Cổ đạo nhân sinh: Tận cùng của tương phùng là Thiên ý
17 năm không biết cha mình là đạo tặc cho đến lúc sự thật được phơi bày
Thời vua Tống Lý Tông trị vì, ở huyện Tương Âm, Đàm Châu có một người tên là Lý Đồ, trong nhà có mấy khoảnh ruộng. Vợ của ông tinh thông kinh sử điển tịch, tự mình dạy dỗ con trai Ứng Long học hành, nhưng Lý Đồ thường xuyên quở trách và quát mắng Ứng Long.
Năm Ứng Long 17 tuổi, trong thôn tiến cử anh sang năm lên tỉnh dự thi. Lý Đồ không cho lộ phí, nhưng vợ ông lén đưa cho con trai chút tiền, Ứng Long bèn sắp xếp hành lý một mình lên đường. Sau khi đã đi ba ngày trời, Ứng Long đến một ngôi làng nọ. Chính vào lúc trời dần tối, lại không có nhà trọ để ở, anh liền rẽ ngang vào một con đường nhỏ, hy vọng gặp được người có thể xin ngủ nhờ qua đêm. Đi chưa được bao xa, anh nhìn thấy một dinh thự rộng lớn, hỏi thăm thì được biết là nhà của thông phán họ Trịnh. Thế là anh đi đến trước cổng nhà xin ngủ nhờ một đêm. Người giữ cổng không đồng ý, Ứng Long liên tục khẩn cầu. Lúc đó có người gác cổng già nói: “Trời sắp tối rồi, quả thực là không dễ tìm được chỗ nghỉ ở nơi khác. Có điều quan nhân không có nhà, đợi tôi vào bẩm báo với lão phu nhân, để anh ta tạm thời trú ở cổng gác một đêm là được rồi.”
Lão phu nhân hồi âm nói: “Đã là quan nhân lên tỉnh tham gia khảo thí thì mời vào thư phòng.” Đồng thời, bà gọi người chuẩn bị cơm nước tiếp đãi. Ứng Long vui mừng nghĩ vận khí của mình rất tốt. Một lát sau, người gác cổng già lại xuất hiện nói: “Lão phu nhân mời cậu dùng trà.” Ứng Long cảm thấy rất kỳ lạ về việc tiếp đãi nhiệt tình quá mức, nhưng không nghĩ nhiều, anh đồng ý đi theo. Lão phu nhân hỏi tỉ mỉ về danh tính của Ứng Long, sắp xếp cơm rượu rất thịnh soạn. Bà luôn ngồi bên cạnh, không ngừng chăm chú nhìn Ứng Long, miệng không ngừng phát ra lời cảm thán “ôi chao”. Ứng Long nào hiểu được nguyên nhân gì?
Tiệc rượu xong, anh đi về thư phòng, chỉ nhìn thấy màn trướng đã chuẩn bị xong, rất chỉnh tề sạch sẽ. Sáng sớm hôm sau, lão phu nhân mang tặng Ứng Long một ngàn quan tiền giấy và dặn dò: “Trên đường quay về cậu nhất định phải đến đây.”
Ứng Long ở kinh thành chờ yết bảng, kết quả đã thi đậu, trải qua kì thi Đình trở thành tiến sĩ, nhận chức quan Giáo thụ ở Lễ Châu. Trên đường về anh ghé lại thăm nhà lão phu nhân. Lão phu nhân nhiệt tình khoản đãi, giữ anh ở lại mấy ngày. Lão phu nhân nói: “Quan nhân rất giống với người con trai đã khuất của ta. Con trai ta làm quan đến chức Thông phán ở Quảng Châu. Sau khi mãn nhiệm, lúc trở về quê hương, cả nhà bị cường đạo sát hại, chỉ có thân già ta ở nhà không ra khỏi cửa mới may mắn thoát nạn. Nhà ta có một số điền sản, tuy đã lập người trong tông tộc làm người thừa kế. Nhưng bây giờ nhìn thấy quan nhân giống như nhìn thấy con trai mình, khiến ta khó mà dứt bỏ. Nếu như cậu đến đây ở, thì phân nửa gia sản này tặng cho cậu.”
Ứng Long lấy lý do nhà còn cha mẹ để khéo léo từ chối, lão phu nhân lại nói: “Cha mẹ cậu có thể đến ở cùng.” Ứng Long bèn nhận lời bà. Lão phu nhân khẩn khoản nói cậu nhất định phải đến, bà khóc nức nở tiễn biệt Ứng Long.
Sau khi về đến nhà, trong lúc Lý Đồ ngẫu nhiên ra ngoài, Ứng Long vội đem câu chuyện kể với mẫu thân. Mẫu thân anh rơi nước mắt nói: “Người này chính là bà nội của con đấy! Cả nhà cha con bị cường đạo sát hại, chỉ còn lại có mẹ thôi. Khi đó con ở trong bụng mẹ đã được hơn 5 tháng rồi. Người cha hiện tại của con chính là kẻ cường đạo đó.”
