Phong tục Tết: 22 ngày từ tháng Chạp đến tháng Giêng không giống nhau!
Tết cổ truyền của Trung Quốc kéo dài bao nhiêu ngày? Mọi người nên làm gì mỗi ngày? Có rất nhiều ý kiến về điều này trên mạng Internet, nhưng hầu hết những thông tin ấy đều không có nguồn gốc và rất khó để nhận biết đúng hay sai. Vì vậy, không còn cách nào khác, chúng ta phải lật giở các cuốn cổ tịch. Sách cổ ghi lại rằng, vào các triều đại khác nhau và ở những vùng miền khác nhau đều có những cách đón Tết độc đáo riêng, nhưng nhìn chung đều có nhiều điểm tương đồng.
Tháng Chạp
Tết cổ truyền bắt đầu bằng tiết Lạp bát, tức ngày mùng Tám tháng Chạp. Bởi vì, hàng hóa thời xưa có hạn, không giống như rất nhiều thứ thời hiện đại có thể mua được bất cứ lúc nào, thậm chí mọi người có thể mua sắm trực tuyến và chuyển đến tận nhà. Nhưng trước đây, người ta phải sớm bắt đầu may quần áo mới, chuẩn bị vật dụng và tế phẩm cúng năm mới, v.v.
Tiết Lạp bát ban đầu là ngày Hoàng đế và bách tính dâng lễ vật tạ ơn Thần linh và cầu mong mùa màng bội thu. Sau khi Phật giáo truyền nhập vào Trung Quốc, ngày Lạp bát đã phát triển và biến hóa thành ngày lễ khánh chúc Đức Phật khai ngộ. Vào ngày này, người ta sẽ ăn cháo Lạp bát, ăn tỏi ngâm, thịt, làm thuốc tễ, uống rượu, .v.v.
Ngày Mười sáu tháng Chạp là ngày tế bái Thổ Địa. Ban đầu, đây là ngày “Tế kỳ” (tế cờ) trên chiến trường, sau đó phát triển thành “Nha tế” (một bữa ăn ngon) và cuối cùng là “Vĩ nha’ (tất niên công ty) như ngày nay. Trước đây, sau khi cúng Thổ Địa, các thương nhân sẽ lấy phần thịt tế phẩm phân chia cho đồng nghiệp của họ trong bữa ăn. Đến thời hiện đại, ngày này trở thành ngày mà ông chủ công ty sẽ chiêu đãi nhân viên một bữa tiệc thịnh soạn, gọi là bữa tiệc tất niên. Mục đích tổ chức buổi tiệc là khao thưởng các nhân viên đã có một năm làm việc chăm chỉ và cống hiến cho công ty.
Ngày Hai mươi ba tháng Chạp là ngày dân gian thường gọi là ‘tiểu niên’, còn gọi là ngày cúng ông Táo hay ngày tiễn Thần Táo. Trước đây, người ta tin rằng, vào ngày này, ông Táo sẽ lên Thiên đình để báo cáo những việc tốt và việc xấu của mỗi gia đình trong năm vừa qua. Để ông Táo nói nhiều điều tốt đẹp hơn ở trên Thiên đình, trong buổi cúng tế ông, người ta sẽ dùng rất nhiều bánh kẹo hoặc món ăn ngọt làm tế phẩm dâng cúng, để khiến ông nói những lời ngọt ngào, giúp gia chủ có được nhiều phúc lành hơn trong năm tiếp theo.
Ngày Hai mươi bốn tháng Chạp là ngày tổng vệ sinh. Mỗi gia đình đều phải dọn dẹp từ trong ra ngoài và ở mọi ngóc ngách, còn phải giặt chăn màn, quét bụi trên xà nhà. Làm như thế để tượng trưng cho việc bỏ cái cũ và chào đón cái mới. Hơn nữa, đến ngày đầu năm mới, mọi người không được động cái chổi nữa, muốn dọn dẹp thì phải tranh thủ làm trước Tết.
Ngày Hai mươi lăm tháng Chạp là ngày làm đậu phụ và ăn đậu phụ. Ngày xưa, dân gian tin rằng, Ngọc Hoàng sẽ đích thân hạ giới vào ngày này để tra xét các việc thiện ác trên trần gian. Vì thế, gia đình nào cũng ăn bã đậu phụ để thể hiện mình sống lương thiện và thanh đạm.
Ngày Hai mươi sáu tháng Chạp, mọi người sẽ nấu một nồi thịt. Trong quá khứ, thịt tương đối khan hiếm. Nhưng dù không được ăn thịt trong một năm thì mọi người cũng muốn nấu một nồi thịt lợn, thịt bò hoặc thịt cừu để có một bữa ăn ngon trong dịp Tết.
Ngày Hai mươi bảy tháng Chạp, mọi người sẽ làm thịt một con gà trống. Thịt gà cũng là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm đêm giao thừa. Nhưng ngày đầu năm mới không được làm thịt gà, chúng tôi sẽ giải thích điều cấm kỵ này ở đoạn sau.
