Vì sao Thanh Minh đổi từ ‘tiết khí’ thành ‘tiết nhật’?
Trong “Tuế thời bách vấn” có viết: “Vạn vật sinh trưởng vào thời điểm này đều trong sạch, thanh khiết nên gọi là Thanh Minh.” Thanh Minh không chỉ là một trong 24 tiết khí truyền thống của Trung Quốc mà còn là ngày quan trọng để mọi người đi tảo mộ và cúng tế tổ tiên. Vào ngày này, người ta lễ bái tiên nhân, cẩn thận tuân theo những lời dạy của tổ tiên.
Thanh Minh là tiết khí thứ năm trong 24 tiết khí. Lúc này, mặt trời nằm tại vị trí 15 độ trong kinh độ hoàng đạo. “Lịch thư” chép rằng: “Xuân phân hậu thập ngũ nhật, Đẩu chỉ Ất, vị Thanh Minh, thời vạn vật giai khiết tề nhi thanh minh, cái thời đương khí thanh cảnh minh, vạn vật giai hiển, nhân thử đắc danh.” Ý nói, lúc này vạn vật thanh khiết, không khí trong lành, phong cảnh tươi sáng xinh đẹp, hoa cỏ cây cối bày ra cảnh tượng sinh trưởng tươi tốt nên được gọi là “Thanh Minh.”
Trong “Thiên văn huấn” sách “Hoài Nam Tử” có nói: “Sau tiết Xuân phân 15 ngày, chòm Bắc Đẩu chỉ hướng Ất thì có gió thanh minh thổi tới.” Sách “Nguyệt lệnh thất thập nhị hậu tập giải” viết: “Tiết tháng ba……vạn vật đến lúc đó đều tinh khiết và trong sáng.” Tiết Thanh Minh đến, nhiệt độ không khí tăng cao, lượng mưa tăng nhiều. Đây chính là thời gian thích hợp để cày cấy trồng trọt vụ xuân (vụ chiêm). Vì thế có câu ngạn ngữ của nhà nông là: “Thanh Minh tiền hậu, điểm qua chủng đậu” (Trước và sau Thanh Minh thì gieo dưa trồng đậu), “Thực thụ tạo lâm, mạc quá thanh minh” (Trồng cây gây rừng chớ quá Thanh Minh).
Thanh Minh có ba ‘hậu’ (năm ngày gọi là một ‘hậu’, ba ‘hậu’ là một khí tiết): “Nhất hậu đồng thủy hoa, nhị hậu điền thử hóa vi am, tam hậu hồng thủy kiến.” Nghĩa là: Vào thời gian này thì đầu tiên là cây Trẩu trắng nở hoa; tiếp đến là không nhìn thấy những con chuột đồng ưa ẩm thấp nữa, chúng đều đã chui xuống sống trong đất cả rồi; sau đó là cầu vồng xuất hiện trên trời sau cơn mưa.” Người ta gọi ngọn gió thổi khi hoa nở gọi là ‘hoa tín phong.’ ‘Hoa tín phong’ trong tiết Thanh Minh là: “Nhất hậu đồng hoa, nhị hậu mạch hoa, tam hậu liễu hoa” (hậu đầu tiên hoa Trẩu nở, hậu thứ hai hoa Lúa mạch nở, hậu thứ ba là hoa Liễu nở.)
Thanh Minh vừa là tiết khí (thời tiết) cũng vừa là tiết nhật (ngày lễ). Vậy vì sao trong 24 tiết khí chỉ có duy nhất “Thanh Minh” là nổi bật hơn cả, và được xem là ngày lễ long trọng?
Tết Hàn Thực và tết Thanh Minh
Các nhà nghiên cứu phong tục dân gian thường nhìn nhận tết Thanh Minh có nguồn gốc từ tết Hàn Thực. “Tết Hàn Thực” có từ thời đại Hoàng Đế, trước triều Hạ hơn 500 năm. Tương truyền “Ti cự thị” được ghi lại trong Chu Lễ vào thời nhà Chu hơn 3,000 năm trước chính là phụ trách việc dùng một cái chuông gỗ để cảnh báo người dân thời tiết khô hanh vào tháng giữa mùa xuân, cẩn thận đèn đuốc, phòng tránh hỏa tai. Sau này, để ngăn chặn hoàn toàn các đám cháy, nên tục lệ này phát triển thành cấm lửa trong một tháng. Trong thời gian này, thức ăn ba bữa đều là thức lạnh lương khô nên được gọi là “tết Hàn Thực.”
