Kiệt tác hội họa ‘Thanh minh thượng hà đồ’: Cuộc sống chốn thị thành thời Trung Hoa cổ
Trong tác phẩm “Thanh minh thượng hà đồ” của hoạ sĩ hàn lâm Trương Trạch Đoan (Zhang Zeduan, tự Chính Đạo, 1085 – 1145), đã phác họa vô cùng tỉ mỉ từng ngôi nhà, chiếc thuyền, cửa hàng cũng như từng quán ăn; và mô tả con người từ mọi tầng lớp xã hội trong một bức tranh; (toàn cảnh bức tranh tổng cộng 814 nhân vật, 20 phương tiện đi lại, 60 con vật và 170 cây cối), những người Trung Hoa cổ đại thời ấy mỗi khi xem tranh thì như thấy chính mình trong ở đó. Tại cuộc sống của thế kỷ 21 hiện nay, bức họa giúp chúng ta trở về với quá khứ đầy sôi động và là cơ hội để nhìn lại cuộc sống chốn thị thành thời xa xưa.
Người Trung Hoa cổ đại tin rằng, một thành phố là một cỗ máy công nghiệp được kiến tạo bởi thiên ý. Chữ “thành phố” trong Hán Tự nhà Thương miêu tả [hình ảnh] một người đang quỳ xuống sau bức tường thành. Bức tường thành không chỉ đóng vai trò phòng thủ người dân nội thành mà còn là biểu tượng cho quyền lực của một đất nước.
Cũng như những nền văn minh cổ đại khác, nền văn minh Hoa Hạ đã phát triển dọc theo những bờ sông. Bức tranh “Thanh minh thượng hà đồ” phác họa một thành phố bên cạnh Sông Biện (Biện Hà), một trong những mạch sống của thời Bắc Tống. Cuộn tranh dài hơn 5 yard (hơn 12 cm) diễn tả cuộc sống thành thị trong thời kỳ kinh tế nhà Tống hưng thịnh. Với những hoạt động giao thương nhộn nhịp, bức tranh được vẽ trên nền thủ đô Biện Kinh của nhà Bắc Tống, nay là thành phố Khai Phong thuộc tỉnh Hà Nam. Trung Hoa cổ đại có một số thành phố lớn nhất thế giới vào năm 1100, mốc thời gian được khéo léo mô tả trong cuộn tranh này.
Tên của bức tranh gợi ý rằng, quang cảnh diễn ra vào Tiết Thanh Minh, một lễ tảo mộ diễn ra trong tháng 4, vào 100 ngày sau ngày đông chí.
Tuy nhiên, các phong tục truyền thống như tảo mộ hay thờ cúng tổ tiên không được miêu tả trực tiếp trong tác phẩm, nhưng qua các tiểu tiết trong tranh, người ta có thể thấy được những phong tục này. (Thanh Minh cũng có thể được dịch là “yên bình và có trật tự”, và vì trong tranh không có những người ăn mày hay những khu nghèo đói, cuộn tranh có thể được hiểu như một hình ảnh lý tưởng của một thành phố thời nhà Tống.)
Những cuộn tranh như thế này thường được xem theo từng phần một – mỗi phần dài một thước tay – từ phải qua trái. Khi mở cuộn tranh, chúng ta sẽ thấy được vẻ lộng lẫy của thành phố với những con đường, những cây cầu, những tòa nhà, cửa hàng, nhà hàng và những đám đông sôi động; đưa chúng ta vào một cuộc hành trình dọc theo bờ sông. Nhìn chung, bức họa đã cung cấp một cái nhìn toàn cảnh của thành phố, giống như những cảnh quay dài trong một thước phim.
1. Cuộn tranh bắt đầu vào một buổi sớm bình minh với hình ảnh người tiều phu dẫn theo vài chú lừa đi qua cây cầu phổ biến ở các vùng nông thôn. Những cây du đã trở nên cằn cỗi sau khi rụng hết lá, báo hiệu thời gian là mùa đông hay đầu xuân. Một con suối ở phía trước dẫn đến một ngôi nhà gỗ có mái ngói nằm trong rừng. Một bầu không khí tĩnh lặng bao trùm khung cảnh.
2. Ở đây chúng ta thấy có vài cây liễu; [người ta] tin rằng cây liễu có khả năng xua đuổi tà ma. Những thân cây đầy sẹo do bị cắt cành sẽ mọc lên những chồi non mới sum suê vào mùa xuân. Phía sau rặng cây liễu, một đoàn người đang khiêng một chiếc kiệu với những cành liễu xung quanh. Trong đoàn diễu hành này là những người lao động với những cây chổi liễu; có lẽ họ vừa trở về sau một cuộc tảo mộ ở miền quê. Ngay trước dòng suối, hai người phụ nữ quàng khăn đang cưỡi lừa với ba người đàn ông hộ tống; họ đang trên đường [tảo mộ] để tỏ lòng thành kính với tổ tiên.
