Kỳ lạ những giấc mộng ở trong mộng (Phần 1)
Anh là một tú tài nghèo, nhiều lần thi trượt, vì vậy than thở, oán trời trách đất. Vào một ngày, trong lúc đợi thê tử pha trà, anh bất giác chợp mắt và bước vào một hành trình kỳ lạ trong mộng. Từ học trò nghèo anh trở thành người quyền quý, từ Thần đồng trở thành Thiên nhân, rồi lại từ con lừa trở thành con heo đần độn… “Hoàng lương nhất mộng” còn có một phiên bản khác vào thời nhà Thanh, thậm chí còn kỳ lạ hơn… Tại một thời không dồn nén và đan xen, anh đã trải nghiệm được Thiên thượng và nhân gian. Khi tỉnh dậy, từ đó về sau buông bỏ những lời oán thán, an phận sống nghèo mà yên vui.
Bốc gia là một danh gia vọng tộc ở Giao Hà, nhưng đến thế hệ của Bốc tú tài Bốc Nguyên thì gia cảnh sa sút. Kinh qua chiến tranh loạn lạc, Bốc gia ngày càng trở nên bần cùng. Vì để kiếm sống, Bốc Nguyên đã mở một học quán trong làng, nhận dạy học trò. Thê tử của anh là Lưu thị, rất hiền thục và thông minh, không chỉ giỏi thêu thùa mà còn có tài ngâm vịnh. Mỗi sáng tối, đôi phu thê đều ngâm thơ xướng họa, tình cảm thắm thiết.
Bốc Nguyên tuy tài cao nhưng nhiều lần thi trượt, thấy sự nghiệp quan trường của mình vô vọng, trong lòng không khỏi phẫn hận ủy khuất. Vì tài cao tâm ngạo nên anh không an phận chịu cảnh nghèo khó, nghĩ đến tình cảnh của mình, thường thở dài không thôi. Lại qua một mùa thu, Bốc Nguyên lần nữa thi rớt, vì thế trong tâm rất phiền muộn. Thê tử Lưu Thị hết lòng an ủi chồng, nhưng anh vẫn không thể vui vẻ hơn.
Lúc đó vừa hay là nhuận tháng Chín, Bốc Nguyên leo lên cao và nhìn về phía xa, trong lòng buồn bã, khóc lóc thảm thiết. Sau khi về đến nhà, Lưu thị bán trâm cài tóc để mua rượu, hai người cùng uống. Sau khi uống say, Bốc Nguyên muốn uống trà. Lưu thị liền múc nước suối trong để nấu chè đắng. Bốc Nguyên ngồi bên bàn đợi, cảm thấy hơi mệt nên ngủ thiếp đi. Sau đó, anh đã có một giấc mộng lồng trong giấc mộng khác, cuộc sống của anh cũng thuận theo những thăng trầm trong mộng mà thay đổi.
Giấc mộng thứ nhất: Hàn sĩ trúng bảng vàng, bước vào chốn quan trường
Trong giấc mộng, Bốc Nguyên đột nhiên nghe thấy ngoài cửa có tiếng huyên náo, bốn, năm sai dịch nha môn tiến vào sảnh chúc mừng. Hóa ra, Bốc Nguyên thi đỗ bảng vàng, tên được liệt vào hàng thứ tư, người kế tiếp là Thích Mỗ, đồng hương của anh. Dưới sự trợ giúp của Thái thú và những người khác, Bốc Nguyên đã gấp rút lên kinh thành để tham gia kỳ thi. Quả nhiên không phụ mong đợi của mọi người, anh đã thi đỗ Cống sĩ và Thám hoa cập đệ, được triều đình trao cho chức quan. Bốc Nguyên rất phấn chấn hãnh diện, mở mày mở mặt. Anh đem tiền bạc có được nhờ làm quan gửi về nhà, chăm sóc thê tử và con cái, khiến nhà cửa khang trang.