Ngày Hai mươi tám tháng Chạp có hai việc phải làm. Việc đầu tiên là lên men bột để làm ra các loại mì. Việc thứ hai là dán các đồ trang trí năm mới khác nhau, bao gồm các câu đối Tết (vốn bắt nguồn từ tục làm bùa từ cây đào diễn biến thành), dán chữ Phúc, tranh tết, còn có riềm giấy (dán trên cửa sổ trang trí) , .v.v.
Ngày Hai mươi chín tháng Chạp là ngày tế bái tổ tiên. Mọi người có thể cúng bài vị tại nhà hoặc ra mộ cúng tế để tạ ơn sự phù hộ của tổ tiên.
Ngày Ba mươi tháng Chạp là ngày cuối cùng của năm âm lịch, còn gọi là ‘trừ tịch’. Mọi người bận rộn lo liệu trong hơn nửa tháng để chuẩn bị cho ngày này.
Cả nhà quây quần bên nhau chuẩn bị cho bữa tối đêm giao thừa, cùng nhau làm sủi cảo và ăn sủi cảo. Sủi cảo đồng âm với “canh tuế giao tử,” tượng trưng cho việc “tống cựu nghênh tân,” bỏ cái cũ, nghênh đón cái mới. Bánh mật tượng trưng cho sự thịnh vượng dài lâu. Cá tượng trưng cho sự sung túc mãi mãi. Sợi mì tượng trưng cho sự trường thọ, v.v.
Thời cổ đại, vào ngày này, người ta thường thực hiện nghi thức đánh trống xua đuổi ma quỷ, mục đích là để xua đuổi ma quỷ lây lan bệnh dịch. Đốt pháo cũng là một trong những hoạt động này, về sau phát triển thành tục đốt pháo như ngày nay.
Sau bữa tối đêm giao thừa, mọi người không đi ngủ mà sẽ quây quần bên nhau để đón giao thừa. Một số người sẽ đến thăm nhà vào lúc nửa đêm, có người đến vào buổi sáng sớm của năm mới.
Tháng Giêng
Ngày mùng Một Tết cũng chính là ngày đầu năm mới. Mọi người sẽ khoác lên mình những bộ quần áo mới đón Tết, dù nhà nghèo đến đâu thì ít nhất cũng phải mặc bộ quần áo sạch sẽ. Bởi việc đầu tiên trong năm mới là thắp hương cúng Trời Đất, sau đó cúng tổ tiên, để tạ ơn Thần linh và tổ tiên đã phù hộ trong một năm vừa qua, đồng thời cầu nguyện hạnh phúc và sức khỏe trong năm mới.
Sau đó, người lớn và trẻ em sẽ lần lượt bái lạy người lớn tuổi. Cuối cùng, mọi người ra ngoài chúc Tết người thân và hàng xóm. Bậc trưởng bối sẽ tặng phong bì màu đỏ cho các trẻ nhỏ hành lễ chúc Tết họ. Ngày xưa người ta gọi tục này là tiền trấn tà, mục đích là phù hộ bình an cho trẻ. Cần lưu ý rằng, kể từ ngày này trở đi, kiêng kị việc quét dọn, tưới nước hoặc vứt bỏ đồ vật để tránh ‘hao tài’.
Vào ngày mùng Hai tháng Giêng âm lịch, con gái đã xuất giá cùng con rể trở về nhà bố mẹ đẻ. Lúc về nhà, những người này phải nhớ mang theo quà tặng.
Ngày mùng Ba tháng Giêng âm lịch không thích hợp đi chơi xa hay chúc Tết nên mọi người có thể ngủ ở nhà bao lâu tùy thích.
Ngày mùng Bốn tháng Giêng âm lịch là ngày đón ông Táo. Thời cổ đại, người ta thường nghênh đón ông Táo về nhà vào đêm giao thừa hoặc ngày đầu năm mới. Về sau, thời gian đón ông Táo ngày càng muộn hơn. Thời hiện đại, ngày mùng Bốn Tết mới đón Ông trở về nhà. Người ta sẽ bóc bỏ ảnh ông Táo cũ và thay thế bằng một bức ảnh mới tượng trưng cho sự trở lại của ông Táo từ trên trời xuống hạ giới, đồng thời nhắc nhở chính mình cần tích đức hành thiện và khẩn cầu ‘thiện hữu thiện báo’.
Ngày mùng Năm tháng Giêng âm lịch còn gọi là ‘phá ngũ’ (khai trương). Kể từ ngày này trở đi, mọi điều cấm kỵ trong năm mới đều bị loại bỏ, kể cả những quy củ không được quét dọn. Vì vậy, trong ngày này người phương Bắc sẽ vứt rác và đồ cũ, gọi là tống tiễn nghèo nàn, còn người phương Nam sẽ mời Thần Tài đến.
