữ nhi, nhưng kỳ thực với những người con một ở thời hiện đại của chúng ta, là những tiểu hoàng đế và tiểu công chúa ở nhà, gặp mâu thuẫn cũng không muốn bản thân chịu ủy khuất. Nếu chỉ chăm chăm vào việc người khác làm sai chỗ nào, tại sao đối xử với mình như thế, vậy chỉ có thể càng ngày càng tủi thân, nói không chừng một ngày nào đó còn sẽ hủy hoại bản thân mình.
Thẩm Bảo Trinh, một vị trọng thần vào cuối triều đại nhà Thanh, trong một bài thơ gửi vợ mình đã viết rằng: “Sinh sinh thế thế hứa đồng tâm, Nhất khắc thể lượng thập vạn kim” (Tạm dịch: Đời đời kiếp kiếp hứa đồng tâm, một khắc thông cảm tựa ngàn vàng).
Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, dù gặp phải mâu thuẫn gì, điều cần nhất mãi mãi là sự kiên nhẫn, bao dung và thông cảm. Tục ngữ nói “lùi một bước biển rộng trời cao”, khi hai người đều nghĩ cho nhau thì con đường có thể đi được sẽ rất lâu dài. Đồng thời, lòng bao dung còn thể hiện ở khả năng chịu đựng gian khổ của cuộc sống, dù gặp phải khó khăn thất bại cũng cùng nửa kia của mình đối mặt, cùng sẻ chia đắng cay ngọt bùi. Những ví dụ như vậy rất thường gặp trong thời cổ đại.
Đồng cam cộng khổ
Ví dụ, trong “Kim sử” ghi lại rằng, có một người ở Thiên Tân tên là Trương Tiềm, lấy vợ ở tuổi năm mươi. Hai vợ chồng ‘tương kính như tân’, sống bằng nghề đốn củi hái lúa, nhưng ca hát mỗi ngày, cuộc sống rất mãn ý, không cảm thấy nghèo khổ chút nào.
“Nam sử. Lưu Ngưng chi truyện” chép: Lưu Ngưng Chi tên tự là Chí An, tên lúc nhỏ là Trường Niên, người ở Chi Giang, Nam Quận; Cha là Kỳ Công, Thái thủ Hành Dương; Huynh là Thịnh Công, người cao thượng, không thích làm quan. Lưu Ngưng Chi thích làm người như Nghiêm Tử Lăng, Lão Lai, bởi vậy mang hết gia tài đem cho huynh đệ, dựng nhà ở nơi đồng nội, nếu không bỏ sức làm thì sẽ không có ăn. Người trong châu rất trọng đức hạnh của ông. Châu đã ba lần làm lễ mời giữ chức Chủ bạ Tây Tào, cử lên hàng Tú tài, nhưng ông không nhận. Vợ ông là con gái của Thứ sử Lương Châu Quách Thuyên, cũng không mộ vinh hoa, cùng chồng sống cuộc đời an nhàn, thanh bần. Hai người cùng đi trên chiếc xe thô kệch, ra chợ mua đồ dùng, ngoài thứ thiết yếu, còn lại đều bố thí cho người khác. Vốn tính yêu thích du sơn ngoạn thủy, một ngày nọ, ông dẫn theo vợ con phiêu bạt khắp nơi, ẩn cư ở ngọn Hành Sơn. Leo lên đỉnh núi, dứt tuyệt dấu vết con người, dựng ngôi nhà nhỏ, hái thuốc làm thức ăn, vợ con đều cùng chí hướng như vậy.
Quả thật, tôi rất ấn tượng đôi vợ chồng Lưu Ngưng Chi này, họ từ đó về sau chẳng hỏi chuyện thế gian, ngao du sơn thủy, sống cuộc sống của Thần Tiên.
Mọi người đều biết các cặp vợ chồng thời xưa là “Phu xướng phụ tùy” (chồng hát vợ theo), thực ra nếu tìm hiểu kỹ hơn sẽ phát hiện, đằng sau việc ‘phu xướng phụ tùy’ còn bao hàm những ẩn ý sâu xa hơn.
Âm dương
Thuyết âm dương của Trung Quốc cho rằng nam là dương, nữ là âm, nam là trời, nữ là đất, trời đất, âm dương, nam nữ đều là những thứ tồn tại song hành.
“Nữ giới. Kính thuận” chép: âm dương có tính khác biệt, mà nam nữ chẳng giống về hạnh đức. Dương lấy cương làm đức, âm lấy nhu làm trọng, nam lấy cương làm điều quý, nữ lấy nhược làm vẻ đẹp.
