Hòa thượng Tế Công áo rách quạt nát đại hiển thần thông như thế nào?
Hòa thượng Tế Công thời Nam Tống là một nhân vật nổi tiếng, những giai thoại về ông là một người hành hiệp trượng nghĩa, cứu người giúp đời đã được truyền tụng rộng rãi. Hình ảnh một vị hòa thượng áo thủng mũ rách, không kiêng rượu thịt, hóm hỉnh phóng khoáng, dường như đã đi sâu vào lòng người.
Hòa thượng Tế Công là người Đài Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ông sinh năm 1148, tên thường gọi là Lý Tu Duyên, pháp danh Đạo Tế, được cho là Sư tổ thứ năm mươi của Thiền tông và là Sư tổ thứ sáu của phái Dương Kỳ. Ông xuất gia tại chùa Quốc Thanh, sau đó sống ở chùa Linh Ẩn, bái Huệ Viễn (hiệu là “Hạt Đường”, còn được gọi là “Phật Hải”) làm thầy. Sau khi Huệ Viễn viên tịch, Tế Công chuyển đến chùa Tịnh Từ.
Hòa thượng Tế Công tinh thông y thuật, ông không chỉ chữa bệnh cho dân thường mà còn giúp đỡ những người yếu thế nghèo khổ, hoằng dương điều thiện, trừ bỏ điều ác. Bởi vậy, ông còn được tôn là “Phật sống Tế Công.” Theo truyền thuyết dân gian, ông là Hàng Long La Hán chuyển thế.
Năm 1209, hoà thượng Tế Công viên tịch tại chùa Tịnh Từ, hưởng thọ 61 tuổi, trước khi qua đời ông đã viết một bài kệ rằng:
“Lục thập niên lai lang tịch,
Đông bích đả đáo tây bích.
Như kim thu thập quy lai,
Y cựu thủy liên thiên bích.”
Tạm dịch:
“Sáu mươi năm qua phóng khoáng,
Tường đông đánh đến tường Tây.
Đến nay thu thập trở về,
Nước biếc trời xanh như cũ”.
Vào năm 2009 và 2012, Công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun đã lần lượt chế tác các vở vũ kịch “Tế Công cướp dâu” và “Tế Công trừng ác”, thể hiện trí tuệ và thần thông của vị cao tăng này. Cả hai vở vũ kịch đều ngắn gọn nhưng tinh tế, khôi hài lại sinh động. Tình tiết câu chuyện, vũ đạo biểu diễn, âm nhạc nguyên tác và phông nền động 3D đều nổi bật đặc sắc.
Vào một ngày nọ, Tế Công đến một thôn trang, đúng lúc có đôi tân lang tân nương đang cử hành hôn lễ. Khi tân nương nhìn thấy Tế Công, biết ông là người tu hành nên nàng cung kính tiến đến hành lễ. Không ngờ, Tế Công đã giữ lấy tân nương, chẳng nói chẳng rằng cõng nàng trên lưng rồi bỏ chạy. Tân lang và dân làng vội vã đuổi theo phía sau, mãi cho đến khi chạy ra khỏi làng… Vì sao lại có chuyện như vậy?
Vào mùa xuân, các thiếu nữ cùng nhau du xuân hái hoa, nhẹ nhàng ca múa. Một thanh niên tham lam háo sắc, muốn làm điều bất chính. Lúc này, Tế Công đi ngang qua, ông không dùng “quyền” cũng chẳng dùng đến “cước”, mà chỉ cầm chiếc quạt rách phe phẩy một cái, liền có thể chế phục được kẻ ác. Vậy bí ẩn ở đây là gì?
Cao tăng Cư Giản (tự Kính Tẩu), trụ trì đời thứ 37 của chùa Tịnh Từ từng viết sách “Hồ ẩn phương viên tẩu Xá Lợi tháp,” trong đó tường thuật tóm lược cuộc đời vân du tứ hải, chữa bệnh cứu người của Tế Công. Trong đó viết rằng: “Ông là người Lâm Hải, là cháu xa của Đô đốc Lý Văn Hòa. Ông được Thiền sư Phật Hải chùa Linh Ẩn truyền dạy Phật Pháp. Ông điên điên nhưng thông tuệ, rách rưới nhưng thanh sạch, sáng tác của ông không công bố, không hoàn toàn theo khuôn mẫu, nhưng luôn mang ý nghĩa siêu việt, có phong cách dật vận của các bậc danh truy thời Tấn, Tống (phong cách văn chương tao nhã của các vị danh nhân lỗi lạc thời Tấn và thời Tống). Ông đi khắp thiên hạ, phóng khoáng bốn mươi năm. Ông đề những dòng thơ hay ở Thiên Thai, Nhạn Đãng, Khang Lô, Tiềm Hoàn, bất kể mùa đông lạnh giá hay mùa hè nóng bức, ông cũng không có chiếc áo nào lành lặn. Ông ăn uống, nghỉ ngơi không cố định, ông thường kiếm cơm cho người già, người bệnh và tăng nhân. Ông thường đến những nhà danh gia giàu có, nhưng nếu cưỡng ép thì ông sẽ không đến.”
