Bí quyết của người xưa để hôn nhân hạnh phúc dài lâu (Phần 1)
Các trang giải trí gần đây tràn ngập tin tức về những vụ việc ly hôn của người nổi tiếng. Nhìn vào tỷ lệ ly hôn ở Trung Quốc trong vài thập niên qua, nó đã tăng vọt từ 2% trong những năm 1970 đến 40% như hiện nay. Tại sao các cuộc hôn nhân ở thời hiện đại lại đoản mệnh như vậy? So sánh với trước đây, người xưa trước khi kết hôn chưa từng gặp mặt, nhưng cả hai đều có thể sống cùng nhau đến bạch đầu giai lão. Thời đại ngày nay, mỗi người tự thân đều lựa chọn kỹ lưỡng nửa kia của mình, nhưng tại sao lại không thể làm được như cổ nhân? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem vấn đề rốt cuộc là ở đâu?
Ân (tình cảm)
Vào thời Hán có một câu thơ cổ nói rằng: “Kết phát vi phu thê, ân ái lưỡng bất nghi” (Tạm dịch: Kết tóc làm phu thê, ân ái chẳng nghi ngờ). Rất nhiều người cho rằng, điều quan trọng nhất của hai người khi ở bên nhau là tình đầu ý hợp, chỉ cần phu thê ân ái thì hôn nhân sẽ có thể bền lâu.
Kỳ thực, hai từ “ân ái” này đã nói rõ rồi, là “ân” trước, “ái” sau. Bởi vì bản thân ái tình vốn không đáng tin cậy, hôm nay vừa thấy đã yêu, ngày mai có thể sẽ thay lòng đổi dạ. Động lòng rồi thay lòng đều là chuyện trong nháy mắt, có cách nào bảo đảm người ta không thay lòng đổi dạ đây?
Trong “Yến Tử Xuân Thu” có ghi chép việc Quân chủ nước Tề là Tề Cảnh Công có một ái nữ, nàng muốn được gả cho Yến Tử. Thế nên Tề Cảnh Công liền đến nhà Yến Tử làm khách, lúc uống rượu cao hứng, nhân cơ hội hỏi Yến Tử: “Người vừa rồi là thê tử của ngươi ư?” Yến Tử trả lời: “Vâng, đó là thê tử của thần.” Cảnh Công một phen cảm khái: “Ài chà, nàng ấy thực vừa già vừa xấu! Ta có một nữ nhi, tuổi trẻ lại xinh đẹp, chi bằng gả cho người đi.” Người bình thường gặp chuyện tốt như thế đều không cự tuyệt, nhưng Yến Tử sau khi nghe xong, đứng dậy hồi đáp Cảnh Công rằng: “Tuy thê tử của thần bây giờ đã trở nên vừa già vừa xấu, nhưng thần và nàng đã chung sống rất lâu rồi, cũng đã trải qua những ngày thanh xuân tươi đẹp của nàng. Hơn nữa, làm một thê tử, nàng ấy lúc còn trẻ đẹp đã mang cả đời phó thác cho thần, thần cũng đã tiếp nhận sự phó thác và cưới nàng ấy. Bệ hạ tuy ban thưởng món quà như vậy, nhưng thần sao có thể vì thế mà làm trái với sự phó thác ban đầu của nàng ấy đây.” Nói rồi, Yến Tử bái lạy vài lần và từ chối Cảnh Công.
Yến Tử đã nói ra một điểm rất trọng yếu trong việc duy trì hôn nhân ở thời cổ đại, cũng là một điểm mà người hiện đại xem nhẹ. Đó là trách nhiệm của một nam nhân.
Người phụ nữ nào khi kết hôn lại không muốn hạnh phúc đến đầu bạc răng long? Khi nàng đem tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình hoàn toàn giao phó cho một người đàn ông, thì người ấy nên gánh vác trách nhiệm, trở thành chỗ dựa cả đời của nàng. Giống như Phó Nhược Kim, một nhà thơ sống vào thời Nguyên đã viết trong “Điệu vong tứ thủ” rằng: “Tân hôn thệ giai lão, ân nghĩa vĩnh thả thâm” (Tạm dịch: Tân hôn thề giai lão, ân nghĩa mãi đậm sâu).
Tuy nhiên, để làm được điều này thật không hề dễ dàng. Đời người sẽ trải qua đủ loại cám dỗ và thử thách, và cũng trong tình huống ấy mới có thể thấy được phẩm chất chân thực của một người.
Chẳng hạn, khi Tống Hoằng sống vào thời Hán đứng trước những lựa chọn tương tự, ông đã để lại một danh ngôn thiên cổ như sau:
Theo “Hậu Hán thư” ghi chép, Quang Vũ Đế nhà Đông Hán có một tỷ tỷ là Hồ Dương công chúa. Trượng phu của công chúa vừa qua đời, Quang Vũ Đế muốn thăm dò tâm ý của tỷ tỷ, vì vậy đã tìm cơ hội để thảo luận với công chúa về các quần thần. Công chúa nói: “Tống Hoằng khí phách hiên ngang, tài cao đức độ, đại thần khắp triều chẳng ai sánh được.” Nghe vậy, Quang Vũ Đế liền chuẩn bị làm mai mối cho họ.
