Hai vị Cao tăng truyền Phật pháp tại phương Đông: Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan
Duyên khởi
Vào năm Vĩnh Bình, một đêm nọ, Đông Hán Minh Đế Lưu Trang nằm mộng thấy một vị Thần nhân thân sắc vàng, trên đỉnh đầu có vòng hào quang màu trắng sáng như Mặt trời, thân cao khoảng 1 trượng 6 thước, từ không trung bay lại, phóng ánh sáng rực rỡ chiếu sáng khắp cung điện. Ngày hôm sau, vua bèn triệu tập quần thần đến để giải mộng.
Lúc đó đại thần Phó Nghị đảm nhiệm chức Tư Mã bẩm cáo rằng, khoảng 1,000 năm trước, ở nước Thiên Trúc phương Tây (cũng chính là Ấn Độ ngày nay) có một vị đắc đạo, người đời gọi là Phật Đà, vào đêm Ngài xuất thế, trên bầu trời phương Tây xuất hiện tường quang ngũ sắc. Chu Chiêu Vương lúc ấy cảm thấy rất kì lạ, bèn hỏi chúng đại thần, Thái Sử Công Tô Do bước ra khởi tấu với Chu Chiêu Vương rằng phương Tây có Thánh nhân xuất thế, đạo lý của Ngài 1,000 năm sau sẽ được truyền đến nước chúng ta. Chu Chiêu Vương liền hạ lệnh khắc lời dự ngôn này lên một bia đá lớn, dựng trước đền thờ bên ngoài cổng phía Nam để lưu lại cho hậu nhân, Lúc này đây vừa hay đã qua 1,000 năm, do vậy người mà bệ hạ gặp trong giấc mộng có thể chính là Phật Đà.
Hán Minh Đế liền phái Lang trung Thái Âm, Tiến sĩ đệ tử Tần Cảnh cùng với 18 người đi sứ sang Thiên Trúc, tìm cầu Phật Pháp. Đoàn người lặn lội vượt núi băng sông, trải qua nhiều gian khổ, cuối cùng cũng đến được nước Thiên Trúc gặp được hai vị Tăng nhân là Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan đang vân du tứ phương, mang chí lớn hoằng dương Phật Pháp.
Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan
Nhiếp Ma Đằng là tăng nhân nước Thiên Trúc. Ông thông thuộc các loại Kinh điển Phật giáo Đại thừa và Tiểu thừa, trước đây khi ông tuyên giảng Kim Quang Minh Kinh tại một nước nhỏ thuộc địa của Thiên Trúc, đúng lúc nước này đang trong tình cảnh bị kẻ địch xâm phạm biên cương, Nhiếp Ma Đằng nhớ trong Kinh có viết: “Năng giảng giải thử Kinh đích nhân, vi địa Thần sở tí hộ, năng cú sử tha sở tại đích địa phương an định khoái lạc” (Tạm dịch nghĩa: Người có thể giảng giải Kinh này sẽ được địa Thần bảo hộ, có thể khiến vùng đất nơi người đó ở được an định tươi vui).
Vì vậy ông không hề sợ hãi mà tiến về phía quân địch hòa giải, khiến hai nước khôi phục lại quan hệ ngoại giao thân thiết, Nhiếp Ma Đằng cũng vì vậy mà tiếng lành đồn xa.
Trúc Pháp Lan cũng là tăng nhân nước Thiên Trúc. Ông từng đọc qua hàng vạn chương sách Kinh và luận, chuyên dạy các học giả Thiên Trúc về các Kinh điển này. Thời điểm đó chí hướng đi các nơi để hoằng dương Phật Pháp của ông và Nhiếp Ma Đằng rất hợp nhau, vì vậy ông cùng với Nhiếp Ma Đằng bèn theo đoàn người của Thái Âm vượt qua sa mạc mênh mông mang Kinh điển Phật giáo đến vùng đất Trung Quốc.
Sau khi hai vị tăng nhân đến Trung Quốc, Hán Minh Đế đã vì họ mà xây một tịnh xá ngay bên ngoài cổng Tây Ung tại thành Lạc Dương, để họ có thể ở tại đây yên tâm phiên dịch. Họ lúc đó đã phiên dịch tổng cộng 5 bộ Kinh điển: Thập Địa Đoạn Kết, Phật Bổn Sinh, Pháp Hải Tạng, Phật Bổn Hành và Tứ Thập Nhị Chương Kinh. Trong đó 4 bộ đã thất truyền, chỉ có kinh văn có liên quan đến Tứ Thập Nhị Chương Kinh là còn được bảo tồn đến ngày nay, gồm khoảng hơn 2,000 chữ, Tứ Thập Nhị Chương Kinh cũng trở thành Kinh điển Phật giáo được phiên dịch sớm nhất tại Trung Quốc.
Kinh điển mà họ phiên dịch là dùng bạch mã (ngựa trắng) để thồ về, vì vậy mà tịnh xá nơi họ ở sau này được đổi tên thành Bạch Mã tự, và nổi tiếng khắp thế giới.
Còn có một câu chuyện hết sức kì lạ có liên quan đến Trúc Pháp Lan. Vào thời Hán Vũ Đế trước đây từng đào hồ Côn Minh, dưới đáy hồ đào được một ít tro màu đen, mọi người cảm thấy rất kì lạ, Vũ Đế liền hỏi Đông Phương Sóc. Đông Phương Sóc đáp rằng: “Không biết, nhưng có thể hỏi người đến từ Tây Vực”, câu chuyện này mãi vẫn chưa có đáp án chính xác. Sau này, vì Trúc Pháp Lan đã đến nơi này, có người nhớ ra chuyện này bèn hỏi ông. Trúc Pháp Lan trả lời: “Lúc thế giới trong quá khứ bị hủy diệt, từng có lửa lớn thiêu hủy toàn bộ, những tro màu đen ấy là những sản vật sau khi bị ngọn lửa lớn kia thiêu hủy”, 100 năm sau, lời của Đông Phương Sóc nhờ đó mà được chứng nghiệm.
Sau này, giáo nghĩa của Phật giáo dần dần được lưu truyền và phát triển tại Đông thổ, trở nên thịnh vượng một thời.
Tư liệu tham khảo:
- Cao tăng truyện
Do Cực Quang thực hiện
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại EpochTimes Hoa ngữ
Xem thêm: