Bàn về cái giá của việc theo đuổi ‘Giấc mộng tình yêu’ (Phần 1)
Thời còn là sinh viên, tôi cũng giống như nhiều bạn bè của mình, bị các tiểu thuyết tình cảm làm cho mê đắm. Chúng tôi cho rằng “tình yêu là tất cả”, gặp được “tình yêu đích thực” là yếu tố quan trọng của hạnh phúc.
Giấc mộng tình yêu
Tôi từng mơ ước gặp được một chàng bạch mã hoàng tử yêu tôi hơn bất cứ thứ gì trên đời, trong biển người mênh mông gặp được “đúng người ấy”. Khi tôi còn không biết “nhân duyên trời định” của mình đang ở nơi đâu, thì tâm tư của tôi đã ngao du trong giấc mộng tình yêu lãng mạn rồi.
Nhân vật nam chính và nữ chính trong các câu chuyện hoặc là nhìn nhau rung động con tim, hoặc là bộc phát tình cảm mãnh liệt. Tôi cho rằng, đây chính là đã yêu nhau, đã có tình cảm với nhau. Khi đã có cảm xúc mãnh liệt thì sẽ tiến thêm một bước là bày tỏ tình cảm, sau đó hai người sẽ hạnh phúc… Nhưng cũng có nhiều nhân vật nam chính, nữ chính không phải là người độc thân, song điều này cũng không hề ảnh hưởng đến tình yêu. Bởi vì giá trị của “tình yêu đích thực” cao hơn hết thảy. Hôn nhân bình thường bao nhiêu cơ chứ? Còn tình yêu hiếm thấy cỡ nào? Một khi gặp được tình yêu, thì hôn nhân không phải là nên nhường đường cho tình yêu sao? Trong hôn nhân truyền thống, chỉ gặp gỡ một lần chính là gắn bó với nhau cả đời. Nếu so với tiểu thuyết, thì tôi cảm thấy điều đó quả thật là nhàm chán biết bao, cuộc sống như vậy còn có ý nghĩa gì nữa?
Bản thân tôi khi đó thực sự “rất ngốc, rất ngây thơ”.
Hiện thực
Từ học đường bước ra xã hội, rồi đi vào hôn nhân. Sau khi trải qua cuộc sống hiện thực tôi mới nhận ra rằng, chẳng phải có rất nhiều tiểu thuyết viết về sự “chen chân của người thứ ba” vào chuyện tình cảm đấy ư? Điều này đầy rẫy trong hiện thực cuộc sống, đừng nói là đày đọa nhân tâm, làm cho người ta đau khổ, thậm chí còn tệ hơn, như người xưa từng nói: “Từ xưa đến nay, gian tình gây ra án mạng, nhà tan cửa nát, người mất, mãi khắc thành bia đời.”
Những người bạn của tôi cũng đã từng một thời say mê tiểu thuyết lãng mạn. Sau khi họ bị té ngã trong hiện thực cuộc sống, nhiều người đã nhận ra rằng, những cuốn tiểu thuyết “tình yêu” từng làm cho bản thân họ mê đắm, thần hồn điên đảo ấy đang hủy hoại tam quan con người. Những cuốn sách đó độc hại, hoàn toàn không nên dính tới. Cái giá phải trả của ngoại tình, tình cảm lạc lối là nỗi đau không thể chấp nhận trong cuộc đời. Họ cảm thấy bản thân đã bị lừa dối. Thực ra, cái gọi là “cảm xúc mãnh liệt” này, ngày nay người ta còn gọi là “thượng đầu”, ý nói là để cho cảm xúc, tình cảm lấn át lý trí. Cùng với đó là lòng tham đã làm cho tình cảm càng được phóng đại. Mà một trong nhược điểm của con người vốn là có mới nới cũ, luôn thích cái mới, luôn cảm thấy thức ăn trong nồi của người khác ngon hơn. Vì thế, không hiếm lạ gì khi gặp được “cảm xúc mãnh liệt”, gặp được người có phẩm hạnh mới là may mắn.