Ngoài ra, truyền thuyết về Giới Tử Thôi lưu truyền trong dân gian được cho là nguồn gốc của tết Hàn Thực. Câu chuyện xảy ra vào thời Xuân Thu cách đây hơn 2,600 năm.
Năm 655 Trước Công nguyên, công tử Trọng Nhĩ của nước Tấn vì để trốn tránh bức hại của Ly Cơ, sủng phi của phụ hoàng, mà phải xa xứ rời quê. Ông trải qua 19 năm lưu vong khắp nơi, chịu đựng đủ gian khổ. Tại một nơi vắng vẻ không người trên đất Vệ, công tử Trọng Nhĩ hết lương, tính mệnh như chuông treo chỉ mành. Tùy tùng đi theo không tìm được một chút thức ăn nào. Lúc này, Giới Tử Thôi mang đến một bát canh thịt đưa công tử uống. Trọng Nhĩ dần dần khôi phục tinh thần và bảo toàn được tính mạng. Sau đó, Trọng Nhĩ mới biết Giới Tử Thôi đã tự cắt thịt đùi của mình để nấu canh cứu mạng mình.
Trọng Nhĩ rất cảm động, nói rằng nhất định sau này sẽ báo đáp. Năm 636 Trước Công nguyên, Trọng Nhĩ trở thành vua nước Tấn, gọi là Tấn Văn Công, một trong Ngũ Bá thời Xuân Thu. Sau khi về nước lên ngôi, ông ban thưởng rất hậu cho quần thần, nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cho rằng Trọng Nhĩ phục quốc là Thiên ý nên không muốn “lấy công của Trời xem là năng lực của mình.” Vì vậy, ông cõng mẹ già đến ẩn cư tại Miên Sơn, tỉnh Sơn Tây. Lúc Tấn Văn Công nhớ đến và cho tìm kiếm Giới Tử Thôi nhưng Giới Tử Thôi không đồng ý gặp mặt.
Tấn Văn Công nghe lời các đại thần kiến nghị, phóng hỏa đốt núi để buộc hai mẹ con Giới Tử Thôi phải đi ra. Sau khi lửa tắt mới phát hiện mẫu tử dựa lưng vào nhau và qua đời dưới gốc một cây liễu lớn. Tấn Văn Công vô cùng hối hận nhưng không thể cứu vãn. Ông đành an táng Giới Tử Thôi trên Giới Công Lĩnh, đồng thời hạ lệnh chọn ngày Giới Tử Thôi mất làm tết Hàn Thực. Vào ngày này, người dân ăn đồ ăn lạnh một tháng, không được đốt lửa.
Vào mỗi dịp tết Hàn Thực, người dân đều lên Miên Sơn lễ bái và điều này đã trở thành phong tục. Về sau, ngày lễ này dần dần mở rộng ra và phát triển thành hoạt động thờ cúng tổ tiên trong gia đình. Đến khi Tào Tháo đăng cơ thành Ngụy vương, ông cho sửa đổi tết Hàn Thực thành ba ngày.
Nhà nghiên cứu phong tục dân gian ở Trung Quốc Đại lục Trương Bột trong cuốn “Trung Quốc tiết nhật tùng thư – Thanh Minh tiết” đã giới thiệu rằng, vào đầu thời nhà Đường, tết Hàn Thực được ấn định vào 105 ngày sau Đông chí, và khoảng cách giữa Đông chí và tết Thanh Minh là khoảng 106 hoặc 107 ngày. Vì vậy tết Hàn Thực và tết Thanh Minh chỉ cách nhau một hoặc hai ngày. Do tết Hàn Thực không phải chỉ có một ngày nên ngày Thanh Minh trở thành một phần của tết Hàn Thực.
Quy định ‘cải hỏa’ và tết Thanh Minh
Ngoài ra, ông Trương Bột cho rằng, quy định về ‘cải hỏa’ cũng có tác dụng nhất định đối với sự phát triển của tết Thanh Minh. Sau khi người xưa sử dụng lửa nhân tạo, họ giữ mồi lửa suốt ngày đêm không tắt, để đảm bảo cho việc sưởi ấm, nhóm lửa nấu ăn, chiếu sáng và các nhu cầu thường nhật khác của con người. “Trong suy nghĩ của người cổ đại, vạn vật đều có linh, lửa cũng không ngoại lệ. Ngọn lửa không ngừng dao động, lửa nhỏ nhanh chóng biến thành lửa lớn, lại thêm vào mồi lửa cả năm không tắt, khiến ngọn lửa càng giống một vật có sinh mệnh.”
