Lịch sử của việc tảo mộ và cúng tế tổ tiên trong tiết Thanh Minh?
Thanh Minh là một trong 24 tiết khí, đồng thời cũng là một lễ hội dân gian rất được coi trọng trong văn hóa truyền thống các quốc gia Á Đông như Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Nhật Bản… Từ xa xưa đã có rất nhiều phong tục lễ hội Thanh Minh được lưu truyền, có quan hệ mật thiết với các tiết khí thời kỳ này, và hầu hết đều được kết hợp với Tết Hàn Thực (105 ngày sau tiết Đông Chí).
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về lịch sử của các phong tục dân gian trong Tết Thanh minh?
Đầu tiên, chúng ta hãy nói về lịch sử dân gian của việc đi tảo mộ để tỏ lòng thành kính với tổ tiên.
Phong tục đi tảo mộ
Nói đến Tết Thanh minh, điều mà mọi người thường liên tưởng đến đầu tiên là việc đi tảo mộ (quét mộ). Vậy phong tục đi tảo mộ và cúng tế gia tiên bắt đầu từ khi nào? Nó đã có từ hàng nghìn năm trước, và có rất nhiều giai thoại lịch sử đằng sau phong tục này.
Thanh Minh là một trong 24 tiết khí, có liên quan mật thiết đến tiết Hàn Thực (lễ ăn lạnh). Vào thời nhà Tống, một số phong tục của tiết Thanh Minh và Hàn thực được kết hợp với nhau, bắt nguồn từ ý nghĩa của việc tảo mộ và cúng tế tổ tiên.
“Đông Kinh Mộng Hoa Lục” – một di cảo vào triều đại Bắc Tống – đã ghi chép lại cảnh tảo mộ ở Biện Kinh lúc đó trong tiết Thanh Minh rằng: “Ngày thứ ba của tiết Hàn Thực, tức là ngày Thanh Minh. Phàm là các ngôi mộ mới thì đều tảo mộ vào ngày này. Người dân từ kinh thành đều đi ra ngoại thành… Ba ngày kể từ ngày này, mọi người đều đi ra ngoại thành viếng mộ”.
Thanh Minh vào triều đại nhà Tống không phải là một ngày lễ độc lập, mà là một phần của tiết Hàn Thực. “Kinh Sở Tuế Thời Ký” ghi rằng: “Ngày thứ 105 sau tiết Đông chí sẽ có gió mạnh, thậm chí có mưa, gọi là tiết Hàn Thực”. Vào thời đó, lửa bị cấm trong ba ngày Hàn thực, tiếp sau đó là ngày Thanh minh, cũng là nằm trong tiết Hàn Thực. Tảo mộ vào lúc mặt trời mọc trong tiết Thanh Minh là một sự kiện lớn của người dân ở kinh thành vào thời Bắc Tống. Tất cả các ngôi mộ mới đều được quét dọn vào ngày Thanh Minh. Kể từ ngày Thanh minh, ba ngày tiếp theo đều có người đi tảo mộ, ngày Thanh minh là ngày có nhiều người đi tảo mộ nhất.
“Đông Kinh Mộng Hoa Lục” ghi chép rằng, trong tiết Thanh Minh: Các cửa hàng tiền giấy sẽ xếp tiền giấy dùng để cúng tế thành một gian hàng trên đường phố; Những người ra khỏi kinh thành để tảo mộ, có cả quan chức và bình dân, chật kín cả cổng thành. Qua đó có thể thấy tầm quan trọng của việc tảo mộ cúng tế tổ tiên trong phong tục dân gian vào thời nhà Tống trong tiết Thanh Minh.
Sau thời nhà Tống, không có sự phân chia rõ ràng giữa Hàn Thực và Thanh Minh. Đến thời nhà Thanh, “Thanh Minh tức là Hàn Thực”, không khí văn hóa của tiết Hàn Thực đã phai nhạt, và trọng tâm của Thanh Minh là cúng tế mộ phần. “Yên Kinh Tuế Thời Ký” ghi chép rằng: “Thanh Minh tức Hàn Thực, còn gọi là ngày cấm khói, là ngày người xưa coi trọng nhất, nhưng bấy giờ người ta không tổ chức lễ hội, mà trẻ em đeo cành liễu đi cúng tế và quét dọn mộ phần mà thôi”.
