Người xưa không đón mừng ngày Hạ chí, đằng sau tiết khí này ẩn chứa ý nghĩa gì?
Hạ chí diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 20 đến 22 tháng 6 hàng năm, đánh dấu thời điểm giữa mùa hè, cũng là đỉnh điểm của nắng nóng, dương khí cực cao. Thế nhưng, người xưa không đón mừng ngày Hạ chí, vì sao lại như vậy? Nguyên nhân ẩn chứa trí tuệ triết học của văn hóa Trung Hoa. Hạ chí cũng là một trong 24 tiết khí, bao gồm những phong tục đặc sắc cho thấy tiết khí này cũng “hợp thời mà sinh.”
Hạ chí: Ngày dài đêm ngắn nhất trong năm
Hạ chí là tiết khí thứ tư trong mùa hè, Hạ chí đến có nghĩa là mùa hè đã qua một nửa, đồng thời Hạ chí cũng là ngày có ngày dài nhất, đêm ngắn nhất trong năm. Trong cuốn “Hiếu Kinh Tiêm” nói rằng: “Hạ chí, âm khí bắt đầu chuyển động.” Từ hiện tượng Âm Dương Ngũ Hành mà xét, quá trình tuần hoàn trong thời gian nửa năm từ Đông chí đến Hạ chí, dương khí thăng lên, âm khí giảm xuống; từ Hạ chí đến Đông chí, dương khí giảm xuống, âm khí thăng lên. Hạ chí là trung khí của tháng 5 Hoàng lịch (âm lịch), quẻ của tháng 5 là quẻ Cấu, quẻ này gồm năm Hào dương và một Hào âm, một Hào âm bắt nguồn từ dưới (hạ), biểu thị hiện tượng “Hạ chí nhất âm sinh” (vào ngày Hạ chí, có một khí âm sinh ra).
Từ những thông tin trên có thể hiểu rằng, Hạ chí tới biểu thị dương khí của Trời Đất đã đạt đến cực điểm, vật cực tất phản, từ đó về sau âm khí bắt đầu sinh và tăng lên, dương tiêu âm trưởng. Vì vậy, người xưa không ăn mừng ngày Hạ chí [1], đây chính là một loại trí tuệ giác ngộ đạo lý. Trong bài “Vịnh nhập tứ khí thi Hạ chí ngũ nguyệt trung” của thi nhân Nguyên Chẩn thời Đường đã miêu tả hiện tượng vật hậu học (quan hệ giữa hiện tượng có tính chu kì của sinh vật, cây cỏ ra hoa, kết trái, chim di trú theo mùa, ếch nhái ngủ đông… với khí hậu), đồng thời cũng chỉ ra trọng điểm dương tiêu âm trưởng trong Trời Đất của tiết Hạ chí:
“Xử xử văn thiền hưởng, tu tri ngũ nguyệt trung.
Long tiềm lục thủy khanh, hỏa trợ thái dương cung.
Quá vũ tần phi điện, hành vân lũ đái hồng.
Nhuy Tân di khứ hậu, nhị khí các tây đông.”
Tạm diễn nghĩa:
Khắp chốn tiếng ve kêu, cần biết đã đến giữa tháng Năm,
Rồng trốn trong hang nước sâu, lửa trợ giúp Thái Dương Cung.
Sau mưa thường có chớp giật, mây cuốn cầu vồng giăng.
Nhuy Tân trôi qua rồi, hai khí chia tây đông.
“Nhuy Tân” (蕤賓)trong bài thơ là nhịp thứ bảy trong mười hai nhịp của âm nhạc cổ đại, tương ứng với tháng 5 Hoàng lịch, chi “Ngọ” trong địa chi. Vì thế, Nhuy Tân cũng là chỉ Tiết Đoan Ngọ trong tháng 5 (Nhuy Tân giai tiết). Tiết Đoan ngọ và Hạ chí rất gần nhau, cũng có thể là cùng một ngày. Giờ Ngọ ngày mùng 5 tháng 5 là lúc trời đất thuần dương, âm dương không phân chia, qua Đoan Ngọ thì “hai khí chia tây đông,” âm khí dần dần manh nha, còn dương khí dần dần tiêu tan.