Khi quân địch xâm phạm biên giới, Đốc phủ không thể chống cự. Bốc Nguyên dâng thư vạn chữ, trần tấu kế sách hay để chống địch, được Hoàng đế ban thưởng. Anh phụng lệnh dùng hàm quan tứ phẩm để đốc thúc quân vụ. Bốc Nguyên lập chiến công bất ngờ, chỉ vài tháng đã bình định được biên giới. Anh khải hoàn trở về, Hoàng đế mở tiệc chiêu đãi và phong anh làm Đô viện Phó Ngự sử. Mùa xuân năm sau, anh xin nghỉ phép ba tháng để trở về quê nhà, Bốc gia dĩ nhiên đã trở thành danh gia vọng tộc ở vùng đất ấy. Thê tử phục sức chỉnh tề cười nghênh đón anh. Trong phủ còn có hơn mười tỳ nữ xinh đẹp.
Bốc Nguyên rất lấy làm ngạo nghễ, trong nhà chỉ cần anh phát ra một lời giận dữ, hạ nhân đều sẽ chấn động kinh hãi. Quan viên địa phương đến cầu cạnh Bốc Nguyên vô số. Các đại quan trong tỉnh sợ quyền thế của anh, đua nhau tặng lễ vật. Vàng, lụa, ngọc trai, ngọc bích chất đến mấy phòng. Mặc dù vậy, Bốc Nguyên vẫn cảm thấy rằng không đủ thê thiếp. Có một người đã dâng cho anh bốn mỹ nhân, trong đó có người tên Tố Hà vô cùng dâm mị, Bốc Nguyên thâu nạp tất cả. Có quan Bố chính sứ địa phương nọ khá tham lam và đồi bại, để tránh bị Bốc Nguyên vạch tội, Bố chính sứ đã tặng cho Bốc Nguyên mười sáu vũ nữ. Bốc Nguyên đều nhận hết, Bố chính sứ này nhờ thế mà tránh được bị đàn hặc (tố giác tội lỗi lên Vua, triều đình).
Khi Bốc Nguyên nghèo, anh từng muốn cưới con gái của Quách gia. Quách gia thấy anh nghèo nên không đáp ứng hôn sự, đã gả con gái cho người khác. Sau khi Bốc Nguyên phát tài, đã bỏ ra năm trăm lượng vàng để cưỡng ép đoạt lấy con gái Quách gia. Cô gái này không thuận theo nên đã treo cổ tự tử. Phàm là chuyện gì xảy ra không vừa ý với Bốc Nguyên khi còn nghèo khó, anh ta đều dựa vào quyền thế của mình để trả thù rửa hận. Để loại trừ dị nghị, Bốc Nguyên hoặc là chèn ép những người chỉ trích anh, hoặc cố ý vu khống các đại thần chính trực trong triều đình. Anh chuyên làm mưa làm gió, tham ô nhận hối lộ, dụng quyền tư lợi, khiến quần thần trong triều dị nghị.
Bốc Nguyên vì nắm chắc quyền thế, cho nên cũng không mấy để ý. Một hôm, sau bữa yến tiệc trong triều, anh về nhà, lên giường ngủ và nhanh chóng chìm vào giấc mộng.
Giấc mộng thứ hai: Thiên Tử trừng phạt, Tể tướng bị tịch thu tài sản
Trong giấc mộng, Bốc Nguyên đột nhiên nghe thấy tiếng người đập cửa. Hóa ra Hiệu úy Cẩm y dẫn hơn chục người xông vào Bốc phủ, phụng chỉ bắt Bốc Nguyên. Hiệu úy Cẩm y tuyên đọc ý chỉ, công bố mười bốn tội ác của Bốc Nguyên, đồng thời khám xét Bốc phủ. Thiên tử niệm tình Bốc Nguyên trước đây có công với xã tắc nên đã cách chức cho về quê. Thê thiếp của Bốc Nguyên toàn bộ đều bị đưa đến giáo phường làm quan kỹ.
Vào ngày Bốc Nguyên rời kinh, không một người con nuôi hay môn sinh cũ nào đến đưa tiễn. Bốc Nguyên trở về quê hương, chỉ thấy ngôi nhà tan nát và hoang vắng, không có nơi nào để ở, đành tạm thời sống trong ngôi chùa đổ nát. Anh nhờ người thân và bạn bè giúp đỡ, nhưng đều bị mọi người trách móc và xa lánh.
