Tết Trung Thu – ngày lễ cảm tạ Thần ân
Tết Trung Thu không thể tách rời từ chữ “nguyệt” (trăng), bao gồm việc thưởng nguyệt (ngắm trăng), bái nguyệt (bái trăng), tế nguyệt (cúng trăng), nguyệt quế tửu (rượu nguyệt quế), nguyệt bính (bánh trung thu), thần thoại Hằng Nga bôn nguyệt (Hằng Nga bay lên cung trăng) và truyền thuyết Hoàng đế Đường Huyền Tông mộng du đến cung trăng. Tìm đọc lại những ghi chép trong lịch sử, chúng ta có thể thấy được sự thơ mộng và tràn đầy ý nghĩa của ngày lễ này.
“Chính Đức Giang Ninh huyện chí” ghi chép: “Đêm Trung thu, người Nam Kinh sẽ ngắm trăng. Ngắm trăng cùng gia đình gọi là ‘khánh đoàn viên,’ cùng nhau ngồi thưởng rượu gọi là ‘viên nguyệt,’ đi chơi ở phố chợ gọi là ‘tẩu nguyệt.’”
Tết Trung thu cũng là thời điểm thu hoạch mùa màng. Các nhà nghiên cứu phong tục dân gian cho rằng, việc cúng trăng trong Tết Trung thu bắt nguồn từ việc chúc mừng vụ thu hoạch vào mùa thu, đồng thời cũng là lễ bái tế Thần Thổ Địa, là ngày lễ cảm tạ Thần ân. Do đó, đây là lễ mừng thu hoạch mùa vụ. Về nguồn gốc của Tết Trung Thu, các quốc gia khác nhau đều có những Thần thoại, truyền thuyết riêng.
Hoàng đế Đường Huyền Tông mộng du đến cung trăng
“Đường thư – Thái Tông ký” đã ghi lại câu chuyện về “Tết Trung thu vào ngày 15 tháng 8.” Hoàng đế Đường Huyền Tông, vị Hoàng đế Đại Đường yêu thích âm nhạc có một cuộc đời rất kỳ lạ. Theo ghi chép, ông đã gặp gỡ rất nhiều Thần, Tiên và kỳ nhân dị sĩ. Đặc biệt, ông rất có duyên với âm nhạc. Trong đó có truyền thuyết kể rằng, Đường Huyền Tông từng mộng du lên cung trăng, nghe được các vị Thần Tiên đích thân sáng tác khúc nhạc cho mình. Vốn thông thuộc âm luật, ông bèn âm thầm ghi nhớ kỹ trong lòng. Sau này, ông tự phổ nhạc và biên đạo điệu múa. Đó chính là điệu “Nghê Thường vũ y khúc” nổi tiếng trong lịch sử. Cổ thư “Tây Hồ nhị tập” cũng ghi lại một số câu chuyện nhỏ về Thần Tiên Diệp Pháp Thiện và Hoàng đế Đường Huyền Tông.
Có đoạn ghi chép rằng: Sau thượng tuần tháng Giêng, Huyền Tông hỏi: “Cảnh đèn lồng tấp nập nhất ở đâu?” Diệp Pháp Thiện thưa: “Đèn lồng ở phủ Tây Lương tấp nập nhất.” Huyền Tông lại hỏi: “Làm sao khanh biết?” Diệp Pháp Thiện trả lời: “Thần vừa hay mới ngắm đèn lồng ở phủ Tây Lương trở về.” Huyền Tông nói: “Phủ Tây Lương cách xa nơi này như vậy, làm sao có thể đi lại nhanh như thế được?” Pháp Thiện thưa: “Thần có phép đi đường, vạn dặm như ở trước mặt thôi.” Huyền Tông hỏi: “Trẫm có thể đi không?” Pháp Thiện thưa: “Có thể, nhưng Hoàng thượng phải nhắm mắt và đi cùng thần mới được.”
Thế là Huyền Tông nhắm mắt lại, nghe thấy gió rít bên tai, trong nháy mắt ngã xuống đất. Pháp Thiện thưa: “Bệ hạ hãy mở mắt ra.” Huyền Tông nhìn cảnh tượng đèn lồng, quả thực là nơi nhộn nhịp nhất.
Có một phiên bản khác của Hằng Nga bôn nguyệt
Câu chuyện Hằng Nga bôn nguyệt lưu truyền xưa nay, đã miêu tả Hằng Nga (Thường Nga) thành một người chỉ biết nghĩ đến bản thân, một mình trộm tiên dược rồi bỏ rơi trượng phu để bay lên cung trăng. Nếu Hằng Nga quả thực ích kỷ như vậy, thì kết cục này (bay lên cung trăng) khó có thể xảy ra. Thiện ác đều có báo ứng. Một người ích kỷ và không thành thực làm sao có thể đến được một nơi đẹp đẽ như cung trăng? Một câu chuyện khác được ghi trong sử sách có thể liên quan nhiều hơn đến truyền thuyết “Hằng Nga bay lên cung trăng.”
Câu chuyện được ghi trong cổ tịch “Tập Tiên lục” kể rằng, Công chúa Nam Dương nhà Hán sùng chuộng tu luyện, nên thường khuyên phu quân rút lui khỏi quan trường để tu Đạo, tránh xa mọi ồn ào, tranh chấp. Thế nhưng, phu quân của nàng nguyện cống hiến vì triều đình và không muốn rút lui. Công chúa không còn lựa chọn nào khác, nàng tự mình khổ tu trong một ngôi nhà tranh ở núi Hoa Sơn trong một năm, sau đó cảm ứng được với Thiên thượng. Có người nhìn thấy công chúa cưỡi trên những đám mây đầy màu sắc trên vách đá rồi chầm chậm bay đi. Người đời sau gọi đó là đỉnh núi Công Chúa. Câu chuyện này rất giống với câu chuyện của Thường Nga và Hậu Nghệ năm đó.
