Tết Đoan Ngọ: Giữa hè có thịnh sự, tranh khen Tết Đoan Dương
Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương, là một ngày lễ mang đậm ý vị dân gian, tất cả mọi người đều cùng nhau ăn mừng. Trong quá trình đó, ngoài các phẩm vật ngày Tết mang tính tiêu biểu như bánh ú, ngải thảo, xương bồ, thuyền rồng…, còn có không ít tác phẩm mang biểu tượng tinh thần được lưu truyền từ đời này qua đời khác – đó chính là những bức tranh vẽ phong cảnh vào ngày Tết này.
Nội hàm văn hóa dân gian phong phú của Tết Đoan Ngọ đã mang đến rất nhiều nguồn cảm hứng và tư liệu thực tế cho giới hội họa các triều đại. Về kỹ pháp, những bức tranh này được vẽ rất đa dạng, có bút pháp tinh xảo, có bút pháp tả ý, bạch miêu, phác họa, có tác phẩm được làm trên lụa, cũng có tác phẩm được vẽ trên sứ. Tất cả đều lắng đọng nội hàm phong phú của Tết Đoan Ngọ.
Chớp mắt lại đến Tết Đoan Ngọ rồi. Trong khi tận hưởng những món ẩm thực mỹ vị, chúng ta hãy cùng thưởng thức những bức tranh dân gian truyền thống độc đáo này nhé!
“Ngự Long Đồ” – Tranh lụa miêu tả thuyền rồng
Trong “Cửu ca – Tương Quân” của Khuất Nguyên có một đoạn miêu tả về việc “giá phi long” (cưỡi rồng bay) qua hồ Động Đình: “Giá phi long hề bắc chinh, quá ngô đạo hề Động Đình.” Các học giả cho rằng “phi long” chính là chỉ thuyền rồng. Chắc hẳn từ thời nước Sở đã có thuyền rồng đi lại trên sông hồ ở địa phương này.
Cuốn sử thư “Mục thiên tử truyện” (còn gọi là “Chu Vương du hành,” hoàn thành vào thời Chiến Quốc) của Tây Chu ghi chép về Chu Thiên Tử như sau: “Thiên tử thừa điểu chu, long chu phù vu đại chiểu” (Thiên tử cưỡi thuyền chim, thuyền rồng đi lại trên hồ lớn). Nghĩa là lúc đó đã có “long chu” (thuyền rồng), chiểu theo thời đại mà tính thì sớm hơn thời gian Khuất Nguyên mất. Về sau, người Sở đã chèo thuyền rồng ra cứu Khuất Nguyên. Các thế hệ sau bèn tưởng nhớ Khuất Nguyên bằng cách tổ chức Lễ hội Thuyền rồng.
Vào năm 1973, bức tranh lụa “Nhân vật ngự long bạch họa” đã được khai quật từ Ngôi mộ số 1 của lăng mộ Tử Đạn Khố tại Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, được cho là vẽ vào thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc. Trong bức tranh có một nam tử đội vương miện cao, mặc áo choàng, đeo thanh kiếm dài ở thắt lưng, tay cầm dây cương, đang cưỡi một con rồng. Tâm thái người này biểu hiện sự điềm tĩnh, tư thế anh tuấn, nho nhã.
Con rồng mà vị nam tử cưỡi có đầu và đuôi cong lên trên, thân nằm ngang, chỉnh thể trông như hình một chiếc thuyền, tựa như cảnh tượng “Thiên tử thừa điểu chu, long chu phù vu đại chiểu.” Bức tranh này tràn đầy cảm giác tao nhã cổ xưa, đồng thời thể hiện tư tưởng cưỡi rồng thăng thiên của cổ nhân.
Lễ hội đua thuyền rồng
Cuốn “Kinh Sở tuế thời ký” thời nhà Lương, Nam Triều, ghi lại rằng, phong tục dân gian đua thuyền rồng vào Tết Đoan Ngọ bắt nguồn từ việc giải cứu và tưởng nhớ Khuất Nguyên: “Lễ hội đua thuyền ngày mùng 5 tháng 5, tục là ngày Khuất Nguyên gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn, người dân chèo thuyền đến cứu.” Người dân nước Sở vì không muốn vị hiền thần Khuất Nguyên gieo mình xuống sông tuẫn tiết, vì vậy lấy việc đua thuyền để tưởng nhớ ông, từ đó hình thành phong tục đua thuyền vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch.
