Theo phong tục Nhật Bản, vì sao vào tiết Lập xuân lại rải đậu và dán chữ ‘Lập xuân đại cát’ để xua đuổi tà ma?
Ở Nhật Bản, tháng Hai còn được gọi bằng một cái tên rất tao nhã: “Như Nguyệt” (Kisaragi), có nghĩa là cần mặc thêm quần áo để chống rét. Thực tế đúng là như vậy! Mặc dù đã bước vào tháng Hai, sắc xuân dần đậm, nhưng thỉnh thoảng tiết khí mùa xuân vẫn còn se lạnh. Để chống lại khí lạnh mùa xuân, đôi khi cần phải mặc thêm quần áo. Song, khí se lạnh còn lại đó rốt cuộc không ngăn được ý xuân nồng nàn. Độ rét lạnh giảm dần từng ngày, băng tuyết trên núi tan ra, để lộ mầm xuân non xanh đầy sức sống. Chính vì vậy, tháng Hai còn có những tên gọi mỹ miều như: Tiểu thảo sinh nguyệt, Hoa triêu, Trọng xuân, Sơ hoa nguyệt, Mai tân tảo nguyệt, Lệnh nguyệt, Lệ nguyệt, v.v.
Lập xuân và 24 tiết khí
Lập xuân là một trong 24 tiết khí, đánh dấu sự kết thúc của mùa đông và bắt đầu mùa xuân.
Từ Trái Đất chúng ta nhìn thấy, quỹ đạo chuyển động của Mặt Trời trên thiên cầu trong một năm được gọi là “Hoàng đạo.” Dùng 360o của kinh độ hoàng đạo để đo, từ điểm Xuân phân chia đều hoàng đạo thành 24 phần, vậy nên có 24 tiết khí trên các điểm của hoàng đạo, điểm của mỗi tiết khí cách nhau 15o. Điểm của tiết Xuân phân có kinh độ hoàng đạo là 0o, tiết Thanh Minh có kinh độ hoàng đạo là 15o. Cứ tính như thế cho các tiết khí khác, đến tiết Lập xuân kinh độ hoàng đạo là 315o, tiết Vũ thủy là 330o, tiết Kinh trập là 345o, sau đó trở lại điểm khởi đầu Xuân phân là 360o. Phân chia theo mùa cũng như vậy: Một năm chia thành bốn mùa, mỗi mùa lại chia thành sơ, trọng, vãn (đầu mùa, giữa mùa, cuối mùa), lại chia mỗi sơ, trọng, vãn thành hai tiết khí, từ đó tạo thành nên 24 tiết khí trong một năm.
Điều đáng chú ý là, khi sắp xếp thứ tự 24 tiết khí trong lịch sử, Xuân phân không phải là tiết bắt đầu của một năm, mà một năm bắt đầu được tính từ tiết Lập xuân, và kết thúc ở tiết Đại hàn. 24 tiết khí gồm có 12 tiết khí và 12 trung khí, các tiết khí và trung khí được sắp xếp xen kẽ nhau. Ở Nhật Bản ngày nay thường không phân chia tiết khí và trung khí theo kiểu này, mà chỉ nói có 24 tiết khí. Trong thời kỳ Muromachi (năm 1338-1573), vương triều đã lấy tiết Lập xuân làm thời điểm phân chia mùa đông với mùa xuân, và khá xem trọng việc nghênh đón tiết Lập xuân giống như đón năm mới.
Nguyên mẫu của 24 tiết khí được tạo ra vào thời Ân Thương, bổ sung vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, và định hình vào thời nhà Hán. Trong cuốn “Hoài Nam Tử” của Lưu An (thời Tây Hán), tên của 24 tiết khí đã đầy đủ như ngày nay.
24 tiết khí là sản phẩm của nền văn minh Trung Quốc cổ đại, chủ yếu phản ánh trạng thái khí tượng và tự nhiên ở khu vực trung và hạ lưu sông Hoàng Hà. Nhật Bản đã giữ nguyên và áp dụng 24 tiết khí này không thay đổi, nên có một số điểm sai lệch, không phản ánh chính xác khí tượng, tự nhiên của Nhật Bản.
