Thần thoại về thuốc bất tử bắt nguồn từ câu chuyện Thường Nga
Thuốc có thể trị bệnh cứu người, cũng có thể giúp con người trường sinh bất lão. Niềm khao khát có được phúc phận không bệnh tật và không tai ương đã dần hình thành nên một khái niệm văn hóa lâu đời. Sự sùng tín của người xưa đối với thuốc đã tạo nên rất nhiều câu chuyện Thần thoại.
Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun đã từng trình diễn vở vũ kịch về câu chuyện “Hằng Nga bôn nguyệt” mà chúng ta rất quen thuộc. Toàn bộ vở kịch thê lương, thần kỳ khiến người xem tỉnh ngộ. Bản gốc chính thức xuất hiện sớm nhất của “Hằng Nga bôn nguyệt” đến từ “Hoài Nam Tử – Lãm Minh Huấn”: “Nghệ thỉnh bất tử chi dược vu Tây Vương Mẫu, Hằng Nga thiết dĩ bôn nguyệt” (Hậu Nghệ xin thuốc bất tử ở chỗ Tây Vương Mẫu, Hằng Nga trộm lấy chạy đến cung trăng). Hằng Nga này chính là “Thường Nga” mà về sau chúng ta thường gọi. Theo thẻ tre “Quy tàng” được khai quật từ mộ Tần số 15 ở Vương Gia Đài, trấn Kinh Châu, thành phố Giang Lăng, tỉnh Hồ Bắc vào tháng Ba năm 1993, người ta phát hiện trong quẻ “Quy muội” có ghi chép về chuyện “Thường Nga” trộm thuốc bất tử rồi bay lên cung trăng. Thẻ ghi chép này đã chứng thực cho câu chuyện “Hằng Nga bôn nguyệt” có từ thời Tiên Tần. Hơn nữa, cổ nhân cho rằng chi tiết về sự tồn tại của “thuốc bất tử” không sai khác. Trong sách loại thư “Thái Bình ngự lãm” do đại hình quan thời Tống tu soạn, ở quyển thứ 984 có ghi lại điển cố loại “dược”, câu thứ nhất chính là: “Quy tàng” chi chép: Xưa, Thường Nga lấy thuốc bất tử và bay lên cung trăng.
Từ đó có thể thấy, trước thời Tống, các học giả đã khảo chứng, điển cố “Hằng Nga bôn nguyệt” bắt nguồn từ ghi chép trong hệ thống tri thức Dịch học. Những người quen thuộc với hệ thống tri thức Dịch học đều biết, “Quy tàng” là một trong Tam Dịch thời thượng cổ của Trung Quốc. Tam Dịch gồm Liên Sơn, Quy Tàng và Chu Dịch. Nhìn theo trục thời gian, “Quy tàng” có thể đã xuất hiện sớm từ trước thời nhà Hạ, nhà Thương và sớm hơn “Chu Dịch” xuất hiện vào cuối thời nhà Thương, đầu thời nhà Chu. Cốt lõi triết lý của Dịch học chính là thuyết âm dương. Thuyết này cũng là kiến thức cơ bản của tư tưởng Đạo gia thời Thượng cổ. Thần thoại về “Thuốc bất tử” trong câu chuyện của Thường Nga hoàn toàn liên quan đến hệ thống xem quẻ Dịch học. Từ đó dường như đủ để chứng minh, Dịch học thời Thượng cổ và thần học Thần thoại thời Thượng cổ hoàn toàn dung hợp với nhau. Trong văn bản cốt lõi của Chu Dịch cũng tồn tại đặc trưng văn hóa tương tự. Ví dụ “Càn quái” (quẻ Càn) của “Chu Dịch” chính là lấy “rồng,” động vật Thần thoại thời Thượng cổ làm đặc trưng cốt lõi để giải thích ý nghĩa của hào trong quẻ Càn, như: “Tiềm long vật dụng” (Rồng đang ở ẩn chưa hiển lộ), “Kiến long tại điền” (Rồng đã hiện hình), “Phi long tại thiên” (Rồng bay lên trời), “Kháng long hữu hối” (Rồng bay cao, hối không kịp), “Kiến quần long vô thủ” (Một đoàn rồng không thấy con đi đầu), v.v. Hơn nữa, đối với ứng dụng hệ thống tri thức Dịch học, người xưa chủ yếu nghiêng về công hiệu của xem quẻ. Xem quẻ chính là để dự đoán chuẩn xác những sự việc sắp xảy ra, thuận ứng với phả hệ lịch sử chân thực và đáng tin cậy. Vì vậy, các quẻ và lời trong quẻ đều ít nhiều là ấn chứng cho những ghi chép chân thật về các sự kiện lịch sử. Về mặt logic, có thể suy luận về hiện tượng này như sau: Con người thời Thượng cổ tin rằng “Thường Nga bôn nguyệt” và Thường Nga lấy được “thuốc bất tử” là câu chuyện lịch sử có thật, giống như việc họ hoàn toàn tin vào sự tồn tại chân thực của “rồng.”
