Sự sáng tạo ra giá trị và vẻ đẹp: ‘Sáng Thế Ký’ – chương 1
Thần thoại và Triết học (Phần 3) Trong Phần 3 của loạt bài Thần thoại và Lý luận, nhìn vào Kinh Sáng Thế Ký để xem chúng ta có thể học được những gì.
Kinh Sáng Thế ký sẽ tiết lộ điều gì nếu chúng ta nhìn từ quan điểm của “thần thoại”?
Trong phần đầu tiên của loạt bài này, chúng ta đã thảo luận sự khác nhau giữa thần thoại và lý luận, và trong phần thứ hai, chúng ta tiếp tục thảo luận về việc nền văn hóa thiên vị lý luận đã khiến khoa học xâm phạm lãnh địa tôn giáo như thế nào.
Do đó, việc nhìn vào Sáng Thế Ký dưới góc độ thần thoại có thể cung cấp cho chúng ta những hiểu biết thực sự thú vị và hữu ích hơn là xác định chính xác tuổi của Trái Đất theo Kinh Thánh, hoặc thậm chí là theo khoa học.
Sáng Thế Ký dạy chúng ta điều gì
Trong “Sáng Thế Ký,” trước tiên chúng ta biết được rằng có một “thuở ban đầu”: “Ban đầu … .” Một điều gì đó tương tự có thể được tìm thấy trong văn chương Ai Cập, nói rằng vị thần Amun đã mở ra “cơ duyên khởi tạo” đó. Nói cách khác, thời gian bắt đầu [từ đó]; không chỉ cần tạo ra không gian, mà còn phải tạo ra một bộ khung có thể chứa đựng không gian. Bộ khung đó chính là thời gian.
Đức Chúa Trời khởi tạo thời gian và không gian. Do đó, chúng ta có được manh mối đầu tiên rằng việc dựng nên trời và đất là một loại công trình đồ sộ bao hàm một kỳ tích kiến trúc đồ sộ không kém.
Trước khi thời gian tồn tại, Sáng Thế Ký nói rằng đất (không phải trời) là “vô hình và trống không,” tối tăm [phủ trên] mặt vực — một kiểu hỗn mang đến vô tận. Nhưng, quan trọng là, Thần Đức Chúa Trời di chuyển trên “bề mặt” hoặc “mặt” của khoảng không đó, được mô tả là “nước.”
Nói theo nghĩa câu từ, nước là nguồn cung cấp sự sống tiềm năng và thiết yếu; nói một cách thi vị, nước là biểu tượng của quái vật và mối nguy hiểm, cho dù về tình cảm hoặc hiểu theo nghĩa đen (Job và thủy quái hoặc Jonah và con cá lớn); vượt quá giới hạn và sự trừng phạt (Noah và trận Đại hồng thủy); xá miễn tội (phép báp-têm); và khả năng sinh sản (Môi-se được mẹ nuôi cứu lên từ nước). Và ở đây, từ “mặt vực” trong tiếng Hebrew là một danh từ giống cái.
Do đó, để nói về một kiến trúc sư là một ẩn dụ; một ẩn dụ khác như là tổ tiên: Thánh Linh thấm đẫm dòng nước này, “mặt vực” nữ tính này. Tác giả Milton luận giải rất rõ điều này trong Tập 7 của thi phẩm “Thiên Đường Đã Mất” của ông:
Ngài từ thuở ban sơ đã hiện diện, với đôi cánh mạnh mẽ dang rộng như cánh chim bồ câu trên vực thẳm rộng lớn, và làm nó đầy dẫy
Nhưng khi nói rằng mặt vực này là nước, chúng ta cần nhận thức rằng đây cũng là một phép ẩn dụ. Bởi vì “vô hình và trống không” cũng có thể được diễn giải là “hoang vắng và trống rỗng.” Trống rỗng chỉ đơn giản là một cách để nói “hoàn toàn không có gì.” Kỳ lạ là, rất khó để chúng ta có thể hình dung về [trạng thái] hoàn toàn không có gì, ngay cả tác giả Milton cũng không thể. Ông dùng hình ảnh nhân hóa “Anarch old” để mô tả về hỗn mang. Tất nhiên, phép nhân hóa này có tác dụng đáng kể với ông, bởi vì thần “Anarch old” giúp tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc hành trình của quỷ Sa Tan đến trái đất để cám dỗ loài người. Họ có một cuộc trò chuyện bí ẩn đầy thú vị!
