Câu chuyện về những tên gọi khác của Tết Trung Thu
Lịch sử hàng ngàn năm dài đằng đẵng như một bản trường ca. Câu chuyện về Tết Trung Thu giống như những nốt nhạc hay trong bản trường ca ấy. Năm tháng trôi qua, các triều đại thay đổi, ngày nay con người vẫn tiếp tục viết tiếp bản nhạc dường như không có chương cuối này. Vầng trăng hôm nay đã từng chiếu sáng cho người xưa, vậy thì chúng ta đừng ngại ngần nhìn nay mà tưởng nhớ về xa xưa. Từ một số tên gọi khác của Tết Trung thu, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm về câu chuyện nguồn gốc của ngày lễ này.
Nguyệt tịch
Ngày nay, câu thành ngữ “Hoa triêu nguyệt tịch” (hoa buổi sáng, trăng ban đêm) chan chứa ý thơ này được dùng để miêu tả cảnh sắc mỹ lệ và thời gian tươi đẹp. Thế nhưng ở thời cổ đại, câu này chính là để chỉ ngày 15 tháng Hai và ngày 15 tháng Tám âm lịch. Vì sao “Nguyệt tịch” được dùng để gọi ngày Tết Trung Thu? Kỳ thực, có thể ngược dòng tìm hiểu nguồn gốc của “Nguyệt tịch” từ cuốn “Lễ Ký” được viết vào thời nhà Chu.
Có câu rằng “Thiên tử xuân phân triêu nhật, thu phân tịch nguyệt” (Thiên Tử thường tế Mặt Trời vào tiết xuân phân, tế Mặt Trăng vào tiết thu phân), có nghĩa là vào ngày Xuân phân phải tế bái Mặt Trời, ngày Thu phân thì phải tế bái Mặt Trăng. Trung Quốc thời cổ đại, nông nghiệp là vấn đề hệ trọng liên quan đến dân sinh. Nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của một bậc Đế vương chính là thuận theo tình hình khí hậu, chỉ dẫn bách tính cày bừa trồng trọt. Sự sống còn của bách tính phải dựa vào điều kiện mưa thuận gió hòa trong bốn mùa. Sự vận hành của Mặt trăng và Mặt trời cũng liên quan chặt chẽ với sự thay đổi của bốn mùa. Cho nên, các bậc Đế vương thời cổ đại muốn cai quản thiên hạ, thì không thể quên cầu nguyện để nhận được sự che chở, bảo hộ từ Thần Mặt Trời và Thần Mặt Trăng.
Ban đầu, lễ tế Trăng được tổ chức vào ngày Thu phân. Về sau, trải qua các triều đại thay đổi, lịch pháp của mỗi triều đại cũng dần dung hợp, lễ tế này được tổ chức vào ngày Tết Trung Thu. Vì vậy, Tết Trung Thu còn có tên gọi mỹ lệ “Nguyệt tịch” này.
Lễ Bái Nguyệt
Có một câu thơ Đường viết rằng: “Vạn cổ Thái Âm tinh, Trung thu hải thượng sinh” (Từ xưa, Thái Âm tinh sẽ mọc trên mặt biển vào Tết Trung Thu). Vào thời cổ đại, người ta thường gọi Mặt trăng là “Thái Âm.” Thần Thái Âm được xem là vị Thần bảo vệ cho nữ giới. Dưới ánh trăng sáng, những thiếu nữ ngây thơ, hồn nhiên tế bái Nguyệt Thần. Đây từng là một trong những khung cảnh độc đáo nhất của Tết Trung thu thời cổ đại. Những thiếu nữ bày các loại bánh ngọt, trái cây lên bàn thờ, sau đó dâng hương cầu nguyện, thành tâm quỳ lạy dưới ánh trăng, khấn cầu được Nguyệt Thần bảo hộ. Lễ bái nguyệt vào đêm Trung thu thịnh hành vào thời Thịnh Đường. Tuy nhiên, trước thời Thịnh Đường, việc nữ giới bái nguyệt cũng đã vô cùng phổ biến, cho nên có những câu chuyện như “Vô Diệm nữ bái nguyệt,” “Điêu Thuyền bái nguyệt” được lưu truyền rộng rãi.