Đoan Dương tiết quan long chu (Thanh·Càn Long Hoàng Đế)
Thiên trung* tự chính phản nam tuần,
Tễ nhật huân phong tiết sự trần.
Tương Phổ mạn xưng điếu Tao khách*,
Quý sơn huống chí hữu bồi thần.
Dĩ hân mạch tuệ liên thăng* tú,
Kháp khán lưu hoa ánh tọa tân.
Án đội long chu nguyên bất cạnh,
Tuy hi ý dục hóa dân thuần.
(*Thiên Trung: mùng 5 tháng 5 Âm lịch; *Tao khách: chỉ Khuất Nguyên; *Thăng (塍): đồng âm với từ thành (成), ranh giới giữa các ruộng lúa)
Tạm dịch:
Xem thuyền rồng vào Tết Đoan Dương (Hoàng Đế Càn Long triều Thanh)
Đoan Ngọ theo lễ phản nam tuần,
Trời nắng gió thơm Tết đang gần.
Tương Phổ khắp nơi kéo tao khách,
Quý Sơn do vậy có bồi thần.
Vui vì lúa mới đầy ruộng lúa,
Kịp nhìn hoa lựu ánh ghế tân.
Thuyền rồng chia đội đâu để đấu,
Dù thích mong muốn cảm hóa dân.
Bức “Ngũ nguyệt cạnh chu” trong “Ung Chính thập nhị nguyệt hành nhạc đồ” của Lang Thế Ninh thời nhà Thanh đã vẽ lại khung cảnh náo nhiệt khi Hoàng đế Ung Chính dẫn gia nhân đi xem đua thuyền rồng trên đài quan sát ở bến sông. Bức tranh cho thấy từ dân gian cho đến cung đình đều coi trọng tục chèo thuyền rồng tưởng niệm Khuất Nguyên.
Hình dáng của đài quan sát rất sáng tạo và trang nhã. Dưới nét bút tỉ mỉ của họa sĩ cung đình Lang Thế Ninh, cấu trúc của nó trông vô cùng cầu kỳ và chắc chắn. Hình dạng mái ngói của đài quan sát khiến người ta liên tưởng đến những đồng cỏ và gò đồi trập trùng lên xuống, như thể đang nhìn thấy vùng quê rộng lớn của dân tộc Mãn Châu.
Trước đài quan sát là dòng sông rộng lớn, nơi diễn ra cuộc đua thuyền rồng. Rất nhiều con thuyền khác nhau sau một năm ngủ đông đã được tu sửa dung mạo. Phần đầu và thân của chúng được vẽ màu và trang trí bắt mắt để chào mừng Tết Đoan Ngọ. Ngoài các dụng cụ cần thiết thì phần nhiều là đồ trang trí để tạo khí thế cho cuộc đua. Mỗi chiếc thuyền đều có màn trướng độc đáo, nhô cao chót vót trên tâm thuyền, là biểu tượng tinh thần của đội chèo thuyền. Ngoài ra còn có cờ phướn to lớn lộng lẫy và các loại ô che, lọng, cờ đối, cờ ngũ sắc, dải lụa màu, v.v. vừa để thể hiện bản sắc, vừa trang trí cho chiếc thuyền thêm phần lộng lẫy. Trong những cuộc đua thuyền rồng này, mỗi chiếc thuyền đều là một bức tranh thể hiện tinh thần thi đấu của cả đội cùng sự lộng lẫy và tao nhã.
Khi bắt đầu cuộc đua, người chỉ huy sẽ phất cờ. Tất cả các mái chèo đều bung ra, nước bắn ra tứ phía, những lá cờ sặc sỡ, những chiếc ruy băng, những dải lụa ngũ sắc của mỗi chiếc thuyền đều tung bay trong gió. Xung quanh là tiếng chiêng trống vang trời, người xem đứng chật kín, tiếng hò hét rộn ràng, khung cảnh vừa náo nhiệt vừa hoành tráng.
Trong đài quan sát, chúng ta có thể thấy cuộc đại đoàn tụ của gia tộc vương triều Mãn Thanh. Họ vừa thưởng lãm cuộc đua thuyền rồng trên sông một cách thích thú, vừa đoàn tụ để cùng nhau chúc mừng ngày Tết Đoan Ngọ. Bài thơ “Xem thuyền rồng vào Tết Đoan Dương” của Hoàng đế Càn Long có câu “Án đội long chu nguyên bất cạnh, tuy hi ý dục hóa dân thuần.” Mục đích của cuộc đua thuyền rồng trong cung nhà Thanh không phải là thi thố, mà thông qua hoạt động này để giáo hóa người dân. Khi tưởng niệm Tam Lư Đại phu Khuất Nguyên, có ai không nghĩ đến tấm lòng trung trinh cao quý đó!
Phong tục dân gian dịp Tết Đoan Ngọ
Cuốn “Tục tề hài ký” của Ngô Quân thời Nam Bắc triều nói rằng, tục ăn bánh ú vào ngày mùng 5 tháng 5 bắt nguồn từ việc để tang Khuất Nguyên. Bởi vì Khuất Nguyên gieo mình xuống sông Mịch La vào ngày 5 tháng 5, người dân nước Sở thương tiếc Khuất Nguyên, vậy nên cứ vào ngày này, họ lại cho gạo vào ống trúc và ném xuống sông để tế tự ông. (“Khuất Nguyên ngũ nguyệt ngũ nhật đầu Mịch La thủy, Sở nhân ai chi, chí thử nhật, dĩ trúc đồng tử trữ mễ đầu thủy dĩ tế chi.”)
“Thiên trung” là tên gọi khác của Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5. Tiêu đề “Thiên trung giai cảnh” là vì đây là bức tranh ứng với cảnh ngày Tết Đoan Ngọ. Bố cục của bức tranh lụa “Thiên trung giai cảnh” được cho là do người thời Nguyên vẽ rất giống với phương thức bố cục của bức tranh hoa cỏ “bình sáp.” Trong bình cắm hoa thục quỳ, thạch lựu và thủy lạp chúc, từng đóa đều đang nở rộ, trên thạch lựu buộc những chiếc túi tinh xảo, thể hiện phong tục dân gian vào Tết Đoan Ngọ.
Trên đĩa bày đủ loại trái cây đúng mùa. Nhân vật chính trong các món ăn vào ngày Tết Đoan Ngọ là bánh ú cũng được giấu trong đó. Nó giống như mới được gói, còn chưa được hấp, màu xanh như màu cỏ khá gần với bánh ú thực sự. Thêm góc cạnh độc đáo của bánh ú và dây buộc màu trắng, người xem có thể liên tưởng ngay đến bánh ú và vị ngon của nó. Ngoài bánh ú, trên chiếc đĩa còn có vải thiều, thạch lựu, .v.v., bên dưới có xương bồ, anh đào, dâu, ngải thảo, đều là hoa quả đương mùa. “Yến kinh tuế thời ký” ghi lại phong tục của Tết Đoan Ngọ rằng: “Mỗi khi sắp đến Tết Đoan Dương, các phủ đệ quyền quý đều sẽ lấy bánh ú làm quà, đồng thời kèm theo anh đào, dâu, mã đề, đào, mơ, bánh ngũ độc, bánh hoa hồng, .v.v. Những người dâng lễ cho Đức Phật vẫn sử dụng bánh ú, anh đào và dâu làm lễ vật chính.”
Nhìn lại chiếc bình, bút pháp tinh xảo và khéo léo không chỉ khiến thân bình có cảm giác lập thể mà còn tròn trịa. Cảm giác kết cấu, cảm giác khối lượng và cảm giác lập thể được coi là những kỹ năng hội họa cơ bản, được những học giả hội họa phương Tây rất chú trọng. Những kỹ năng thể hiện ra trong bức tranh Trung Hoa này cũng không phải ngoại lệ.