Tuy nhiên, quay trở lại với “hư không,” ngay khi chúng ta nhận ra rằng đây là nguyên liệu ban đầu của Đức Chúa Trời, chúng ta ngay lập tức có được cảm giác không chỉ về vị kiến trúc sư đó, mà còn về vị Vương (Thượng Đế của muôn loài). Và vì vậy trong phút chốc, chúng ta có thể đối chiếu sự tuyệt vời của việc tồn tại với sự trống rỗng của việc không tồn tại. Và chúng ta cũng có cảm giác về loại sức mạnh đáng kinh ngạc mà cần được phóng thích trong “trật tự” để cho bất cứ điều gì tồn tại.
Xin hãy ghi nhớ từ “order” (trật tự), vì chúng tôi sẽ sớm quay lại vấn đề này.
Từ hư vô tới trật tự
Sức mạnh mà Đức Chúa Trời phóng thích là gì? Chính “ngôi lời” của Ngài đã khiến sự sáng tồn tại: “Phải có, … thì có như vậy.”
Nhà văn ngoại giáo Longinus (khoảng năm 213-273 sau Công Nguyên) lưu ý rằng Kinh Thánh Hebrew này là ví dụ về sự siêu phàm: một điều gì đó đáng để so sánh với sử thi của thi hào Homer. Nhà văn Longinus cũng nhận xét rằng “chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng những ngôn từ đẹp đẽ là ánh sáng của tư duy.” Sự siêu phàm là hình thức cao nhất của vẻ đẹp; đó là vẻ đẹp làm chúng ta kinh ngạc và choáng ngợp trước sức mạnh của nó.
Nhưng cũng hãy xem xét cách diễn đạt của tác giả này: “Ánh sáng của tư duy.” Tức là, ngôn từ tạo ra ánh sáng! Chao ôi! Khi đó, chúng ta thấy ánh sáng không chỉ đơn thuần là ánh sáng vật lý có thể phân biệt ngày và đêm mà còn là ánh sáng của sự hiểu biết, của chính suy nghĩ đó. Bởi vì, điều chúng ta bàn luận ở đây là lời giải thích cho từ khóa đó: trật tự.
Chúng ta nhìn vào những gì xảy ra, và từ tối tăm và sâu thẳm, trật tự đang nổi lên. Trật tự đó có gì? Có hình thức (không phải vô hình) và do đó có sự phân chia, đó chính là ý nghĩa của từ “tách rời,” như việc phân ra sáng tối; có trình tự, tức là đầu tiên là nước, sau đó là đất, thực vật, sinh vật sống, chim chóc, v.v.; có sự tương xứng (hoặc cân bằng) giữa ngày và đêm, mặt trời và mặt trăng, đất liền và biển cả; có những con số, như sáu ngày và sau đó là ngày thứ bảy, và toán học cũng thế. Rõ ràng, khi chúng ta nhìn vào tất cả hình thức này, trình tự này, v.v., chúng ta trở lại với sự siêu phàm mà tác giả Longinus nhận xét chỉ trong một câu; vì sự thật là, bất cứ sự vật nào có những điều này, những hình thức này, nhất thiết phải ẩn chứa vẻ đẹp.
Sáng tạo ra vẻ đẹp và ý nghĩa
Để nhìn thấy vẻ đẹp, chúng ta cần ánh sáng vật lý; nhưng chúng ta cũng cần ánh sáng trí tuệ. Như nhà văn C.S. Lewis viết: “Nếu toàn bộ vũ trụ này không có ý nghĩa, thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ tìm ra rằng nó không có ý nghĩa gì; tương tự, nếu không có ánh sáng trong vũ trụ và vì thế không tồn tại các loài sinh vật có thị giác, chúng ta sẽ không bao giờ biết có tồn tại bóng tối. Bóng tối sẽ là vô nghĩa.”
Công việc (thông qua lời của Đức Chúa Trời) của Ngài là tạo ra ý nghĩa — trong vũ trụ cũng như ở bên trong chúng ta, vì chúng ta được dựng nên theo “hình dáng” của Ngài (mặc dù chúng ta chỉ đề cập đến chương 1 trong bài viết này).