Giữa nam và nữ vốn dĩ dễ dàng nảy sinh hiện tượng hấp dẫn khác giới, hai bên cùng yêu thích nhau. Cho nên, người xưa đã đặt ra những chuẩn mực trong lễ nghi truyền thống: “nam nữ thụ thụ bất thân” (nam và nữ không chạm tay vào nhau khi trao cho và tiếp nhận đồ vật, cần giữ khoảng cách không nên có hành động gần gũi, thân mật với nhau), “nam nữ đại phòng” (người nam, người nữ đã trưởng thành phải biết phòng tránh thân cận, biết giữ lễ nghi), v.v. để tránh thân cận vượt quá giới hạn. Đồng thời nhấn mạnh “Phát hồ tình, chỉ hồ lễ” (Có tình cảm với nhau nhưng vẫn giữ khuôn phép của lễ nghi đạo đức). Một người bạn đã ví việc “gặp được tình yêu đích thực” như thế này: Giống như khi bạn nhìn thấy một trái đào mật bày bán trong quầy hàng, bạn đừng đứng đó reo lên: “Ôi, quả đào này chính là tình yêu đích thực của tôi!” Thật là vô nghĩa, ai không biết bạn thực sự yêu thích trái đào đó? Điều quan trọng là, trước tiên bạn phải trả tiền mua mang về ăn, chứ không phải lén lút ăn vụng. Vì thế, gặp được “cảm xúc mãnh liệt” không phải là chuyện may mắn gì. Chẳng qua đó là chuyện thường tình của con người. Gặp được người mà đối phương ngồi trong lòng vẫn không loạn mới là hiếm có và đáng quý.
Kết cục của các nàng theo đuổi “giấc mộng tình yêu”
Câu chuyện “theo đuổi tình yêu” của những người bạn xung quanh tôi, có “nội dung cốt truyện” cơ bản đều là: cho rằng tình yêu là quan trọng nhất, ban đầu là hại người khác, đến cuối cùng lại hại chính mình, khi hối hận cũng đã muộn rồi.
Chuyện của Lệ và Cường. Vì để đến với nhau, mỗi người đã ly hôn với bạn đời của mình, rồi kết hôn với nhau. Về sau, Lệ xinh đẹp thường xuyên nhớ đến những mặt tốt đẹp của người chồng trước. Bởi vì Cường không những xấu tính ích kỷ, mà còn lăng nhăng với người phụ nữ khác. Cường hoàn toàn khác hẳn so với khi đang còn cố gắng theo đuổi Lệ. Đáng tiếc, thời đó Lệ không hiểu, một người ghét bỏ và bỏ rơi người vợ trước của mình, thì đó là một gã đàn ông có nhân phẩm xấu xa cặn bã, hám sắc. Nếu biết trân quý sinh mệnh thì phải cách xa những gã cặn bã. Trên đời này, có rất nhiều bài học không thể nào trả nổi học phí. Đối với những người bị u mê thì sau khi trải qua rồi mới hiểu, còn những người thông minh sáng suốt thì đã sớm hiểu được từ trong những lời dạy của người xưa rồi. Hoặc là nói “không nghe lời tiền nhân dạy, thì phải chịu cái hại hiện nay” đó ư?
Còn Bình, khi cô ở độ tuổi ba mươi, chồng của cô đột ngột qua đời. Vợ chồng cô bạn thân tốt bụng của Bình đã chuyển đến sống cùng cô, giúp cô vượt qua khoảng thời gian khó khăn nhất. Trong khoảng thời gian này, Bình và chồng của cô bạn thân ấy đã nảy sinh tình cảm, và rồi họ đến với nhau. Câu chuyện vẫn còn tiếp tục. Nhưng hãy thử nghĩ xem: một người là phụ nữ có chồng vừa qua đời đã ‘mắt đi mày lại’ đưa tình với người khác, còn phản bội lại bạn thân; một người là đàn ông thấy sắc nảy lòng tham, phản bội vợ mình. Quả thực mắt chọn người của hai người này thực độc đáo, không ai kém ai. Vậy mà còn tưởng rằng mình đã gặp được “tình yêu đích thực” rồi!
Cô gái tên Dung, mơ ước tình yêu, nên đã kết thúc cuộc hôn nhân buồn tẻ của mình, nhiều năm tìm kiếm “tình yêu đích thực” nhưng không tìm được. Còn Yến, là hoa hậu giảng đường, cô có một người bạn trai yêu cô tha thiết, quan tâm cô từng li từng tí. Người thân và bạn bè của Yến đều rất ngưỡng mộ. Thế nhưng Yến một mặt hưởng thụ tình cảm và sự chăm sóc của bạn trai, mặt khác lại cảm thấy trong mối tình cảm này thiếu “tình yêu”, nên không hài lòng. Cuối cùng Yến chia tay bạn trai, đi tìm “tình yêu đích thực”, tìm mãi đến 50 tuổi rồi vẫn còn chưa gặp. Thực ra, có lẽ “tình yêu đích thực” này vốn chỉ tồn tại đối với những người biết quý trọng nhân duyên, biết luyến tiếc phúc phần mà thôi. Nếu không, biết đi đến đâu mà tìm đây?
