Nguồn gốc tập tục dân gian và câu chuyện về Tết Trung Thu có thể bạn chưa biết
Một năm trôi qua thật nhanh, Tết Trung Thu lại đến rồi! Tế trăng, thưởng trăng, lên cao vui chơi cùng trăng, còn có hương thơm bánh Trung Thu lan tỏa khắp nơi trong dịp Tết Trung Thu.
Những truyền thuyết, câu chuyện về ánh trăng gợi lên những ký ức nông sâu khác nhau trong chúng ta. Ký ức xoay quanh Tết Trung Thu nhiều vô kể, gợi nhiều liên tưởng và ý vị sâu xa. Tất cả những điều này cùng những câu chuyện, tập tục dân gian trong Tết Trung Thu đều không thể tách rời trong nền văn hóa truyền thống Trung Hoa. Rốt cuộc, chúng đã được lưu truyền bao lâu? Khám phá những ghi chép trong sách cổ, một số nguồn gốc của chúng thậm chí còn cách nhau hơn 2,000 năm …
Tết Trung Thu có trước hay lễ bái trăng có trước?
Tế bái trăng dưới ánh trăng là một trong những hình ảnh kinh điển của Tết Trung Thu. Thời xưa, lễ này gọi là “tịch nguyệt.” Trên thực tế, trước khi có “Tết Trung Thu” thì đã có nghi lễ “tịch nguyệt” rồi.
Ghi chép trong sách cổ
Từ những ghi chép trong “Đại đới lễ ký,” chúng ta có thể thấy rằng, thời thượng cổ đã có đại điển bái trăng vào mùa thu. “Chu Lễ chú sơ” ghi: “Thiên tử thường đón mặt trời vào tiết Xuân phân, tế trăng vào tiết Thu phân.” “Trung Thu” của người xưa là chỉ ngày Thu phân. Thu phân là điểm giữa của mùa thu theo tiết khí các mùa, nên gọi là “Trung Thu.”
“Thu phân, trăng lặn ở ngoại thành phía Tây.” Lễ tế trăng thời thượng cổ được lưu truyền xuyên suốt đến thời nhà Thanh, không hề bị gián đoạn. Thiên tử cử hành đại lễ tế trăng vào dịp Trung Thu, và dẫn bá quan đến tế tự Thần Mặt trăng ở ngoại ô phía Tây cung điện.
Văn hóa Trung Quốc là nền văn hóa lấy quan điểm “thiên nhân hợp nhất” làm nền tảng. Cuộc sống của con người tuân theo nhịp điệu của thời tiết. Vì vậy, cổ nhân rất thận trọng đối với những thời điểm mà âm dương của trời đất thay đổi rõ ràng như Xuân phân, Hạ chí, Thu phân, Đông chí. Thiên tử tổ chức lễ tế lớn trong triều đình vào thời điểm này, là thể hiện thái độ thành kính, kính Trời kính Thần, thuận ứng theo Thiên thời, thiên nhiên và con người giao hòa làm một, đồng thời hoằng truyền đạo trời và tinh thần giáo hóa. Nền chính trị giáo hóa trong xã hội cổ đại bắt nguồn từ sự hiểu biết về quy luật thường hằng của trời đất. Về sau, tập tục bái trăng vào dịp Tết Trung Thu trong dân gian bắt nguồn từ những nghi lễ cổ xưa vào đêm Thu phân, kế thừa nội hàm văn hóa Thần truyền này.
‘Tết Trung Thu’ bắt đầu từ triều đại nào?
So với lễ tế trăng thời thượng cổ, thì “Tết Trung Thu” xuất hiện muộn hơn nhiều.
Hát xướng trong phong tục dân gian
Từ “Trung Thu” xuất hiện trong “Động Tiên ca” do một người vô danh viết vào cuối đời Đường, đầu đời Tống: “Quế Phong cao xứ, tiệm cận Trung Thu tiết” (Tết Trung Thu đang đến gần ở nơi cao của Quế Phong.) Chúng ta có thể suy đoán rằng, có thể đây là cách gọi “Tết Trung Thu” trong cuộc sống của người dân vào cuối thời nhà Đường. (“Động Tiên ca” là tên một bài hát của giáo phường vào thời Đường, là nhã nhạc dùng âm nhạc bên ngoài, sau đó sáng tác lời.)