Tuy nhiên, bây giờ, một khi ánh sáng được sáng tạo nên, chúng ta nhìn thấy, chúng ta hiểu, chúng ta được soi sáng. Đức Chúa Trời hiểu và thấy điều gì đó đúng về ánh sáng: rằng “ánh sáng là tốt lành,” và ở chương một của Sáng Thế Ký, Đức Chúa Trời sáu lần đưa ra nhận xét trong sáu ngày của các giai đoạn trong quá trình kiến tạo vũ trụ (ánh sáng, đất liền và biển cả, cây cối và thực vật, mặt trời và các vì sao, các tạo vật của trời và nước, và những thú vật) rằng chúng là tốt lành; sau đó, cuối cùng, sau khi tạo ra con người, Ngài bắt đầu nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy, Đức Chúa Trời nhìn thấy toàn bộ sự sáng tạo của Ngài và rằng điều đó “rất tốt lành.”
Điều đó là tốt lành
Các phần riêng rẽ đã là điều tốt lành, nhưng tổng thể là rất tốt lành. Vì vậy, tổng thể lớn lao hơn các phần riêng rẽ cộng lại. Theo cách hiểu sâu sắc, điểm này cũng rất quan trọng: Đức Chúa Trời được ví như người thợ thủ công có khả năng nhìn thấy trước thấy rằng sản phẩm cuối cùng sẽ thậm chí còn tuyệt vời hơn các bộ phận tạo nên cấu trúc của nó. Tóm lại, Đức Chúa Trời có khả năng nhìn xa trông rộng.
Ngoài ra, từ “tốt lành” này là cách dịch theo từ “Tov” của tiếng Hebrew (như trong cách diễn đạt của người Do Thái là Mazel Tov hoặc Good Luck (Chúc may mắn) trong tiếng Anh) và nó dường như mang nhiều hàm nghĩa. Từ này có thể mang nghĩa là đức hạnh. Vì vậy, ngay từ khi bắt đầu quá trình khởi tạo, thì các sự vật đã chứa đựng một khía cạnh đạo đức.
Điều đó nói rằng, mọi thứ ban đầu là tốt lành, nhưng rõ ràng là, vì thế, chúng có thể không-tốt hoặc xấu. Từ “Tov” dường như cũng có nghĩa là lòng tốt thiết thực. Nói cách khác, sự sáng tạo đã làm phần việc của mình; nói cách khác, sự sáng tạo đó là một sản phẩm tốt lành.
Từ “Tov” cũng có thể nói đến sự hòa hợp, bản thân nó là biểu hiện của âm thanh dễ chịu hoặc tỷ lệ cân đối, và của hòa bình, như khi chúng ta nói mọi người sống hòa thuận với nhau. Hơn nữa, “Tov” cũng có thể bao hàm sự hoàn thiện, trọn vẹn hoặc hoàn hảo, và điều này ngụ ý rằng sự sáng tạo không thiếu điều gì trong sự trọn vẹn của nó. Cuối cùng, “tov” cũng có thể có nghĩa là vẻ đẹp và niềm vui: sự hoàn thiện đặc tính thẩm mỹ và cảm quan; và chúng tôi đã đề cập đến vẻ đẹp này của sự sáng tạo trong một đoạn văn trước đó.
Chúng ta có thể viết một cuốn sách chỉ để nói về năm cách suy nghĩ về những điều tốt lành mà Đức Chúa Trời tạo ra trong vũ trụ, phải vậy không? Tuy nhiên, thay vào đó, trong bài viết cuối cùng của chúng tôi về cách diễn giải chương một của Sáng Thế Ký thông qua thần thoại, chứ không phải là lý luận, thì chúng ta sẽ xem xét, đặc biệt là, khi “đức hạnh” được đặt vào vị trí trung tâm của vũ trụ và đức hạnh có ý nghĩa gì đối với chúng ta trong thế giới ngày nay.
Vui lòng đọc phần 1 của loạt bài này tại đây và phần 2 tại đây
Phần 4: Chúng ta có thể đạt được gì từ việc đọc Sáng Thế Ký, Chương 1
Minh Châu biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times