Những ví dụ kể trên, được cho là “chuyện bình thường” trong xã hội hiện đại ngày nay. Thậm chí còn có rất nhiều câu chuyện bi thảm hơn được các nhà tâm lý học hôn nhân, các nhà tư vấn tình cảm ghi lại và lưu giữ. Những câu chuyện đó khiến người ta nhìn thấy mà đau lòng, và nhiều đến mức chỉ cần tùy tiện tìm kiếm một chút là có thể tìm thấy.
Những câu nói phá hủy tam quan
Một số câu thoại từng thuộc lòng, giờ đây nhìn lại, thực sự cảm thấy nó hủy hoại con người ta, thật quá đáng sợ. Xin được kể ra ở đây một vài câu như vậy, quý vị xem thử có phải cảm thấy rất quen thuộc không?
– “Người không được yêu mới chính là kẻ thứ ba.” Đây chẳng phải là logic của kẻ trộm cướp ư? Hóa ra người bị đánh cắp phải gánh chịu mọi trách nhiệm, sai lầm và chỉ trích sao?
– “Không quan tâm bên nhau dài lâu như thế nào, chỉ quan tâm đến những gì đã từng có được.” Còn có “Thỏa được đam mê, mất chẳng hối tiếc”. Những câu thoại này cho thấy tâm thái của những người sống những ngày tận thế không quan tâm bất cứ điều gì. Người sống như vậy điên rồ biết bao nhiêu?
Còn có nhiều vô số kể những câu thoại kỳ quặc như: “Cho dù em ở bên ai, thì trong trái tim em vẫn luôn có một góc vĩnh viễn dành cho anh.” Đây chẳng phải là đã sớm trù tính dành một phương án dự phòng trong hôn nhân rồi ư? Điều này có công bằng với người kia không? Còn có lương tâm không?
Chẳng trách, cư dân mạng lại than thở: “Đọc xong những dòng phá hủy tam quan* này, tôi mới nhận ra, để lớn lên với tâm hồn lành mạnh thật khó khăn biết bao.”
Câu chuyện về cuộc đời của Kiều
Kiều và chồng của cô yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên, hoàn toàn không quá quan tâm đến vấn đề có tiếng nói chung hay không. Kiều nói rằng, tình yêu giữa hai người họ thuộc kiểu tình yêu có thể sẵn lòng hy sinh vì nhau. Kiều dùng nhật ký để ghi lại khoảnh khắc hạnh phúc ngọt ngào trong tình yêu, nỗi nhớ nhung, cách quan tâm lẫn nhau của hai người, và mơ ước về cuộc sống hạnh phúc tốt đẹp với người bạn đời: sinh ba đứa trẻ, mua căn nhà có ba phòng ngủ. Câu chuyện tình yêu của Kiều chắc chắn là câu chuyện lãng mạn và sâu sắc nhất trong những người mà tôi từng biết đến.
Thế nhưng, sau khi kết hôn không lâu, Kiều và chồng cãi vã vì những chuyện vụn vặt, vài năm sau họ ly hôn. Con trẻ từ nhỏ đã phải trải qua cuộc chiến trong gia đình, cha mẹ ly hôn, mẹ tái hôn… Cuộc sống nặng nề khiến cho tâm hồn non nớt khó có thể tiếp nhận được, sau đó con của Kiều bị bệnh trầm cảm rồi tự kết thúc sinh mệnh. Khi nhắc đến người chồng cũ, cô căm hận nói anh giống như một người hung ác. Tôi nghe xong, “trái tim pha lê” của tôi vỡ vụn. Đây chính là một “câu chuyện lãng mạn” cho lý tưởng “kết hôn vì tình yêu” mà tôi tận mắt chứng kiến một thời.