Ghi chép trong sách cổ
Sách “Khai Nguyên Thiên Bảo di sự” viết vào thời Đường đề cập hai lần về ngày 15 tháng 8 âm lịch: Hoàng Đế Đường Huyền Tông thưởng trăng, chơi đùa với trăng trong cung, một lần với Văn học sĩ, và một lần cùng Dương Quý Phi. Trong sách đã dùng “ngày 15 tháng 8” để ghi chép lại tục chơi trăng trong cung lúc bấy giờ, mà không dùng từ “Tết Trung Thu.” Trong số các ngày lễ chính thức được “Thông điển” ghi chép vào thời Đường, không có “Tết Trung Thu.”
Vào thời Bắc Tống, Tết Trung Thu đã là một lễ lớn, và từ “Trung Thu” cũng xuất hiện trong các ghi chép về tập tục dân gian.
“Đông Kinh mộng hoa lục” ghi lại: “Trung Thu tiết tiền, chư điếm giai mại tân tửu, trùng tân kết lạc môn diện thái lâu hoa đầu, họa can túy tiên cẩm sức.” Vào ngày Trung Thu, tất cả cửa hàng dọc các con đường lớn ở kinh đô đều trang trí lại các lầu hoa rực rỡ trên cao phía cửa trước, dựng những sào tre treo tranh trên cao, buộc những sợi dây nhiều màu sắc bằng gấm trên tranh vẽ các nàng tiên thưởng rượu. Buổi tối, thưởng trăng, chơi trăng là sự kiện chính. Nhà phú quý và nhà bình dân đều sẽ tìm nơi cao để ngắm trăng, “Quý gia kết sức đài tạ, dân gian tranh chiếm tửu lâu ngoạn nguyệt”, ý nói rằng những gia đình giàu có trang trí đình đài, lầu tạ để người nhà ngắm trăng, trong khi những gia đình bình dân đua nhau vào các tửu lầu để thưởng trăng. Trong dịp Trung Thu, người và xe tụ tập đông đúc, cả thành náo nhiệt không ngủ.
Thời Nam Tống cũng tổ chức Tết Trung Thu sôi động như thế. “Mộng Lương lục” của Ngô Tự Mục ghi lại việc thưởng trăng trong “Tết Trung Thu” như sau: “Tết Trung Thu vào ngày 15 tháng 8. Ngày này vừa hay vào giữa mùa thu nên được gọi là ‘Trung Thu’.” Vào ngày hôm đó, người Hàng Châu lên lầu đài ngắm trăng, chơi trăng, du khách ồn ào náo nhiệt, suốt đêm chẳng dứt.
Từ các sách cổ và tài liệu ghi chép trên có thể thấy, tên gọi của “Tết Trung Thu” đã xuất hiện từ cuối thời Đường đến thời Tống.
Tục ăn ‘Bánh Trung Thu’ bắt đầu từ khi nào?
Việc bái trăng và ăn bánh Trung Thu bắt đầu từ khi nào? Mặc dù lễ tế trăng đã được tổ chức trang trọng từ thời thượng cổ, nhưng khi đó bánh Trung Thu vẫn chưa phải là lễ vật cúng trăng. Sự xuất hiện của bánh Trung Thu muộn hơn hàng nghìn năm so với lễ tế trăng.
Thời Lưỡng Tống, Tết Trung Thu được tổ chức náo nhiệt chưa từng có, nhưng vẫn chưa có “Bánh Trung Thu.” Vào thời Nam Tống, ở chợ của Tiền Đường, Đô Thành (Hàng Châu) quanh năm đều có thể nhìn thấy một loại bánh hấp điểm tâm là “bánh Trung Thu.” Trong cuốn “Võ lâm cựu sự” của Chu Mật ghi chép về phong thổ, bánh này được liệt kê cùng với các loại bánh như bánh bao lớn, bánh nhân đậu, bánh lá sen, .v.v. Vào thời điểm đó, những chiếc “bánh Trung Thu” thơm ngon và giòn tan vẫn chưa có mặt trên thị trường.
Vậy, “bánh Trung Thu” bắt đầu có từ khi nào?
