Cổ đạo nhân sinh: Thê tử bán mình cứu chồng trong nạn đói, cuối cùng được đoàn viên
Vào thời nhà Thanh, ở phủ Thanh Châu (nay là Ích Đô, tỉnh Sơn Đông) có một thư sinh tên là Liễu Hồng Đồ, vừa mới cưới vợ. Lúc bấy giờ đang xảy ra thiên tai mất mùa, lương thực thất thu. Hai vợ chồng họ cũng không còn đường kiếm sống, thư sinh đành dẫn theo thê tử đi xin ăn khắp nơi. Chẳng mấy chốc, họ nhận thấy rằng người ăn xin đông như kiến vậy.
Một hôm, hai vợ chồng đã quá đói, chỉ biết ôm nhau khóc. Thê tử nói: “Nếu như chàng bán thiếp, chàng còn có thể sống tiếp, nếu chàng giữ thiếp lại, thì cả hai ta đều sẽ chết, điều này không có lợi gì đối với hai ta.” Liễu Hồng Đồ bi thương đến mức không biết trả lời như thế nào, chỉ lắc đầu. Đột nhiên, hai vợ chồng nhìn thấy một chiếc xe nhỏ chở vài người cả đàn ông và phụ nữ, là xe của những kẻ buôn người.
Thê tử nói: “Đại ca đánh xe ơi, hai vợ chồng chúng tôi đói quá không chịu nổi, tôi nguyện ý bán thân cầu đường sống.” Kẻ buôn người nhìn thấy nàng dung mạo xinh đẹp, liền hỏi thư sinh rằng thê tử giá bao nhiêu? Liễu Hồng Đồ khóc đến mức nói không nên lời, thê tử của chàng trả lời rằng: “Chỉ cần bán được mười xâu tiền (một xâu là một nghìn văn tiền đồng), thì tôi đây sẽ đi theo ngài.” Kẻ buôn người nói: “Giá này không được, năm xâu tiền đồng thì được.” Những người ở bên đường nhìn thấy thế đều đồng cảm với hai vợ chồng họ, đồng thời còn khuyên bảo, cuối cùng bán được tám xâu tiền đồng. Người đánh xe lập tức lấy tiền ra. Người vợ cầm tiền đưa tới trước mặt Liễu Hồng Đồ rồi nói: “Khi thiếp sinh ra dáng dấp nhỏ gầy, cha mẹ đều rất yêu thương thiếp, gọi thiếp là ‘Nhất Niệp Kim’ (một chiếc vòng xoắn bằng vàng), nào ngờ hôm nay vậy mà đã ứng nghiệm rồi. Liễu lang chàng ơi, có được số tiền này chàng có thể sống tiếp rồi, không có số tiền này sẽ chết. Chàng có thể sống tiếp, thì chớ sống uổng kiếp này, phải làm vẻ vang tổ tiên. Bán thê tử để sống, hy vọng chàng chớ quên thiếp.”
Liễu Hồng Đồ khóc lóc nghẹn ngào nói: “Với dung mạo của vợ ta, có gì là không thể đâu, chẳng lẽ hôm nay ta và nàng phải vĩnh biệt nhau ở đây sao? Hoặc là trong tương lai còn có ngày trùng phùng ư?”
Kẻ buôn người vội vàng thúc giục hai người họ, nhưng hai vợ chồng vẫn ôm nhau không buông. Vì thế, kẻ buôn người đi tới ôm lấy người vợ lên xe, đẩy Liễu Hồng Đồ ngã trên mặt đất, tiếng chuông xe cứ thế vang xa dần. Liễu Hồng Đồ nhìn theo hình bóng của vợ, đau khổ khóc to. Cuối cùng chỉ còn lại một mình chàng mang theo xâu tiền, nuốt nước mắt hướng về phía Bắc mà đi.
Thê tử của Liễu thư sinh ngồi trên xe của kẻ buôn người, xe đi đã được mấy ngày rồi, dọc đường có rất nhiều người hỏi giá tiền về nàng. Mấy kẻ buôn người cho rằng nàng là món hàng hiếm nên đòi giá cao, kết quả vẫn chưa bán đi được.
