Tinh thần ‘Thiên nhân hợp nhất’ trong tiết Thu phân
Bạn biết không, Tiết Thu phân đã điểm rồi! “Thu phân” có một tầng ý tứ là nửa mùa thu đã qua đi, nhưng trong quan niệm văn hóa truyền thống, nội hàm của Thu phân không chỉ đơn giản như vậy!
Từ thời xa xưa, cổ nhân đã rất coi trọng tiết Thu phân, hơn nữa còn đưa tinh thần của “Thu phân” áp dụng trong cuộc sống hàng ngày. Vậy tại sao tiết Thu phân lại được coi trọng như vậy? Tinh thần của tiết Thu phân là gì?
Không làm thương tổn đến “Thiên Địa hòa hợp”
Xuân phân và Thu phân là hai ngày duy nhất trong năm có ngày và đêm thời gian dài ngắn, thời tiết nóng lạnh như nhau. Về mặt địa lý, khi đường chuyển động của Mặt trời (Hoàng đạo) giao với đường Xích đạo thiên cầu từ Bắc xuống Nam, gọi là “Điểm Thu phân”. Ngược lại, giao điểm khi nó đi từ Nam đến Bắc gọi là “Điểm Xuân phân”.
Trong văn hóa Trung Hoa, Thu phân và Xuân phân rất quan trọng, được coi là thời điểm “Thiên địa hòa hợp”, cần tránh các hình phạt, kẻo làm tổn hại đến “Thiên Địa hòa hợp”, làm xáo trộn sự sinh sôi của vạn vật.
Trong “Hoài Nam Tử – Phạm Luận Huấn” viết: “Thiên địa chi khí mạc đại vu hòa, hòa giả, âm dương điều, nhật dạ phân, nhi sinh vật. Xuân phân nhi sinh, thu phân nhi thành.” Ý tứ là sự phối hợp hai khí Âm và Dương gọi là “hòa”, chỉ khi hai khí âm dương tiếp xúc mới đạt được yêu cầu của “hòa”. Âm dương tự hòa hợp là bản chất của hai khí này, tức là hai khí âm dương tự động vận động và phát triển đến mục tiêu tốt đẹp nhất. Nó thuộc cơ chế nội tại để duy trì sự phát triển phối hợp của sự vật và hiện tượng.
Hình luật của nhà Đường dựa theo tinh thần hòa hợp âm dương của Thiên Địa, kiến lập Thiện pháp và chú trọng thực tiễn. Trong “Thông điển – Hình pháp bát – Khoan thứ” ghi chép, vào đầu triều đại của Đường Thái Tông, Hoàng Đế đã ban hành luật “Tòng Lập xuân chí Thu phân, bất đắc tấu quyết tử hình”. Tức là từ Lập xuân đến Thu phân, không được bẩm tấu các hình phạt tử hình.
Trong tiết Thu phân, cần tuân theo tinh thần Thiên Địa hòa hợp, trân trọng sinh mệnh, hành thiện tích đức có thể tự làm phong phú sinh mệnh của bản thân.
Quan sát Thu phân, tiếp cận cảnh giới ‘Thiên nhân hợp nhất’
Vạn sự vạn vật đều thay đổi theo mùa và thời tiết. Dưới đây là một số thể nghiệm về Thu phân được viết trong “Nguyệt lệnh thất thập nhị hậu tập giải”:
1, Lôi thủy thu thanh: Khi tiết Thu phân qua đi, tiếng sấm cũng biến mất.
2, Chập trùng bôi hộ: Khi tiết Thu phân đến, những côn trùng có thói quen ngủ đông bắt đầu dần dần thu nhỏ cửa hang, và khép hẳn hang động khi đại hàn đến.
3, Nước bắt đầu cạn: Tiết thu phân bắt đầu, dương khí trong trời đất ngày một yếu đi, nước sông hồ cũng cạn dần.