Tết Đoan Ngọ trùng với giữa hè là thời điểm muỗi, ruồi, côn trùng độc sinh sôi, dễ xảy ra dịch bệnh, vậy nên Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 cũng là dịp phòng dịch trừ độc. Phía trên của bức tranh này có bốn lá bùa Đạo giáo và một bức chân dung của Chung Quỳ, thể hiện hàm ý trừ độc và xua quỷ đuổi tà. Theo “Sự vật ký nguyên” ghi chép, phong tục này được truyền thừa từ thời nhà Hán. Người thời Tống thì sử dụng lá bùa là tranh lụa nhiều màu sắc làm quà tặng trong Tết Đoan Ngọ, cũng có người đặt chúng giữa các bức bình phong. [1]
Nét hay nhất trong bức tranh này là ngải thảo và xương bồ nằm dưới bình. Đây là những loài cỏ chính để phòng dịch trừ độc trong Tết Đoan Ngọ. Trong tranh, chúng được tách khỏi chiếc bình và đĩa trái cây, họa sĩ đã cố ý làm nổi bật vai trò của chúng, lại đem mặt sau của ngải thảo vừa mềm vừa trắng triển hiện cho người xem nhìn thấy. Mặt sau của nó trắng mềm, mặt trước xanh tươi, cả hai bổ sung cho nhau, tạo nên cảm giác tươi mát cho bố cục của bức tranh.
Bức “Thiên trung giai cảnh” phản ánh một phong tục khác vào ngày 5 tháng 5 – tục vệ sinh giải độc và chăm sóc sức khỏe. Đây cũng là một ý nghĩa quan trọng khác của Tết Đoan Ngọ. Người Hoa Hạ từ xưa đã sớm thiết lập khái niệm vệ sinh và cách làm cụ thể vào ngày Tết Đoan Dương mùng 5 tháng 5 để xua đuổi tà ma, ngăn ngừa dịch bệnh và bảo đảm an toàn.
Tranh vẽ Tết Đoan Ngọ của dân gian
“Đoan Ngọ đồ” của Nhậm Di thời nhà Thanh
Những vật ứng với Tết Đoan Ngọ trong phong tục dân gian đã được Nhậm Di (Nhậm Bá Niên) trình bày trong bức tranh “Đoan Ngọ đồ.”
Trong bức tranh đều là các vật phẩm ứng với Tết Đoan Ngọ, bao gồm “Thiên trung tam thụy” – xương bồ, ngải thảo và nhánh tỏi, cũng như các món ăn dân gian vào Tết Đoan Ngọ. Nhậm Di là người Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, bức tranh ông vẽ đặc biệt thể hiện phong tục ăn cá vàng ở dải đất Giang Tô và Chiết Giang trong Tết Đoan Ngọ. “Đoan Ngọ đồ” như một bức thi họa về phong vật vào Tết Đoan Ngọ.
Bức tranh lấy cây ngải, cây xương bồ và cây thục quỳ làm nhân vật chính. Chúng được tô điểm bởi sơn trà và nhánh tỏi đan chéo trên mặt đất. Toàn bộ bố cục nhờ đó mà có sự cân bằng. Cây xương bồ và cây ngải giương cao mà không hề có dấu hiệu xiêu vẹo; hơn nữa, vị trí và hướng của các cây này còn tạo ra thế động cho bức tranh, tạo thành trường lưu chuyển thư thả. Chẳng hạn như sơn trà và cá vàng từ bên phải phía dưới chầm chậm nghiêng sang bên trái, nhánh tỏi lớn như ôm khí rồi đem hết thảy giao cấp cho xương bồ và thục quỳ. Sau đó, hai nhánh cỏ từ phía sau xuyên qua tâm bức tranh và đi lên phía trên bên phải, thoát ra khỏi bức tranh rồi lại quay ngược trở lại. Cảnh tượng được lưu chuyển không ngừng như vậy. Nó cũng lưu chuyển không ngừng trong tâm trí mọi người.