Ngày nay, từ trong cái khung của văn hóa hiện đại, nhìn vào cụm từ “thuốc bất tử,” con người làm sao có thể tin được? Thế nhưng chính câu chuyện Thần thoại này đã khiến “dược” (thuốc) được coi là vật phẩm đặc biệt, xen lẫn với tín niệm của con người về trường sinh bất lão, phúc thọ an khang. Nó đã tiến vào trong “hệ thống Thần thoại” của văn hóa truyền thống cổ xưa của Trung Quốc từ rất sớm. Nó chính là một “Thần thoại” hoàn chỉnh. Dù sao, chúng ta đừng quên một nguyên tắc văn hóa: con người thời Thượng cổ có tín ngưỡng. Họ không hề phản đối “Thần thoại”, cũng không coi “Thần thoại” là một câu chuyện hư cấu có tính giải thoát. Người thời Thượng cổ hẳn đã xem “Thần thoại” là một phần lịch sử chân thật của nhân loại, giống như họ tin tưởng vững chắc sự tồn tại chân thực của Thần và Thần giới.
Đáng tiếc, văn tự người xưa viết quá giản lược, hàm nghĩa của chữ Hán lại rộng lớn. Vì thế, khi mọi người truyền kể câu chuyện này không thể không thêm mắm dặm muối, làm cho công dụng của “thuốc bất tử” nổi bật ở hai hiệu quả lớn: Một là bất tử, nghĩa là con người có thể trường sinh bất lão; hai là phi thăng, chính là con người có thể bay lên cao, thậm chí bay đến Mặt trăng. Hơn nữa, thuốc này lấy được từ chỗ Vương Mẫu nương nương, cũng chính là dược vật được Thần Tiên ban tặng, đương nhiên là “Tiên dược” hoặc “Thần phương”. Người bất tử, lại có thể bay tới Tiên giới, Thần giới, vậy chẳng phải người đó tu Tiên đắc Đạo sao? “Thuốc bất tử” này có thật sự tồn tại không? Người biên soạn sách “Hoài Nam Tử” cũng ý thức được nghi vấn này, nhưng ông ấy lại hỏi chúng ta một vấn đề ngược lại. Nguyên văn đầy đủ của câu hỏi này là:
“Thí nhược Nghệ thỉnh bất tử chi dược vu Tây Vương Mẫu, Hằng Nga thiết dĩ bôn nguyệt, trướng nhiên hữu tang, vô dĩ tục chi. Hà tắc? Bất tri bất tử chi dược sở do sinh dã.”
Ý nghĩa là, Hậu Nghệ thỉnh được “thuốc bất tử” từ chỗ Tây Vương Mẫu, lại bị Hằng Nga trộm lấy rồi trốn lên cung trăng. Hậu Nghệ vì thế vô cùng buồn bã, sầu muộn, không muốn sống tiếp. Vì sao lại có tâm trạng như vậy? Chính bởi vì chàng không biết “thuốc bất tử” rốt cuộc là cái gì và từ đâu mà có!
