Người vợ tào khang không thể bỏ, cổ nhân xem hôn nhân là gốc rễ của nhân luân
Trong quan niệm truyền thống của Trung Quốc, hôn nhân có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, hôn nhân giữa nam và nữ chính là sự phối hợp âm dương của Trời Đất mà thành. Cổ nhân coi hôn nhân là “gốc rễ của nhân luân” phù hợp với “Đạo của Trời Đất”.
Vì vậy khi kết hôn phải bái Thiên Địa, bái phụ mẫu, phu thê giao bái. Mục đích của việc bái lạy Thiên Địa là để Trời Đất làm chứng cho hôn nhân của hai người, khi phát ra lời thề suốt đời có trách nhiệm với đối phương, sẽ để Trời Đất và Thần linh làm chứng, nhằm đốc thúc hành vi bản thân, nếu vi phạm lời thề, sẽ bị Thần linh trừng phạt.
Trong “Hậu Hán Thư – Tào Thế Thúc Thê Truyện” có ghi: “Phu phụ chi đạo, tham phối âm dương, thông đạt Thần minh, tín thiên địa chi hoằng nghĩa, nhân luân chi đại tiết dã.” (Tạm dịch: Đạo nghĩa vợ chồng, là sự phối hợp âm – dương, cảm ứng Thần linh, là đạo nghĩa rộng lớn trong Trời Đất, cũng là đạo lý to lớn của nhân luân). Trong “Xuân Thu Kinh Giải” của Tống Tôn Giác thì ghi: “Độc dương bất sinh, độc âm bất thành. Cố hữu thiên tắc hữu địa, hữu nhật tắc hữu nguyệt, nam nữ chi nghĩa, hôn nhân chi lễ, thiên địa chi đạo, nhân luân chi bản dã” (Tạm dịch: chỉ có dương thì không sinh ra được, chỉ có âm thì không thành được. Có Trời thì có Đất, có mặt trời thì có mặt trăng, mới có đạo nghĩa nam nữ, lễ tiết hôn nhân, cũng là gốc rễ của nhân luân). Theo Nho gia, có Trời Đất âm dương mới có hôn nhân nam nữ; có hôn nhân nam nữ mới có mối quan hệ cha con, quân thần, tức là lễ nghĩa luân thường, cơ cấu xã hội đều là bắt đầu từ hôn nhân.
Hôn nhân là tất yếu để sinh sôi nảy nở của nhân loại, cũng là cam kết của con người đối với Thần, đối với Trời Đất, đối với cha mẹ, đối với người bạn đời, phong tục và lễ nghi của hôn lễ ở cả phương Đông và phương Tây đều thể hiện ý nghĩa thiêng liêng này. Trong quá trình hôn nhân, yêu cầu nam nữ trung trinh, cho dù là nghèo khó, bệnh tật, hoạn nạn, sống chết đều không thể rời bỏ và phản bội nhau, đều phải hết lòng tuân thủ lời thề đối với Thần, kính trọng, đùm bọc lẫn nhau, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, nâng đỡ nhau đến cuối đời, làm tròn lời thề của mình. Ở Trung Quốc thời cổ đại, kết hôn là chuyện cả đời, bởi vì con người thời ấy tin rằng, vứt bỏ và phản bội lời thề ước thì sẽ gặp báo ứng.
Người vợ tào khang không thể bỏ
Đại văn hào Tô Đông Pha thời Tống từng nói: “Cư phú quý giả bất dịch tao khang” (Tạm dịch: Ở vào cảnh giàu sang không thay đổi tao khang). “Tao khang” ở đây chính là chỉ người vợ.
Sở dĩ “Tao khang chi thê” được dùng để chỉ người vợ là từ “Hậu Hán Thư”: “Thần văn, bần tiện chi tri bất khả vong, tao khang chi thê bất hạ đường” (Tạm dịch: Thần từng nghe rằng, người bạn thuở nghèo hèn thì không thể quên, người vợ thời cám hèm thì không thể đưa xuống nhà dưới [tức hắt hủi, phụ bạc]). Đây chính là câu chuyện giữa Quang Vũ Đế thời Đông Hán với vị đại thần Tống Hoằng của ông.
Tống Hoằng (khoảng thế kỷ 1 TCN – niên đại 40), tự Trọng Tử, là danh thần thời kỳ đầu của nhà Đông Hán. Ông không chỉ nổi tiếng về khí tiết thanh liêm, uy đức, mà ứng xử trong mối quan hệ vợ chồng cũng nổi tiếng lưu truyền hậu thế.
Sau khi Hán Quang Vũ Đế lên ngôi, Tống Hoằng được phong làm Thái Trung Đại phu, sau đó lại làm Đại Tư Không. Tống Hoằng làm quan thanh liêm, thẳng thắn chính trực can gián, được Quang Vũ Đế trọng dụng, về sau được phong làm Tuyên Bình Hầu.
Vào năm trượng phu của Hồ Dương công chúa, chị gái của Quang Vũ Đế qua đời, Quang Vũ Đế muốn dò xét tâm ý của tỷ tỷ, nên đàm luận với nàng về các quần thần. Công chúa nói: “Tống Hoằng dáng vẻ trang nghiêm, phẩm đức và tài trí đều tốt, đại thần trong triều không ai có thể sánh bằng.” Quang Vũ Đế nói: “Để ta nghĩ biện pháp giải quyết!”
Sau đó, Quang Vũ Đế triệu kiến Tống Hoằng, đồng thời để Hồ Dương công chúa ngồi phía sau bình phong. Quang Vũ Đế nói với Tống Hoằng rằng: “Tục ngữ nói, người tôn quý thì sẽ đổi bạn, giàu sang thì sẽ đổi vợ, đây là lẽ thường tình của con người sao?” Tống Hoằng nói: “Thần văn, bần tiện chi tri bất khả vong, tao khang chi thê bất hạ đường.” Ý là nói: bạn bè kết giao khi nghèo khó hoạn nạn thì không thể quên, người vợ cùng chung hoạn nạn với mình thì không thể ruồng bỏ. Thế là Quang Vũ Đế đành phải thôi.
“Tao khang” là thức ăn thô mà người nghèo dùng để ăn đỡ đói, nên “tao khang chi thê” được người đời dùng để ví von với người vợ cùng chung hoạn nạn lúc nghèo khó, cũng có thể gọi là tào khang, người vợ tào khang.
Yến Anh phú quý vẫn không đổi vợ
Yến Anh, còn có tên khác là Yến Tử, là nhà tư tưởng, nhà ngoại giao nổi tiếng thời Xuân Thu. Vào Thời Tề Cảnh Công nắm quyền, Yến Tử rất được Cảnh Công coi trọng.
Một hôm, Tề Cảnh Công đến nhà Yến Tử làm khách, khi đã uống đến thỏa thuê, thì vừa lúc Cảnh Công nhìn thấy thê tử của Yến Tử, bèn hỏi Yến Tử: “Vị vừa rồi là thê tử của tiên sinh ư?”
Yến Tử đáp: “Đúng thế.”
Cảnh Công cười nói: “Ha ha, ôi vừa già vừa xấu! Quả nhân có một nữ nhi, trẻ tuổi xinh đẹp, chi bằng gả cho tiên sinh nhé.”
Yến Tử nghe xong, kính cẩn đứng lên, rời khỏi chỗ ngồi, cúi người làm lễ với Cảnh Công rồi nói: “Thưa Quân thượng, nay thê tử của hạ thần mặc dù vừa già vừa xấu, nhưng hạ thần và nàng cùng sống với nhau đã rất lâu rồi, tất nhiên đã thấy thời tuổi trẻ xinh đẹp của nàng. Hơn nữa làm vợ người ta, vốn đem trẻ trung phó thác cả đời cho đến già, đem xinh đẹp nương nhờ cho đến suy xấu. Khi thê tử đang độ tuổi trẻ mỹ lệ, đem cả đời phó thác cho thần, thần đã nạp sính lễ nghênh cưới đón nhận rồi. Nàng đã cùng thần sống với nhau nhiều năm như vậy, mặc dù bây giờ được Quân Vương vinh sủng ban thưởng, nhưng Yến Anh há có thể phụ bạc phó thác của nàng đối với thần chứ?”
