Giấy báo dự thi trong tủ quần áo
Mẹ tôi đã mất hơn 20 năm rồi.
Từ nhỏ, tôi luôn là một cậu bé khiến mẹ phải quan tâm và lo lắng. Ít ra khi còn sống, mẹ cũng đã nhìn thấy tôi đậu vào trường đại học lý tưởng. Thế nhưng, không thể đem tới cho mẹ một cuộc sống tốt đẹp là điều hối hận lớn nhất của tôi trong cuộc đời này.
“Con photo cho mẹ tờ giấy báo dự thi. Hàng xóm nói chùa Văn Xương ở đầu cây cầu này rất linh thiêng!”
“Không cần đâu mẹ. Lần này, con sẽ học tập nghiêm túc, mẹ không cần lo đâu.”
“Vái lạy sẽ giúp con gặp may mắn và thuận lợi trong thi cử, cũng giúp mẹ yên tâm hơn một chút.”
“Còn không phải là cầu khấn sẽ giúp con làm bài thi tốt sao……”
Đó là đêm trước ngày thi đại học quan trọng, tôi lúc ấy đã không đưa tờ giấy báo dự thi cho mẹ. Nhưng tôi đoán rằng nhân lúc tôi đang ngủ, mẹ đã trộm lấy tờ giấy ấy và đem đi photo. Bà photo một lúc tận mấy bản. Mẹ tôi lúc đó nhất định là rất bận lòng về tôi, nhưng tôi lại một mực “hắt nước lạnh” vào tình yêu của mẹ.
Sau khi tốt nghiệp cấp ba, tôi bắt đầu đi làm, tự mình trải qua những gian khổ nơi làm việc. [Lúc đó], tôi mới hiểu được tại sao mẹ lại luôn muốn chúng tôi phải học hành. Vậy nên, tôi đã nghe lời khuyên của bà, sau nửa năm làm việc tôi nghỉ việc và chuyên tâm chuẩn bị cho kỳ thi vào đại học tiếp theo. Bây giờ nhớ lại lúc ấy, tuy chỉ mới mấy tháng mà mẹ tôi bỗng già đi rất nhiều. Đầu mẹ xuất hiện tóc bạc, sắc mặt cũng trở nên hốc hác, nhưng chúng tôi lại không hề chú ý gì đến mẹ, mặc cho sức khỏe của mẹ ngày một yếu đi.
Tôi cuối cùng đã thi đỗ vào trường đại học quốc gia như ý muốn sau một phen vất vả, gian nan. Điều đó khiến mẹ tôi vô cùng tự hào. Bà chia sẻ niềm vui sướng ấy với những người hàng xóm trong ngõ và bạn bè của bà. Khi tôi đang trải nghiệm sự mới mẻ của môi trường đại học, thì một lần nọ, vào lúc sáng sớm, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ quê nhà, thông báo sự ra đi đột ngột của mẹ… Trên đường gấp rút từ Chương Hóa trở về nhà ở Đài Trung, tôi nhớ cuộc điện thoại trò chuyện với mẹ vào đêm hôm trước, trước lúc tôi đi ngủ:
“Con đã mặc ấm chưa? Sắp thi rồi đúng không? Đừng thức khuya học bài con nhé! Kỳ thi lại này con đã thức khuya tận nửa năm rồi, đừng như vậy khi lên đại học, sẽ có hại cho sức khỏe đấy.”
