‘Câu chuyện’ về phong tục Tết: Nhờ người này mà câu đối Tết trở nên phổ biến trong dân gian
Trước giao thừa, thời điểm nào là thích hợp nhất để thay câu đối Tết? Thông thường, sau khi cúng Ông Táo và dọn dẹp sạch sẽ mọi ngóc ngách trong nhà xong là có thể treo hoặc dán câu đối Tết. Trên cửa treo câu đối Tết cũng tương đương như không khí mùa đông đã chuyển sang mùa xuân, nhà nhà lập tức rực rỡ tươi mới. Trong lịch sử văn hóa Trung Hoa, việc dán câu đối Tết bằng giấy ở các gia đình trong dân gian trở nên phổ biến từ khi nào?
Vào thời nhà Tống cách đây hơn nghìn năm, tục treo “đào phù” trong dịp Tết rất phổ biến, nhưng đào phù thời đó không phải là câu đối giấy. Trong bài thơ “Nguyên nhật” của Vương An Thạch, người thời Bắc Tống có câu: “Bạo trúc thanh trung nhất tuế trừ… Tranh bả tân đào hoán cựu phù.” (Tạm dịch: Một năm trôi qua trong tiếng pháo…..Thi nhau thay bùa cũ bằng bùa đào mới.) Trong cuốn “Mộng Lương Lục” ghi chép phong tục ở đô thành Lâm An vào cuối những năm thời Nam Tống có ghi lại vào đêm trừ tịch: “Đính đào phù, thiếp xuân bài” (Đóng đào phù, dán bài xuân). Từ động tác của “tân đào” và “đính” có thể suy tưởng rằng, đào phù khi đó có lẽ là câu đối được chạm viết trên gỗ đào.
Câu đối Tết trở nên phổ biến trong dân gian từ khi nào?
Vào thời nhà Minh, những câu đối hay có nội dung cầu phúc được viết ra trên giấy và dán ở khắp mọi nhà. Lúc đó trong dân gian có người gọi là “câu đối Tết,” nhưng văn tự chính thống vẫn gọi là “đào phù.” Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương có một hứng thú, chính là cải trang vi hành để thưởng lãm câu đối Tết, nghiền ngẫm và vui thích trong việc thưởng thức ý vị của câu đối xuân. Ông hạ chiếu, trước đêm giao thừa, bất luận là công khanh đại sĩ phu, hay thứ dân bách tính đều phải treo câu đối Tết ở ngoài cửa, để ông thưởng thức. [1]
“Uyển Thự Tạp Ký” là sách ghi chép về phong tục ở Bắc Kinh thời nhà Minh. Từ những ghi chép của cuốn sách này, chúng ta có thể thấy triều đình nhà Minh đã tích cực đề xướng câu đối Tết, thúc đẩy từ trung ương đến khắp các địa phương. Nhà Minh lệnh cho các quan phủ, rằng khi quan viên mới đến nhậm chức từ trung ương đến các huyện phủ địa phương và vào dịp năm mới đều phải dán Phù đào, môn Thần. Còn có những nơi như đền thờ Thổ Địa (Công miếu Thổ Địa), cổng nhà,v.v, cũng phải dán “đào phù” vào dịp năm mới. Thậm chí ngay cả số lượng dán bao nhiêu bức và công khố chi bao nhiêu tiền đều có quy định chi tiết.
Có thể thấy, Minh Thái Tổ thông qua quy định của triều đình đã thúc đẩy việc phổ cập câu đối Tết từ quan lại các cấp cho đến bá tính trong dân gian và miếu công thờ Thổ Địa. Sự phổ biến của câu đối Tết vào thời nhà Minh cũng đã được ghi chép lại rõ ràng trong các tác phẩm văn học. Chẳng hạn trong các kiệt tác xuyên thời đại của nhà Minh như “Tây Du Ký”, “Nho Lâm Ngoại Sử” đều đề cập đến câu đối Tết.
Minh Thái Tổ và thú vui thưởng lãm câu đối Tết
Minh Thái Tổ rất thích ngắm nhìn, thưởng thức và sáng tác câu đối Tết. Ông từng ngự bút viết một câu đối tặng cho khai quốc công thần Trung Sơn Vương Từ Đạt, để biểu dương công trạng phi thường của thần tử:
“Phá lỗ bình man, công quán cổ kim nhân đệ nhất; Xuất tướng nhập tướng, tài kiêm văn võ thế vô song.” [2]
Tạm dịch:
“Phá địch bình man, công lao đệ nhất suốt cổ kim; Xuất tướng nhập tướng, văn võ toàn tài thế vô song.”
Vào đêm giao thừa, Thái Tổ cải trang vi hành trong dân gian, thưởng lãm câu đối Tết treo ngoài cửa của nhà dân và vui ở trong đó. Có một lần, ông tình cờ nhìn thấy một hộ dân không dán câu đối Tết. Sau khi hỏi mới biết, hóa ra chủ nhà là người làm nghề thiến lợn và không biết chữ, cũng không tìm được người nhờ viết câu đối. Thế là, ông tự mình động bút viết một câu đối cho nhà này: “Song thủ phách khai sinh tử lộ, Nhất đao cát đoạn thị phi căn.” (Tạm dịch: Hai tay khai mở đường sinh tử, Một dao chặt đứt gốc thị phi.) Sau đó, Thái Tổ lại lần nữa cải trang xuất tuần. Lúc ông đi ngang qua nhà của hộ thiến lợn này vẫn không thấy họ treo câu đối Tết, ông liền hỏi duyên cớ. Người nhà trả lời: “Vì biết đó là ngự thư của Hoàng đế, nên họ treo cao ở gian nhà giữa, mỗi ngày thắp hương cầu chúc Thánh Thượng phúc thọ dài lâu.” Thái Tổ rất vui, tặng cho nhà này 50 lượng bạc và giúp họ đổi nghề khác.[3]
Mặc dù phong tục dán câu đối Tết hiện nay đã dần mai một, nhưng nếu trước giao thừa cuối năm dán câu đối lên cửa, nghênh đón gió xuân ấm áp, đồng thời cũng mang lại cho con người và trời đất một bầu không khí tươi mới!
Chú thích:
[1] Xem thêm: Ghi chép về “Xuân liên” (Câu đối Tết) trong “Trâm Vân Lâu Tạp Thuyết” của Trần Thượng Cổ, thời Thanh.
[2] Xem thêm: Ghi chép về “Xuân liên” (Câu đối Tết) trong “Kim Lăng Tỏa Sự – quyển 1” của Chu Huy, thời Minh.
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