Khi còn tại thế, Tế Công đã lưu lại rất nhiều thần tích, nổi tiếng nhất là “chuyển gỗ từ giếng cổ.” Đó là vào năm Gia Thái thứ tư (năm 1204), chùa Tịnh Từ bị hỏa hoạn, Thiền sư trụ trì Đức Huy bị thiêu trong hỏa hoạn. Quận trưởng đã tấu xin triều đình ban tiền để trùng tu lại ngôi chùa. Tế Công tham gia quyên góp và xây dựng lại ngôi chùa. Ông đã dùng thần thông của mình để vận chuyển nhiều khúc gỗ lớn từ Tứ Xuyên, những khúc gỗ này được vận chuyển từ Trường Giang ra Đông Hải, sau đó đến sông Tiền Đường, và cuối cùng xuất hiện trong giếng Tỉnh Tâm của chùa Tịnh Từ. Người ta dựng một cái giá cạnh giếng và lần lượt kéo những khúc gỗ ra khỏi giếng. Giếng cổ này ngày nay vẫn còn, và đã thu hút vô số du khách đến tham quan.
Tại chùa Linh Ẩn, Hàng Châu, người đời sau đã xây dựng điện Tế Công, trong điện trưng bày 18 bức bích họa giới thiệu những điển tích của Tế Công, trong đó bức thứ mười ba chính là “chuyển gỗ từ giếng cổ.” Trong tranh, hết khúc gỗ này đến khúc gỗ khác từ trong giếng bay ra, các tăng nhân chỉ biết ngẩn người đứng nhìn.
Theo “Linh Ẩn tự chí”: “Tổ sư Tế Điên, pháp danh Đạo Tế, là con trai của họ Lý ở Đài Châu. Ban đầu ông theo học thiền sư Hạt Đường, Hạt Đường biết ông là bậc tài năng phi phàm, nhưng ông lại uống rượu ăn thịt, điên điên khùng khùng. Giám chùa tự thấy không thể chứa được, trình lên Hạt Đường. Hạt Đường phê rằng: “Pháp môn rộng lớn như vậy, há không thể chứa được một vị tăng điên sao?” Mọi người không ai dám nói năng gì nữa. Đến khi Huệ Viễn viên tịch, Tế Công rời đi, đến cư trú ở chùa Tịnh Từ, nhiều lần triển hiện thần thông, kỳ lạ vô cùng…”
Từ đó có thể thấy, thứ nhất: Thiền sư Huệ Viễn lần đầu tiên nhìn thấy Tế Công đã biết rằng ông không phải là người bình thường. Thứ hai, Thiền sư Huệ Viễn viết: “Pháp môn rộng lớn như vậy, há không thể chứa được một vị tăng điên sao?” Câu nói này của Thiền sư Huệ Viễn đã thể hiện sự rộng lớn và bao dung của Phật môn. Thứ ba, Tế Công thực sự có nhiều thần thông, sử sách ghi chép đã chứng thực điều này.
Chú thích:
“Linh Ẩn tự chí” là bộ sách chuyên chép những sự việc liên quan đến chùa Linh Ẩn, do Bạch Hành biên soạn vào những năm Vạn Lịch triều Minh, sau này các học giả triều Thanh có viết thêm và lược bớt.
Hàng năm, Shen Yun đều cho ra mắt các tiết mục hoàn toàn mới. Để thưởng thức trực tiếp các buổi diễn, mời quý vị vui lòng truy cập trang đặt vé: https://www.shenyun.com
Xem thêm: Tế Công dùng áo cà sa che núi, chuyển gỗ từ giếng cổ
Chào mừng quý vị tìm hiểu thêm: