Thần Phật nhìn nhân tâm: Kết cục khác nhau của năm vị Hòa thượng
Từ xưa đến nay, người tu hành luôn phải coi trọng tu tâm. Nếu mang đủ loại niệm đầu không thuần tịnh trong tâm, kết quả cuối cùng sẽ như thế nào? Có một câu chuyện được sử sách ghi lại nhằm kể cho mọi người được rõ.
Thời Nguyên Ngụy (Bắc Ngụy), tại chùa Sùng Chân trong thành Lạc Dương có một vị hòa thượng Huệ Ngưng, sau khi chết bảy ngày thì sống lại. Về phần nguyên nhân, ông nói cho mọi người rằng: “Diêm La Vương khi tra duyệt hồ sơ vụ án, phát hiện đã lấy sai tên người, nên thả cho ta trở về”. Hòa thượng Huệ Ngưng còn kể lại tỉ mỉ những chuyện xảy ra trong bảy ngày đó.
Lúc ấy, cùng với hòa thượng Huệ Ngưng còn có năm vị hòa thượng khác bị Diêm Vương xét xử. Một vị là hòa thượng Trí Thánh ở chùa Bảo Minh, bởi vì tọa thiền tu hành khắc khổ, được lên Thiên quốc. Một vị nữa là hòa thượng Đạo Phẩm ở chùa Bàn Nhược, bởi vì có thể tụng thuộc bốn mươi cuốn “Kinh Niết Bàn”, tuân theo đó mà tu hành, cũng được lên Thiên quốc.
Vị thứ ba là hòa thượng Đàm Mô Nhất ở chùa Dung Giác, ông có thể giảng hai cuốn kinh Hoa Nghiêm và Niết Bàn, những người nghe giảng có trên ngàn người. Thế nhưng, Diêm Vương nhìn thấu rõ hết thảy và phán rằng: “Ngươi giảng kinh nhưng trong tâm luôn nghĩ người khác sao có thể so sánh với mình, lấy thái độ kiêu ngạo đối đãi với vạn vật, đây là một trong những thứ không tốt của hòa thượng. Hiện nay ta chỉ xem ngươi có thể tụng kinh hay không, không quan tâm ngươi có giảng kinh hay không”. Đàm Mô Nhất trả lời rằng bản thân “chỉ thích giảng kinh, thực sự không quen tụng kinh”. Diêm Vương hạ lệnh giao ông ta cho những người cấp dưới có liên quan. Lập tức có mười người áo đen mang Đàm Mô Nhất vào trong một phòng tối đen ở phía tây bắc, nơi đó xem ra không phải là một chỗ tốt đẹp gì.
Vị thứ tư là hòa thượng Đạo Hoằng ở chùa Thiền Lâm, khi kể đến những công tích của mình ở thế gian, ông tự cho mình có công giáo hóa cho bốn đời thí chủ, đã tạc ra mười tượng Tôn Phật. Ông vốn cho rằng bằng những thứ này thì mình có thể được lên Thiên quốc. Không ngờ Diêm Vương lại nói: “Người xuất gia nhất định chuyên tâm thủ đạo, toàn tâm toàn ý ngồi thiền tụng kinh, không màng sự tình thế nhân, không làm việc hữu vi. Ngươi mặc dù đã tạc tượng Phật, nhưng mục đích là muốn lấy được tiền tài của người khác. Đã lấy được tiền tài, sẽ sinh ra lòng tham, đã có lòng tham chính là chưa trừ bỏ được tam độc (tham, sân, si), chưa trừ bỏ được tam độc thì vẫn còn tất cả phiền não”. Ông ta cũng bị giao cho những người có liên quan, bị đưa vào một gian phòng tối.
Vị thứ năm là hòa thượng Bảo Minh ở chùa Linh Giác. Ông ta nói rằng, trước khi xuất gia đã từng làm Thái thú quận Lũng Tây, đã xây dựng chùa Linh Giác, về sau từ quan xuất gia tu Phật. Mặc dù không ngồi thiền tụng kinh, nhưng có thể lễ bái đúng kỳ. Diêm Vương phán quyết ông ta rằng: “Khi ngươi làm Thái thú, đã làm trái tình lý, ăn hối lộ làm sai luật, mượn danh nghĩa xây dựng chùa miếu để vơ vét của cải xương máu của bá tánh. Ngôi chùa này xây lên tuyệt không phải công lao của ngươi, không cần khoe khoang công tích của mình”. Ông ta cũng bị những người áo đen đưa vào gian phòng tối.
Thái Hậu triều Tây Ngụy sau khi nghe hòa thượng Huệ Ngưng kể lại sự việc, nửa tin nửa ngờ, liền phái Hoàng môn Thị lang Từ Cật đi điều tra thăm dò các chùa miếu và hòa thượng theo như lời kể của nhà sư. Kết quả điều tra là: phía đông thành có chùa Bảo Minh, trung tâm thành có chùa Bàn Nhược, phía tây thành có chùa Dung Giác, chùa Thiền Lâm và chùa Linh Giác; còn những vị Trí Thánh, Đạo Phẩm, Đàm Mô Nhất, Đạo Hoằng, Bảo Minh cũng được xác thực đúng là có những người này.
Ngụy Thái Hậu lúc này mới tin rằng nhân quả thật sự tồn tại. Thái Hậu cho mời một trăm vị hòa thượng ngồi thiền tụng kinh, cung dưỡng trường kỳ ở trong hoàng cung. Bà cũng ban mệnh lệnh, không cho phép mang theo tượng Phật đi xin ăn dọc đường. Ngoài ra, Thái Hậu còn cho chiêu cáo mọi người có thể tự dùng tài sản riêng của mình để chế tạo tượng Phật.
Hòa thượng Huệ Ngưng đi vào núi Bạch Lộc, ẩn cư tu hành. Cũng bắt đầu từ đó, các hòa thượng trong kinh thành đều chuyên tâm ngồi thiền tụng kinh, tăng cường tu hành bản thân.
Câu chuyện này kỳ thực là để đánh thức người tu hành ở thế gian. Tu hành thì phải coi việc đề cao bản thân là điều trọng yếu, bất kỳ sự việc hữu vi nào đều như bọt nước hư ảo, Thần Phật chỉ nhìn lòng người.
Tư liệu tham khảo: “Thái bình quảng ký”
Do Lưu Hiểu thực hiện
Lý Tịnh Thành biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