Kỳ thực, từ trong ghi chép kinh nghiệm tu hành và sự tích tu luyện của chính Pháp chính Đạo đời sau, người ta biết, nếu tu luyện đến trạng thái cảnh giới nhất định, thân thể người có thể bay lên cao. Hơn nữa, tu luyện Phật gia và tu luyện Đạo gia trong chính Pháp chính Đạo đều tin rằng, thân thể của con người có linh hồn nguyên thần. Nguyên lý cơ chế bất tử của con người đến từ ý thức nguyên thần bất diệt và có thể chuyển thế. Truyền thuyết “thuốc bất tử” thời Thượng cổ càng giống với “Pháp tu luyện” của Phật gia và “Đạo tu luyện” của Đạo gia mà đời sau giảng nói. Tu luyện chính Pháp chính Đạo, siêu thoát luân hồi mới có thể bất tử.
Cho nên, lịch sử chân chính có thể trình bày như thế này: Thường Nga tin tưởng “Đạo tu luyện” trong “Thuốc bất tử” mà Hậu Nghệ thỉnh được, sau đó chăm chỉ tu hành, tự nhiên có thể phi thăng bất tử. Còn Hậu Nghệ không kịp thời tinh tấn tu luyện, mất đi cơ duyên, ngược lại cho rằng Thường Nga trộm mất “Thuốc bất tử.”
Đương nhiên, người viết cũng không thể không thừa nhận, suy luận như thế cũng chỉ là lời nói của cá nhân. Có lẽ, sau này có cao nhân Tiên gia biết được quá khứ và tương lai, ở thời khắc lịch sử thích hợp sẽ khai thị và điểm ngộ cho chúng ta về chân tướng của đoạn lịch sử này.
Mặc dù như thế, quan niệm văn hóa về “thuốc bất tử” vẫn ảnh hưởng rất lớn đến hậu thế. Từ bá tính bình thường đến đế vương quý tộc đều ít nhiều tin tưởng sự tồn tại của “thuốc bất tử.” Tác dụng lịch sử của quan niệm văn hóa về “thuốc bất tử” nên được lý giải như thế nào? Là ẩn đố gì trong văn hóa Trung Hoa?
Trong “Sử ký” của Tư Mã Thiên ghi chép, Tần Thủy Hoàng từng phái Từ Phúc (Thị) đi đến ba ngọn núi tiên Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu ở trên biển, bái kiến Tiên nhân, cầu có được Tiên dược. Bởi vì Tần Thủy Hoàng tin tưởng vào sự tồn tại của “thuốc bất tử.”
Trong “Hán Vũ cố sự” của Ban Cố thời Hán ghi chép, Hán Vũ Đế có nhân duyên gặp gỡ, trong cung điện được bái kiến Vương Mẫu Nương Nương hiển thánh giáng lâm. Trong lúc trò chuyện, Hán Vũ Đế cũng thỉnh cầu “thuốc bất tử” của Vương Mẫu. Vương Mẫu Nương Nương trả lời: “Thái Thượng chi dược, hữu Trung Hoa tử mật, Vân Sơn chu mật, ngọc dịch kim tương. Kỳ thứ dược hữu ngũ vân chi tương, phong thực vân tử, huyền sương giáng tuyết, thượng ác lan viên chi kim tinh, hạ trích viên khâu chi tử nại, đế trệ tình bất khiển, dục tâm thượng đa, bất tử chi dược, vị khả trí dã.” (Tạm dịch: Thuốc của Thái Thượng, có mật tím Trung Hoa, mật đỏ Vân Sơn, dịch vàng nước ngọc. Còn có dịch của ngũ vân, phong thực vân tử, huyền sương giáng tuyết, trên thì lấy tinh kim từ vườn lan, dưới nhặt táo tím trên vườn đồi. Ngươi trì trệ chưa dứt được tình, dục tâm còn nhiều, thuốc bất tử, chưa thể có được đâu.) Ý tứ đó không thể minh bạch hơn được nữa: nguyên liệu quý để chế thuốc trong trời đất có rất nhiều, chỉ cần lấy về ủ chế là được. Nhưng nếu muốn có được “thuốc bất tử”, vậy Hán Vũ Đế phải tu tâm dưỡng tính, bỏ đi các tư tâm tạp niệm, bài trừ tình dục vọng niệm, mới có thể có được phương thuốc “bất tử.” Lời này tựa như điểm hóa chúng ta: Mấu chốt cốt lõi của “thuốc bất tử” ở chỗ tu tâm, tu luyện tâm tính, chứ không phải ở cách bào chế các thành phần của thuốc.