Ở một số vùng, Tết Trung Thu còn được gọi là “Nữ nhi tiết” (Tết Nữ nhi). Điều này có liên quan chặt chẽ với phong tục thiếu nữ bái nguyệt, cũng có nghĩa là trong dân gian, nam giới không thể tham gia vào nghi lễ bái nguyệt của nữ giới. Bởi vì âm dương khác biệt, việc nam giới bái nguyệt chẳng những không được bảo hộ, mà còn có thể đưa tới điều xui xẻo suốt cả năm.
Tết Thưởng Nguyệt
Bắt đầu từ thời nhà Tống, ngày Tết Trung Thu đã chính thức trở thành ngày lễ hội của yến tiệc, dạo chơi và chúc mừng. Theo ghi chép trong “Đông Kinh Mộng Hoa Lục” và “Vũ Lâm Cựu Sự,” vào thời Tống, khi đến ngày Tết Trung Thu, triều đình bãi bỏ lệnh giới nghiêm ban đêm, người dân có thể dạo chơi và vui đùa suốt đêm cho đến sáng. Trong đêm Trung Thu, các loại đèn lồng với nhiều hình dáng khác nhau chiếu sáng ở khu chợ như ban ngày. Người bán hàng rong và các sạp hàng từ đầu đường cuối ngõ vô cùng bận rộn. Trong các tửu lâu phục vụ món cua mùa thu béo mập nhất và rượu hoa quế thơm ngát hấp dẫn người mua. Trẻ nhỏ vây quanh người bán hàng rong, háo hức nhìn ngắm những món đồ chơi hiếm lạ. Còn có hàng ngàn ngọn hoa đăng thả xuống sông, bồng bềnh theo dòng nước trôi đi, lung linh rực rỡ như những vì sao trên bầu trời.
Trung Quốc thời nhà Tống rất phồn thịnh. Các loại hàng hóa và thực phẩm đều rất phong phú. Tên gọi bánh Trung Thu cũng bắt đầu được ghi chép trong các thư tịch thời Nam Tống. Tô Thức có thơ rằng: “Tiểu bính như tước nguyệt, trung hữu tô hòa di” (Tạm dịch: Bánh nhỏ như thưởng thức trăng, bên trong có bơ và đường mật nha).
Mọi người yêu thích vầng trăng tròn trên bầu trời, nhưng lại không thể lấy xuống để thưởng thức, vì thế làm bánh ngọt thành hình mặt trăng tròn. Cầm chiếc bánh trên tay, ăn một miếng, ngọt đến tâm can, sự vui thích biểu lộ trong ánh mắt.
Tết Đoàn viên
“Nguyệt hữu âm tình viên khuyết,
Nhân hữu bi hoan ly hợp”
Tạm dịch:
Trăng có mờ, sáng, tròn khuyết,
Người có buồn vui, tan hợp.
Câu thơ này đã nói lên tiếng lòng của tất cả mọi người nên rất được người người yêu thích. Từ thời Đường và Tống đến nay, các văn nhân đã sáng tác vô số thơ ca trong dịp Tết Trung Thu, dùng thi ca để gửi gắm nỗi nhớ nhung quê hương, mong nhà nhà có thể được đoàn viên khi trăng tròn. Vì vậy, Tết Trung Thu cũng dần hình thành một tên gọi khác mang ý nghĩa nhất: Tết Đoàn viên. Ý nghĩa của Tết Đoàn viên vẫn tiếp tục được lưu truyền và sử dụng mãi cho đến ngày nay. Trong đêm Tết Đoàn viên, vầng trăng sáng trên bầu trời từ khuyết chuyển tròn đầy, dường như đang nhắc nhở mọi người nên bỏ xuống những công việc bộn bề, trở về nhà đón ngày hội vui vẻ và đầm ấm cùng người thân.
Vào ngày Tết Trung Thu, nếu những người con tha phương nơi viễn xứ không thể trở về cố hương, thì có lẽ ngay cả vầng trăng sáng trên bầu trời cũng sẽ tiếc nuối thay cho họ ! Nếu quý vị đang ở nơi đất khách xa xôi, đừng quên gửi đi những lời chúc ấm áp đến những người thân của mình!
(Bài viết đăng lại từ trang web của Đoàn Nghệ thuật Shen Yun).
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