Đạo dưỡng sinh thuận theo Âm Dương Ngũ Hành trong Tết Đoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ là ngày 5 tháng 5 âm lịch, còn được gọi là tết Đoan Dương hay Trọng Ngọ. Vào ngày này, cổ nhân luôn duy trì một thái độ dưỡng sinh thận trọng. Rất nhiều phong tục của Tết Đoan Ngọ thực sự tương ứng với đạo dưỡng sinh theo Âm Dương Ngũ Hành, đời đời nối tiếp. Nhờ vậy, người đời sau không biết Đạo mà đã ở trong Đạo vậy.
Hàm ý của “Đoan Ngọ”
Từ xưa đến nay, ngày Tết Đoan Ngọ thường sẽ có một bầu không khí khác biệt trong 365 ngày. Vì sao lại như vậy?
“Đoan Ngọ” sở hữu hai ý nghĩa là Đoan Dương và Trọng Ngọ. “Đoan” có ý tứ là khởi đầu, hai đầu của sự vật cũng gọi là “đoan”. Đoan Dương có nghĩa là đầu dương, cũng chính là cực dương; Trọng Ngọ phản ánh tính chất đặc thù của dương hỏa vào giờ Ngọ tháng Ngọ (trưa ngày 5/5 âm lịch). Đoan Ngọ là thời điểm sự tuần hoàn của âm dương thiên địa trong một năm đi tới điểm cực dương, cũng chính là đạt tới bước ngoặt “vật cực tất phản”. Đặc trưng này trong nền văn hóa Trung Hoa vốn coi trọng đạo Âm Dương Ngũ Hành là vô cùng nổi bật. Trong các phong tục của Tết Đoan Ngọ, chúng ta cũng có thể thấy rằng đặc trưng ấy thể hiện vô cùng cụ thể và tinh tế.
Đoan Ngọ âm dương tương tranh, Đạo thuận ứng sao cho thận trọng
Người Trung Quốc từ xa xưa đã quan sát được hiện tượng âm dương xung đột vào tháng Ngọ (tháng 5 âm lịch), và cũng đề ra Đạo ứng biến.
Trong “Lễ ký – Nguyệt lệnh” nói rằng tháng Ngọ âm dương phân tranh cao thấp: “Thị nguyệt dã, nhật trường chí, âm dương tranh, tử sinh phân”, ý rằng tháng 5 ngày dài, âm dương xung đột, sinh tử phân tranh.
Cuốn “Thuyết văn” thời Hán nói về Ngọ rằng: “Ngọ, ngỗ dã. Ngũ nguyệt, âm khí ngọ nghịch dương, mạo địa nhi xuất”, ý nói tháng Ngọ âm khí ngược với dương khí, âm khí từ mặt đất mà ra.
Sách “Đàm trưng” viết: “Đoan Ngọ giả… ngũ nguyệt dương cực… ngũ nguyệt ngọ thời, chính âm dương xung hội chi thời, sở dĩ vị chi Đoan Ngọ”, ý rằng tháng 5 dương cực, buổi trưa tháng 5 là lúc âm dương xung đột cho nên gọi là Đoan Ngọ.
Qua đó có thể thấy rằng, vào ngày Đoan Ngọ thì âm dương của trời đất tương tranh, âm dương xung đột, con người sống giữa trời đất tất nhiên cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Vì vậy, sách “Lễ Ký” dạy con người về Đạo đối ứng rằng: Người quân tử cần “trai giới”, thành tâm kính cẩn, thanh tịnh thân tâm, giới dục thủ thân. Đây là Đạo thuận ứng theo sự biến hóa của Thiên Địa, nhắc nhở mọi người thận trọng tu tâm dưỡng tính, “trai giới” thể xác tinh thần để có thể vượt qua tháng 5. Đây cũng chính là phương pháp dưỡng sinh của người xưa.
Phong tục dân gian tết Đoan Ngọ phản ánh Đạo ngũ hành
Phong tục dân gian của Tết Đoan Ngọ chứa đựng sự sáng tạo và phát minh cổ xưa. Trong đó, những phong tục nào là ứng dụng của Đạo dưỡng sinh theo Âm Dương Ngũ Hành?
Bánh tống tử (bánh ú) là biểu tượng của âm dương
Bánh ú là món ăn đại biểu của Tết Đoan Ngọ. Tương truyền, bánh ú là món ăn để tưởng nhớ thi nhân Khuất Nguyên. Kỳ thực món bánh này còn có một tầng hàm ý khác, bởi trong lá gói bánh ú là đã bao hàm nguyên lý âm dương.