Ghi chép trong sách cổ
Vào thời nhà Minh, Tết Trung Thu còn được gọi là “Tết đoàn viên.” Tác phẩm “Đế kinh cảnh vật lược” của Lưu Thông viết: “Bánh Trung Thu và trái cây Trung Thu là do họ hàng, thân thuộc tặng nhau, bánh có đường kính hai thước.” Thời đó, bánh Trung Thu được người thân, bằng hữu làm lễ quý tặng nhau, tượng trưng cho lời chúc “trăng tròn, bánh tròn, người đoàn viên.” Bánh Trung Thu cũng được làm rất to, với đường kính khoảng 02 thước (khoảng 62cm). Nhà thơ Hạ Nhật, người thời Minh đã viết trong “Trung Thu nhật cung thuật” rằng, “nguyệt bính hoàng kim tự” (bánh Trung Thu như vàng), chính là miêu tả sắc vàng của bánh Trung Thu. Màu sắc của bánh Trung Thu xưa so với ngày nay có giống nhau không?
Tập tục Tết Trung Thu thời nhà Thanh được tiếp nối từ phong tục thời nhà Minh. “Thanh gia lục” của Cố Lục nói rằng: “Trong ‘Ngô huyện chí’ ghi chép, Tết Trung Thu bán loại bánh gọi là bánh Trung Thu”; “Yến Kinh tuế thời ký – Nguyệt bính” của Phú Sát Đôn Sùng ghi lại rằng bánh Trung Thu được dùng để tế trăng ở khắp mọi nơi. Những chiếc bánh Trung Thu lớn có đường kính khoảng một thước. Trên mặt bánh vẽ hình dạng một số thứ được nhắc đến trong truyền thuyết như Cung Trăng, Cóc, Thỏ Ngọc. Sau khi bái trăng, các thành viên trong gia đình chia nhau bánh Trung Thu, mỗi người một chiếc, cũng để dành phần bánh cho những người không thể về nhà. Có gia đình để dành bánh Trung Thu đến đêm trừ tịch mới ăn, gọi là “bánh đoàn viên.”
Những câu chuyện dân gian về Hằng Nga bay lên cung trăng, Ngô Cương chặt cây quế, Thỏ Ngọc giã thuốc bắt nguồn từ khi nào?
Nhắc đến Tết Trung Thu, mọi người thường nghĩ đến những nhân vật như Minh Nguyệt, Hằng Nga, Ngô Cương, Thỏ ngọc và những câu chuyện lưu truyền trong dân gian về họ. Những nhân vật trong các câu chuyện này đều xuất hiện trên “Nguyệt cung kính” (gương đồng cổ) thời nhà Đường. Điều đó nói lên rằng, những câu chuyện tết Trung Thu này vào thời nhà Đường đã được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Vậy, những câu chuyện tết Trung Thu được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác có xuất hiện cùng nhau không? Hay tất cả đều có nguồn gốc riêng?
Ghi chép trong sách cổ
Câu chuyện Hằng Nga bôn nguyệt (Hằng Nga bay lên cung trăng) đã nổi tiếng từ xa xưa!
“Văn tuyển chú” viết: “Hằng Nga (*Thường Nga) che mặt trăng, nên gọi là Nga Nguyệt.” “Chu Dịch” và “Quy Tàng” viết: Tích, Thường Nga dĩ Tây Vương Mẫu bất tử chi dược phục chi, toại bôn nguyệt, vi Nguyệt tinh.” Đoạn chú thích này ghi lại rằng, trong các cuốn sách cổ “Chu Dịch” và “Quy Tàng,” có một truyền thuyết, Thường Nga trộm dùng thuốc bất tử của Tây Vương Mẫu, sau đó bay lên mặt trăng, trở thành Nguyệt tinh.
“Quy Tàng” là kinh dịch ra đời sớm hơn so với “Chu Dịch.” Nói cách khác, câu chuyện “Hằng Nga bay lên cung trăng” vốn đã có từ rất xa xưa, từ thời nhà Thương, nhà Chu đã xuất hiện.
Ngô Cương, người chặt cây quế là ai?
