Tế Công dùng áo cà sa che núi, chuyển gỗ từ giếng cổ
Tế Công, một hòa thượng điên thời Nam Tống, “có khi kết cỏ tranh an nhàn ngồi trên đỉnh núi hoang sơ, có khi ngủ ở quán rượu phố Trường An”. Ông thường ngày đi qua phố lớn, dạo chơi hẻm nhỏ, nhàn rỗi vui chơi nơi phố xá sầm uất náo nhiệt, hoặc nô đùa cùng với trẻ nhỏ, hoặc tung người nhảy lên Cân Đẩu.
Tế Công “không tục không tăng, không phải người trần cũng không phải Tiên”, nhìn như điên điên khùng khùng, nhưng đôi khi lại đại hiển thần thông. Ông dùng áo cà sa che núi, chuyển gỗ lên từ dưới giếng, sự tích thần kỳ về ông được lưu truyền đời này qua đời khác ở Trung Hoa.
Vào năm Gia Thái thứ tư triều đại Nam Tống (năm 1204), chùa Tịnh Từ xảy ra một trận hỏa hoạn, toàn bộ kiến trúc của chùa đều bị thiêu rụi. Chùa Tịnh Từ là một trong bốn ngôi chùa lớn ở Tây Hồ, Hàng Châu, được xây dựng vào năm Hiển Đức thứ nhất thời Hậu Chu (năm 954), là do Ngô Việt Vương Tiền Hoằng Thục xây dựng cho cao tăng Vĩnh Minh Thiền Sư (Vĩnh Minh Diên Thọ). Ban đầu chùa có tên là Vĩnh Minh Thiền Viện, đến thời Nam Tống đổi thành chùa Tịnh Từ.
Trước khi hỏa hoạn xảy ra, Tế Công đang uống rượu trong tiệm thuốc của Thẩm gia, bà Thẩm thường ngày rất kính trọng Tế Công, luôn nhiệt tình khoản đãi ông. Tế Công uống đến say túy lúy, lảo đảo rời khỏi tiệm thuốc đi về phía chùa. Ông vừa đi vừa hát:
“Bản thị tu lai tứ quả thân, phong điên tác sính hỗn phàm nhân.
Năng thi tam muội thần thông lực, tiện chỉ phàm nhân xuất thế tân.”
Ý rằng: Ta vốn tu thân tứ quả, điên đảo hành tẩu như phàm nhân. Có thể thi triển thần thông tam muội, là người phàm bước ra khỏi thế gian.
Trong thành có người nhận ra Tế Công, thấy ông say rượu đi đứng loạng choạng, nên đến đỡ ông về chùa. Tế Công vừa về đến chùa, bỗng nhiên chẳng hiểu tại sao lại nhảy dựng lên, miệng hô to “Vô danh phát, nha, nha nha”, cứ hô to như thế mãi không ngừng cho tới canh ba nửa đêm.
Tăng chúng nghe ông hô hào la hét, đều không hiểu là có ý gì, chỉ xem như ông say rượu la hét nhảm.
Đến canh ba, một ngọn đèn lưu ly ở trong La Hán đường đã đốt cháy một lá cờ bên cạnh, ngọn lửa lập tức cháy bùng lên. Tế Công đi quanh dưới hiên hô to: “Vô danh phát, nha, nha, nha”. Ông vội gõ cửa từng phòng của chúng tăng. Chúng tăng đang ngủ say giật mình tỉnh dậy, vội vàng chạy đến dập lửa. Thế nhưng ngọn lửa bén theo gió, càng cháy càng lớn, ngôi chùa trong phút chốc đã chìm trong biển lửa. Ngọn lửa không ngừng bùng cháy, cháy mãi cho tới giữa trưa ngày hôm sau vẫn còn chưa tắt.
Ngôi chùa đang yên đang lành thì bị thiêu cháy rụi, chúng tăng vô cùng thương tiếc và đau khổ. Họ nói với Tế Công: “Chúng ta tin Phật, trong chùa lại thờ phụng rất nhiều tượng Phật, có nhiều Phật lực như vậy vì sao vẫn không thể bảo vệ ngôi chùa?” Tế Công bèn xuất khẩu thành thơ, ngâm một bài “Tịnh Từ tự hỏa tai”, thơ rằng:
“Vô danh nhất điểm khởi thuân tuần, đại hạ thiên gian tẫn tác trần.