Kiều là bạn thân của tôi thời cấp hai, chúng tôi không có gì là không làm cùng nhau. Chúng tôi tâm sự với nhau mọi thứ, chia sẻ tiểu thuyết lãng mạn, những ca khúc thịnh hành, cùng nhau đến rạp xem phim tình cảm. Tôi vẫn nhớ một câu nói mà cha cô ấy đã dạy, mà Kiều và tôi đều đã từng cho đó là chân lý: ‘nếu ai đó đánh con một đấm, con liền đá người đó một đá’. Tôi từng cảm thấy điều đó là rất đúng, cần phải cho người ta biết rằng bản thân mình không phải là người dễ bị bắt nạt. Có lẽ trong cuộc hôn nhân của mình, Kiều đã làm theo câu nói này, không chịu để bản thân thua thiệt. Mãi nhiều năm sau tôi mới nhận ra, câu nói này rất giống với triết lý đấu tranh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, kiểu ai sợ ai? Kết quả là cả hai đều bị tổn thương. Con người vẫn nên rộng lượng và bao dung. Người xưa có câu “chịu thiệt thòi là phúc”, đây mới là chân lý.
Yêu nhau thì dễ nhưng chung sống với nhau mới khó. Cảm xúc mãnh liệt khác với hôn nhân hạnh phúc. Một số nghiên cứu cho rằng, cảm xúc mãnh liệt có liên quan đến sự tiết ra một lượng lớn Dopamine trong não, còn Dopamine có liên quan đến dẫn truyền tin tức gây hưng phấn thần kinh và hiện tượng nghiện. Tuy nhiên, cảm xúc mãnh liệt về cơ bản chỉ kéo dài từ 9 tháng đến 4 năm, đây chính là “thời kỳ bền chắc của tình yêu” như người ta hay nói. Ngẫm nghĩ lại thì đúng là như vậy. Nếu cảm giác như điên cuồng, mãnh liệt đó cứ tiếp tục kéo dài nữa, e rằng người bình thường cũng sẽ chịu không nổi không phải sao?
Nếu Kiều và chồng của cô không chỉ là gặp được tình yêu đẹp, mà còn phải biết bao dung, trân trọng, thì khi cảm xúc mãnh liệt phai nhạt, họ có thể vận dụng những đức tính tốt đẹp này vào xây dựng đời sống hôn nhân, hẳn là họ đã rất hạnh phúc. Tôi không khỏi cảm thán, tình cảm có sâu đậm đi nữa, cũng không chịu được hai trái tim chỉ biết nghĩ cho bản thân.
Khi tìm người yêu, nên xem xét những gì
Khi tìm người yêu, nhất định phải chú ý xem xét đến nhân phẩm đạo đức! Nhân phẩm đạo đức! Nhân phẩm đạo đức! Lời quan trọng phải nói ba lần.
Cho dù bước vào hôn nhân bằng tình yêu vừa gặp đã yêu, hay là do mai mối, đều không quan trọng. Sau khi cảm xúc mãnh liệt lắng xuống, nhân phẩm đạo đức biểu hiện ra, đồng thời tiếp tục kéo dài trong hàng chục năm sau đó, đó mới là điểm quan trọng của một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Hãy suy nghĩ và tính toán một chút xem. Việc học được cách làm phép tính đúng rất quan trọng. Theo phương pháp này, những người đã lập gia đình bày tỏ “tình yêu” với bạn, thì trực tiếp loại bỏ đi, đó đều là cặn bã. Những kẻ này không phải yêu bạn, mà là yêu tình yêu, yêu chính bản thân họ, yêu cái cảm giác được yêu và ham muốn chiếm hữu. Đằng sau họ là những mặt tối của bản chất thấy lợi quên nghĩa, thấy sắc nảy lòng tham.
Là vợ chồng đã nhiều năm, đều không phải sẽ trở thành bạn đời, bạn thân của nhau sao? Có một câu nói chân thành của người từng trải rằng: Hãy trân quý người bạn đời của mình, đó mới là hạnh phúc đáng dựa vào của nửa đời sau của bạn. Cho dù người bạn đời đó có “ngốc” đi nữa, cũng đừng ghét bỏ, giá trị của “ngốc” còn cao hơn rất nhiều so với “cặn bã”. Còn có một câu nói nữa, rằng: trước khi kết hôn phải mở to mắt, sau khi kết hôn nhắm mắt lại. “Mở to mắt” ở đây có nghĩa là không bị tình cảm làm cho mê muội đầu óc, che mờ lý trí; “nhắm mắt” là ý nói phải biết đủ, biết thụ nhận số mệnh và thiện lương. Đó đều là phẩm chất trân quý nhất của con người, là điều kiện tất yếu cho hạnh phúc.
Trí Tử thực hiện
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