Tay giữ Phi Lai đỉnh, Tế Công cướp dâu cứu người thoát khỏi tai họa
Theo truyền thuyết dân gian Trung Quốc, vào thời Nam Lương có hai vị Thần đã sử dụng thần thông để di chuyển cả một ngôi chùa đến Lĩnh Nam chỉ trong một đêm. Vào thời Nam Tống thì có một hòa thượng điên ở chùa Linh Ẩn tên là Tế Công bất ngờ chạy vào làng và cướp cô dâu đi, khi cả làng đuổi theo Tế Công thì có một đỉnh núi bay từ trên trời rơi xuống, khiến tất cả mọi người chấn động…
Truyền thuyết về chùa Phi Lai thời Nam Lương
Chùa Phi Lai được bắt đầu xây dựng vào năm Phổ Thông thứ nhất thời Lương Vũ Đế (năm 520). Lương Vũ Đế rất tín ngưỡng Phật giáo, đã tự thân ngự đề tấm biển “Chí Đức”. Do đó, chùa Phi Lai ban đầu được đặt tên là chùa Chí Đức.
Sau khi hoàn thành, tên của ngôi chùa đã được thay đổi nhiều lần bởi các Hoàng đế qua từng triều đại. Vào năm Cảnh Định thứ 5 thời Nam Tống (năm 1264), Tống Lý Tông Triệu Quân đã ngự đề cho ngôi chùa tấm biển “Hạp San Phi Lai Quảng Khánh Thiền Tự”, tên chùa cuối cùng được xác nhận là “Phi Lai” và sử dụng cho đến ngày nay.
Theo “Ngu Hạp San Chí” do Tôn Thằng Tổ triều Thanh biên soạn, trong truyền thuyết thời kỳ Thượng Cổ, Hoàng Đế có hai vị con thứ tên là Thái Vũ và Trọng Dương. Họ từng “lượm trúc quy phượng, sống ở nam hải”. Cả hai nhìn thấy khung cảnh tuyệt vời của dãy Hạp Sơn, có thể coi là chốn bồng lai tiên cảnh, liền đoạn tuyệt khỏi thế gian và sống ẩn cư trong núi. Một số ghi chép nói rằng “nơi này được gọi là Thập Cửu Động Thiên, là nơi đọc sách của hai người con của Hoàng Đế – Thái Vũ và Trọng Dương, cũng là sân sau của Đông Lâm vậy”.
Vào đêm ngày 18 tháng Mười năm Phổ Thông thứ nhất, hai vị con thứ đã hóa thân thành cư sĩ vân du bốn phương, đi đến chùa Diên Tộ ở Thư Châu, tỉnh An Huy để thỉnh cầu Thiền sư Trinh Tuấn dời chùa đến Hạp Sơn ở Thanh Viễn. Sau khi được sự đồng ý của thiền sư, họ đã sử dụng thần thông, vận dụng pháp lực, trong nháy mắt sấm sét vang dội, mưa to gió giật, trong vòng một đêm đã di dời ngôi chùa đến Hạp Sơn.
Ngôi chùa mặc dù rơi từ trên không xuống nhưng lại như có cột trụ, vô cùng vững chắc. Toàn bộ ngôi chùa cùng với các miếu tự và lầu các đều rơi xuống từ không trung, vì vậy đã trở nên nổi tiếng, hai từ “Phi Lai” (bay tới) cũng trở thành hình ảnh miêu tả rõ nhất về việc ngôi chùa xuất hiện, vừa thần kỳ vừa thanh tao.
Trong dân gian còn có một truyền thuyết kể rằng, khi vị Thứ tử thứ hai của Hoàng Đế đang di chuyển ngôi chùa, đã vô tình đánh rơi một góc, mảnh vỡ rơi xuống núi Mai Lĩnh, Nam Hùng ngày nay, đây chính là “chùa Quải Giác”, cũng được gọi là “chùa Vân Phong” ngày nay.
Các đại văn nhân mặc khách của các triều đại sau khi đến thăm chùa Phi Lai, đã lưu lại không ít bài thơ có ý nghĩa. Ví dụ, Quách Phi thời nhà Minh đã viết bài thơ “Hạp sơn Phi Lai tự” như sau:
“Hà xứ lai lan nhược.
Từ sơn tự phạm cung.
Đàm hư kim tỏa lãnh,
Động cổ ngọc hoàn không.
Hạp lộ tùng sam hợp,
Xuyên lưu trách mãnh thông.
Dương phàm tòng bắc khứ,
Hà tất vấn đông phong.”
Một ví dụ khác là bài thơ “Phi Lai Tự” của Phùng Thiệu Minh thời nhà Minh:
“Bách chuyển đan thê lịch thúy vy,
Cổ đàn đăng hỏa ánh nham huy.
Lai kinh lương tấn niên hoa viễn,
Đắc trú danh sơn bất phục phi.
Nhất thủy oanh hu khai tiễu hạp,
Vạn phong hồi hợp ủng thiền phi.
Dư tâm diệc động u tê niệm,
Hà quái viên thanh ảm khách y.”