Phi thị ngã Phật bất linh cảm, cố yếu lâu đài nhất độ tân.”
Ý rằng, ngọn lửa đã biến ngôi chùa thành cát bụi, cũng không phải là Thần Phật không bảo vệ, không linh ứng, mà là cố ý tân trang đổi mới, trừ đi dơ bẩn, làm cho thần thái ngôi chùa lần nữa tỏa sáng trở lại.
Vào đêm ngôi chùa bị hỏa hoạn, vị phương trượng của chùa chỉ để lại tám câu thơ rồi quay trở về núi Thiên Đài. Chúng tăng đã mất nơi nương thân, cũng mất đi vị trưởng lão trụ trì xử trí các việc trong chùa. Tế Công bèn viết một lá thư, mời trưởng lão Tùng Thiếu Lâm của chùa Báo Bản ở Bồ Châu đến làm trụ trì mới cho ngôi chùa Tịnh Từ.
Trùng tu lại một ngôi chùa là một công trình to lớn, không thể thiếu nhân lực, vật lực, tài lực. Hết thảy những điều này đều cần các tăng nhân trong chùa đi hóa duyên. Trong thời gian này, Tế Công đã nhiều lần thi triển thần thông. Đầu tiên, ông báo mộng cho Thiên Tử đương triều. Trong đêm, Thiên Tử nằm mộng thấy một vị Kim Thân La Hán, hướng về mình quyên tiền hóa duyên. Hoàng đế là người kính Phật mộ Đạo, để hoàn thành việc nghĩa này, ngay ngày hôm sau ông lệnh cho Thái úy áp tải vận chuyển ba vạn quan tiền giấy đến chùa Tịnh Từ, giúp đỡ xây dựng lại ngôi chùa.
Thiên Tử đương triều tự thân làm gương, quyên tặng tiền tài, giúp xây dựng Phật môn, bởi vậy các quan viên, phú hào ở các Châu, Phủ cũng hào phóng quyên tiền, tận lực giúp đỡ. Đã có tiền tài, nhưng còn cần gỗ để xây dựng.
Tế Công đến Nghiêm Lăng (nay là vùng Đồng Lư, Chiết Giang) hóa duyên. Lúc này ông lại lần nữa thi triển thần thông, dùng bộ áo cà sa cũ rách bao phủ các núi, những cây đại thụ bị bật gốc, thuận theo nước sông, trôi thẳng đến Giang Đầu.
Tế Công trở về chùa nói với mọi người rằng: Gỗ đều đã về đến Giang Đầu. Trưởng lão của chùa chuẩn bị triệu tập chư tăng vận chuyển gỗ về, Tế Công nói: “Không cần huy động nhân lực.” Ông bảo mọi người đến bên cạnh giếng Hương Tích. Lúc bấy giờ mọi người mới phát hiện, những khúc gỗ kia tự động từ trong giếng “nổi” lên, từng khúc rồi lại từng khúc cứ từ trong lòng giếng nổi lên như vậy. Mỗi khúc gỗ đều rất lớn, phải cần sáu người mới có thể kéo ra ngoài được.
Hòa thượng quản lý chùa muốn tạ ơn Tế Công, gửi tiền cho ông, nhưng Tế Công đã đều từ chối. Tế Công nói rằng: “Tôi nhờ Thần linh giúp đỡ, thi triển thần thông, sao có thể tiếp nhận lễ tạ ơn của ngài được?” Nói xong liền lập tức xoay người rời đi.
Những truyền thuyết Tế Công dùng áo cà sa che núi, chuyển gỗ từ giếng cổ đều có ghi chép lại trong các tác phẩm như “Vũ Lâm Phạm Chí”, “Tịnh Từ Tự Chí”, “Nam Tống Nguyên Minh Thiền Lâm Tăng Bảo Truyện”…. Những câu chuyện truyền kỳ này đều được đời đời truyền tụng, vẫn khiến người đời sau ca tụng không thôi.
Tài liệu tham khảo: “Tịnh Từ Tự Chí”, “Tế Điên Đạo Tế Thiền Sư Ngữ Lục”, “Tế Điên La Hán Tịnh từ Tự Hiển Thánh Ký”.