Một ngày nọ, Quang Vũ Đế bảo Hồ Dương công chúa ngồi sau bức bình phong, rồi triệu kiến Tống Hoằng vào hỏi dò rằng: “Thường có câu, sang dễ thay bạn, giàu dễ đổi vợ, đó có phải lẽ thường trong nhân tình?”
Tống Hoằng lại không đồng ý cách nói này, câu trả lời của ông là: “Thần nghe nói, mối giao tình lúc nghèo hèn không được quên, người vợ thuở hàn vi chớ bỏ.” Quang Vũ Đế vừa nghe liền biết việc này không thành được rồi.
Dân gian có câu: “Nhất nhật phu thê bách nhật ân, bách nhật phu thê tự hải thâm.” Ý tứ là vợ chồng dù mới ở bên nhau một ngày thì ân nghĩa đã như trăm ngày, còn vợ chồng ở bên nhau lâu ngày, thì ân nghĩa đã sâu nặng như biển cả. Thế nên, ân ái không chỉ là sự phô trương trước mặt thiên hạ, hoặc dùng để khoe khoang trên mạng, mà điều nó đại biểu là sự cam kết, là trách nhiệm và nghĩa vụ.
Tất nhiên, trong lịch sử cũng có những nhân vật phụ diện, dưới đây là một ví dụ ngược lại.
Vong ân phụ nghĩa
Trong “Nam bộ tân thư” ghi chép: Ở Hà Đông, tỉnh Sơn Tây có một người tên là Bùi Chương. Khi còn trẻ, Bùi Chương đã gặp một vị cao tăng tên là Đàm Chiếu. Vị cao tăng này tiên đoán rằng địa vị và danh vọng của Bùi Chương trong tương lai sẽ vượt qua cha mình, mà cha của Bùi Chương lúc bấy giờ là một chủ soái. Về sau, Bùi Chương cưới Lý thị làm vợ, khi ông ngoài 40 tuổi, một mình đến Thái Nguyên nhậm chức, bỏ rơi Lý phu nhân ở quê nhà, không dòm ngó đến và đi tìm niềm vui mới. Lý phu nhân than thở bản thân bạc mệnh, vậy nên ngày ngày ăn chay niệm Phật, sau đó vì sầu não buồn bực mà qua đời.
Mười năm sau đó, Bùi Chương gặp lại cao tăng Đàm Chiếu, ông hỏi cao tăng rằng: “Năm mươi năm trước, ngài đã dự đoán rằng tôi nhất định sẽ giàu sang hơn cha tôi, tại sao bây giờ vẫn chưa thành hiện thực?” Vị cao tăng trả lời rằng đó là do Bùi Chương bạc đãi người vợ thuở nghèo hèn, còn nói rằng: “Linh hồn của vợ ông đã cáo trạng lên Thiên Đế, ông sẽ gặp đại nạn lớn.” Quả nhiên chưa qua mấy ngày, Bùi Chương đã bị người ta mổ bụng giết chết.
Vốn dĩ Bùi Chương đời này có phúc phận rất lớn, so với cha ông là chủ soái còn giàu sang phát tài hơn, nhưng vì bạc đãi thê tử, chẳng những phúc phận bị tước mất mà cuối cùng còn phải chịu kết cục thảm khốc.
Ở một góc độ khác, tạm gác chuyện nhân quả báo ứng sang một bên, thử hỏi một người bỏ vợ giữa chừng, còn mấy ai tin tưởng? Ai có thể bảo đảm rằng qua mấy năm sau ông ta sẽ không tìm ai đó trẻ trung và xinh đẹp hơn? Vậy nên mới nói rằng, tình yêu là không đáng tin cậy, điều cần thiết hơn để duy trì một cuộc hôn nhân là ân và nghĩa.
Nghĩa (Lý tính)
“Nữ luận ngữ – Thủ tiết chương” ghi rằng: “Phu thê kết phát, nghĩa trọng thiên kim”, nghĩa là vợ chồng kết tóc, nghĩa nặng ngàn vàng.
Trong “Nữ giới” của Ban Chiêu cũng viết: “Phu vi phu phụ giả, nghĩa dĩ hòa thân, ân dĩ hảo hợp”, ý rằng khi đã là vợ chồng thì lấy nghĩa mà chung sống hòa thuận, lấy ân mà hòa hợp tốt đẹp. Chữ nghĩa ở đây có rất nhiều hàm nghĩa. Nếu nói ân tình giữa hai vợ chồng còn có nhân tố tình cảm do hai người tích lũy lại, vậy hai người chưa từng gặp mặt thì chỉ có thể dựa vào đạo nghĩa hoặc tín nghĩa để giữ lời thề.
Con người hiện đại chúng ta có lẽ khó hình dung được việc kết hôn với một người xa lạ, cả đời chưa từng gặp mặt. Vậy ví dụ trước khi kết hôn nghe nói đối phương bị khuyết tật thì sao? Trong “Hậu sơn đàm tùng” có ghi lại câu chuyện về một gia đình như vậy vào thời Bắc Tống.