Người ta cho rằng cần định kỳ dập tắt lửa cũ, đốt lửa mới, gọi là ‘cải hỏa’ (đổi lửa). ‘Cải hỏa’ xuất hiện sớm nhất trong “Quản Tử – Cấm tàng”: “Tháng ba mùa xuân cần sửa nhà sửa bếp, còn phải khoan vào cây tạo ra lửa mới, đào giếng đổi nước, để trừ độc hại.”
Trong “Hậu Hán thư – Lễ nghi chí” có viết rõ ràng rằng: “Vào ngày Đông chí, cần khoan vào cây tạo ra lửa mới.” Không chỉ như vậy, thời Trung Quốc cổ đại còn có chức quan chuyên trách việc ‘cải hỏa.’ Thời Chu gọi là Ti Quán, “chưởng hành hỏa chi chính lệnh, tứ thời biến quốc hỏa, dĩ cứu thời tật.” (Nắm giữ thi hành hỏa lệnh của chính quyền, thay đổi lửa theo bốn mùa nhằm phòng trị bệnh theo mùa). Thời Hán gọi là ‘Biệt hỏa chửng,’ cũng phụ trách các việc cụ thể về ‘cải hỏa.’ Đến thời nhà Đường, các quy định về ‘cải hỏa’ được phục hưng. Cách thức ‘cải hỏa’ không chỉ có trong cung đình mà trong dân gian cũng lưu hành phổ biến.
Theo tài liệu lịch sử chép lại, vào tết Hàn Thực ngọn lửa thường dùng bị dập tắt và lửa mới được nhóm lại vào ngày Thanh Minh. Việc dập tắt và nhóm lại này tạo nên hoạt động ‘cải hỏa’ vào thời nhà Đường. Ông Trương Bột tin rằng, vì đây là thời điểm có được lửa mới nên ngày Thanh Minh càng trở nên nổi bật và trở thành một ngày lễ độc lập.
Ngoài ra, Hoàng đế sẽ “ban lửa mới” vào ngày Thanh Minh. Theo ghi chép trong “Liễn hạ tuế thời ký”: “Vào dịp Thanh Minh, trẻ em trong Thượng Thực Nội Nguyên Cung (phụ trách ăn uống cho hoàng gia) sẽ khoan gỗ lấy lửa trước điện. Người đầu tiên nhóm được lửa sẽ tiến lên trước và được ban cho ba tấm lụa, một chiếc bát vàng.” Sau đó, Hoàng đế sẽ lấy ngọn lửa mới khoan được ban cho các vị đại thần.
Vào đầu thời nhà Đường, việc tế mộ vào dịp tết Hàn Thực đã thịnh hành trong dân gian. Trong thời trị vì của Hoàng đế Đường Huyền Tông, tập tục này còn được đưa vào “Đại Đường khai nguyên lễ” và trở thành một bộ phận trong lễ chế quốc gia. Ít nhất là vào giữa thời nhà Đường, việc đưa tiền giấy cho người đã khuất trong lúc tế mộ đã trở thành một phong tục phổ biến. Vì vậy nhà thơ nổi tiếng Trương Tịch đã có câu thơ rằng “Hàn Thực gia gia tống chỉ tiền” (Hàn Thực nhà nhà đưa tiền giấy).
Ông Trương Bột viết trong cuốn sách của mình rằng, vì bị cấm đốt lửa trong tết Hàn Thực, nên tiền giấy không được đốt mà chỉ có thể ném hoặc áp lên trên mộ hoặc treo ở vị trí nào đó. Người ta tin rằng, tiền giấy không được đốt cháy thì không cách nào chuyển xuống âm gian. Giống như Vương Kiến đã nói trong cuốn “Hàn Thực hành”: “Ba ngày không lửa đốt tiền giấy, tiền giấy làm sao tới hoàng tuyền?” Vì vậy, người ta thích chọn ngày Thanh Minh để đến tế và quét mộ vì lúc ấy có thể sử dụng lửa. Điều này làm cho địa vị của tiết Thanh Minh càng trở nên quan trọng hơn.
Đến thời nhà Tống, triều đình không còn nhấn mạnh tục cấm lửa nữa. Lúc này, “tết Hàn Thực” dần dần được thay thế bằng “tết Thanh Minh.” Các tập tục của tết Hàn Thực cũng được tết Thanh Minh kế thừa, bao gồm hơn mười loại hoạt động: bái tế tảo mộ, tế tổ tiên, giao du, đá bóng, đạp thanh (chỉ cuộc đi chơi ngoài trời trong tết Thanh Minh), xích đu, đá gà, khắc vỏ trứng, kéo co, sáng tác thơ phú, thưởng hoa, v.v..