“Mẹ à, con biết rồi. Tuần sau con thi xong, con sẽ về nhà, sau đó con sẽ tìm một công việc gia sư……”
Vào tiết trời mùa thu mát mẻ, một lời hỏi han ân cần của mẹ dành cho một người nơi phương xa như tôi quý giá hơn bất cứ thứ gì. Nhưng tôi đâu ngờ rằng đó là cuộc trò chuyện cuối cùng của tôi và mẹ. Vài năm qua đi, mỗi khi gió Tây thổi về, tôi sẽ luôn nhớ về đêm hôm ấy. Tôi muốn được quay về thời điểm đó, tôi sẽ cầm chặt lấy ống nghe điện thoại và tha thiết nói với mẹ rằng, con yêu mẹ rất nhiều. Nếu có thể, mong kiếp sau con vẫn được làm con của mẹ. Con thật may mắn vì có được một người mẹ hiền từ như vậy. Mẹ ra đi thật đột ngột và lặng lẽ, dẫu con có kêu trời oán đất, tiếng vọng có xa đến tận trời xanh, thì con cũng chẳng thể nhận được bất cứ lời hồi đáp nào.……
Trong phòng vẫn còn để lại một chiếc bàn trang điểm của mẹ vào thời bà mới lấy chồng. Nhiều năm rồi tôi vẫn luôn phủi bụi cho chiếc bàn ấy. Sợ sẽ đụng chạm đến những hình ảnh gây thương nhớ, nên tôi đã dọn dẹp căn phòng vào dịp Tết năm nay. Tôi lau chùi chiếc bàn qua một lần. Khung gỗ bên ngoài làm bằng gỗ tự nhiên và được khảm một tấm gương. Trên khung còn được chạm khắc hình hoa và cây cỏ. Những đường nét hoa văn vừa nông vừa sâu, giống như dấu vết năm tháng trên gương mặt của mẹ. Đó chính là tình yêu của mẹ dành cho gia đình chúng tôi, một tình cảm sâu nặng nhưng duyên mỏng. Dưới bàn trang điểm có tủ quần áo hai tầng, bên trong cất một vài bộ quần áo của mẹ tôi khi bà còn sống. Tôi nhớ khi tôi sắp xếp những di vật của mẹ, dì cả tôi đã nghẹn ngào nói rằng: “Các con, mỗi người hãy chọn ra một đồ vật và lấy nó ra xem mỗi khi nhớ mẹ.”
Tôi tiện tay lấy ra những bộ quần áo rồi gấp lại. Khi lấy đến bộ quần áo cuối cùng, đập vào mắt tôi là một chồng giấy ố vàng lộ ra. Tôi trải chồng giấy ấy ra, đôi tay tôi bất giác run lên, đôi chân lập tức tê dại rồi ngã quỵ xuống, bứt rứt mãi không thôi.
Tập giấy đó là những bản sao giấy báo dự thi khi tôi thi vào cấp ba, cao đẳng, trường nghề và đại học. Bên trên còn có hình tôi còn nhỏ và phía sau là dòng chữ nắn nót của mẹ. Nó đánh dấu những ngôi chùa nào mà mẹ tôi đã đến bái lạy [cầu cho tôi được may mắn], lập tức sống mũi tôi cay xè.
Đêm hôm đó, tôi đã ôm xấp photo giấy báo dự thi ấy, và không biết bản thân đã khóc trong bao lâu. Tôi chỉ biết tình yêu của mẹ dành cho tôi là điều không thể diễn tả hết bằng lời nói. Thậm chí bởi vì tính cách nghịch ngợm và ương bướng của tôi đã khiến mẹ rơi không biết bao nhiêu nước mắt vì lo âu. Trong lòng tôi chỉ còn lại sự hối hận và nỗi nhớ mẹ vô tận.