Ở Hoa Âm có khảo sinh họ Lữ thi đỗ tiến sĩ. Tiến sĩ là cấp bậc cao nhất có thể nhận được trong chế độ khoa cử thời cổ đại, cũng chính là đề tên trên bảng vàng như chúng ta vẫn thường nói. Thế nhưng, cô nương mà ông đính hôn trước đó đã đổ bệnh ngay sau lễ đính hôn, khiến hai mắt bị mù. Người nhà cô cho rằng họ không xứng đáng với mối hôn sự này nên đã chủ động thoái hôn. Tuy nhiên, Lữ tiến sĩ cho rằng, vì đã đính hôn rồi, bất kể cô gái xảy ra chuyện gì cũng đều không nên làm trái lời hẹn ước, vì vậy đã từ chối đề nghị hủy hôn và vẫn kết hôn với cô nương này.
Về sau, hai vợ chồng họ sinh được năm người con trai, tất cả đều thi đỗ tiến sĩ. Tính cả cha của họ thì cả nhà có sáu tiến sĩ, trở thành một câu chuyện lạ lúc bấy giờ. Trong đó có bốn người con đạt được thành tựu to lớn, được người đời gọi là Lam Điền “Tứ Lữ”, còn có một vị còn làm đến chức Tể tướng.
Kết cục này hoàn toàn trái ngược với hoàn cảnh của Bùi Chương vừa nói đến ở trên, bởi vì Lữ tiến sĩ thủ tín trọng nghĩa, vậy nên cả gia đình đều đắc được phúc báo.
Những trường hợp như vậy rất phổ biến vào thời cổ đại, và nữ giới đương nhiên cũng không ngoại lệ. Các sách như “Thánh dụ tượng giải: nhất tiêu bất cải”, “Văn tuyển lâu tùng thư” bản “Tân san cổ liệt nữ truyện” đều có ghi chép.
Trong cuốn “Liệt nữ truyện” vào thời Tây Hán có chép lại rằng, vợ của Thái Nhân là người Tống, sau khi được gả vào nhà thì chồng bị bệnh nặng. Là một nữ nhân, nàng đã mất đi nguồn hỗ trợ, cuộc sống sau này không nơi nương tựa. Sợ con gái ngày tháng về sau phải sống khổ sở, cho nên mẹ nàng muốn nàng tái giá. Tuy nhiên, nàng không đồng ý, nói rằng: “Bất hạnh của trượng phu cũng là bất hạnh của con, con làm sao có thể bỏ mặc chàng đây? Đạo gả cho người, cùng nhau chung sống thì cả đời không thay đổi. Chồng con chỉ là không may mắc bệnh nặng, làm sao con có thể vì điều này mà tái giá?”
Người Trung Quốc cổ đại xem nghĩa là điều vô cùng quan trọng, lúc nguy cấp thậm chí có thể hy sinh tính mạng, xả thân vì nghĩa. Những cuộc hôn nhân thời hiện đại chính là không có sự ước thúc của ân nghĩa và đạo nghĩa, nên khó có thể chịu được sóng to gió lớn. Đương nhiên, rất nhiều mâu thuẫn giữa con người với nhau đều là tích tụ từ những điều nhỏ nhặt, vậy làm thế nào mới có thể duy trì mối quan hệ vợ chồng hòa thuận?
Kính (biểu tượng)
Trước hết, cổ nhân cho rằng vợ chồng nên tôn kính lẫn nhau, trọng điểm của điều này là ở mặt “tương hỗ.” Chồng và vợ đều phải tôn kính đối phương.
Trong cuốn “Lễ Ký ‧ Ai Công vấn” có ghi, Khổng Tử nói với Lỗ Ai Công rằng: “Xã hội mà các bậc Thánh minh quân vương ba triều Hạ, Thương, Chu cai trị, người ta đều tôn trọng và yêu thương thê tử cùng con cái. Vì thê tử là người quan trọng nhất trong gia đình, còn con cái là người nối dõi tông đường, hai người này làm sao có thể bất kính đây?”
Trong “Nữ giới” chép rằng, “Tu thân mạc nhược kính, tị cường mạc nhược thuận. Cố viết: kính thuận chi đạo, vi phụ chi đại lễ dã.” Ý rằng, tu thân quan trọng nhất là phải cung kính, điều cần nhất để tránh cương cường là nhu thuận. Vậy nên nói, cung kính và nhu thuận là lễ nghĩa lớn nhất của một người phụ nữ.
Khổng Tử từ góc độ của nam giới, Ban Chiêu từ góc độ của nữ giới, cả hai đều nói rằng phu thê phải tôn kính lẫn nhau, đó cũng là lễ tiết cơ bản trong cách cư xử với người khác. Tuy nhiên, giữa phu thê khó tránh khỏi thân mật hơn so với người ngoài, lâu rồi liền dễ dàng phóng túng, cho nên khó khăn nhất chính là duy trì trạng thái tôn kính này. Người xưa cho rằng giữa phu thê, có thể tương kính như tân chính là phản ánh phẩm đức của một cá nhân.
Ái Lệ thực hiện
Vương Du Duyệt biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