Quạt Thái cực của tráng sĩ Võ Đang ẩn chứa điển cố huyền bí nào?
Tiếng thanh la nhẹ nhàng, xa xôi mà thần bí; tiếp theo đó, tiếng kèn trầm ấm, tiếng sáo du dương, bay bổng… Âm nhạc Shen Yun đưa mọi người đến với dãy núi Võ Đang hùng vĩ và tươi đẹp.
Một nhóm tráng sĩ trẻ trung tay cầm quạt hình Thái cực, nhảy múa xoay chuyển, những chiếc quạt này đóng mở tự do, bay lên bay xuống. Thân pháp mạnh mẽ, tiêu sái phiêu dật. Đó chính là Thái Cực Quyền có nguồn gốc từ Võ Đang.
“Thái Cực Quyền” (Taichi Flow) là tác phẩm lưu diễn năm 2014 của Công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun, thể hiện sự ảo diệu của Thái Cực và sự cao siêu của công pháp Võ Đang, khí vận lưu động, âm nhạc, vũ điệu giao hòa.
Nhạc phẩm “Tráng sĩ Võ Đang” được sử dụng trong tác phẩm do Ngài D.F., Giám đốc Nghệ thuật của Công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun sáng tác, với giai điệu đẹp, tiết tấu đa dạng. Phần mở đầu của nhạc khúc êm đềm và trang trọng, khắc họa hình ảnh núi sâu vắng vẻ và linh thiêng. Tiếng sáo, tiếng kèn bassoon xen lẫn, mang lại âm thanh tự nhiên uyển chuyển tựa như tiếng chim hót, thể hiện cảnh giới của thiên nhân hợp nhất, cũng đối ứng với tâm hồn rộng lớn của các tráng sĩ Võ Đang. Sau đó, tiết tấu dần tăng nhanh, những giai điệu mạnh mẽ dồn dập với nhịp uyển chuyển cho thấy các động tác vừa linh hoạt vừa thuần thục của họ. Bản nhạc êm đềm như dòng suối, trong đó lại có từng lớp sóng khởi lên, tầng tầng tiến tới, như níu kéo lòng người.
Trang phục của các diễn viên dùng ba màu xanh lam, cam và trắng, quạt Thái cực cũng phối hợp màu cam và xanh lam, phù hợp với mái của đại điện màu xanh hình khổng tước chiếu lên bầu trời. Màu sắc đơn giản, trang nhã mà không làm mất đi vẻ thanh u tĩnh lặng của Đạo gia.
Những khán giả tinh ý có thể nhận thấy rằng trong sự biến hóa của đội hình còn ẩn chứa vòng quay của đồ hình Thái cực, quả là vi diệu khó nói nên lời. Thái cực là một khái niệm quan trọng trong tư tưởng triết học Trung Quốc cổ đại. Âm dương hòa hợp, sinh sôi vạn vật. Vậy mối quan hệ giữa núi Võ Đang và Thái Cực là gì?
Núi Võ Đang nằm ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, là nơi sản sinh ra võ thuật Võ Đang và các danh sơn Đạo giáo của Trung Quốc. Nơi đây thế núi kỳ lạ, phong cảnh đẹp như tranh vẽ, hằng năm mây tím vây quanh, được xem là “thiên hạ đệ nhất tiên sơn” (núi tiên bậc nhất thiên hạ). Võ thuật Võ Đang do Trương Tam Phong sáng lập, kết hợp nguyên lý của Thái cực, Bát quái và Ngũ hành, trở thành tông phái quan trọng của Võ thuật Trung Hoa. Võ công cái thế và thần kỳ của Trương Tam Phong chân nhân đã làm cho danh tiếng của núi Võ Đang nổi tiếng xa gần.
Trương Tam Phong sinh vào cuối thời Nam Tống (năm 1247), là một nhân vật huyền thoại, là bậc thầy tinh thông cả võ học và Đạo học. Tương truyền khi ở tuổi đôi mươi, ông đã bắt đầu ngao du khắp nơi, đến thăm những danh sơn cổ tự để học quyền pháp. Ông đã từng sống trong một túp lều ở núi Võ Đang, sau đó qua đời ở Kim Quán Đài tại Bảo Kê, sau đó lại phục sinh. Khoảng 300 năm sau vào triều Minh có người nói rằng đã từng nhìn thấy tung tích của ông, sau đó ông biến mất. Dân gian tương truyền rằng ông đã đắc Đạo thành Tiên.