Trong hiện tượng vật hậu học của Hạ chí, có một loài hoa đặc trưng tương ứng với hiện tượng biến đổi của âm dương trong ngày Hạ chí, đó chính là hoa dâm bụt. Trong “Lễ Ký – Nguyệt lệnh” có ghi chép: “Trọng hạ chi nguyệt mộc cận vinh” (tháng giữa mùa hạ, hoa dâm bụt nở rộ). Vào ngày Hạ chí, tiếng ve râm ran, hoa dâm bụt nở rực rỡ, truyền tải sự nhiệt tình của giữa mùa hè, phản chiếu ánh nắng chói chang của mặt trời. Hoa dâm bụt này còn được gọi là Ngọc Chưng, sáng sớm hé nụ, đến khi mặt trời lên cao thì xòe nở, sáng nở chiều tàn. Hoa xứng với tên, vẻ đẹp diễm lệ của hoa dâm bụt chỉ tỏa sáng trong một ngày, số mệnh quả thực rất ngắn ngủi. Nhìn ngắm một đời hoa dâm bụt, sáng sớm gặp ánh sáng thì nở rộ, giữa ngày bắt đầu héo úa, đến chiều tối đã tàn lụi, thi nhân Bạch Nhạc Thiên thời Đường đã đặt một cái tên khác cho hoa dâm bụt, đó là “Vô túc hoa” (loài hoa không thể kéo dài đến đêm). Qua đó nhắn nhủ rằng, vẻ đẹp không thể trường tồn mãi mãi, và sinh mệnh cũng vô thường như vậy. Đây cũng là thông điệp mà tiết Hạ chí muốn truyền tải tới con người ở thế gian.
Ngày Hạ chí thường có điển lễ tế Thần Thổ địa
Văn hóa Trung Hoa khéo về quan sát sự biến hóa của âm dương trong trời đất, thực hành triết lý sinh mệnh “Thiên nhân hợp nhất,” từ những biến hóa của thiên tượng mà tìm kiếm Đạo quy chính hành vi của con người, cuối cùng có được sự an bình và ổn định dài lâu.
Ngày Hạ chí, khí âm sinh ra, hơn nữa khí trời nóng bức, nhiều mưa, là thời điểm thường xuyên xảy ra các nạn sâu bệnh, thiên tai hạn hán. Trong sách “Thông Điển – Lễ Tam – Giao thiên hạ” có viết: “Hạ chí tự hoàng địa kỳ (Thần)” (Ngày Hạ chí cúng tế Thần Thổ địa). Thời nhà Chu đã có ghi chép về nghi lễ tế Thổ địa, lễ cúng tế được cử hành ở ngoại ô phía Bắc của hoàng thành. Vào ngày Hạ chí, Thiên Tử dẫn quần thần đến ngoại ô phía Bắc của hoàng thành để tế bái Thần Thổ địa, đồng thời tế bái tổ tiên, thành kính cầu nguyện mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Vì sao cử hành lễ tế Hạ chí ở ngoại ô phía Bắc của hoàng thành? Bởi vì vào tiết Hạ chí, vị trí của Mặt trời nhìn thấy ở Trung Nguyên đã đạt đến điểm cực Bắc của quỹ đạo vận hành trong một năm. (Trong “Thông Điển” nói rằng: ‘Hạ chí lễ tế cho phương trạch ở Bắc giao, ngày này mặt trời di chuyển đến điểm cao nhất giữa cực Bắc và cực Nam’). Đàn tế Thổ địa được dựng thành hình vuông, gọi là “Phương khâu” hoặc “Phương trạch đàn,” thể hiện quan niệm “Trời tròn Đất vuông.” Đàn tế bên ngoài An Định môn ở Bắc Kinh chính là nơi cử hành lễ tế vào ngày Hạ chí của hai triều Minh – Thanh.
Người xưa kính Thiên kính Địa mà tự soi mình, tinh thần này đã khai sáng trí tuệ của sinh mệnh, từ đó giúp con người biết khiêm cung và tự bảo vệ bản thân mình.