Tiết khí được sáng tạo theo phong tục tập quán dân gian Nhật Bản
Hiện chưa xác định được thời gian cụ thể khi 24 tiết khí được truyền nhập vào Nhật Bản, nhưng muộn nhất là vào thời kỳ Heian (thời kỳ Bình An, năm 794 – 1185) thì đã được sử dụng. Bởi vì 24 tiết khí của Trung Quốc không thể phản ánh chính xác tình trạng khí hậu Nhật Bản, do đó, để thuận tiện cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, trong dân gian đã có một số bổ sung cho 24 tiết khí. Họ đã sáng tạo ra “tạp tiết” (tiết phụ) phù hợp với khí tượng, nông nghiệp, tín ngưỡng và phong tục nước mình. Ví dụ như “Tiết phân” (Setsubun – trước ngày Lập xuân một ngày), “Bỉ ngạn” (Higan – lễ Thanh Minh trong tiết Thanh minh), “Bát thập bát dạ” (Hachijuuhachiya – đêm thứ 88 sau ngày Lập xuân), “Nhập mai” (Nyubai – Ngày bắt đầu của mùa mưa), “Bán hạ sinh” (Hangesho – ngày thứ 11 sau ngày Hạ chí), “Thổ dụng” (Doyo no ushi no hi – ngày hè nóng nhất trong năm), “Nhị bách thập nhật” (Nihyaku tooka – ngày thứ 210 sau ngày Lập xuân), v.v… Năm 1873, Nhật Bản bắt đầu sử dụng lịch phương Tây, đồng thời xóa bỏ một số ngày “tạp tiết” được cho là không khoa học. Tuy nhiên, các ngày lễ như “Higan”, “Setsubun”… vẫn được lưu truyền và sử dụng cho đến ngày nay.
Ở Trung Quốc thời cổ đại, trên cơ sở 24 tiết khí, mỗi tiết khí được chia thành 3 hậu, nên một năm có 72 hậu, mỗi hậu có 5 ngày. Ví dụ, tiết Lập xuân có 3 hậu gồm: Đông phong giải đống (gió xuân làm tuyết tan), trập trùng thủy chấn (các loài sâu bọ sống trong đất bắt đầu giao động), ngư thượng băng (cá ngoi lên trên lớp băng). Thời kỳ Edo ở Nhật Bản, để phản ánh chính xác hơn khí tượng tự nhiên của nước này, người Nhật đã sửa đổi 72 hậu của Trung Quốc, và thiết lập nên “Bản triều thất thập nhị hậu” (72 hậu của bổn triều). Ví dụ như: Thay đổi hậu thứ hai “trập trùng thủy chấn” trong tiết Lập xuân của Trung Quốc thành “Hoàng oanh hiển hoản” (chim Hoàng oanh bắt đầu hót), v.v…
Rải đậu xua đuổi ma quỷ
Tiết phân là ngày Tạp tiết do người Nhật Bản tự sáng tạo ra để gọi một ngày trước các tiết Lập xuân, Lập hạ, Lập thu và Lập đông, ý là ngày ranh giới giữa các mùa; một năm có bốn ngày như vậy.
Người xưa cho rằng, vào những ngày chuyển đổi giữa các tiết khí, các mùa, đặc biệt là vào lúc chuyển năm mới, âm khí ma quỷ có thể xuất hiện, vì vậy phải tổ chức các nghi lễ để trừ tà, xua đuổi ma quỷ. Cho đến ngày nay, mỗi dịp Tiết phân của Lập xuân, người dân Nhật Bản vẫn giữ truyền thống ăn một loại sushi gọi là “Ehomaki,” ném đậu nành đã rang chín để trừ tai họa và xua đuổi tà ma. Phong tục ném đậu cũng được truyền nhập từ Trung Quốc.
Vào thời kỳ Nara (thời kỳ Nại Lương, năm 710-794), phong tục dùng kiếm gỗ đào để xua đuổi ma quỷ trong tháng Giêng của Trung Quốc được truyền sang Nhật Bản. Theo ghi chép lịch sử, vào năm thứ 3 Keiun (thời kỳ Khánh Vân, năm 706) thời Thiên hoàng Monmu, đã cử hành nghi thức này lần đầu tiên ở trong cung. Thời kỳ Heian (794–1192), rải đậu là một trong nhiều nghi thức được cử hành ở trong cung. Đến thời Edo (1603–1867), phong tục dùng kiếm gỗ đào trừ ma quỷ được đổi thành phong tục ném hạt đậu xua đuổi ma quỷ, đồng thời phổ biến rộng rãi trong dân gian và được lưu truyền cho đến ngày nay.