Theo ghi chép của “Minh sử”, Trương Tam Phong thân hình cao lớn, khí độ bất phàm, có công năng đặc dị như đi trên đá, xuyên qua núi, mỗi ngày đi ngàn dặm, trong mấy tháng không cần ăn uống. Minh Thái Tổ và Minh Thành Tổ đều vô cùng mong muốn được kết giao với vị cao nhân này, bởi vậy từng phái người tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy tung tích của ông. Hoàng đế Minh Anh Tông từng ban tặng phong hiệu cho ông là “Chân nhân hiển hóa cao thâm vi diệu”.
Hoàng Tông Hy, văn học gia thời Minh đã đề cập trong bài viết “Vương Chinh Nam mộ chí minh” (Bài minh trên bia mộ Vương Chinh Nam) rằng, Trương Tam Phong được Huyền Thiên Thượng Đế chỉ điểm trong mộng, sáng lập ra Thái Cực Quyền lấy tĩnh chế động. (“Dạ mộng Huyền đế thọ chi quyền pháp, quyết minh dĩ đan đinh sát tặc bách dư” – Trong mộng, Huyền Đế trao cho quyền pháp, luyện thành rồi chỉ một mình cũng có thể giết hơn trăm tên giặc).
Trương Tam Phong đã giải thích thể ngộ của mình về Thái cực trong quyển “Học Thái cực quyền tu liễm thần tụ khí luận” rằng: “Cho nên, vạn vật đều có Vô cực và cũng có Thái cực. Dưới tác dụng của con người, động quá tất tĩnh, tĩnh quá tất động, động tĩnh là có mối quan hệ tương hỗ, mà âm dương phân tách, toàn vẹn cũng trong một thái cực”. Ông còn đặc biệt chỉ rõ điều kiện tiên quyết để luyện quyền pháp Thái cực là: “Nếu muốn an tâm định tính, liễm thần tụ khí, thì đả tọa là không thể thiếu, luyện công cũng không thể thiếu. Người học phải tìm tòi chỗ ích lợi trong sự động tĩnh của Thái cực, tầm cứu nguyên lý sinh khắc trong Ngũ hành, Bát quái…”
Trương Tam Phong rất thông hiểu pháp lý của các nhà Nho, Thích và Đạo, rất coi trọng việc phân biệt chính tà. Ông từng nói: “Con người nếu có thể tu chỉnh thân tâm, thì tinh thần chân chính (chân tinh, chân thần) sẽ hội tụ trong đó, đại tài đại đức sẽ xuất hiện từ đó”. Sự thực là, Thái Cực Quyền mà Trương Tam Phong sáng lập không chỉ bao gồm quyền pháp lấy tĩnh chế động, mà còn không thể thiếu Tâm pháp chỉ đạo. Thật đáng tiếc, hậu thế chỉ tìm kiếm con đường phòng thủ, tấn công bề ngoài, mà bỏ qua việc tu luyện nhân tâm, khiến nội hàm trân quý của Thái Cực Quyền ngày càng mai một.
Con người ngày nay với ham muốn hưởng thụ vật chất chốn hồng trần, thế sự rối loạn. Giữa bộn bề náo động, thưởng thức sự tĩnh động âm dương trên sân khấu Shen Yun có thể khiến người ta bình tâm, trở về với truyền thống và tìm lại con người thật của chính mình.
Video tiết mục “Thái Cực Quyền”.
Mời quý vị thưởng thức các tác phẩm của Shen Yun:
Ganjing World:https://www.ganjingworld.com/zh-TW/channel/uKDuVZFTkSNei
IG: https://www.instagram.com/shenyunworks
Facebook: https://www.facebook.com/ShenYunZuoPin
Twitter: https://twitter.com/sycreations_ch
Cao Thiên Vận thực hiện
Thiên Lý biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