Bị Thiên Đế trách phạt, hóa thành chim yến và kết duyên với một người tu Đạo
Những chú yến nhỏ nhắn, xinh xắn trong bộ texudo. Mỗi mùa xuân, chúng đúng hẹn lại bay đến, làm tổ trên xà nhà của người dân và sinh sôi nảy nở. Chúng ăn sâu bọ và có mối quan hệ đặc biệt thân thiện với con người. Vì vậy, người ta tin rằng, sự xuất hiện của chim yến là biểu tượng của may mắn. Nếu một năm chim yến không đến, thì có thể có một số biến hóa lớn sắp xảy ra. Mặc dù chim yến có kích thước nhỏ nhắn, nhưng một số con trong số chúng xác thực là có nguồn gốc riêng và mang trên mình sự thần kỳ và nội hàm văn hóa Trung Hoa phong phú.
Vào thời Hậu Ngụy, có một người tên là Nguyên Đạo Khang (tự Cảnh Di) sống ẩn dật trong thung lũng phủ đầy sương mù của núi Lâm Lư. Cửa túp lều của ông cả ngày đóng yên tĩnh, và ông chưa bao giờ đặt chân đến cõi trần. Nguyên Đạo Khang luôn giữ tâm tu Đạo, uống linh chi tiên thảo, quyết tâm kiên trì tu Đạo. Trong lòng tự tại vui vẻ, cuộc sống bình yên, và ông đã trải qua hơn 20 năm như vậy.
Sau đó, Cao Hoan lên làm Thừa tướng. Ông ấy đã ba lần đến mời Nguyên Đạo Khang xuống núi làm quan, nhưng ông đều không đi. Ông cảm thấy thiên hạ bấy giờ đã phát sinh động loạn, nên ông không muốn tham gia chính sự. Đến lúc Cao Dương lên làm Thừa tướng, ông ấy lại đến mời Nguyên Đạo Khang xuất sơn, nhưng Nguyên Đạo Khang vẫn không đồng ý.
Trong thư phòng của ông có một đôi chim yến, hàng năm chúng đều bay đến đây làm tổ. Bởi vì triều đình nhiều năm liền chiêu mộ, nhưng Nguyên Đạo Khang đều không tuân theo, nên trong tâm ông có chút sợ hãi và ức chế. Ông bất giác thầm thở dài.
Vào một đêm thu trăng sáng, gió thổi từng đợt. Nguyên Đạo Khang đang nhìn vầng trăng nhưng trong tâm lại cảm thấy lo lắng. Đột nhiên ông nghe có tiếng gọi mình, nói: “Cảnh Di, ông vốn có tâm tình nhàn nhã, bản tính vui vẻ, sao bây giờ lại có nhiều suy tư lo lắng như vậy?” Ông ngạc nhiên nhìn quanh, và nhận ra đó là tiếng con chim yến đang nói chuyện với mình.
Chim yến lại nói: “Cảnh Di, Cảnh Di, mệnh của ông là tu dưỡng, suốt đời vui vẻ, hãy quên đi những lo lắng.”
Nguyên Đạo Khang nói: “Ngươi là chim nhưng lại biết nói, tại sao lại xây tổ trong nhà ta?”
Chim yến nói: “Ta bị Thiên Đế trách tội, tạm thời trở thành một con chim. Vì ông có đạo đức cao thượng nên ta mới đến nương nhờ ông.”
Nguyên Đạo Khang nói: “Ta vứt bỏ danh lợi ở trần gian, không muốn bị người đời lợi dụng, nên đóng cửa tu Đạo, lấy tu đức để quy y sinh mệnh. Đây có phải là ý nghĩa mà ngươi nói đến không?”
Chim yến nói: “Những người sống ẩn dật mà chúng ta gặp trong thiên hạ đều là những người đang tìm kiếm danh vọng. Ông là người duy nhất chân chính hiểu được tu tâm, tu Đạo, đứng tách biệt ra khỏi trần thế. Vì vậy, thần linh đều tôn trọng và để ý tới ông, và tất cả sinh linh trong trời đất đều bội phục đức hạnh của ông.” Chim yến tiếp tục nói: “Rạng sáng ngày mai, ông hãy đến cạnh dòng suối phía trước, tôi sẽ nói rõ cho ông biết.”
Khi trời vừa sáng, Nguyên Đạo Khang chống trượng gỗ đi về dòng suối ở phía nam để chờ chim yến. Lúc bình minh, ông nhìn thấy hai con yến từ ngọn núi phía bắc bay tới, và lao mình vào dòng suối. Một con biến thành chàng trai mặc y phục màu đen, và con còn lại biến thành thiếu nữ cũng mặc y phục màu đen.
Họ bước tới và nói với Nguyên Đạo Khang rằng: “Hôm nay chúng tôi hồi quy về trời. Bởi vì ông đã cho chúng tôi nơi trú ẩn sinh sống trong thời gian hóa thân thành chim yến, nên chúng ta đặc biệt đến đây để nói lời từ biệt. Không có gì để lưu làm kỷ niệm, vì vậy chúng tôi đặc biệt nói cho ông biết một chút về tương lai. Ông có chí hướng ẩn cư tu Đạo, thần linh ở các không gian khác đều khen ngợi ông. Thọ mệnh của ông trong tương lai vẫn còn 40 năm nữa. Đây là cách chúng tôi báo đáp ông.”
Nói xong, chàng trai và cô gái mặc y phục màu đen biến thành một đôi chim yến bay đi, không biết bay đi đâu. Lúc đó, Nguyên Đạo Khang đã 40 tuổi, quả nhiên sau này ông sống đến 81 tuổi mới qua đời.
Không chỉ có những vị thần tiên trong hình dạng con người mà còn có những vị ẩn dưới hình hài chim muông. Trong “Tây Du Ký” cũng ghi chép rất nhiều loài chim mang hình hài con người, tất cả đều là những vị thần ở các tầng thứ khác nhau. Từ xa xưa, người ta luôn cho rằng, văn hóa Trung Hoa là văn hóa Thần truyền, là nền văn hóa thiên nhân hợp nhất. Trong “Tây Du Ký” nói rằng “Nhân thân nan đắc, Phật Pháp nan văn, Trung thổ nan sinh.” (Nghĩa là: Thân người khó được, Phật Pháp khó được nghe, khó được sinh ra ở vùng đất Trung Thổ). Có thể nói, thế hệ những người được sinh ra ở Trung Thổ này đều là những người có duyên phận lớn với Phật và Đạo. Liệu họ có thể đắc được Đại Pháp cao hơn không? Họ có thể phản bổn quy chân, hồi về Thiên Thượng không? Những câu chuyện về Nguyên Đạo Khang và đôi chim yến vừa truyền cảm hứng cho chúng ta, vừa lưu lại cho mọi người tự cảm ngộ.