Mỗi người đều có số mệnh của mình. Có lẽ, công chúa và phu quân của nàng đều từ Thiên thượng hạ phàm, gánh vác một sứ mệnh riêng. Vị phu quân không hoàn thành sứ mệnh ở nhân gian, nên mất đi cơ hội cùng công chúa trở về cung trăng. Trời và đất, người và Tiên, sống ở những nơi cách biệt. Theo nhãn quang của con người thế tục chúng ta, điều đó thật đáng buồn. Tuy nhiên, có thể họ sẽ gặp lại nhau trong kiếp luân hồi chuyển thế, cũng là một cơ duyên khác.
“Tết Trung Thu” bắt nguồn từ đâu?
Từ “Trung Thu” lần đầu tiên xuất hiện trong cuốn sách “Chu lễ.” Theo lịch pháp cổ đại Trung Hoa, một năm có bốn mùa, mỗi mùa có ba tháng, lần lượt được gọi là Mạnh, Trọng, Quý (tức tháng đầu, tháng giữa và tháng cuối). Vì thế, tháng thứ hai của mùa thu gọi là trọng thu; vì ngày 15 tháng 8 âm lịch là vào trung tuần tháng 8, cho nên gọi là “Trung thu.” Những năm đầu thời Đường, Tết Trung thu đã trở thành một ngày lễ cố định, tập tục đón Tết Trung thu mới bắt đầu trở nên phổ biến trong dân gian.
Tại kinh đô nhà Bắc Tống, vào đêm 15 tháng 8, người dân khắp thành, không kể giàu, nghèo, già, trẻ, đều mặc y phục chỉnh tề, thắp hương, bái trăng, bày tỏ tâm nguyện và cầu mong có được sự bảo hộ của Thần mặt trăng.
“Chẳng biết cung khuyết trên Thiên thượng, đêm nay là năm nào”
Văn nhân thưởng trăng, gửi tình vào thơ, gửi ý vào tranh. Trong tác phẩm “Thủy điệu ca đầu,” đại văn hào Tô Thức thời nhà Tống đã viết về nỗi buồn khổ, ấm lạnh và bất đắc dĩ ở chốn nhân gian. Tuy ông mong thoát khỏi danh lợi, tình thù trong chốn hồng trần, quay trở về “cung khuyết trên Thiên thượng,” nhưng lại sợ trên cao quá lạnh. Bởi vậy, ông không khỏi ngửa mặt lên trời thở dài, cảm thương vô hạn, dùng vầng trăng sáng để bày tỏ tình cảm của mình, biểu đạt tâm nguyện cao đẹp “chỉ nguyện làm người có thể trường cửu cùng thiền quyên nơi vạn dặm.”
Trong chốn hồng trần hỗn độn, tất cả chúng sinh đều trầm mê trong thế gian, bị vây khốn trong lưới tình, thường quên mất nguồn gốc và tâm ý ban đầu của mình.
Lễ tiết truyền thống trong nền văn hóa Á Đông
Tết Trung thu không chỉ là lễ tết của người Trung Quốc mà còn được tổ chức ở Nhật Bản, Việt Nam, Nam Hàn và các quốc gia khác. Mặc dù các nơi khác nhau đã phát triển những tập tục khác nhau, nhưng có một số tập tục đã trở nên phổ biến ở mọi nơi. Ngắm trăng là một trong những hoạt động truyền thống vào dịp Trung thu ở nhiều nơi. “Lễ ký” sớm đã ghi chép “thu mộ tịch nguyệt,” nghĩa là bái tế Thần Mặt trăng. Vào lúc này, mọi người sẽ đón cái lạnh và tế trăng, thiết bày hương án. Vào thời nhà Đường và nhà Tống, tục thưởng trăng trở nên phổ biến hơn và cũng có những nghi thức tế trăng.
Điểm tâm đoàn viên trên bàn ăn
Tết Trung thu là ngày gia đình đoàn viên. Mọi người đều sẽ quay trở về nhà cùng nhau dùng bữa, đoàn tụ, đồng thời sẽ tế bái tổ tiên, chúc mừng thu hoạch mùa vụ, cảm tạ thiên nhiên và tổ tiên đã phù hộ cho họ. Mọi người sẽ cùng thưởng thức những món ăn đặc biệt, trong đó có nhiều món liên quan đến trăng và đoàn viên. Những món ăn này cũng là tế phẩm dùng để tế trăng. Người Trung Quốc, người Việt Nam và người Ryukyu đều có tục lệ ăn bánh trung thu, trong khi người Nhật lại ăn bánh bao hình mặt trăng, ở một số vùng còn có cả trứng chiên.
Bánh trung thu hình mặt trăng, bánh bao hình mặt trăng, trứng … đều có hình tròn tượng trưng cho trăng tròn. Ngoài ra, trái cây theo mùa và các loại cây trồng khác như khế, bưởi, lê, hồng… được nông dân thu hoạch vào mùa thu trong xã hội nông nghiệp, cũng là lương thực và tế phẩm trong dịp Tết Trung thu. Tết Trung thu cũng là thời điểm hoa quế nở rộ, thưởng thức hoa quế, uống rượu hoa quế và ăn các món điểm tâm làm từ hoa quế cũng là một tập tục trong Tết Trung thu.
Tường Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