Nói rồi Yến Tử lại bái hai bái, khéo léo từ chối Cảnh Công, Cảnh Công thấy Yến Anh coi trọng đạo nghĩa phu thê như thế, thì cũng không nhắc lại chuyện này nữa.
Lại có một lần, Điền Vô Vũ khuyên Yến Tử bỏ người vợ già đi, Yến Tử nói: “Yến Anh nghe nói, ruồng bỏ người vợ lâu năm của mình được gọi là loạn; nạp thiếp trẻ đẹp gọi là dâm; thấy sắc quên nghĩa, sống phú quý làm trái luân thường gọi là nghịch đạo. Yến Anh sao có thể có hành vi dâm loạn, bất chấp luân lý, làm trái với đạo lý của người xưa được đây?”
Sử Đường làm nhục thê tử, cuối cùng bị báo ứng
Trong văn hóa truyền thống có câu: “Một ngày vợ chồng trăm ngày ân nghĩa”. Cổ nhân cho rằng: Bỏ vợ, đuổi vợ sẽ gặp báo ứng.
Theo “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” triều Tống ghi chép , có một người tên là Sử Đường, khi địa vị còn thấp kém đã cưới vợ, đến khi thi đỗ công danh rồi, cảm thấy mình chưa lập gia đình thì có thể cưới con gái nhà phú hộ làm vợ, cho nên vô cùng hối tiếc; thế là dần dần xa lánh vợ, không ngủ chung phòng với vợ.
Người vợ uất ức thành bệnh, lâm bệnh mấy năm. Sử Đường từ đầu tới cuối không hề chăm sóc, thăm hỏi nàng. Trước khi lâm chung, người vợ ở cách bức tường kêu to lên: “Hôm nay tôi sắp chết rồi, ông vẫn nhẫn tâm không nhìn tôi một chút sao?” Sử Đường vẫn làm như không nghe thấy.
Sau khi vợ chết, Sử Đường còn nghe theo lời tà bậy, dùng nồi đất che mặt vợ lại, rồi dùng gông xiềng trói thi thể vợ.
Tối hôm đó, người vợ đã chết của Sử Đường báo mộng cho cha của mình, nói rằng: “Nữ nhi đã gả sai người, khi sống gặp đau khổ, chết rồi còn bị người ta dùng vu thuật nguyền rủa áp chế. Nhưng hắn ta cũng vì nguyên nhân này, mà thọ lộc đều bị tước hết rồi!”
Qua năm sau, Sử Đường quả nhiên gặp báo ứng mà chết.
Bùi Chương và vợ khác biệt như trời với đất
Theo “Khoa Danh Khuyến Giới Lục” có ghi, Bùi Chương là người vùng Hà Đông, cha làm chủ soái ở Kinh Châu, từng có một vị Thần tăng tên là Đàm Chiếu tiên đoán địa vị danh vọng của Bùi Chương sẽ cao hơn cha của mình.
Khi Bùi Chương còn niên thiếu đã cưới Lý thị làm vợ, về sau đến Thái Nguyên nhận chức, ruồng bỏ vợ ở Lạc Trung, còn mình thì tìm niềm vui mới. Lý thị tự thấy mình bạc mệnh, sống đạm bạc áo vải ăn chay, mỗi ngày không ngừng niệm Phật đọc Kinh.