Ứng Long vô cùng cảm khái bi thương, liền đi đến chỗ quan Chế trí sứ Hồ Dĩnh (hiệu Thạch Bích) báo cáo sự tình. Hồ Dĩnh thất kinh, bí mật sai người đón lão phu nhân đến, lấy cớ chúc mừng Ứng Long được làm quan, mời cha mẹ anh cùng tham dự yến hội. Sau khi mẫu thân Ứng Long đến, tiến vào trong trạch đường, nhìn thấy lão phu nhân, hai người khóc lóc, vui buồn lẫn lộn.
Hồ Dĩnh giao Lý Đồ cho cơ quan tố tụng điều tra lấy chứng cớ. Sau khi điều tra toàn bộ sự thực rõ ràng liền tịch thu gia sản của ông ta, đồng thời xử tội chém đầu. Hơn nữa, cho phép mẹ con Ứng Long và lão phu nhân cùng về nhà, lại trình báo triều đình, đổi họ cho Ứng Long về họ thật của mình. Câu chuyện này xảy ra vào đời vua Tống Lý Tông. (Theo “Giang hồ kỷ văn” của Quách Tiêu Phong)
Câu chuyện gặp lại người con thất lạc nhiều năm
Vào thời nhà Thanh, ở khu vực Hằng Sơn (nay là phía đông nam thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây và phía nam thành phố Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc) có một người nông dân gọi là Lão Lý. Ông ta có mấy trăm mẫu đất, cuộc sống tương đối khá giả. Đến tuổi trung niên, ông sinh được một người con trai, đặt tên là Nhất. Sau khi Nhất lớn lên được học chữ, Lão Lý rất nghiêm khắc đối với việc học hành của con. Năm Nhất 12 tuổi, vì mải chơi lỡ việc học hành, sợ cha trách mắng, nên cậu lấy trộm tiền của cha mẹ rồi trốn đi. Vợ chồng Lão Lý vô cùng sốt ruột, treo thưởng tiền vàng tìm kiếm con trai. Dù họ đã tìm kiếm khắp nơi nhưng mãi không có tin tức.
Người mẹ của Nhất rất đau buồn, cơ hồ muốn quyên sinh. Lão Lý an ủi bà nói: “Chúng ta vẫn chưa gọi là già, còn có thể sinh thêm được con nữa.” Nhưng mẹ Nhất bởi vì thương nhớ con trai đã sinh bệnh. Bà nhiều lần khuyên chồng mình nên lấy thêm thiếp thất để kéo dài hương hỏa, nhưng Lão Lý không nhẫn tâm. Thời gian trôi qua nhanh hơn mười năm, Lão Lý đã gần 70 tuổi nhưng vẫn chưa có tin tức của con trai. Người trong gia tộc, họ hàng đều nghèo khó, ai cũng muốn kế thừa tài sản của Lão Lý, nên tranh cãi liên miên không dứt, khiến ông càng thêm đau khổ, buồn phiền.
Lão Lý cảm thấy bản thân tinh lực còn rất dồi dào, thể lực cũng khả dĩ. Ông nghe nói giữa Sơn Tây và Hà Nam có người bán con gái, giá cả rất rẻ, nên ông lấy một trăm lượng bạc đưa cho người trung gian, dùng 50 quan tiền mua một thiếu nữ đoan trang. Ông ấy rất mãn nguyện.
Cô gái hỏi danh tính và quê quán của Lão Lý, ông thật thà nói với cô. Cô gái kinh ngạc nói: “Tôi và ông cùng họ cùng quê, thật là kỳ lạ!” Lão Lý nói: “Cùng họ còn có khả năng, nhưng quê của tôi cách đây 500 dặm, không thể gọi là đồng hương.” Cô gái nói: “Tôi lúc nhỏ từng nghe cha tôi nói rằng ông họ Lý, tên Nhất, người Hằng Sơn. Sau này bởi vì trốn học nên bỏ đi, làm con nuôi người ta. Hiện nay không biết cha mẹ còn hay mất? Ông thường hay lẩm nhẩm khóc lóc, tôi và mẹ phải an ủi ông.”
Lão Lý kinh ngạc nói: “Theo như cô nói, nó đích thực là con trai tôi, cô có lẽ chính là cháu gái tôi. May mà cô nói ra chuyện này, chúng ta nhanh chóng đến nhà cô xác nhận xem. Tuy cách xa đã hơn mười năm, nhưng giọng nói và nụ cười của nó chắc không thay đổi.”
Thế là Lão Lý đưa cô gái về làng, gọi cha mẹ cô gái ra, quả nhiên là con trai Lão Lý. Con trai khóc lóc kể chuyện đã trải qua: Sau khi bỏ nhà ra đi, cậu đi về phía nam, dùng hết tiền rồi đi ăn xin trong thôn. Có một ông lão cùng họ giữ cậu lại làm con nuôi, sau này lại lấy vợ cho. Cậu sinh được bốn con trai và hai người con gái. Mấy năm trước, cha mẹ nuôi lần lượt qua đời, vì con cái đông, nên cuộc sống trở nên khó khăn, đành phải bán con gái để sống qua ngày.
Lão Lý rất vui mừng, ông bảo con trai đem bán hết đồ đạc gia đình, dẫn theo sáu đứa cháu về nhà. Vợ ông đang một mình cô quạnh trên giường bệnh, nghe tin con trai trở về, lại đột nhiên nhìn thấy con cháu đầy nhà, lập tức bật dậy ngay trên giường bệnh. (Trích từ “Dạ vũ thu đăng lục”)