Một hôm, xe đi tới một thôn trang có tên là Tân Thành (nay thuộc về Hà Bắc). Trong thôn trang này có một người tên là Vương Phượng Sơn. Người này là một võ sinh, gia cảnh giàu có, tính cách hào sảng, rất hiếu thuận với mẫu thân. Mọi người trong thôn đều rất kính trọng anh ấy. Mặc dù năm này gặp thiên tai, nhưng người dân trong thôn trang này nhờ có Vương Phượng Sơn nên vẫn giữ được an bình.
Vương Phượng Sơn mở một quán trọ tại cửa thôn. Hôm nay, chính vừa lúc xe của kẻ buôn người đến nghỉ trọ, Vương Phượng Sơn nhìn thấy cử chỉ của thiếu phụ này không giống hạng người thấp hèn, lại có nét buồn bã bi thương khiến người khác động lòng thương xót. Anh biết nàng bị mấy kẻ buôn người mua, cho nên lo lắng nàng sẽ bị lưu lạc đến kỹ viện. Vương sinh bèn nói với kẻ buôn người: “Vị cô nương này quả là có tư sắc.” Kẻ buôn người nói: “Nếu tiên sinh thích, sao không lưu nàng lại? Chỉ cần trả được giá tương xứng, tôi đây sẽ không cần lợi nhuận quá cao.”
Vương sinh về nhà nói với mẫu thân của mình, nhưng bà không đồng ý. Vương Sinh nói: “Con không phải yêu vẻ ngoài của nàng, mà là đồng cảm cho hoàn cảnh của nàng ấy. Mẫu thân, người có thể nhận nàng làm con gái nuôi được không?” Nghe con trai giãi bày như vậy, bà gật đầu đồng ý.
Vương sinh đến lữ quán, nói với thiếu phụ rằng mình muốn nhận nàng làm muội muội, vị thiếu phụ vô cùng cảm kích. Vương sinh đã mua nàng với giá hai mươi xâu tiền, mẫu thân của Vương sinh cũng đối đãi với nàng như con gái. Về sau họ muốn gả chồng cho nàng, nhưng thiếu phụ không đồng ý, nguyện ý cả đời này làm con gái phụng dưỡng mẫu thân. Mẫu thân của Vương sinh cũng rất vui mừng khi có người con chăm sóc cho mình.
Ngày đó, sau khi Liễu Hồng Đồ chia tay với thê tử thì cất bước đi về phía Bắc. Anh muốn đến vùng Quan Đông, nhưng gặp phải lệnh phong bế quan ải, không cho phép đi qua, nên đành phải quay lại đường cũ về Sơn Đông. Lúc này đang vào mùa thu hoạch lúa mì cuối mùa hạ, rất nhiều bông lúa rơi rớt trên đường, có người thuê anh nhặt những bông lúa đó. Một năm sau, Liễu thư sinh mới trở về quê hương. Trên đường đi ngang qua Tân Thành, Liễu thư sinh dừng chân nghỉ lại ở một quán trọ. Một đêm trời đổ mưa to, nước đọng ngập sân khiến việc đi lại khó khăn, Liễu thư sinh bèn dùng chổi quét dọn sân vườn.
Lúc này, vừa lúc Vương Phượng Sơn đi vào quán trọ, thấy sân đã được quét dọn sạch sẽ, vui mừng hỏi: “Là ai đã quét sân sạch sẽ, không còn chút bùn đất đọng lại vậy?” Liễu sinh đáp: “Hết mưa, tôi dậy sớm, không có việc gì làm nên quét dọn sân một chút.” Vương sinh lại hỏi: “Huynh là người vùng nào vậy?” Liễu sinh trả lời: “Tôi họ Liễu, là người vùng Thanh Châu. Tôi rời quê hương đã lâu, bây giờ đang muốn trở về.” Vương sinh nói: “Nói vậy hẳn là huynh phú quý mà trở về phải không.” Liễu sinh đáp: “Áo quần tôi rách rưới như vậy, sao còn đùa giỡn tôi chứ? Chỉ mong có được một nơi nương thân, là đã đủ lắm rồi.” Vương Phượng Sơn bèn nói: “Nếu chưa quyết định trở về nhà, thì sao huynh không ở lại quán trọ này làm một số việc vặt cho tôi?” Liễu sinh nói: “Đây chính là điều tôi mong muốn.” Vương Phượng Sơn rất vui, lập tức để Liễu sinh làm quản lý quầy đón tiếp, ban ngày dọn phòng cho khách, ban đêm sắp xếp khách ở quán trọ. Liễu sinh vừa biết chữ vừa có thể tính toán sổ sách, Vương Phượng Sơn vô cùng tin tưởng. Anh không coi Liễu sinh như người giúp việc mà xem như huynh trưởng của mình, hai người trở thành bằng hữu thân thiết.