Cát Hồng, người tu luyện Đạo gia nổi tiếng đời Tấn viết tác phẩm nổi danh “Bão Phác Tử.” Ông nhiều lần nhắc đến khái niệm “Tiên dược,” “Thần dược,” “Kim đan chi dược”, v.v. Trong thiên “Tiên dược” của sách này cũng nhắc đến các khái niệm tương tự. Ông nói, thuốc loại thượng đẳng, “khiến người ta kéo dài mệnh số, thân thể được an ổn, thăng làm Thiên Thần, ngao du khắp nơi, sai khiến vạn vật, thân mọc lông vũ, muốn gì được nấy.” Lại nói, thuốc loại trung đẳng là để dưỡng tính, thuốc loại hạ đẳng là để trừ bệnh, “có thể khiến trùng độc bất xâm, mãnh thú bất phạm, ác khí bất hành, chúng yêu đều tránh.” Rất rõ ràng, Cát Hồng cho rằng thuốc thượng đẳng dùng để tu Tiên. Có điều, Cát Hồng đối với khái niệm “Tiên dược” vẫn chỉ dừng ở phạm vi nói về một số phương thuật của Đạo gia. Ví dụ như: Người tu hành có thể dùng một số loại dược thạch như Linh chi, Đan sa, Vân mẫu. Những thứ đó có thể khiến người ta phi thăng và trường sinh. Phép tu hành loại này cần phải có phương thuật đặc biệt của người tu hành Đạo gia và một số người tu hành siêu việt dẫn dắt mới có thể thực hành được. Người bình thường, người trong thế gian phàm tục rất khó làm được. Như vậy, dựa vào “thuốc” để tu hành thì rất khó đắc được hiệu quả như mong muốn. Tuy nhiên, sự xuất hiện hiện tượng dùng thuốc tu hành của Đạo gia như vậy cũng khiến người phàm tục bình thường ở thế gian có được một số kiến thức văn hóa và hiểu biết xã hội về đặc tính dược vật trong giới tự nhiên. Điều này có lợi cho việc thúc đẩy một số ứng dụng văn hóa dùng thuốc thích hợp cho con người bình thường ở thế gian. Ở một góc độ nào đó, trong thực tiễn, những người tu hành Đạo gia quả thực đã bổ sung rất nhiều phương diện về kiến thức văn hóa Trung dược vào thế giới trần tục. Tuy nhiên, đối với người tu hành Đạo gia, dùng thuốc là để tu hành và tiêu trừ nghiệp chướng. Còn đối với người bình thường, bá tính phổ thông, dùng thuốc là để chữa bệnh, cứu người thoát khỏi cửa tử, giúp đỡ người bị thương.
Trong quá trình diễn tiến của lịch sử, người ta dần dần nhận thức được sự sai lệch và biến dị trong việc lý giải về “thuốc bất tử” trong xã hội thế tục. Một số Đạo sĩ và ẩn sĩ có đức độ bắt đầu dứt khoát cự tuyệt việc giảng nói với các Đế vương quý tộc về thuật trường sinh bất tử, càng không nói đến nội hàm của “thuốc bất tử.”
