Tế Công cảm hóa Thái Hậu trong giấc mộng, viết lời tiên tri về chuông đồng
Vào thời Nam Tống có một vị hòa thượng điên tên là Tế Công. Hàng ngày ông thường dạo phố, lang thang khắp các ngõ hẻm. Người đời cười nhạo ông là kẻ điên, ông lại cười người đời nhìn không thấu.
Tế Công hành tẩu khắp thiên hạ và có thể thi triển thần thông. Ông báo mộng cho Thái hậu, giúp người bán hàng rong đầu thai, để lại tiên tri về việc đúc chuông. Có thể nói, từ hoàng thất cho đến người bán hàng rong, ai cũng đều được ông cảm hóa.
Điên điên khùng khùng, du hý nhân gian, thật giống như câu thơ trong bài “Dữ thường trưởng lão ẩm tửu tịch gian tác” (Tiệc rượu với trưởng lão Thường) mà Tế Công viết: “Du nhiên thử địa chân kham nhạc, bán thị nhân gian bán thị tiên” (Nhàn nhã thế này thật thú vị, một nửa nhân gian một nửa tiên).
Trong chùa Tịnh Từ vốn có một tàng điện (sảnh đường Địa Tạng) Thọ Sơn Phúc Hải, do hư hỏng đã lâu nên đã bị sụp. Các trưởng lão trong chùa tính toán, muốn xây dựng lại đại điện cần ba nghìn quan tiền, đối với các hòa thượng gõ chuông sớm tối thì chi phí tu sửa này giống như một con số thiên văn vậy.
Triển hiện Kim Thân La Hán đến báo mộng cho Thái Hậu
Một ngày nọ, trưởng lão hỏi Tế Công rằng liệu có thể hóa duyên được ba nghìn quan tiền không? Tế Công nói rằng chỉ mất ba ngày là có thể làm được. Việc hóa duyên này cần một tờ sớ ngắn giải thích lý do quyên góp. Tế Công vốn sinh trưởng trong một gia đình quan lại, từ nhỏ đã được đọc các loại thi thư, giỏi về văn chương, thế là ông nâng bút chấm mực, viết liền một mạch xong bài sớ này.
Sáng sớm hôm sau, Tế Công cầm theo tờ sớ đi hóa duyên. Đi được nửa đường thì ông gặp Mao thái úy (Mao Quân Thực), bèn nói về việc xây dựng lại tàng điện Thọ Sơn Phúc Hải.
Khi Mao thái úy nghe rằng Tế Công cần ba nghìn quan tiền, liền nói: “Tôi nào có nhiều tiền như vậy?”, rồi bảo Tế Công hãy đợi một hai tháng, chờ ông ấy tìm cách gây quỹ. Tế Công nói rằng trong thời gian ba ngày sẽ hóa duyên được số tiền này. Mao thái úy nói Tế Công quả thật là điên rồi, ai có thể quyên được nhiều tiền như vậy trong vòng ba ngày? Tế Công liền ném tờ sớ cho thái úy rồi đứng dậy rời đi.
Khi Tế Công trở lại chùa Tịnh Từ, Thủ Tọa hỏi ông việc hóa duyên như thế nào rồi. Tế Công nói: “Ngày kia có thể hóa xong”. Thủ Tọa nói rằng một đồng cũng chưa thấy đâu, ngày kia làm sao có thể xong đây?
Ngày hôm sau, Tế Công không ra khỏi cổng chùa mà chỉ ngồi dưới bếp bắt rận. Các hòa thượng nhìn thấy thì thực sự rất tức giận. Ngày thứ ba cũng là một ngày hết sức bình thường, nhưng không ai ngờ rằng đương kim Thái Hậu lại đích thân phượng giá đến thăm chùa Tịnh Từ.
Vào sớm sáng hôm đó, Thái Hậu đã hạ lệnh triệu kiến Mao thái úy. Hóa ra Thái Hậu đã có một giấc mộng kỳ lạ, trong mộng bà nhìn thấy một vị Kim Thân La Hán nói với bà rằng chùa Tịnh Từ cần ba nghìn quan tiền để xây dựng tàng điện Thọ Sơn Phúc Hải. Sau khi nghe những gì Thái Hậu nói, Mao thái úy sửng sốt nghĩ thầm: Tế Công chẳng phải là người phàm.