Thời gian cứ như vậy trôi qua đã được hơn hai năm. Những lúc bình thường không có việc gì làm, bất kể ngày hay đêm, Liễu sinh thường nhẩm đọc các bài văn, bài thơ để dự thi. Đến năm đó là năm Mậu Thân, lại vừa đúng dịp tổ chức kỳ thi Hương. Một hôm, Liễu Hồng Đồ nói dối với Vương Phượng Sơn rằng: “Tôi muốn trở về quê thăm nhà một chuyến, cả đi và về cần thời gian khoảng một tháng.” Vương Phượng Sơn lập tức giúp Liễu sinh chuẩn bị hành trang, sắm sửa áo quần, giày dép mới, đồng thời còn đưa cho Liễu sinh rất nhiều tiền. Liễu sinh từ biệt Vương Phượng Sơn rồi lên đường. Đầu tiên anh đi về hướng Đông, sau đó chuyển hướng về phía Nam, cuối cùng đến tỉnh thành tham gia thi Hương. Sau khi thi xong, Liễu sinh liền trở về nhà họ Vương. Vương Phượng Sơn còn tưởng rằng Liễu sinh là từ Thanh Châu trở về.
Khi đó đã sắp đến Tết Trùng Dương, kết quả thi cử của tỉnh Sơn Đông thông thường sẽ được công bố trong khoảng ba, bốn ngày này. Liễu sinh đếm ngón tay nhẩm tính thời gian, tim đập thình thịch hồi hộp không thôi. Năm đó ở Tân Thành chưa tổ chức thi cử, cho nên không có tin tức. Ngày hôm sau, có người nói đã công bố người đỗ đầu bảng rồi, là người ở vùng Thọ Quang, nghe thế Liễu sinh cảm thấy có chút thất vọng. Liễu sinh đi tới đầu cửa thôn, đi qua đi lại dưới gốc cây hòe, chợt nhìn thấy từ xa có hai người thở hồng hộc đi tới, ngồi xuống dưới gốc cây nghỉ ngơi. Liễu sinh liếc nhìn hai người đó một cái, cảm thấy hai người họ giống như là người đi đưa tin, trong lòng rất muốn biết hai người này muốn đi đến nơi nào, bèn hỏi: “Hai vị muốn đi đâu?” Một người trong đó nói: “Chúng tôi là từ Thanh Châu đến đây.” Người còn lại nói tiếp: “Đừng hỏi nữa, thật là gặp vận xui hết sức, nói ra chỉ e là để cho người ta cười thôi. Nghĩ hết cách để đi báo tin mừng cho một vị tân cử nhân, vội vàng lên đường đi đến Thanh Châu, nhưng tìm kiếm khắp nơi cũng không có người này, tất cả mọi người đều nói ‘năm đó mất mùa đói kém người này đã mang theo người nhà không biết là đi nơi nào rồi’, chẳng lẽ là quỷ sao?” Liễu Hồng Đồ suy nghĩ trong chốc lát rồi nói: “Trời đã chạng vạng tối rồi, chi bằng hai vị hãy vào trọ ở lữ quán này đi. Tôi là chủ nhân của lữ quán này.” Hai người kia đồng ý, cùng đi vào thôn ngủ lại trong quán trọ.