Theo phong tục truyền thống, ở miền Giang Nam Trung Quốc, đặc biệt là ở dải đất Giang Tô và Chiết Giang, việc ăn “ngũ hoàng” vào Tết Đoan Ngọ đã trở thành tục lệ. Nó phản ánh quan niệm về dược thực đồng nguyên (thuốc và thức ăn có chung nguồn gốc) trong ngũ hành dưỡng sinh của văn hóa Trung Hoa ở thực tiễn. “Ngũ hoàng” là chỉ các món ăn có màu vàng trong Tết Đoan Ngọ. Vì ngày Tết Đoan Ngọ là đã bước vào giữa hè nóng nực nên mọi người thường có xu hướng kém ăn, tỳ khí trong ngũ tạng thuộc màu vàng, thích hợp với thức ăn mặn. Hầu hết các loại thực phẩm màu vàng đều có tác dụng bồi bổ tỳ vị, từ đó giúp thân thể cường tráng. Cá vàng và sơn trà trong bức tranh thuộc về những đồ ăn dưỡng sinh vào Tết Đoan Ngọ. Ngoài ra còn có hoàng thiện qua (mướp lươn), hàm áp đản hoàng (lòng đỏ trứng vịt muối), hùng hoàng tửu (rượu hùng hoàng), hoàng đậu (đậu nành) và hoàng mai (mận vàng), chúng đều là những thực phẩm thuộc “ngũ hoàng”.
“Đoan Ngọ cảnh đồ” của Dư Tê thời nhà Thanh
Chủ thể của bức “Đoan Ngọ cảnh đồ” do Dư Tê vẽ vào thời nhà Thanh là cây xương bồ trong vùng nước nông và cây hoa phù dung ở bên bờ. Vì mọc dưới nước nên những chiếc lá mảnh mai của cây xương bồ trông khá ẩm ướt và thẳng, giống như mái tóc dài được giữ gìn cẩn thận của một cô nương xinh đẹp, mềm mại và óng ả. Đường nét của những chiếc lá dài tràn đầy cảm giác hài hòa, như thể có một cơn gió nhẹ thổi từ từ, chải những chiếc lá dài này mà không phát ra tiếng động.
Lá hoa phù dung được cấu thành từ những đường cong. Đóa hoa có nhiều lớp nở ra ngoài, bông hoa rất lớn, màu sắc tươi tắn đa dạng, được tôn lên bởi những chiếc lá tươi tốt, tạo nên bông hoa phù dung tháng Năm rực rỡ sáng lạn. Ngoài ra còn có hoa dại và chuồn chuồn kim được vẽ rồng điểm mắt cho bức tranh. Chỉnh thể bức tranh vừa rõ ràng sống động lại tinh tế trang nhã, rất phù hợp với bối cảnh Tết Đoan Ngọ.
Cây xương bồ giống như một thanh kiếm, đóng vai trò quan trọng trong việc xua tà trừ độc. Khi Tết Đoan Ngọ đến, “ngũ độc” sinh sôi, được thể hiện bằng những con cóc trong bức tranh. Bức tranh “Đoan Ngọ cảnh đồ” này thể hiện phong tục bảo vệ sức khỏe “thiên trung ngũ thụy khu ngũ độc,” phong cách thanh tịnh và trang nhã, đồng hành cùng mọi người an tâm bước qua Đoan Ngọ.
“Đoan Ngọ mỹ vị đồ” của Tề Bạch Thạch thời nhà Thanh
Bức “Đoan Ngọ mỹ vị đồ” của Tề Bạch Thạch thì lấy “món ngon trong tết” làm chủ đạo, ví dụ như bánh ú, anh đào, vải thiều, rượu hùng hoàng, trứng vịt muối, v.v. Nó cũng phản ánh quan niệm dân gian về “bữa ăn ngũ hoàng” để dưỡng sinh trong Tết Đoan Ngọ.
Bức tranh có ba hình tam giác được vẽ bằng các nét cọ màu xanh đậm nhạt khác nhau. Đó là những chiếc bánh ú, sau đó lại dùng mực đậm vẽ sợi dây buộc, độ dày mỏng thích hợp, đường nét tự tại như Hành thư. Giữa những nét tô tô vẽ vẽ đã thể hiện một mặt cuộc đời đạm bạc của tác giả họ Thạch.