Mười năm trôi qua, Bùi Chương lại gặp được Thần tăng Đàm Chiếu, Đàm Chiếu kinh ngạc nói: “Mười năm trước ta từng tiên đoán địa vị lang quân nhất định cao quý, nhưng bây giờ toàn bộ đã bị tước bỏ hết rồi, tại sao vậy?” Bùi Chương không thể giấu diếm, nói ra hết. Đàm Chiếu nói: “Linh hồn của phu nhân đã lên trên Trời rồi. Còn anh, không lâu nữa e là có đại nạn!”
Chưa quá mười ngày, Bùi Chương bị thuộc hạ của mình mổ bụng trong bồn tắm, ngũ tạng bị lấy ra ngoài hết. Không ai biết nguyên nhân cái chết của Bùi Chương.
Viết thư bỏ vợ giúp người, bị tiêu hủy công danh
Trong cuốn “Bắc Đông Viên Bút Lục Sơ Biên” của Lương Cung Thần triều Thanh có ghi: vào triều Thanh ở vùng Ninh Ba có một người tên là Cát Quán Sát, thời còn đi học, mỗi lần đến trường khi đi qua ngôi miếu ven đường thì đều vái chào một cái rồi đi. Vị Thần ở trong miếu bèn báo mộng cho người trông miếu, nói rằng: “Cát Trạng Nguyên mỗi lần đi qua đây đều vái chào ta, ta đây chỉ là tiểu Thần không chịu nổi, đành phải vội vàng đứng dậy tránh đi, thực sự là chịu không được sự giày vò này. Ông nhất định phải xây cho ta một bức bình phong che chắn ở ngoài cổng.” Trong lúc người trông miếu đang bôn ba trong thôn trù tính chuẩn bị thi công, lại nằm mộng thấy Thần ở trong miếu nói: “Không cần xây nữa, Cát thư sinh giúp người ta viết thư bỏ vợ, nên Thượng Thiên đã tước bỏ công danh khoa cử của cậu ta rồi.”
Thì ra trong thôn có người muốn bỏ vợ, dùng một lượng bạc nhờ Cát thư sinh viết giúp thư bỏ vợ. Cát thư sinh nghĩ thầm: Mình không viết thì anh ta sẽ tìm người khác viết, cũng không cứu giúp được vợ của anh ta, lại còn làm tổn thương tình cảm giữa mình với anh ta, kết thành oán hận. Chi bằng thuận nước đẩy thuyền, tặng một cái nhân tình, lại kiếm được một lượng bạc. Cát thư sinh bèn hồ đồ viết giúp, đến khi nghe người trông miếu kể lại như thế, mới toát hết mồ hôi, hối hận không kịp. Cát thư sinh bèn tìm gặp người muốn bỏ vợ kia, tận tình khuyên bảo, cố gắng cứu vãn hôn nhân của hai vợ chồng họ. Về sau Cát thư sinh chỉ đỗ cử nhân, không đỗ tiến sĩ, đường làm quan chỉ làm đến chức Giám Ty là hết.
Người hiện đại không còn coi trọng quan niệm đạo đức truyền thống, có tâm thái tùy tiện đối với hôn nhân. Kỳ thực, tình cảm rung động nhất thời không thay thế được cho lý trí và luân lý, những phiền não do đổ vỡ hôn nhân gây ra chưa chắc ít hơn phiền não giữ gìn hôn nhân. Hơn nữa, con người trong vô tri mà thuận theo, muốn gì làm nấy, nhưng lại không biết rằng những hành vi của mình sẽ khiến bản thân tổn hao âm đức, dẫn đến báo ứng. Hôn nhân là việc quan trọng cả đời, hôn nhân kiếp này là nhân duyên của kiếp trước chú định. Hôn nhân là khế ước lập ra trước mặt Thần linh, Trời Đất, là không thể muốn ly hôn thì ly hôn, muốn bất trung thì bất trung cho được.
Tài liệu tham khảo:
“Hậu Hán Thư”, “Yến Tử Xuân Thu”.
Chu Tuệ Tâm thực hiện
Lý Mai biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