Đến khi trời tối thắp đèn lên, Liễu Hồng Đồ mang bầu rượu đến rót, nói: “Hai huynh vừa mới đi đường mệt nhọc tới đây, không bằng uống một chén rượu cao lương nóng này, để xua đi mệt mỏi.” Hai người đưa tin đứng dậy tỏ ý cảm ơn, vì thế cùng nhau ngồi uống rượu nói chuyện. Liễu Hồng Đồ lại hâm nóng một bầu rượu, mọi người đều uống rất thoải mái. Liễu Hồng Đồ hỏi: “Vị tân cử nhân mà hai huynh đến Thanh Châu báo tin ấy có họ gì?” Một người đưa tin nói: “Họ Liễu”. Liễu Hồng Đồ hỏi tiếp: “Người mà huynh đi báo tin này có vật gì làm căn cứ không?” Người đưa tin ấy trả lời: “Có mẩu giấy thông tin màu xanh được cắt ra từ trên bảng báo danh.”
Liễu Hồng Đồ xin được xem một chút, một người đưa tin có chút không muốn, người đưa tin còn lại nói: “Giờ đã là bằng hữu rồi, để cậu ấy nhìn một chút cũng có vấn đề gì đâu?” Thế là người kia bèn tháo dây mở cuộn giấy ra cho Liễu Hồng Đồ xem. Liễu Hồng Đồ vừa nhìn, ánh mắt sáng lên: “Người đỗ thứ bốn mươi, Liễu Hồng Đồ, Lẫm thiện sinh phủ Thanh Châu.” (Chú thích: Lẫm thiện sinh tức học trò được Vua cấp lương). Sau khi xem xong, Liễu Hồng Đồ nước mắt rơi như mưa.
Người đưa tin hỏi: “Vì sao cậu lại đau buồn như thế, là huynh đệ trong dòng tộc của cậu sao?” Liễu Hồng Đồ đáp: “Không phải.” Người đưa tin lại hỏi: “Chẳng lẽ là con cháu trong dòng tộc của cậu?” Liễu Hồng Đồ nói: “Cũng không phải. Bởi vì người ở trên bảng này là đệ đệ của huynh ruột tôi, là cháu của chú ruột tôi.” Hai người đưa tin đứng bật dậy nói: “Như vậy cậu chính là tân cử nhân rồi?” Liễu Hồng Đồ đáp: “Thật hổ thẹn! Chính là tại hạ.” Sau khi nghe được tin đó, mọi người đều ồn ào náo động cả lên.
Sau khi Vương Phượng Sơn nghe được tin thì vội vàng chạy đến, hỏi Liễu Hồng Đồ là chuyện xảy ra thế nào. Liễu sinh bèn kể lại tỉ mỉ chuyện mình giả vờ trở về quê, nhưng thực tế là vào thành dự thi, hôm nay đã được trúng cử. Vương Phượng Sơn nghe xong thì vô cùng vui mừng, liền sắp xếp nơi ăn chốn ngủ cho hai người đưa tin, rồi chạy về báo tin cho mẫu thân biết. Mẫu thân của Vương sinh cũng rất vui mừng, vội chuẩn bị tiệc rượu mừng cho Liễu Hồng Đồ. Người trong thôn đều đến dự tiệc và chúc mừng.
Ngày đó, Vương mẫu và vị thiếu phụ ở trong bếp chuẩn bị thức ăn, người hầu bưng chậu đi vào bếp nói: “Liễu trưởng quầy đến đây đã hai năm rồi, vậy mà không người nào biết đến, bây giờ hiển quý, mọi người đều biết thì ra huynh ấy là Liễu Hồng Đồ tân cử nhân.” Thiếu phụ nghe xong giật mình làm rơi đôi đũa đang cầm trong tay.
Vương mẫu nghĩ: “Cô gái này đã thề không gả chồng. Hôm nay nghe đến tên của Liễu Hồng Đồ lại sửng sốt đến vậy, chẳng lẽ là bị danh lợi mê hoặc mà động tâm rồi?” Sau khi Vương Phượng Sơn trở về, mẫu thân hỏi: “Liễu chưởng quầy có thê tử không?” Vương Phượng Sơn trả lời: “Huynh ấy nhà còn không có, lấy đâu ra thê tử ạ?” Thiếu phụ hỏi: “Huynh ấy là người Thanh Châu sao?” Vương Phượng Sơn trả lời: “Đúng vậy?”