Nếu chúng ta quan sát kỹ lưỡng những hiện tượng vật học này, trải nghiệm vòng tuần hoàn bất di bất dịch qua hàng ngàn năm của Đại Tự nhiên, thì sự mỹ diệu trong cảnh giới Thiên nhân hợp nhất sẽ dần dần mở ra trước mắt.
Sau tiết Thu phân, đêm se lạnh, cần chú ý chăm sóc sức khoẻ
Thu phân ngày đêm bằng nhau. Sau tiết Thu phân, ban đêm dần dài hơn.
Vào tiết Thu phân, Mặt trời trực tiếp chiếu xạ lên đường Xích đạo của Trái đất, khiến ngày và đêm dài như nhau, tiếp đó vành đai Mặt trời dần di chuyển về phía Nam. Khi ấy, ban đêm ở Bắc bán cầu dài hơn ban ngày (ở bán cầu Nam thì ngược lại).
Trong “Xuân thu phồn lộ – Âm dương xuất nhập thượng hạ” viết rằng: “Thu phân giả, âm dương tương bán dã, cố trú dạ quân, nhi hàn thử bình. Dương nhật tổn nhi tùy âm, âm nhật ích nhi hồng ( thịnh chi ý ).” Ý tứ là vào tiết Thu phân, khí âm và dương bằng nhau, ngày đêm dài như nhau, thời tiết cũng không chênh lệch. Khi khí dương bị hao ổn, thì khí âm tự nhiên sẽ vượng.
Sau khi tiết Thu phân kết thúc thì ban đêm bắt đầu dài ra, nhắc nhở chúng ta khi đứng trước hiện tượng âm thịnh dương suy trong trời đất, thì cần tránh chuyện đau buồn, chú ý đến điều dưỡng tinh thần.
Khí hậu lúc ấy sẽ là, khí nóng giảm xuống, hàn khí nhiều lên, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn dần. Vì thế người xưa mới có câu “Bạch lộ thu phân dạ, nhất dạ lãnh nhất dạ”. Tức là ban đêm trong tiết Bạch lộ và Thu phân, mỗi đêm một lạnh. Thời tiết ban đêm se lạnh, không nên xem nhẹ.
Thu phân, khiêm nhường chân thành, lễ kính Thiên Địa
Trong “Lễ ký” ghi rằng, bậc Thiên Tử đều cử hành nghi thức tế bái Nhật, Nguyệt vào mùa Xuân và mùa Thu. “Thiên Tử xuân triêu nhật, thu tịch nguyệt”. Ý là tiết Xuân phân tế bái nhật (mặt trời), tiết Thu phân lại tế bái nguyệt (mặt trăng). Vào ngày này, Thiên Tử sẽ dẫn đầu bách quan, cảm tạ Thiên Địa Thần minh đã tạo ra sinh mệnh, ban cho vạn vật sức sống tốt tươi.
Từ thời thượng cổ đến đời nhà Thanh, các triều đại của dân tộc Trung Hoa đều mang lòng khiêm cung, kính cẩn, và biết ơn đối với Trời Đất. Cuốn “Thái thường tục khảo” của triều Minh ghi rằng: “Thu phân, tế dạ minh vu tịch nguyệt đàn” (Vào tiết thu phân, lập đàn cúng tế mặt trăng). Cuốn “Yến kinh tuế thời ký” thời nhà Thanh cũng ghi chép, vào tiết Thu phân và Xuân phân, các đền chùa trong cung và các hào môn thế gia đều tổ chức tế lễ.
Vũ trụ bao la rộng lớn, Thiên Đạo luôn dành điều tốt đẹp cho người thiện lương. Không khí trong Tiết Thu phân, một câu nói “Vạn vật do Tạo hóa, thùy thông thiên địa tâm” (vạn vật do Tạo hóa, ai thấu được lòng trời) đã thực sự chạm đến sâu thẳm trái tim mọi người.