3. Gần bờ sông, mọi người đang thức dậy và bắt đầu các công việc buổi sáng của mình. Một số người đang ăn sáng trong một cửa hàng bán bánh bao bên đường, trong khi chủ một nhà hàng vừa mới chuẩn bị lắp cột để mở cửa. Một thương gia ngồi trên một bao thóc bên bờ sông và như có vẻ đang ra lệnh cho công nhân lấy thóc từ chiếc thuyền đậu bên bờ sông.
4. Khi dòng sông mở rộng, bố cục của bức tranh chia ra phần mặt nước và phần đất liền. Một chiếc dây kéo neo nối với một cột buồm kéo dài suốt chiều dài của phần tranh này, với các công nhân đang kéo thuyền ngược dòng. Nhìn qua cửa sổ trên những chiếc thuyền người ta có thể thấy đồ đạc dùng cho khách du lịch, còn các thuyền viên thì đang chuẩn bị thuyền. Về phía bên trái, tám người lái thuyền đang dùng mái chèo để chèo thuyền; và phía trước, một phụ nữ treo quần áo trên thuyền và đang đổ nước xuống sông sau khi giặt giũ.
5. Chúng ta cuối cùng cũng đến được Cầu Vồng, điểm nhấn ấn tượng của bức tranh. Phía bên tay phải cây cầu, một chiếc thuyền đang đến gần từ một góc khá khó khăn, khi dòng chảy mạnh mẽ như muốn đẩy nó vào cây cầu. Những người lái thuyền đang nhanh chóng hạ thấp cột buồm trong khi một người cố gắng lấy đòn bẩy bằng cách cách móc vào cây cầu phía trên. Người trên cầu đứng xem một cách lo lắng khi một người nào đó đã quăng xuống một cuộn dây không cuộn. Phía bên tay trái chiếc thuyền, một vài người đàn ông đang tăng tốc về phía chiếc thuyền ở bờ đối diện để tránh bị va chạm.
Trong khi đó, trên cầu cũng nhộn nhịp không kém với rất nhiều các hoạt động: Người đi trên cầu và các quầy bán đồ ăn chật khắp hai bên cầu, khiến lưu thông trên cầu càng khó khăn. Có khả năng xảy ra một vụ va chạm khác trên cầu khi một số người chở kiệu đang đi ngược đường với những người cưỡi ngựa. Những công nhân gần bờ sông gánh hàng trên vai và trên những con lừa đang cố gắng băng sang bờ bên kia. Ở phía dưới bên tay trái, một người đàn ông đang đẩy xe thồ bên cạnh một cửa hàng bán hàng rong trong khi ba công nhân khác đang hạ đòn gánh xuống để mua đồ giải khát từ một quầy hàng dưới ô. Khi nhìn khung cảnh này chúng ta như đang ở trong cảnh tắc đường vẫn thường diễn ra trên đường phố hiện nay.
6. Sự nhộn nhịp dần lắng xuống khi chúng ta bị thu hút bởi một quầy bar Trung Hoa, với cấu trúc lưới tre cao vút và lá cờ ba sọc; những đặc điểm nổi bật thường thấy của các cửa hàng rượu. Bên cạnh một chú ngựa, một người phục vụ đang chuẩn bị hai chiếc bát với những đôi đũa cho một đơn hàng mang đi. Ở góc dưới bên phải, một thương nhân đang thương lượng với một người phụ nữ đi cùng một đứa trẻ nhỏ trong khi một người bán hàng đang bán dây thừng từ chiếc xe đẩy của anh ta ngay phía trên họ. Phía bên trái cánh cổng, những khách hàng đang ngồi quanh một chiếc bàn trong một nhà hàng trong khi một người phụ nữ đang nhìn xuống phía dưới với cánh tay đặt ra ngoài cửa sổ. Một số chiếc thuyền đang đi trên sông trong khi những công nhân đang kéo một chiếc khác ngược dòng.