Thái Hậu quyết định quyên góp ba nghìn quan tiền và muốn cùng Mao thái úy đến chùa Tịnh Từ để tiếp kiến vị Kim Thân La Hán đó. Khi trưởng lão nghe được chuyện này, trong lòng ông thầm nghĩ: Tế Công hiển Thánh, nhưng lại sợ bị mọi người nhìn thấu, cho nên ngày thường mới giả điên.
Tế Công đã thi triển thần thông của mình để đi vào giấc mộng của Thái Hậu, cảm hóa Thái Hậu và khiến bà đích thân đến chùa để giúp các hòa thượng hoàn thành sự kiện trọng đại này.
Biết trước tương lai, lưu lại dự ngôn về chiếc chuông đồng
Một ngày nọ, Tế Công đến ngôi chùa Ni Cô Dương Ti. Trong chùa có một quả chuông đồng đã bị loang lổ và hư hỏng cần được đúc lại. Trụ trì đã nghe nói về thần tích của Tế Công, vì vậy đã thỉnh cầu ông viết một tờ sớ, để có thể mang đi hóa duyên quyên tiền đúc lại cái chuông.
Tế Công lấy giấy bút, múa bút viết xuống mười sáu chữ: “Sư cô chú chung, hữu thiết vô đồng, nhược yếu viên thành, liên tùng trí tùng” (Sư cô đúc chuông, có sắt không có đồng, nếu muốn chu toàn, liên tùng trí tùng). Viết xong liền đứng dậy rồi rời đi. Trụ trì không hiểu ý tứ trong đó, bởi vậy trong tâm cảm thấy rất không vui.
Lúc đó vừa hay đang có lễ đưa tang Vương thái úy, hai thân tín của Vương thái úy là Liên Tùng và Trí Tùng cũng đến đưa tiễn. Khi họ đến chùa Ni Cô thì tình cờ nhìn thấy tờ sớ trên bàn có viết bốn chữ “liên tùng trí tùng”. Hai người kinh ngạc thốt lên: “Ai đã viết cái này?”. Trụ trì nói: “Là ông Tế điên”.
Liên Tùng cảm thán, Tế Công đã biết trước tên của hai huynh đệ họ, chính là họ đã có duyên với Phật môn, bởi vậy hai huynh đệ tất phải giúp chùa đúc chiếc chuông đồng này.
An bài việc chuyển sinh
Tế Công hàng ngày đều lang thang trên các con đường và ngõ hẻm, hóa duyên cho chúng sinh. Có một ông lão họ Vương kiếm sống bằng cách bán cốt đốt, ông ấy có quan hệ rất tốt với Tế Công. Cốt đốt do lão Vương bán là một loại bánh bột, là một món ăn vặt phổ biến thời nhà Tống. Do tuổi cao sức yếu, lão Vương đã qua đời trong một đêm nọ.
Vợ lão Vương hy vọng rằng vào ngày đưa tang, Tế Công sẽ đến hỏa táng và nói vài câu kệ ngữ để tiễn đưa ông cụ. Tế Công đến đúng hẹn và niệm một bài tụng ngữ rằng:
“Vương công bán cốt đốt, tính tình ung dung nhất. Đã nghiền một trăm gánh đậu, hấp hơn ngàn giỏ bánh. Dùng hết bao nhiêu dầu mè, đốt hàng vạn khúc củi khô. Hôm nay tất cả đã mất, khách hàng thường ngày khó lưu. Linh cữu ở đây, biết gặp nhau nơi đâu? Ôi! Một trận gió đông thổi không động, chim gáy hoa rơi thủy không lưu”.
Tế Công giơ cao ngọn đuốc và nói với đám đông rằng:
“Vương bà dữ ngã cật phấn thang
Yếu lệnh vương công vãng tây phương
Tây phương bát vạn tứ thiên lộ
Như kim đoan chích tại Dư Hàng.”
Lời vừa dứt, một thanh niên từ xa chạy tới nói với Vương bà rằng Vương bà có một cô con gái lấy chồng ở Dư Hàng, cô ấy vừa sinh con và không thể đến đưa tang. Người thanh niên đó là hàng xóm của cô ấy. Thì ra đêm qua, nữ nhi nhà họ Vương đã hạ sinh một bé trai, trên sườn bé trai có viết bốn chữ đỏ “cốt đốt Vương công”.
Mọi người sau khi nghe tin thì đều cảm thấy kinh ngạc, hóa ra Tế Công thật sự có đạo hạnh, còn có thể an bài cả việc chuyển sinh của người khác.
Theo “Tế điên đạo tế thiền sư ngữ lục”
Lý Mai biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