Thế mới nói rằng, những dư âm về việc tổ tiên chúng ta sùng kính Trời Đất dường như vẫn luôn hiện hữu trong xã hội hiện đại. Tiết Thu phân là thời khắc hiếu đạo để hồi tưởng lại quá khứ và tôn vinh Thần minh, cũng là khoảnh khắc tìm lại ngôi nhà bình yên cho thân thể và tinh thần của chúng ta.
Thu Phân, thuận theo công đạo, công bình, công chính
Hiện tượng ngày đêm dài ngắn như nhau của tiết Thu phân và Xuân phân thể hiện đạo lý “cân bằng” của tự nhiên. Tổ tiên chúng ta luôn làm theo chuẩn tắc “Thuận Thiên Đạo, chính nhân đạo” và làm theo tinh thần Thiên nhân hợp nhất “công chính, công bình”. Trong “Lễ ký – Nhật lệnh” đề cập đến lý Thu phân hiếu kính Thiên Địa và đạo đối nhân xử thế: “Nhật dạ phân, tắc đồng độ lượng, bình quyền hành, chính quân thạch, giác đấu dũng (hộc)”. Ý rằng Thu phân ngày đêm bằng nhau, tượng trưng cho sự công bằng, cũng là thời điểm thích hợp để làm thước đo đo lường các chuẩn tắc.
Đối với hoạt động kinh tế của các triều đại Trung Quốc, Xuân phân và Thu phân là hai ngày rất trọng đại. Vào ngày này, các loại thước đo lường khác nhau phải được hiệu chuẩn lại để đạt được tiêu chuẩn thống nhất và công bằng. Việc hiệu chỉnh thước đo sử dụng trong buôn bán giao dịch là để thực hiện tinh thần công bằng trong nhân gian, khiến mọi cuộc giao dịch trên thị trường có thể hoàn thành một cách công bằng, ngăn ngừa tranh chấp giữa các giao dịch và duy trì sự hài hòa xã hội.
Đối với mỗi cá nhân, Thu phân cũng là lúc chúng ta noi theo Thiên pháp, thành tâm sửa đổi bản thân theo chuẩn mực đối nhân xử thế, phản tỉnh bản thân và tự giác sửa đổi theo tinh thần công đạo, bình hòa. Trong bài thơ của Thiệu Ung thời Bắc Tống viết: “Hòa khí tứ thời quân, hà thời bất thị xuân”, ý rằng khi đạt đến tấm lòng chân thành, không tham không cầu, thì ưu lo phiền não không bao giờ tìm tới cửa, lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan.
Thu phân, cần chú trọng“dưỡng thu”
Thu phân hình thành do Trời Đất giao hòa, “thu thu” (thu hoạch vào mùa thu) là quy luật quan trọng trong dưỡng sinh vào mùa thu, gọi là “dưỡng thu”.
Trung y rất am hiểu quy luật của bốn mùa, để chọn phương pháp dưỡng sinh và tinh thần, nhấn mạnh “Xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm” (Mùa xuân, hạ thì bảo dưỡng khí dương, mùa thu đông bảo dưỡng khí âm). Trong tiết Thu phân, khi dương khí trong cơ thể bắt đầu tiêu hao, thì trọng điểm của việc dưỡng sinh lúc này là phải nắm vững nguyên tắc “dưỡng thu”. Tất cả các phương diện dưỡng sinh như sinh hoạt, chế độ ăn uống, tập luyện và tâm lý đều không thể tách khỏi “dưỡng thu”. Vậy công việc cụ thể cần thực hiện gồm những gì?
Tâm thái bình hòa, thu liễm thần khí
Trong “Hoàng đế nội kinh” nói về đạo dưỡng thu trong mùa thu, đó là tâm thái thong dong, không hướng ngoại mà cầu, học cách xem nhẹ những mưu cầu và cố chấp về danh lợi tình, “thu liễm thần khí”, an tịnh tâm trí, như thế sẽ giảm sự xâm hại của thời tiết hanh khô của mùa thu. Trong “Hoàng đế nội kinh” nhấn mạnh rằng “Vô ngoại kì chí, sử phế khí thanh” (mùa thu không nên ra ngoài nhiều, giữ tâm thanh tịnh, khiến phổi khí thông thuận). Bảo dưỡng phổi vào mùa thu là tiền đề của việc chăm sóc sức khoẻ, buông bỏ sự tranh giành danh lợi, tình cảm, như thế sẽ khiến phổi khí hanh thông, tinh thần vui vẻ. Đây là Đạo để bảo dưỡng phổi và bảo vệ sức khoẻ.