7. Quang cảnh dần chuyển sang nửa sau của ngày, và con sông dần chảy lên trên và khuất khỏi tầm mắt [chúng ta]. Ở gần bờ sông, ba công nhân đang gánh hàng lên những chiếc thuyền. Một con phố quanh co đi dọc theo bờ sông với các cửa hàng và nhà hàng đầy khắp hai bên đường. Hai con bò kéo theo một chiếc xe trong khi một phụ nữ cưỡi ngựa theo sau. Một số sự kiện cho thấy rằng đã đến giờ ăn trưa khi một người hầu gái đang mang bát cho cô chủ của mình trong xe kiệu, một công nhân khác đang vác một chiếc nồi hấp và một chiếc bàn gấp. Đi dọc theo con phố, chúng ta thấy một người thợ làm bánh xe và người học việc của anh ta đang đóng một chiếc xe từ những mảnh khung gỗ trên mặt đất. Đi xa hơn nữa, chúng ta thấy một người đàn ông đang ngồi kể chuyện với đám đông đang vây quanh.
8. Mọi người hòa mình vào trên một chiếc cầu giống cầu nổi [trên biển] bắc qua một dòng sông khác. Trên cầu, nhiều người đàn ông trí thức mặc áo dài trông giống như những quan chức cấp thấp, nhân viên chính phủ và sinh viên đang đội khăn trùm đầu để cuốn tóc. Mặt khác, những người lao động và công nhân thì lại mặc quần dài để làm việc hiệu quả hơn. Những con bò kéo hai chiếc xe lớn chất đầy hàng gia dụng, phía bên tay phải là một người phụ nữ trên lưng ngựa đội mũ rơm đang đi cùng người hầu của mình theo hướng ngược lại. Ở phía xa, một nhà sư đang đứng cạnh một ngôi chùa Phật Giáo với những cánh cửa nạm đinh.
9. Cổng thành cao chót vót đánh dấu biên giới thành phố và là một điểm nhấn nữa của bức tranh. Cổng thành được xây bằng gạch và mang các đặc điểm kiến trúc đặc trưng của nhà Đường và nhà Tống; như cấu trúc Đấu Củng, được tạo thành từ các giá đỡ bằng gỗ lồng vào nhau để đỡ dầm và cột nối. Nhìn theo bậc thang dốc lên trên vào căn phòng, người ta thấy một chiếc trống tanggu, hay còn gọi là trống Trung Hoa được treo ngang trên khung;. Trong khi đó, những chú lạc đà từ sa mạc xa xôi đang đi qua chiếc cổng bên dưới.
10. Phía bên kia cánh cổng, [chúng ta] thấy một quán trọ ba tầng lạ mắt với mặt tiền là một quán rượu. Khách hàng đến đây trên những chiếc kiệu và chuẩn bị bước vào quán trong khi trong khi lối vào có hai tấm biển ghi “bán buôn” và “rượu thơm.” Những người hầu gái đang phân loại chổi từ hai chiếc thùng lớn phía trước quán trọ để dùng cho việc tảo mộ. Ở phía bên phải, một người đàn ông đang dùng thử cung tên trong một cửa hàng. Phía bên trái quán rượu, những người bán hàng đang bán đồ giải khát và một đám đông những người trí thức đang vây quanh một người kể chuyện. Hoạt động bên ngoài cổng thành đã miêu tả chính xác cuộc cách mạng thương nghiệp thế kỷ 12 đã giải thoát các thành phố khỏi sự hạn chế của chính quyền và sự phát triển đã lan ra ngoài thành như thế nào.
11. Khu vực ngã tư chứa đầy những hoạt động nhộn nhịp với những nhóm người khác nhau. Ở gần phía dưới cùng, những người trí thức đang đứng cạnh một tiệm cầm đồ, xem một đứa trẻ nhỏ tập đi. Hai con lừa đang kéo theo những thùng rượu, và ngay phía trên, một nhà sư đang bàn luận với một học giả. Ở phía bên phải của họ là hại Đạo Sĩ mặc áo trắng với trâm cài đầu nổi bật. Ở phía cuối con phố, một tấm biển cho thấy có một cửa hàng đồ gỗ nội thất bằng gỗ đàn hương đang ở đó. Một người bán hàng bán các bức tượng nhỏ trong một quầy hàng dưới ô trong khi ở bên trái (nhưng ở giữa tranh), ba công nhân đang lấy nước từ một cái giếng. Phía trước họ, một người bán hàng rong đang gánh một chiếc thùng đan để bán đồ chơi.
Khi tiến dần về phía trái của bức tranh, có một ngôi nhà với tấm biển “Nhà của Quan Zhao.” Đó là nhà của một thầy thuốc đang tư vấn cho bệnh nhân ở bên trong. Nhìn lên cao, chúng ta thấy ngôi nhà của ông ta rất rộng với cả một vườn tre [ở phía sau]. Phía trước ngôi nhà có một học giả trên lưng ngựa, đội một chiếc mũ rộng vành, có lẽ là chân dung của chính người họa sĩ.
Do Mike Cai thực hiện
Đức Thịnh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times