Vào thời nhà Đường, Đường Tuyên Tông cũng giống như Tiên Hoàng đế Đường Huyền Tông có chấp niệm đối với vấn đề trường sinh bất lão. Vào năm Đại Trung thứ 12, Đường Tuyên Tông cuối cùng đã triệu mời ẩn sĩ Hiên Viên Tập ở núi La Phù và trực tiếp hỏi ông ấy rằng: “Tiên sinh trường thọ, vậy có thể trường thọ được bao lâu?” Hiên Viên Tập nghiêm sắc mặt nói: “Triệt bỏ thanh sắc, bỏ đi tư vị, buồn vui như nhất, thi bày đức cho người xung quanh, tự nhiên sẽ hợp đức với đất trời, nhật nguyệt đều sáng tỏ, hà tất phải đặc biệt cầu trường sinh.” Lời này có hàm ý rằng, xét từ góc độ tu tâm tính, chỉ cần tu bỏ dục vọng quá mức về thanh sắc, tư vị, bảo trì tình cảm ổn định vững chắc, không hỉ nộ ai lạc quá mức, tâm cảnh hằng định như nhất, từ thiện bố thí, dùng ân đức đối đãi với mọi người, như vậy sẽ tự nhiên hợp đức với trời đất, sáng tỏ như nhật nguyệt, tu được như thế là tu hành, hà tất còn phải vất vả tìm kiếm thuật trường sinh bất lão? Điều này đã thấu triệt việc không cần nhắc đến “thuốc bất tử” nữa.
Thời Ngũ Đại, vào những năm đầu triều đại nhà Tống, đạo sĩ Trần Đoàn ở Hoa Sơn từng vào cung yết kiến Chu Thế Tông và Tống Thái Tông. Vào năm Hiển Đức thứ ba, khi Chu Thế Tông muốn cầu thuật trường sinh, Trần Đoàn nói: “Bệ hạ là chủ tứ hải, nên quan tâm đến việc trị lý, sao lại để ý đến việc luyện đan?” Chu Thế Tông đành phải để Trần Đoàn quay về núi Hoa Sơn. Tống Thái Tông cũng nghe danh Trần Đoàn. Ông còn tính toán cẩn thận rằng mình chỉ thọ được gần trăm tuổi, nên cũng muốn hỏi Trần Đoàn về thuật trường sinh. Vào năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 9, Tống Thái Tông phái tể tướng Tống Kỳ đến hỏi Trần Đoàn: “Tiên sinh đã đắc đạo tu dưỡng cao thâm, có thể dạy người khác không?” Trần Đoàn nghiêm sắc mặt đáp: “Đoàn tôi là người ở chốn sơn dã, gặp thời vô dụng, không biết chuyện luyện đan Thần Tiên và lý dùng thuốc dưỡng sinh, nên không có phương thuật gì có thể truyền lại. Giả sử tôi bạch nhật xung thiên cũng có ích gì trên đời? Nay Thánh thượng long nhan uy nghi khác thường, có vẻ ngoài của Thiên nhân, thông hiểu cổ kim, nghiên cứu đạo trị loạn, thật là người chủ có đạo của bậc nhân Thánh. Chính như quân thần hiệp tâm đồng đức, phát triển giáo hóa mang lại an ổn dài lâu, chuyên cần thực hành tu luyện, không phải đều là từ đây mà có sao.” Từ đó có thể thấy, Trần Đoàn cho rằng đế vương phải làm “người chủ nhân đức”, cùng thần dân đồng tâm trị lý, làm tốt việc quốc gia, an định thiên hạ, mới là tu luyện chân chính. Còn bản thân ông từ chối giảng nói và truyền thụ “Tiên dược” thuộc loại “thuốc bất tử” liên quan đến trường sinh bất lão.