Đến tối hôm đó, Vương mẫu nói với thiếu phụ: “Con phụng dưỡng ta cũng đã hơn hai năm rồi, con rất hiếu thuận, ngay cả con gái ruột cũng không bằng con. Nhưng mà, bữa tiệc nào rồi cũng sẽ có lúc tàn. Nhân lúc mẹ còn khỏe mạnh, mẹ muốn giúp con tìm một người chồng tốt, như vậy mẹ cũng có thể an tâm nhắm mắt. Con không nên quá cố chấp chuyện trước đây, nào có chuyện nữ nhi nhà ai chết già ở trong khuê phòng đâu chứ?” Người thiếu phụ xưa nay vốn điềm tĩnh thận trọng, nàng đã hiểu được ý tứ của mẫu thân là muốn gả nàng cho Liễu sinh, nhưng nàng không muốn nói thẳng ra miệng. Nàng chỉ trả lời rằng: “Con sẽ nghe theo ý của mẫu thân.”
Thế là Vương mẫu đem chuyện này nói cho con trai biết. Phượng Sơn liền nói với Liễu Hồng Đồ, còn nói đây là ý của mẫu thân mình. Liễu Hồng Đồ nói: “Lúc sống bị chia cắt càng bi thương hơn chia lìa vì cái chết, nỗi đau bán thê tử trong nạn đói vẫn còn hiển hiện trước mắt; lời nói trước khi ly biệt vẫn còn như ở bên tai. Cho dù hôm nay đệ có thể gặp được người bạn đời tốt, e rằng người dù ở nơi chân trời, cũng không cách nào chấp nhận được lời tự trách vứt bỏ thê tử. Trên đời này nam tử bạc tình, không ai bằng đệ!”
Vương Phượng Sơn nói: “Cưới vợ chẳng qua là để tránh việc không có con cháu nối dõi đời sau. Nếu đệ cố chấp không thay đổi, đối với tình cảm vẫn trung trinh không hai lòng, giả sử thực sự đàn vỡ người mất, đến lúc đó sẽ lưu lại hối tiếc trọn đời không cách nào bù đắp được. Đệ cứ xét xem cái nào nặng, cái nào nhẹ mà làm.”
Liễu Hồng Đồ nói: “Cảm tạ lời khuyên của huynh trưởng, lại là mệnh lệnh của mẫu thân, không dám không nghe theo. Có điều như đệ đã nói trước đây, ngộ nhỡ sau này có ngày vợ chồng đệ trùng phùng, mong rằng người phụ nữ cưới sau chỉ có thể bằng lòng lui về sau (làm vợ lẽ) mà thôi.”
Vì vậy, Vương Phượng Sơn trở về báo lại cho mẫu thân, mẫu thân gật đầu nhìn thiếu phụ. Thiếu phụ nói: “Chờ đến khi tình huống kia xảy ra rồi lại thương lượng cũng không muộn.” Bởi vì nàng vốn chính là thê tử của Liễu sinh, chẳng qua đến bây giờ Liễu sinh vẫn không biết mà thôi, căn bản sẽ không có chuyện như vậy xảy ra. Vương Phượng Sơn lập tức sắp xếp phòng tân hôn cho hai người họ ngay tại trong lữ quán.
Ngày hôm đó, cỗ kiệu màu sắc rực rỡ tiến đến trong tiếng chiêng trống vang trời, thiếu phụ mặc giá y bằng gấm. Mẫu tử nhà họ Vương cử hành nghi thức hôn lễ cho hai người họ, tất cả phụ nữ trong nhà họ Vương đều đến xem. Liễu Hồng Đồ đầu cài hoa, đội mũ cài tóc buộc dây, tự tay vén khăn che đầu cô dâu màu đỏ. Thiếu phụ nhìn thấy Liễu Hồng Đồ sắc mặt vui mừng, không khỏi cười thành tiếng, sau đó lập tức ngừng lại. Những người phụ nữ trong dòng tộc nhìn thấy thế, cho là cô nương không biết ngượng ngùng, bèn trở về kể với Vương mẫu. Liễu Hồng Đồ vốn không nhìn kỹ, nhưng trong lòng nghĩ: Dung mạo của cô nương này sao lại giống thê tử của mình đến vậy?