Có một quy nô (người đàn ông làm việc vặt trong kỹ viện thời xưa) muốn tìm thầy dạy học cho con trai mình, nhưng mọi người ghét thân phận hèn mọn của ông, nên không ai nhận lời. Bốc Nguyên đến bước đường cùng, nên nhận làm thầy của con trai quy nô. Quy nô xuất thân hèn mọn, không hiểu lễ nghi phép tắc nên cũng không biết tôn trọng thầy, thường xuyên để thầy ăn cơm với nô tỳ của mình và bắt làm một số việc vặt. Bốc Nguyên cùng đường mạt lộ, chỉ có thể ẩn nhẫn chịu đựng. Một ngày nọ, có một khách làng chơi đến thăm, đúng lúc người hầu không có nhà, vì vậy người nô tỳ liền bảo Bốc Nguyên bưng trà cho khách. Có một kỹ nữ tên Ái Nô, ngồi trong vòng tay của khách làng chơi, chỉ vào Bốc Nguyên cười nói: “Đây chính là tể tướng đấy.” Bốc Nguyên xấu hổ đến mức không thể chịu đựng được.
Sau khi khách làng chơi rời đi, Ái Nô bị mất một cây kim xuyến. Cô nghi ngờ do Bốc Nguyên lấy trộm. Bốc Nguyên chịu không thấu nỗi oan này, ra sức tranh cãi, Ái Nô đã tát vào mặt anh. Quy nô không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đuổi Bốc Nguyên. Bốc Nguyên oán hận vì bị hiếp đáp, anh đến trước mộ phần cha mẹ gào khóc, hét lên rất bi phẫn thảm thương rồi bất ngờ ngã lăn qua đời.
Mộng thấy xuống địa ngục, chịu hình phạt tàn khốc
Lúc này, Bốc Nguyên nhìn thấy hai quỷ dịch dùng một sợi dây màu đen kéo anh đi. Trên đường đi có hàng trăm tiểu quỷ chạy đến chỗ Bốc Nguyên đòi nợ đòi mạng, nhưng đều bị quỷ dịch ngăn lại. Bốc Nguyên bị kéo một mạch đến Minh phủ.
Anh nhìn thấy khắp nơi đều là người khuyết chân tay, cơ thể không toàn vẹn, máu thịt dính vào nhau, vô cùng thê thảm. Khi đến lượt Bốc Nguyên, có một quỷ dịch thân người mặt thú kéo anh lên. Diêm Vương ra lệnh cho Âm sai mang sách ra tra công và tội. Sau khi đọc xong, ông vô cùng tức giận, ra lệnh đày Bốc Nguyên xuống địa ngục.
Bốc Nguyên đã nếm trải những hình phạt tàn khốc như vạc dầu, núi đao, cưa xẻ, cối giã v.v. Mặc dù hồn tan nát, nhưng trong khoảnh khắc lại phục hồi như cũ, linh hồn không bao giờ chết. Cứ như thế, Bốc Nguyên đã trải qua mười tám tầng địa ngục, cuối cùng đến “A Tỳ địa ngục.” Bên trong tối tăm không chút ánh sáng, nóng như lửa đốt, chấy đầy những thi thể thối uế. Tường sắt cao hàng chục trượng, rắn độc và côn trùng bò khắp nơi, những tiếng rên rỉ kêu khóc vang lên không dứt.
Trong tâm Bốc Nguyên vô cùng hối hận, thầm niệm kinh Phật và danh hiệu Bồ Tát mong được giải thoát, đồng thời dạy những người khác cùng nhau niệm Phật hiệu. Cứ thế ba năm trôi qua, đột nhiên trên đầu Bốc Nguyên xuất hiện một vầng sáng to bằng ngón tay, cao chừng hơn một thước. Sau một tháng, vầng sáng này đã cao đến bảy, tám thước, dần dần dài đến hơn ba trượng.
(Còn tiếp)