Chân nhân Trương Tam Phong tu môn phái Đại Đạo Thái Cực vào thời nhà Nguyên, nhà Minh đã có tổng kết về những hiện tượng như vậy: “Thiên tử không có được bề tôi, chư hầu không có quan hệ hữu hảo. Không yết kiến đế vương, không gặp người quyền quý. Không dựa vào thuật trường sinh, làm phân tâm người chủ chăm lo việc nước.” Chân nhân Trương Tam Phong nhất mực thực hành phương thức tu luyện ẩn dật đặc biệt, giữ vững nguyên tắc thanh tịnh của Đạo gia. Ông lần lượt từ chối lời triệu kiến của Minh Thái Tổ và Minh Thành Tổ, càng cự tuyệt việc truyền thụ “thuật trường sinh bất lão” cho các bậc đế vương quyền quý. Trong thư viết cho Hoàng đế Vĩnh Lạc Minh Thành Tổ, ông viết: “Cúi mong Bệ hạ chú tâm trị nước, ngăn bỏ dục vọng, tôn sùng đạo đức. Dân phúc chủ phúc, dân thọ chủ thọ. Chớ tin kim thạch của phương sĩ là tốt đẹp.” Trương Tam Phong hiểu rõ tu luyện, tu hành lấy việc tu tâm là chính, khuyên đế vương đừng tin vào “thuốc bất tử” của các phương sĩ.
Từ thời đại Trương Tam Phong, chúng ta quay ngược thời gian đến thời Xuân Thu Chiến Quốc. Trong “Chiến Quốc sách. Sở sách” ghi chép câu chuyện “Nghịch lý của thuốc bất tử” như sau:
Lần nọ, có người bái yết Sở Vương định dâng tặng một phương “thuốc bất tử”. Một lính xạ thủ bậc trung canh giữ cổng cung hỏi người kia rằng: “Thuốc này có thể uống không?” Ngữ khí đầy vẻ nghi ngờ. Người yết kiến tất nhiên nói: “Đương nhiên có thể uống được rồi.” Người lính canh cổng này tiến đến giật lấy gói thuốc, dùng hết không sót lại tí nào. Sở Vương biết chuyện, nổi cơn thịnh nộ, hạ lệnh bắt người lính kia chuẩn bị xử trảm. Người lính không hề hoảng sợ, thỉnh nhờ người thân cận truyền đạt ý kiến của anh ta đến Sở Vương rằng: “Bề tôi đã hỏi người đến yết kiến, ông ta nói, thuốc đó có thể dùng. Cho nên bề tôi không có tội, tội ở người yết kiến. Hơn nữa người yết kiến muốn dâng ‘thuốc bất tử’, nếu bề tôi vì uống thuốc này mà bị chém đầu, vậy thì thuốc này chính là ‘tử dược.’ Cho nên đây rõ ràng là ‘thuốc tử’, căn bản không phải là ‘thuốc bất tử.’ Đại Vương bây giờ là đang sát hại bề tôi vô tội, cũng chứng minh kẻ yết kiến kia lừa dối quân vương.” Sở Vương sau khi nghe được những lời này, lập tức ra lệnh dừng việc xử trảm lính canh.
Câu chuyện “Nghịch lý thuốc bất tử” mang đến cho chúng ta nhận thức rõ ràng về triết lý: trong tầng thời gian và không gian này, sinh, lão, bệnh, tử của nhân loại là quy luật bất biến của con người thế gian. Nhưng mà, là một Thần tích có thể đã từng tồn tại, “Thuốc bất tử” rốt cuộc có thực sự tồn tại trong lịch sử hay không? Ý nghĩa thực sự của nó là gì? Bởi vì, trong giới tu luyện và tôn giáo của các triều đại qua các thời kỳ, trong các ghi chép về những hiện tượng lịch sử đều cho thấy những người đã tu luyện đến một cảnh giới nhất định sẽ triển hiện ra nhiều Thần tích khó tưởng tượng được, bao gồm những Thần tích như việc cơ thể con người phi thăng, kéo dài thọ mệnh và cả những kỹ năng đặc biệt,v.v. Huống chi, đối với y học hiện đại mà nói, dược tính, đơn thuốc và sự tích của nhiều loại thuốc Trung y còn lưu giữ đến ngày nay vẫn là những bí ẩn chưa có lời giải. Chúng ta hãy xem ba ví dụ được ghi lại trong chính sử:
“Biển Thước truyện” trong “Sử ký” có ghi chép, sư phụ của Biển Thước là Trường Tang Quân quan sát Biển Thước trong hơn mười năm mới nhận làm đồ đệ. Cuối cùng có một lần, Trường Tang Quân quyết định truyền thụ cho Biển Thước một “cấm phương.” Thế là, Biển Thước tuân theo dặn dò của sư phụ, theo đúng “cấm phương” uống thuốc liên tục trong ba mươi ngày, sau đó ông liền có công năng thấu thị nhân thể, có thể tìm thấy chỗ có triệu chứng bệnh trong lục phủ ngũ tạng của cơ thể con người. Biển Thước nhờ đó đã trở thành bậc thầy về y thuật nổi danh một thời. Lẽ nào “cấm phương” này chính là “Tiên dược,” “Thần dược,” giúp Biển Thước có công năng đặc dị?