Vào ngày Lập xuân, một số nhà còn dán lá bùa có dòng chữ “Lập xuân đại cát” để xua đuổi tà ma. Bốn chữ này phải viết ngay ngắn đối xứng, nhìn từ phía trước hay nhìn từ phía sau đều là “Lập xuân đại cát.” Theo cách nói của người xưa, trên giấy dán cửa có dán chữ “Lập xuân đại cát,” thì ma quỷ sau khi vào nhà, quay đầu nhìn lại sẽ vẫn thấy chữ dòng chữ này, nên nghĩ: Mình đã đến nhà này rồi, quay về thôi … Thế là gia đình này sẽ được bình an, may mắn.
Lá bùa có dòng chữ “Lập xuân đại cát” phải dán ở phía trên bên phải của cửa, đó là hướng đông bắc, hướng ma quỷ kiêng kỵ. Lá bùa này phải được dán vào buổi sáng sớm ngày Lập xuân, dán ở đó suốt một năm, cho đến tiết Lập xuân năm sau, khi dán lá bùa mới thì gỡ lá bùa cũ xuống.
Ngày lễ Kỷ Nguyên
Ngày 11/02 là ngày kỷ niệm lập quốc (Kenkoku Kinen no Hi) của Nhật Bản. Ngày kỷ niệm lập quốc dựa vào gì để định rõ? Các quốc gia dựa vào lịch sử và tình hình đất nước của mình để định ra ngày kỷ niệm này. Mặc dù lịch sử Nhật Bản trải qua nhiều đợt nội loạn và ngoại chiến, nhưng từ xưa tới nay vẫn luôn là một quốc gia độc lập. Tuy vậy, Nhật Bản lại không có ghi chép rõ ràng về việc lập quốc. Vì thế, căn cứ vào lịch sử và văn hóa Nhật Bản, vào năm Meiji thứ 5 (1873), chính phủ Nhật Bản đã quyết định lấy ngày Thiên hoàng đầu tiên lên ngôi làm ngày kỷ niệm lập quốc của Nhật Bản.
Theo quyển thứ ba của “Nhật Bản thư kỷ” (năm 720) ghi chép, “Vào tháng Giêng mùa xuân năm Tân Dậu, Kamuyamato Iwarebiko, Thiên hoàng lên ngôi tại Cung điện Kashihara.” Thiên hoàng được nhắc đến ở đây là Thiên hoàng Jinmu, chắt đời thứ năm của Thiên Chiếu Đại Thần (Amaterasu-ōmikami), ông lên ngôi vào ngày 01 tháng 01 năm 660 TCN. Theo cách chuyển đổi của dương lịch (lịch Gregory) được sử dụng vào thời Meiji, ngày Thiên hoàng Jinmu lên ngôi là ngày 11 tháng Hai, nên ngày kỷ niệm lập quốc của Nhật Bản cũng được xác định vào ngày đó.
Những ghi chép liên quan như “Cổ sự ký” và “Nhật Bản thư kỷ” thường được xem là truyền thuyết thần thoại hoặc truyền thuyết thần thoại đan xen với sự thật lịch sử. Tuy nhiên, dù xét ở quan điểm nào, từ những ghi chép trong đó đều có thể thấy được lịch sử tương đối hoàn chỉnh, mạch lạc cùng cách giải thích văn hóa khá hợp lý. Theo cách giải thích này, Jinmu chính là vị Thiên hoàng đời thứ nhất của dân tộc Đại Hòa (Nhật Bản) lấy thân phàm trần để hành thế sự, cho nên lấy ngày ông lên ngôi làm ngày kỷ niệm lập quốc cũng rất hợp lý.