Đến tối, khách dự tiệc về hết, Liễu sinh đi vào trong phòng, cầm nến bước đến, thiếu phụ che mặt khóc thảm thiết. Liễu Hồng Đồ nắm tay nàng, hoảng hốt hỏi: “Nàng thật sự là ‘Nhất Niệp Kim’, thê tử trước đây của ta phải không?” Thiếu phụ nói: “Lang quân từ ngày biệt ly đến nay có luôn thuận lợi không?” Liễu Hồng Đồ nghe thế thì khóc lớn. Tiếp đó hai người thắp đèn, kể lể nổi khổ nhớ nhung sau khi ly biệt, vui buồn lẫn lộn, thực giống như phảng phất đã qua một đời. Mãi đến khi trời sáng, khi người vú già đến gấp chăn, thì thấy trên gối uyên ương ướt đẫm nước mắt, cũng không biết nguyên do vì sao.
Sau khi Liễu Hồng Đồ sửa sang lại áo mũ thì đi gặp Vương Phượng Sơn, quỳ xuống cảm tạ rồi nói: “Đại ân đại nghĩa của huynh trưởng, đệ đây nguyện khắc cốt minh tâm. Những gì huynh đã làm cho đệ thì các vị Dương, Bùi thời xưa cũng không thể sánh được.” Vương Phượng Sơn kinh ngạc hỏi là chuyện gì xảy ra, phu thê Liễu Hồng Đồ mới kể lại chuyện gương vỡ lại lành của hai người họ. Sau khi mẫu thân Vương Phượng Sơn biết chuyện, cũng vô cùng vui mừng nói: “Rốt cuộc ta đã biết được vì sao trước đây con không tùy ý nói cười rồi.”
Về sau, Liễu Hồng Đồ chuyển tới Tân Thành. Vương Phượng Sơn giúp họ xây dựng trường học, chiêu mộ học sinh ngay trong thôn.
Nhớ lại khoảng thời gian những năm Càn Long thứ 50, 51, các vùng của tỉnh Sơn Đông xuất hiện nạn hạn hán, hoa màu đều chết hết, cây bông vải cũng khô rụi, khung dệt không hoạt động, người dân không còn cách nào, chỉ biết chờ cái chết. Quốc gia thi hành lệnh miễn thu thuế và chính sách cứu tế, còn chế định biện pháp phòng ngừa tai họa, vô cùng chu đáo, tốt hơn hẳn so với bất kỳ thời kỳ nào trước đây. Song, những người chết vì đói ở vùng hoang dã đã trở thành thức ăn của thú hoang, vẫn diễn ra liên tiếp không ngừng. Buồn thay, kế sách cứu nạn không tốt, đây xác thực là sự thật! Hơn nữa, việc bán vợ, bán con nơi nào cũng có. Quan phủ mặc dù biết, nhưng không có lệnh cấm, bởi vì nếu bán đi vợ con thì trượng phu và phụ mẫu có thể tiếp tục sống, nếu không cả nhà cuối cùng sẽ trở thành hồn ma vất vưởng. Thời đó, rễ cỏ, rau dại bán một cân mười đồng tiền. Trong chợ có bán đồ ăn, bị người khác cướp rồi bỏ chạy, có đuổi theo kịp thì đã bị người kia nuốt vào trong bụng rồi. Lại có một toán khoảng mấy chục người, đi khắp thôn cướp đoạt thức ăn, đêm đến thì phóng hỏa, cho nên khi trời còn chưa tối, nhà nhà đều đóng cửa, cả đêm đều thấp thỏm. Người may mắn giống như Liễu sinh, quả thực là ngàn người có một mà thôi.
Nguồn tài liệu tham khảo: “Tiểu Đậu Bằng”.