“Bạch hổ thông” cũng ghi: nam nữ có thế mạnh khác biệt, mỗi bên tự có điểm trọng, yếu của mình, mà âm dương cũng tự có thủy, có chung.
Bây giờ người ta đều đề cao nam nữ bình đẳng, nhưng lại bỏ qua chuyện “nam nữ có thế mạnh khác nhau, mỗi bên đều có ưu nhược điểm của mình.”
Dưới quẻ Gia Nhân trong “Kinh Dịch” có viết: Vị trí ứng xử của nữ giới là nội, vị trí ứng xử của nam giới là ngoại, nam nữ mỗi bên có ti chức riêng của mình, đây là đại nghĩa giữa trời đất. Cha con, anh em, vợ chồng, mỗi người đều làm tốt vai trò của mình trong gia đình thì gia đạo mới chính được. Nếu gia đình nào cũng làm được như vậy thì thiên hạ tự nhiên sẽ ổn định.
Giống như trong xã hội có sự phân công lao động, không thể nào ai cũng làm việc giống nhau, như vậy chẳng phải là rất kém hiệu quả sao? Vậy nên trong xã hội trước đây, đàn ông làm ruộng, phụ nữ dệt vải, nam và nữ đều có thể phát huy thế mạnh của mình trong các hoàn cảnh khác nhau. Đây là điều phù hợp với quy luật âm dương của đất trời.
Trong “Tố nhân kính” thời nhà Minh có viết về một hình ảnh ẩn dụ rằng: Giữa vợ và chồng, tình ý tương hợp, thân mật không ngăn cách, nhưng giữa hai người vẫn có sự khác biệt, giống như mặt trời và mặt trăng, người chồng như mặt trời, người vợ như mặt trăng, mặt trời và mặt trăng thay phiên nhau chiếu sáng thiên địa.
Quý vị hãy thử tưởng tượng một chút, nếu có hai mặt trời vào ban ngày và không có mặt trăng vào ban đêm, hoặc nếu chỉ có hai mặt trăng vào ban đêm mà không có mặt trời vào ban ngày, thì cuộc sống sẽ như thế nào. Chính vì phụ nữ vốn yếu đuối nên đàn ông sẽ cố gắng hết sức để chăm sóc và bảo vệ họ.
Tôi nhớ mình đã từng thấy một chiếc xe lửa thời cổ ở Hoa Kỳ, tay vịn trên tàu được lắp rất cao, phụ nữ tương đối thấp nên rất khó với tới. Lúc đầu tôi còn nghĩ, sao thiết kế ngày xưa thiếu nhân tính như thế. Kỳ thực là do ghế trên xe là dành cho nữ giới, vậy nên bệ tỳ tay chỉ cần đàn ông với tới là được.
Một ví dụ khác, khi tàu Titanic gặp thảm họa, những người đàn ông đều nhường cơ hội sống sót cho phụ nữ và trẻ em, không ai cho rằng đó là bất công, bởi đây là nghĩa vụ của những người thân là nam giới.
Trong một gia đình, người đàn ông là trụ cột trong nhà, họ có trách nhiệm vun đắp gia đình và yêu thương vợ, còn phụ nữ thì gánh vác việc gia đình và chăm lo cho chồng. Vậy nên nói, một cặp vợ chồng bình thường nên là mối quan hệ bổ sung cho nhau, mà không phải là mối quan hệ cạnh tranh hay áp bức.
Các cặp vợ chồng ngày nay khi tranh cãi đều nói đến ly hôn. Lúc xảy ra mâu thuẫn thì nghĩ đến việc tìm một người “tốt hơn,” mà không biết trân quý người ở trước mắt. Cuộc hôn nhân như vậy làm sao có thể bền vững?
Vào thời cổ đại, các cặp vợ chồng bình thường ‘tương kính như tân,’ khi gặp mâu thuẫn thì bao dung lẫn nhau, gặp khó khăn cùng nhau đối mặt, gặp cám dỗ cự tuyệt thẳng thừng. Hơn nữa giữa họ còn có sự ràng buộc của ân nghĩa, tình nghĩa, đạo nghĩa và tín nghĩa. Vì vậy, cuộc hôn nhân mới có thể đứng trước thử thách của thời gian. Đạo lý nói ra rất đơn giản, chỉ là xem mọi người có nguyện ý làm hay không mà thôi.
Ái Lệ thực hiện
Vương Du Duyệt biên tập
Tùy Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