Các phong tục trong tiết Hạ chí
Hạ chí là một trong bốn tiết khí đầu tiên trong 24 tiết khí. Từ xưa, đây là một ngày lễ truyền thống quan trọng, được gọi là “tiết Hạ chí,” hay còn gọi là “tiết Hạ.” Từ xưa đến nay, trong dân gian cũng có rất nhiều tập tục vào tiết Hạ chí, thể hiện trí tuệ cuộc sống: tuân theo Thiên thời sẽ có cuộc sống tốt lành.
Phong tục ăn bánh ú thuận theo tiết khí Thiên thời
Từ triều Tấn đến thời Nam Triều, người dân có tập tục ăn bánh ú vào tiết Hạ chí và Tết Đoan Ngọ. Thời đó bánh ú cũng được gọi là “giác thử,” dùng lá lúa cô gói gạo nếp đã được ngâm trong nước tro thảo mộc (nước có tính kiềm), rồi nấu bánh chín nhừ. Vì kiềm có thể làm tăng tính dẻo dính của hạt gạo, sau khi nấu chín, những hạt gạo dính kết với nhau thành một khối không tách rời. Trong “Phong thổ ký” của Chu Xử ghi rằng, điều này tượng trưng cho “thời điểm âm dương dung hòa với nhau chưa phân tán.” Nó tương ứng với hiện tượng âm dương tuần hoàn dịp Đoan Ngọ và Hạ chí, vừa khớp với thời điểm dương khí đạt đến cực điểm; cũng phản ánh sự nhạy cảm của người xưa trước những biến đổi của âm dương ngũ hành trong trời đất.
Hạ chí ăn lúa mì mới, ngày ngắn đêm dài
Tiết Hạ chí là thời điểm lúa mì vừa mới được thu hoạch, tươi mới thơm ngon. Mọi người mong muốn ăn lúa mì mới, cho nên ngày Hạ chí có phong tục ăn bánh mạch tống (bánh ú làm từ gạo lúa mì), bánh mùa hè và mì mùa hè. Trong cuốn “Ngô Giang huyền chí” có ghi: “Ngày Hạ chí, làm bánh mạch tống, cúng tế tổ tiên xong, dùng để tặng lẫn nhau.” Sau khi bánh mạch tống được làm xong, trước tiên đem cúng tế tổ tiên, đồng thời dùng làm quà tặng lẫn nhau, sau đó cùng nhau thưởng thức. Các gia đình nông dân cũng ăn “bánh Hạ chí,” cán bột mì thành bánh mỏng, sau khi nướng chín thì kẹp thêm các thức ăn khác như rau xanh, hạt đậu, đậu hũ, thịt khô .v.v. Trong cuốn “Yến kinh tuế thời ký” thời Thanh ghi chép phong tục ở Bắc Kinh rằng: “Đông chí ăn hoành thánh, Hạ chí ăn mì.” Tục ngữ có câu: “Ăn xong mì Hạ chí, mỗi ngày ngắn thêm một chút”. Dân gian dùng tục ăn bánh bột mì để nói rằng sau ngày Hạ chí, ngày dần dần ngắn, đêm dần dài hơn.
Ăn trứng vào ngày Hạ chí, khỏe mạnh suốt mùa hạ
Theo truyền thuyết dân gian, ăn trứng vào tiết Hạ chí có thể bồi bổ cơ thể, tăng cường sức khỏe. Ở một số vùng, người dân thường ăn trứng vào ngày Hạ chí. Trứng gà sau khi luộc chín bóc vỏ, thêm táo đỏ rồi nấu thành canh. Tục ngữ có câu: “Hạ chí ăn trứng, đạp nát tảng đá.” Có nơi, vào sáng sớm ngày Hạ chí, người ta luộc chín trứng gà, sau đó nhuộm đỏ vỏ trứng gà bằng thuốc nhuộm, rồi cho trứng vào một túi lưới nhỏ để cho trẻ nhỏ đeo trước ngực, đến giữa trưa hoặc chiều thì bóc vỏ trứng để ăn.
Tục lệ tránh nóng ngày Hạ chí
Người xưa có phong tục đi tránh nóng vào ngày Hạ chí. Trong bài thơ “Hạ chí tị thử bắc trì” của thi nhân Vi Ứng Vật thời Đường đã mô tả: “Công môn nhật đa hạ, thị nguyệt nông sảo mang” (ngày mà quan chức nhàn rỗi, là tháng nhà nông có chút bận rộn). Vào thời Thanh, ngày Hạ chí cả nước được nghỉ một ngày. Còn ở thời Tống, vào ngày Hạ chí các quan lại được nghỉ ba ngày.