Thói quen vào mùa thu, ngủ sớm dậy sớm
Trong “Hoàng đế nội kinh” nói, thói quen hàng ngày trong mùa thu cần chú ý “ngủ sớm dậy sớm”. Rèn luyện thói quen thức dậy khi trời hửng sáng, vươn vai đón bình minh, phơi mình dưới ánh nắng ấm áp của mùa thu. Điều này giúp kích hoạt mọi giác quan và cảm xúc trong cơ thể, cũng có thể làm thay đổi tâm trạng từ dễ bị ưu sầu vào mùa thu trở nên bình hòa, vui vẻ.
Thưởng ngoạn phong cảnh ở trên cao và xua tan ưu phiền
Thu phân gió hiu hiu, mây trắng đan cài trên những dãy núi trùng điệp, bầu trời quang đãng, rất thích hợp để thưởng ngoạn phong cảnh từ trên cao. Đây là phương pháp hữu hiệu để điều hòa tinh thần và xua tan ưu phiền. Thuận theo đạo lý Thiên địa hòa hợp và quy luật âm dương cân bằng, không nên làm việc quá sức, tiêu hao năng lượng.
Ẩm thực chú trọng dưỡng âm nhuận phế, ít cay nhiều chua
Mùa thu theo Ngũ hành là thuộc Kim, cơ quan tương ứng trong cơ thể là Phế (phổi), cũng thuộc Kim. Thời tiết hanh khô, độ ẩm thấp, hệ hô hấp trong cơ thể dễ kém lưu thông, do đó có thể thông qua cách ăn uống để bổ âm nhuận phế. Các món cháo, canh có tính ôn nhuận là rất thích hợp để bồi bổ cho cơ thể vào mùa thu. Những thực phẩm màu trắng cũng rất tốt cho nhuận phế, dưỡng âm, trừ khô. Nên tránh những thực phẩm kho và đồ chiên cay nóng để tránh tăng chỉ số khô da, khô phế.
Vào mùa thu, Kim rất vượng có thể khắc Mộc, khiến Can (gan) thuộc hệ Mộc cũng bị ảnh hưởng, vì vậy ngoài nhuận Phế cũng cần cường gan. Đồ chua thích hợp cho chế độ ăn vào mùa thu, có thể cường gan, đồng thời đóng vai trò làm dịu cơn khát, tăng cường sinh lực cho tỳ vị, thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn.
Vận động vừa phải, chú trọng nội dưỡng
Sau tiết Thu phân, dương khí trong cơ thể bắt đầu bước vào giai đoạn thu hồi nội dưỡng, nên việc vận động cũng cần thuận theo nguyên tắc này. Không nên vận động quá mạnh, không tiết nhiều mô hôi, để tránh hao tổn khí dương. Do đó, những bài tập nhẹ nhàng thư giãn là tốt nhất.
Thiên nhân hợp nhất là tinh hoa của văn minh Hoa Hạ
“Thu phân” là một tiết khí rất quan trọng và cốt yếu trong năm, vì khi ấy sự biến đổi của âm dương rất rõ ràng, vậy nên nguyên tắc “Thiên nhân hợp nhất” chính là thể hiện trí huệ của người xưa khi sinh sống phù hợp với Trời Đất. Tổ tiên chúng ta có những nhìn nhận hết sức sâu sắc về đặc tính của Thu phân, và đã viết thêm một trang giấy lên văn minh Hoa Hạ, cũng là để lưu lại cho chúng ta một loại trí huệ giúp chăm sóc và bảo dưỡng sinh mệnh.
Lý Mai biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