Giai thoại nghi lễ
Vào thời nhà Đường, tiết Hàn Thực đi tảo mộ và thờ cúng tổ tiên ban đầu là một trong những nghi lễ của Hoàng Đế và các quan đại thần. Người dân không phải thực hiện những nghi lễ này, nhưng họ đã bắt chước làm theo, từ đó tảo mộ vào tiết Hàn Thực đã trở thành một phong tục. Vào năm Khai Nguyên thứ 20 (năm 732), Đường Huyền Tông đã hạ chiếu cho phép dân chúng đi tảo mộ vào tiết Hàn Thực, để con cháu đời soi nhìn vào mà có thể hiếu kính với tổ tiên. Từ thời Đường Huyền Tông trở đi, nó đã trở thành một trong năm nghi lễ phổ biến trong dân gian.
“Thông Điển – Lễ Thập Nhị – Thượng Lăng” ghi chép lại rằng, ngoài việc tảo mộ, có thể chuẩn bị những món ăn mà tổ tiên yêu thích khi còn sống, sau khi hành lễ cúng bái ở cổng mộ phía nam thì thương tiếc rời đi, không được ăn uống nơi nghĩa địa, nhưng nếu cúng tế ở những nơi không có mồ mả tổ tiên thì sau đó có thể ăn lễ.
Trong bài thơ “Hàn Thực Dã Vọng Ngâm”, Bạch Lạc Thiên (Bạch Cư Dị) đã miêu tả cảnh tảo mộ trong tiết Hàn Thực thời nhà Đường rằng:
“Khâu khư Quách môn ngoại, Hàn Thực thuỳ gia khốc. Phong xuy khoáng dã chỉ tiền phi, Cổ mộ luỹ luỹ xuân thảo lục”
(Tạm dịch nghĩa: Gò ngoài cửa họ Quách, ai khóc tiết Hàn Thực. Gió thổi trên đồng bay tiền giấy, mộ phần lớp lớp cỏ xuân xanh).
Sau thời nhà Tống, tiết Hàn Thực và tảo mộ trong tiết Thanh Minh được gộp lại thành một, điều này cũng được phản ánh trong thơ của các thi nhân. Tô Thức đã từng ngẫu hứng cải biên bài thơ “Hàn Thực Dã Vọng Ngâm” của Bạch Cư Dị thành bài “Mộc Lan Hoa Lệnh”:
“Ô đề thước táo hôn kiều mộc,
Thanh Minh Hàn Thực thùy gia khốc.
Phong xuy khoáng dã chỉ tiền phi,
Cổ mộ luỹ luỹ xuân thảo lục”.
Tạm dịch:
Quạ kêu chim hót xế bóng cây,
Thanh Minh Hàn Thực nhà ai khóc.
Gió thổi trên đồng bay tiền giấy,
Mộ phần lớp lớp cỏ xuân xanh.
Phong tục tảo mộ và thờ cúng tổ tiên trong tiết Hàn Thực đã được dung nhập vào tiết Thanh Minh. Từ thời Đường và thời Tống đến nay, nó đã trở thành một phong tục quan trọng trong dân gian, thể hiện lòng hiếu kính mà thế hệ sau cần phải có đối với tổ tiên của mình.
Lời kết
Bước sang thời hiện đại, việc xe cộ đổ ra đầy đường để về quê cúng bái tổ tiên trong tiết Thanh Minh cũng là cảnh tượng thường thấy. Tuy nhiên, giữa những biến động của xã hội, cái gọi là tảo mộ “điện tử” cũng đã xuất hiện, còn những ngôi mộ thực thì vẫn hoang vắng đìu hiu. Đầu ngón tay ấn bàn phím thì nóng, nhưng ngược lại tình nghĩa nơi nhân gian thì đã nguội lạnh rồi!
Ở cuối bài thơ “Hàn Thực Dã Vọng Ngâm”, Bạch Cư Dị đã thở dài về cảnh âm dương cách biệt:
“Minh mịch trùng tuyền khốc bất văn,
Tiêu tiêu mộ vũ nhân quy khứ”.
Tạm dịch:
Suối vàng khóc nghẹn ai hay,
Người về trong tiếng mưa bay gió gàn
Xưa là thế, còn nay thì:
Minh mịch trùng tuyền bất văn khốc, Nhân khứ, mộ vũ tiêu tiêu.
Tạm dịch:
Suối vàng không còn nghe tiếng khóc
Người đi, mộ vắng mưa hắt hiu
Sự cô lập do thế giới điện tử mang đến có thể đang đe dọa tương lai của tiết Thanh Minh, vốn là ngày để thế hệ sau bày tỏ lòng hiếu kính đối với tổ tiên. Điều này chẳng phải cần chúng ta suy ngẫm cẩn thận hay sao?
Lý Mai biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