Giấy báo dự thi là loại giấy tờ chứng thực cần thiết ở các kỳ thi và ở các buổi kiểm định, chủ yếu dùng để xác minh danh tính của người dự thi. Trong mắt phụ huynh, nó còn có công dụng tối quan trọng khác, chính là cầm những bản sao này đến chùa, cầu xin cho con mình thi cử thuận lợi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các kỳ thi tuyển sinh lớn đã đẩy mạnh việc đơn giản hóa thủ tục thi và hủy bỏ hàng loạt các chính sách về giấy báo dự thi. Điều này là để tránh sự tiếc nuối khi đánh mất nó, dẫn đến tình trạng không thể tham gia thi cử. Tôi tin rằng một ngày nào đó, giấy báo dự thi sẽ đi vào lịch sử. Và chồng giấy photo của các kỳ thi tuyển sinh bao năm nay trong tay tôi, ngược lại sẽ trở nên vô cùng quý giá, vì chúng tượng trưng cho tình yêu của mẹ dành cho tôi. Từng tờ giấy bị ố vàng, từng nét chữ nối tiếp nhau, giống như một dòng suối nhỏ róc rách, từ từ tụ lại thành một dòng sông, rồi đổ ra đại dương cuồn cuộn sóng biển. Tôi không thể nào báo đáp hết tình yêu vô tận của mẹ. Trong nhiều đêm khuya tĩnh lặng, tôi cẩn thận đếm từng tình yêu của mẹ dành cho tôi. Tôi cầu mong ở bên kia Thiên đường, mẹ có thể nhìn thấy tôi không còn là cậu bé khiến bà phải lo lắng nữa. Tôi đã hoàn thành việc học, lập gia đình, có một người vợ đảm đang và hai cậu con trai nghịch ngợm dễ thương, thậm chí tôi còn trở thành giáo viên giảng dạy.
Cứ ba năm một lần, tôi giống như gà mẹ, tất bật cầm giấy báo dự thi học sinh đi photo, đến chùa Văn Xương để cầu nguyện cho con mình thuận lợi thi cử. Vào mùa thi cử, ngôi chùa luôn rất đông đúc. Trên bàn thờ, ngoài hoa quả tươi ra, còn có những bản photo giấy thi vô cùng đẹp mắt và luôn có vài người phụ nữ quỳ trước bàn thờ Phật. Tôi nghĩ rằng mẹ tôi hơn 20 năm trước có lẽ cũng giống như họ, chắp hai tay, miệng lẩm nhẩm niệm kinh, thành tâm khấn vái từ chỗ này qua chỗ khác, cầu cho con trai mình thi cử thuận lợi. Sự hy sinh âm thầm như vậy, không mưu cầu bất kỳ sự báo đáp nào, đã truyền tải tình yêu vô bờ bến của người mẹ dành cho những người con của họ.
Chồng giấy báo dự thi photo đã ố vàng này chẳng qua chỉ là một vài mảnh giấy. Nhưng khi tôi cầm nó trên tay, tôi lại mơ hồ cảm nhận được sức nặng của sự ấm áp. Hơn mười năm qua, mẹ đã cùng tôi lớn lên, mà không màng đến sự ngỗ nghịch thời còn bé hay tính cách ương bướng, ngỗ nghịch thời trẻ tuổi của tôi. Bà đã dùng sức mạnh ấm áp nhất của mình để ngăn tôi không phải chịu vất vả trên con đường đời nhiều chông gai. Bà đã dùng ánh sáng rực rỡ nhất để giúp tôi thoát ra khỏi sự nao núng khi ở trong đêm tối. Dù mẹ đã ra đi hơn 20 năm rồi, nhưng mỗi khi tôi gặp phải khó khăn, vấp phải thất bại, thì tôi luôn cảm thấy như mẹ đang dẫn dắt tôi. Bà giúp tôi đưa ra những phán đoán đúng đắn để đối mặt với tất cả, và ngăn tôi không bao giờ được đi quá xa.
Năm nay tôi cùng các con tổ chức Ngày của mẹ cho vợ của mình. Các con nói lời cảm ơn đến vợ tôi, bày tỏ lòng biết ơn đến sự vất vả của mẹ và niềm hạnh phúc của các bé đối với cô ấy. Tôi thường kể chuyện cho các con nghe vào mỗi tối trước khi đi ngủ. Tôi kể về từng câu chuyện thời tôi còn sống với mẹ của mình. Tôi miêu tả sự hy sinh mà không một lời oán trách của người mẹ mạnh mẽ chăm lo cho gia đình. Đồng thời, tôi ca ngợi sự hy sinh không hề nuối tiếc của một người mẹ hiền. Và người cha trước mặt các con đây, từng giống với hai anh em con bây giờ, cũng khiến cho mẹ phải lo lắng, thấp thỏm… Cũng đã khiến cho ruột gan mẹ rối bời.