Trong quyển 984 của “Thái Bình ngự lãm” có thuật lại một câu chuyện trong “Tấn Thư” (bản của Vương Ẩn thời nhà Tấn) rằng: Khi Trình Hàm chưa được sinh ra, mẹ của ông trong một lần nằm mộng thấy một ông già tóc bạc trao cho một gói thuốc, đồng thời nói: “Hãy uống gói thuốc này, bà sẽ sinh được quý tử.” Thế là người mẹ đã làm theo và sinh ra Trình Hàm. Sau này, Trình Hàm trở thành tài tử có tài văn chương xuất chúng. Chẳng lẽ trong mộng Thần Tiên đã cho thuốc để sinh con? Đây lại là “Tiên dược,” “Thần dược” gì?
“Vương Ban truyện” trong “Tùy thư” cũng ghi lại chuyện kỳ lạ liên quan đến “thuốc”: Một lần, Vương Ban xuất chinh theo quân Tùy tấn công nước Trần ở phương nam. Bởi vì ông chiến đấu dũng mãnh, tả xung hữu đột, nên thân bị trọng thương. Người khác nhìn thấy cho rằng ông sẽ khó hồi phục vết thương và chiến đấu trở lại. Vương Ban cũng đau khổ buồn bã. Đêm đó khi ngủ, Vương Ban mơ thấy có người tặng cho mình thuốc trị thương. Đến khi tỉnh dậy, phát hiện vết thương trên người không còn đau nữa. Người thời đó sau khi biết chuyện này đều cảm thấy đó là một kỳ tích.
Những trường hợp này cho chúng ta các góc nhìn khác nhau để lý giải những Thần thoại và Thần tích liên quan đến “Thuốc.” Đó phải chăng là để chúng ta thể nghiệm được sự tồn tại của Thần thoại và tác dụng thần bí của “thuốc bất tử” trong lịch sử?
Tư liệu tham khảo:
“Hoài Nam Tử”, thiên “Lãm Minh huấn” của Lưu An, thời Hán.
“Nghiên cứu ‘Chu Dịch’ trong Sở trúc thư: kiêm thuật khai quật thời Tiên Tần Lưỡng Hán và tư liệu văn hiến Dịch học truyền thế”, quyển hạ, trang 777, của Bộc Mao Tả, Nhà xuất bản Cổ Tịch Thượng Hải, năm 2006.
“Thái Bình ngự lãm”, quyển thứ 984, của nhóm Lý Phưởng, thời Tống.
“Sử ký”, “Tần Thủy Hoàng bản ký”, “Biển Thước truyện”, của Tư Mã Thiên, thời Hán.
“Hán Vũ cố sự”, của Ban Cố, thời Đông Hán.
“Bão Phác Tử”, thiên “Tiên dược”, của Cát Hồng, thời Tấn.
“Cựu Đường thư”, quyển 18, của Lưu Hú thời Ngũ Đại.
“Tống sử”, quyển 457, “Trần Đoàn truyện”, của Thoát Thoát, thời Nguyên.
“Trương Tam Phong tiên sinh toàn tập”, quyển 2, thiên “Bát Độn Tự”, quyển 5 thơ “Đáp Vĩnh Lạc Hoàng đế”.
“Chiến Quốc sách – Sở sách”, thiên “Hữu hiến bất tử chi dược vu Kinh Vương giả”, của Lưu Hướng, thời Hán.
“Tùy Thư”, “Vương Ban truyện”, của Ngụy Trưng, thời Đường.