Nói đến cây quế trên trăng, những ghi chép sớm nhất được tìm thấy vào thời Tây Hán. “Thái Bình ngự lãm” dẫn ghi chép trong “Hoài Nam tử” thời Tây Hán rằng: “Trong trăng có cây quế.” Trong các tác phẩm thời nhà Tấn cũng có truyền thuyết về cây quế và tiên nhân trong trăng. Chẳng hạn như cuốn “An thiên luận” của Ngu Hỷ người thời Tấn viết: “Tục truyền có cây quế tiên trong trăng. Nhìn lúc nó ra đời, có thể thấy bàn chân của Tiên nhân đã dần thành hình, cây quế sau đó sẽ mọc ra.”
Truyền thuyết kể rằng, Ngô Cương là người Tây Hà, sống vào thời nhà Hán. Câu chuyện liên quan đến Ngô Cương chặt cây quế lần đầu tiên được nhìn thấy trong quyển 1 “Thiên chỉ thiên” của cuốn tiểu thuyết “Tây Dương tạp trở” do người thời Đường chấp bút. Trong thiên này ghi lại rằng, giữa vầng trăng có một cây nguyệt quế thần kỳ. Cây cao năm trăm trượng, có khả năng hồi phục thần kỳ, vết thương trên cây sẽ lành ngay lập tức. Tương truyền, Ngô Cương người Tây Hà sống vào thời nhà Hán, tu Tiên đạo nhưng phạm lỗi, bị sư phụ phạt đến Nguyệt cung chặt cây quế.
Ngô Cương chặt cây, nhưng vẫn không ngộ được đạo lý tu hành, tu tâm trong lao khổ, cho nên không bao giờ hoàn thành nhiệm vụ và quay về phục mệnh.
Tại sao Thỏ Ngọc có thể lên trời?
Trong kinh điển nhà Hán có giảng nói về câu chuyện thỏ trong trăng. Lưu Hướng, người thời Tây Hán đã nhắc đến trong “Ngũ kinh thông nghĩa – Thể điệu phan” rằng: “trong trăng có thỏ và cóc.” Truyền thuyết kể rằng Thỏ Ngọc đang giã thuốc trong trăng. Đây là điều mà Phó Hàm người thời Tấn đã viết trong “Nghĩ ‘Thiên vấn’”: “Trong trăng có gì? Thỏ Ngọc giã thuốc.”
Vậy, Thỏ Ngọc đã bay lên trời, đến mặt trăng như thế nào? Cuốn “Đại Đường Tây Vực ký” do Huyền Trang, người thời Đường dịch, có ghi lại tình tiết thỏ bay lên trời. Con thỏ này được sinh ra trong cánh đồng Tây Lâm, ao Liệt Sĩ, Tây Vực, làm bạn với một con cáo và một con khỉ. Ba con dã thú này tuy không cùng loại nhưng tình cảm rất thân thiết, và rất hòa thuận với nhau. Để thử thách họ, Thiên Đế đã biến thành một ông lão đói khát, kiệt sức, tìm đến xin thức ăn, mong cầu sự giúp đỡ. Ba con vật đã đi tìm thức ăn cho ông lão. Cáo và khỉ tìm được thức ăn, nhưng thỏ không tìm được. Ông lão nói rằng, thỏ không phải là người bạn đồng hành thực sự của cáo và khỉ. Nghe vậy, Thỏ buồn bã nhảy vào đống lửa rực cháy, hy sinh để bù đắp cho sự kém cỏi của mình. Thiên Đế cảm động, bèn cho Thỏ Ngọc đến mặt trăng để sự tích của nó có thể lưu truyền cho hậu thế.
Từ các ghi chép ở trên có thể thấy, câu chuyện “Hằng Nga bôn nguyệt” là lâu đời nhất, đã xuất hiện từ thời nhà Thương và nhà Chu. Còn câu chuyện về Ngô Cương và Thỏ Ngọc đều hình thành vào thời nhà Đường. Những câu chuyện dân gian về Tết Trung Thu này đều có lịch sử hơn một ngàn năm.
Những tập tục văn hóa truyền thống về Tết Trung Thu đầy màu sắc và những câu chuyện dân gian này đã rất quen thuộc với con người ngày nay. Hóa ra, nguồn gốc của chúng không hề giống nhau. Từ thời viễn cổ đến thời cận cổ, một số chúng cách nhau hàng ngàn năm, đã triển hiện nội hàm phong phú cũng như sự hàm súc và khiêm dung của văn hóa truyền thống Trung Hoa.
Tường Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