Ngày mùng Bảy tháng Giêng âm lịch là ngày ‘Nhân nhật’. Theo truyền thuyết, khi Nữ Oa Nương Nương tạo ra thương sinh, thì ngày đầu tiên bà tạo ra gà, nên ngày đầu năm mới không được giết gà. Ngày thứ hai bà tạo ra chó, ngày thứ ba tạo ra lợn, ngày thứ tư tạo ra cừu, ngày thứ năm tạo ra bò, ngày thứ sáu tạo ra ngựa, và con người được tạo ra vào ngày thứ bảy. Vì thế, ngày mùng Bảy tháng Giêng âm lịch là sinh nhật của con người. Để chúc mừng ngày ‘Nhân nhật’, người ta nấu canh có bảy loại rau, còn cắt hình người từ giấy màu và đội trên đầu hoặc dán lên bình phong.
Ngày mùng Tám tháng Giêng âm lịch là ngày Ngũ cốc, vì truyền thuyết nói rằng, Nữ Oa đã tạo ra các loại ngũ cốc vào ngày thứ tám. Ngày này còn gọi là lễ ‘Thuận tinh,’ tức ngày các vì sao giáng trần. Vì vậy, mọi người sẽ cúng tế các vì sao và ngắm tinh tượng vào ban đêm để dự đoán năm sau có hạn hán hay có nhiều nước.
Ngày mùng Chín tháng Giêng âm lịch là sinh nhật của Ngọc Hoàng. Vào ngày này, người dân có tục lệ “bái Thiên công”, Thiên công tức là Ngọc Hoàng. Mọi người sẽ đến các đền miếu hoặc lập bàn thờ tại nhà để bày tỏ lòng kính ngưỡng Thần linh.
Tiết Nguyên tiêu vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch còn được gọi là tiết Thượng Nguyên. Ngày này vốn là ngày lễ của Đạo giáo. Sau khi Phật giáo truyền nhập vào Trung Quốc, Hán Minh Đế tôn sùng Phật pháp, nên đã ra lệnh thắp đèn lồng trong cung điện và trong dân gian để lễ Phật. Về sau, tục này dần dần phát triển thành lễ hội dân gian có quy mô lớn. Vào ngày này, đàn ông, phụ nữ và trẻ em ở mọi lứa tuổi đều đi thưởng lãm hội đèn lồng và đoán câu đố, nếu thắng sẽ được tặng đèn lồng. Hơn nữa, mọi người nhất định sẽ ăn bánh nguyên tiêu. Người phương Bắc ăn bánh nguyên tiêu, còn người phương Nam ăn bánh trôi nước.
Hội đèn lồng thời xưa kéo dài từ ba đến mười ngày. Thông thường khi hội đèn lồng kết thúc, không khí náo nhiệt của ngày Tết cũng dần nhạt đi.
Tuy nhiên, như người xưa nói: “Không phải tháng Giêng, mà là năm mới.” Đối với người xưa, từ Tết Nguyên tiêu đến cuối tháng có những ngày rất quan trọng. Rất nhiều người trong chúng ta chắc hẳn chưa bao giờ nghe nói về những ngày này.
Ngày Hai mươi tháng Giêng âm lịch được gọi là ‘Bổ Thiên xuyên’. Truyền thuyết kể rằng, vào ngày này, Nữ Oa đã vá trời, nên các thế hệ sau sẽ làm bánh bột mì và đặt chúng trên mái nhà vào ngày này để tưởng nhớ Thần tích vá trời của Nữ Oa. Tuy nhiên, phong tục này đã không còn phổ biến kể từ thời nhà Minh.
Ngày Hai mươi lăm tháng Giêng âm lịch được gọi là tiết ‘Điền thương’, hay tiết ‘Thiêm thương’. Vào ngày này, người ta sẽ dùng tro bếp làm thành hình kho ngũ cốc rồi chất đầy lương thực vào đó với hy vọng năm mới sẽ được mùa màng bội thu, bản thân mọi người cũng sẽ có một bữa ăn đầy đủ. Phong tục này vẫn được lưu giữ cho đến thời hiện đại.
Ngày Ba mươi tháng Giêng âm lịch còn gọi là ‘Chính nguyệt hối’ hoặc ‘Hối nhật’. Vào ngày này, ban đêm sẽ không có trăng. Vào thời cổ đại, ngày Hối cũng là một ngày quan trọng. Trước thời nhà Đường, tập tục tặng quà cho người nghèo được thực hiện vào những ngày Hối. Nhưng sau thời nhà Thanh, mọi người đổi sang ngày mùng Năm tháng Giêng âm lịch.
Sau ngày Hối là kết thúc tháng Giêng, một năm cũng coi như hoàn tất.
Đối với người Trung Quốc, Tết Nguyên Đán là lễ tiết được xem trọng nhất trong tất cả các lễ hội. Vì vậy, nó không chỉ được chú trọng nhiều hơn mà mọi người ta còn chúc mừng nó trong một thời gian dài.