Hướng Mẫn Trung thời Bắc Tống thì viết bài thơ “Hạp san Phi Lai tự” rằng:
“Hạp sơn thắng địa an thiền xử,
Vạn nhận nguy kiều áp yếu tân.
Thế thượng khởi tri danh lợi lộ,
Lãng trung không tiếu vãng lai nhân.
Ỷ môn quái thạch cuồng già diện,
Nhập tọa hàn vân toái nhiễu thân.
Nhật mộ tây phong lại hồi thủ,
Mãn lâm u điểu ngữ thanh tần.”
Với nguồn gốc huyền thoại, lại thêm các bia ký và chữ khắc của các quan viên văn sĩ từ các triều đại trước, Chùa Phi Lai đã trở thành một trong ba Bảo tự ở Lĩnh Nam.
Tế Công cướp dâu cứu người thoát khỏi tai họa
Truyền thuyết dân gian nói rằng, hòa thượng Tế Công của chùa Linh Ẩn vào thời Nam Tống là Hàng Long La Hán chuyển thế. Đừng thấy ông ấy ngày thường điên điên rồ rồ, kỳ thực ông là một Thần tăng. Ông có thể biết trước tương lai, thi triển thần thông cứu người thoát khỏi nguy hiểm. Có không ít những câu chuyện như thế này đã được ghi lại trong “Tế Công toàn truyện”.
Ngày nay, trong Điện Tế Công ở chùa Linh Ẩn vẫn còn có những bức tranh tường mô tả câu chuyện Tế Công cướp dâu cứu người thoát nạn. Bên cạnh chùa Linh Ẩn ở phía tây của Tây Hồ, Hàng Châu có một đỉnh núi tên là núi Phi Lai. Theo truyền thuyết dân gian, ngọn núi này từ trên trời rơi xuống, chỗ nó rơi xuống từng là một ngôi làng ở ngay phía trước chùa Linh Ẩn.
Vào một ngày nọ, hòa thượng Tế Công biết rằng có một đỉnh núi bay từ xa tới, sắp rơi xuống ngôi làng và đè chết rất nhiều người. Thế là Tế Công vội vã chạy đến ngôi làng và bảo dân làng nhanh chóng rời đi.
Nhưng dân làng thấy Tế Công điên điên rồ rồ, nghĩ rằng vị hòa thượng này có lẽ lại đến để chọc cười mọi người, vậy nên không ai để ý đến ông. Khi ấy có một gia đình trong làng đang tổ chức hôn lễ, mọi người quây quần khua chiêng gõ trống rất náo nhiệt, không một ai tin chuyện sẽ có một ngọn núi sẽ bay đến đây.
Mắt thấy tai họa sắp ập đến, nhưng không một dân làng nào tin lời của mình. Thế là Tế Công đã chạy đến cướp cô dâu ở ngay trước mặt mọi người, cõng cô ấy trên lưng rồi bỏ chạy.
Một hòa thượng điên cướp cô dâu ngay giữa thanh thiên bạch nhật, đây là chuyện mọi người chưa từng nghe qua. Sự việc này đã gây chấn động cả thôn trang, dân làng đều giúp gia đình đó đuổi theo cô dâu. Bởi vì Tế Công có thần thông, cho dù cõng cô dâu trên lưng thì ông vẫn chạy rất nhanh, dân làng hoàn toàn không thể đuổi kịp, ngược lại càng lúc càng có nhiều người đuổi theo ông.
Đột nhiên, bầu trời ngay lập tức tối sầm, mọi người ngẩng đầu nhìn lên thì thấy một ngọn núi từ xa bay tới. Tế Công thấy rằng những người dân già yếu chạy khá chậm, vẫn chưa chạy ra khỏi làng, ông liền vận dụng thần thông, dùng Đại Lực Thần Chưởng giữ đỉnh núi đang bay kia lại, trong gang tấc đã cứu được những người già và trẻ con trong làng.
Sau một tiếng nổ, ngọn núi đã bay xuống trước chùa Linh Ẩn, san bằng toàn bộ ngôi làng. Lúc này mọi người mới chợt hiểu ra, hóa ra Tế Công cướp dâu là vì vị hòa thượng này từ bi, muốn cứu mọi người thoát khỏi tai họa.
Kể từ đó, ngọn núi bay tới này được gọi là “Phi Lai Phong”. Còn lúc Tế Công sử dụng thần thông, dấu tay của Đại Lực Thần Chưởng đã in sâu trên ngọn núi, đến nay vẫn còn có thể nhìn thấy rõ ràng.
The Epoch Times là nhà tài trợ danh dự của công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun. Chúng tôi đã đưa tin về những phản hồi của khán giả từ những ngày đầu thành lập Shen Yun vào năm 2006.
Chào mừng quý vị tìm hiểu thêm:
Ganjing World: https://www.ganjingworld.com/zh-TW/channel/uKDuVZFTkSNei
IG: https://www.instagram.com/shenyunworks/
Facebook: https://www.facebook.com/ShenYunZuoPin
Twitter: https://twitter.com/sycreations_ch
Vương Du Duyệt biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