Thời Nam Tống, nhiều người dân ở đô thành Hàng Châu thường lên thuyền dạo chơi trên hồ để tránh nắng nóng của mùa hè. Trên người đeo túi thơm, hương hoa nhài có thể đuổi muỗi, khử mùi hôi, đồng thời mang theo quạt có họa tranh để xua đi cái nóng. Tục lệ này được kéo dài từ thời Liêu ở phía Bắc, cũng có tập tục tặng nhau túi thơm.
Vào thời Nam Tống, người dân đô thành Hàng Châu khi ngồi thuyền tránh nóng dạo chơi trên sông hồ thì thưởng thức trái cây tươi theo mùa, canh mát, trà lạnh, đồng thời ngắm hoa sen, cảnh sắc lau sậy xanh biếc. Hầu hết các du thuyền thường dừng lại bên bờ mà không đi vào giữa hồ, đậu nơi râm mát bên cạnh hàng liễu xanh rì, vui chơi câu cá, mãi cho tới khi trăng lên cao trên ngọn liễu mới trở về nhà. Thậm chí cũng có người dùng thuyền hoa to lớn, trang bị chiếu gối, phòng tắm rửa nhanh, rồi cả đêm ngủ lại trên thuyền ở giữa hồ, đến lúc chán mới trở về.
Lời kết
Trong một năm, ngày Hạ chí đánh dấu âm dương tuần hoàn tăng giảm, là thời điểm chuyển biến quan trọng khi dương khí đạt đến cực điểm thì âm khí được sinh ra. Các phong tục dân gian cũng phản ánh nhân sinh quan của người xưa, thể hiện tâm thái kính trọng của người xưa trước sự biến đổi âm dương của Trời đất, đồng thời tự nhắc nhở bản thân mình về đạo lý sống thuận theo tự nhiên.
Trong những năm gần đây, vào mùa hè, chúng ta thường chứng kiến các dị tượng liên tiếp phát sinh khắp nơi, vô cùng bất ổn. Lũ lụt và hạn hán xảy ra thường xuyên, đều là những thiên tai bất thường, thậm chí các tai họa vốn được ghi chép trong lịch sử, hiện nay khắp nơi đều có. Ngoài ra, các cảnh báo về âm dương lệch lạc, mùa hè tuyết rơi, mùa đông xuất hiện sấm chớp, động đất liên tục, các dị tượng liên tiếp, dồn dập phát sinh khiến mọi người không khỏi nơm nớp lo sợ. Còn có hiện tượng khiến con người không thể lý giải, ví như mặt đất đột nhiên sụt lún thành hang động, tiếng kêu phát ra trong lòng đất mà không tìm thấy nguyên nhân…
Nơi chúng ta đang sinh sống, đại địa sơn hà nay đã bị biến đổi: hệ sinh thái của các sông hồ lớn bị tàn phá nặng nề do xây dựng quá nhiều đập nước, hồ chứa nước, hoặc bị biến thành đất canh tác…; từ trường không gian của các dãy núi và ngọn núi bị nạn chặt phá rừng khai thác gỗ, khai khoáng, thử nghiệm bom nguyên tử, mở đường giao thông… làm thay đổi rối loạn. Con người chúng ta lấy danh nghĩa “Xây dựng, Kiến thiết” để thể hiện sự ngông cuồng kiêu ngạo “nhân định thắng Thiên” (con người nhất định sẽ chiến thắng tự nhiên); lấy danh nghĩa “Nhu cầu” để đạt đến đỉnh cao tuyệt đối, lại không hiểu rằng những cảnh báo kinh tâm động phách ấy vì sao mà có, lại xem thường bỏ qua những cảnh báo đó! Nếu như chúng ta có thể học tập tâm thái của người xưa trong tiết Hạ chí, biết cung kính đối với Trời Đất và khiêm cung tự khắc chế bản thân mình, thì đó chính là điều may mắn lớn của chúng ta ngày nay!
Chú thích:
Lý Mai biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