Tuy nhiên, trước khi định ngày kỷ niệm lập quốc, ngày 11 tháng Hai được xem là ngày Kỷ Nguyên của Nhật Bản, được đặt tên là “Lễ Kỷ Nguyên.” Cho đến năm Showa thứ 23 (năm 1948), đây vẫn là ngày lễ mang tầm quốc gia. Sau Đệ nhị Thế chiến, với sự can thiệp của Bộ Tư lệnh Lực lượng Đồng minh, lấy lý do Hoàng gia có quan hệ quá sâu sắc với Thần đạo, nên năm Showa thứ 22 (năm 1947) chính quyền đương thời đã xóa bỏ ngày “Lễ Kỷ Nguyên” của quốc gia này. Về sau, có nhiều lời kêu gọi yêu cầu khôi phục ngày “Lễ Kỷ Nguyên,” cho nên ngày này được đổi tên thành ngày kỷ niệm lập quốc. Đồng thời vào năm Showa thứ 41 (1966), ngày 11 tháng Hai được chỉ định là ngày lễ quốc gia của Nhật Bản.
Vương kỷ
Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới vẫn còn sử dụng phương pháp tính năm riêng bên cạnh cách tính năm thông thường của lịch phương Tây. Ví dụ, ở Nhật Bản, ngoài lịch phương Tây, còn sử dụng nguyên hiệu của Thiên Hoàng (còn được gọi là niên hiệu) để tính năm và thực hiện song song hai loại lịch pháp này. Từ thời Asuka (Thời kỳ Phi Điểu, 592-710) bắt đầu sử dụng niên hiệu. Niên hiệu sớm nhất là “Taika” (Đại Hóa, 645-650) và cho đến ngày nay niên hiệu là “Reiwa” (Lệnh Hòa, từ 2019 đến nay), tổng cộng trải qua 251 niên hiệu. Trong đó, các niên hiệu “Gentoku” (Nguyên Đức), “Kenmu” (Kiến Vũ), “Meitoku” (Minh Đức) thời Nam Bắc Triều là sử dụng lại niên hiệu đã có từ thời trước.
Trong lịch sử, ngoài cách tính năm theo niên hiệu, còn có cách tính năm “Vương kỷ.” Vào năm Meiji thứ 5, chính phủ Nhật Bản còn quy định: lấy năm 660 trước Công nguyên, khi Thiên hoàng Jinmu lên ngôi, là năm đầu tiên của “Vương kỷ,” và tiếp tục tồn tại cho đến hiện nay.
Cùng năm đó, chính phủ Nhật Bản cũng tuyên bố sử dụng Dương lịch (lịch Gregory) để hòa nhập với thế giới. Nhưng dương lịch chỉ thực sự phổ biến sau Đệ nhị Thế chiến. Trước đó, ở Nhật Bản đều sử dụng niên hiệu và Vương kỷ. Ví dụ: nếu xem các tài liệu đối ngoại của Nhật Bản trước Đệ nhị Thế chiến, hầu hết các ngày được ghi lại trên đó không theo dương lịch mà theo tên Vương kỷ và niên hiệu. Đối với các văn bản đối nội, Nhật Bản thường chỉ sử dụng các niên hiệu như Meiji (Minh Trị) và Taisho (Đại Chính). Mặc dù thời Showa sử dụng Vương kỷ thường xuyên hơn, nhưng kể từ sau Đệ nhị Thế chiến, cách tính năm theo Vương kỷ dần biến mất trong công chúng. Còn trong những giới liên quan đến sử học và Thần đạo vẫn kế thừa cách tính năm như cũ. Căn cứ vào cách tính năm theo Vương kỷ của Nhật Bản, thì năm 2024 là năm Vương kỷ thứ 2684.
Dương lịch hiện nay sử dụng năm sinh của Chúa Jesus là năm đầu tiên của Dương lịch. Năm nay là năm thứ 2024 theo năm sinh của Chúa Jesus. Ở Trung Quốc còn có cách tính năm theo thời đại Hoàng Đế, lấy năm Hoàng Đế lên ngôi (năm 2697 TCN) làm năm đầu tiên. Theo cách tính này, năm nay của Trung Quốc là năm thứ 4721 thời đại Hoàng Đế.
Tài liệu tham khảo:
Niên lịch Nhật Bản (trang web Thư viện quốc gia) https://www.ndl.go.jp/koyomi/index.html
Nghiên cứu văn hóa Nhật Bản https://jpnculture.net/kigensetsu/