Chúng ta có thể thấy đường nét của ấm trà, đặc biệt là tay cầm, kiên định mà ung dung, trong nét đậm dày lại thấy được sự thanh nhã, khiến tinh thần của chỉnh thể bức tranh được đẩy lên cao.
Trong bức tranh còn có vải thiều, anh đào và trứng muối đã được cắt ra để thấy lòng đỏ. Ngoài ra còn có một ấm trà (hoặc có thể là rượu hùng hoàng) và những chiếc ly. Rượu hùng hoàng và trứng vịt muối là thực phẩm dưỡng sinh trong “ngũ hoàng” vào Tết Đoan Ngọ của người Giang Tô và Chiết Giang. Bạch Thạch lão nhân đã bày ra những món ngon có thể thưởng thức trong Tết Đoan Ngọ trên giấy, với tâm trạng nhàn nhã, không đi sâu, không chú ý đến tiểu tiết, mà chỉ vẽ chúng một cách tự nhiên. Tuy nhiên, với kỹ năng của Bạch Thạch lão nhân, đó thực sự là “hạ bút như có thần,” tràn đầy biến hóa và sinh cơ.
“Đoan Ngọ Chung Quỳ đồ” của Hoàng Thận thời Thanh
Trong bức tranh “Đoan Ngọ Chung Quỳ đồ” do Hoàng Thận thời nhà Thanh vẽ, chúng ta có thể thấy Chung Quỳ đang đùa giỡn và trêu chọc một đồng tử. Khuôn mặt của Chung Quỳ rất giàu biểu cảm, hoàn toàn là thủ pháp khoa trương mang tính vui đùa. Hoàng Thận đã vẽ bộ y bào trên thân Chung Quỳ trông giống như một ngọn núi hùng vĩ bằng lực độ tinh xảo, cùng với bút pháp phi bạch [2] có đủ độ đậm nhạt khô ẩm đầy ý vị. Nhìn có vẻ giản lược thô sơ nhưng thực ra thủ pháp rất tròn đầy, dày dặn, hơn nữa biến hóa liên tục, vừa vặn phù hợp với tính cách của Chung Quỳ cũng như đặc điểm “trấn tà” của ông trong dân gian, cả hai kết hợp với nhau lại càng thêm sức mạnh. Đồng tử trong bức tranh đang cầm trên tay các vật phẩm của Tết Đoan Ngọ như cây ngải và xương bồ, vẻ mặt mang theo ý vui mừng mà dâng kính. Cho dù đó là truyền thuyết về Chung Quỳ trừ tà trấn quỷ hay là những phẩm vật trong tay đồng tử, “Đoan Ngọ Chung Quỳ đồ” chính là bức tranh chính cống mô tả phong tục trừ tà phòng độc trong ngày Tết Đoan Ngọ.
Những bức tranh dân gian mừng Tết Đoan Ngọ trên đây đã thể hiện hàm ý sâu sắc và những phẩm vật phong phú của tập quán dân gian trong dịp Tết Đoan Ngọ. Nó cho chúng ta thấy phong tục dân gian lâu đời trong Tết Đoan Ngọ chẳng những không bị phai nhạt, mà còn được bổ sung thêm phong vị và sắc thái từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Chú thích
[1] “Sự vật ký nguyên” ghi chép: “Thời nhà Hán, vào ngày mùng 5 tháng 5, dùng ngũ sắc bày trí trên cửa, “Tục Hán thư” gọi đó là ‘đào ấn’ vậy. ……. Ngày nay, vào tết Đoan Ngọ, dùng lá bùa có triện buộc với năm màu sặc sỡ để làm quà tặng nhau, cũng dùng nó dán lên cửa hoặc giữa bình phong, đại khái vốn là tục ‘đào ấn’ từ thời nhà Hán chế ra.
[2] “Phi bạch”: Một bút pháp đặc biệt trong thư pháp và hội họa Trung Quốc, giữa các nét mực xen lẫn những vệt trắng để lộ ra bút họa.
Trịnh Hành Chi thực hiện
Cổ Dung biên tập
Toàn Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