Cuốn “Phong Thổ Ký” của Bình Tây Tướng quân Chu Xứ thời nhà Tấn có ghi chép: “Tục là lấy lá niễng để gói gạo kê, đun với nước tro đặc, nấu chín hoàn toàn, ăn vào ngày Hạ chí mùng 5 tháng 5. Một tên là ‘tống’ (bánh ống tre, nguyên ban đầu là bánh được làm từ gạo gói trong ống tre và đem nấu), một tên là ‘giác thử’ (lúa bó góc, do hình dạng góc cạnh của bánh khi được gói), bao bọc âm dương chưa phân như thời tượng vậy”.
Từ trong bánh ú, làm thế nào mà thấy được “bao bọc âm dương chưa phân như thời tượng”? Bánh người thời đó ăn là bánh ú gạo kê, ngày nay người ta thường dùng gạo nếp thay cho gạo kê. Thời đó là nhân chay, không phải nhân thịt. Cho bánh đã gói vào nước tro đặc rồi nấu cho đến khi chín hoàn toàn, mở lá ra, bạn sẽ thấy “bánh vàng” trước mặt, các hạt gạo dính lại với nhau làm một ứng với âm dương chưa phân trước Tết Đoan Ngọ. Sau ngày ăn bánh Đoan Ngọ, xu hướng tiêu dương trưởng âm trong một năm sẽ rõ ràng. Từ phong tục ăn bánh ú đã phản ánh sự quan sát tinh tường của tổ tiên người Trung Hoa về xu thế của âm dương, thể hiện thái độ nhân sinh “thiên nhân hợp nhất” của người xưa vậy.
Ngải cứu, xương bồ: Thuần dương chế độc âm
“Mỗi năm gần đến ngày 5 tháng 5, “Bồ Ngải” lại thay mới!”. Người ta thường treo “Bồ Ngải” trên cửa trong Tết Đoan Ngọ, cho đến ngày nay vẫn thường thấy.
“Bồ Ngải” là chỉ cây ngải cứu và xương bồ. Hai loại cây này không chỉ có thể trồng để trang trí mặt tiền mà còn có tác dụng chữa bệnh. Mỗi khi đến Tết Đoan Ngọ, cái nóng mùa hè sẽ ập đến, trăm loài côn trùng độc đều xuất động. Vậy người xưa đã ứng phó bằng cách nào?
Phong thổ chí “Kinh Sở Tuế Thời Ký” vào thời Nam Bắc triều ghi chép rằng, vào ngày 5 tháng 5, người dân ra ngoài hái lá ngải từ trước khi gà gáy rồi “treo lên cánh cửa để xua tà khí”, hoặc là “dùng lụa ngũ sắc buộc lên tay, tích binh yểm quỷ, lại có thể giúp người ta không bị nhiễm ôn dịch”.
Ngoài ra còn có tục tắm cỏ xương bồ với nguồn gốc xa xưa hơn. Sách “Đại Đái Lễ” triều Chu ghi chép: “Ngày mùng 5 tháng 5, trữ cỏ lan để tắm gội”. Âu Dương Tu thời Tống từng làm thơ vịnh Tết Đoan Ngọ rằng: “Chính thị dục lan thời tiết động, xương bồ tửu mỹ thanh tôn cộng”. Tắm nước cỏ lan gọi là “dục lan thang”, trong tết Đoan Ngọ dùng nước cỏ xương bồ tắm gội để tẩy rửa thân thể phòng độc hại. Ngoài ra, trong Tết Đoan Ngọ còn dùng rượu hùng hoàng, gồm rễ cỏ xương bồ và cây hùng hoàng hợp chế mà thành, xoa lên bàn tay bàn chân và trán có thể xua đuổi côn trùng độc.
Tại sao trong tết Đoan Ngọ người ta lại chọn cây ngải cứu và cây xương bồ để đuổi tà và côn trùng độc? Có tính khoa học gì không? Danh điển Trung y “Bản thảo cương mục” nói rằng, ngải cứu là thực vật “thuần dương”, tính cực nhiệt, có tác dụng bổ dương và diệt khuẩn rất mạnh. Có thể thấy ngải cứu và xương bồ tưởng chừng như yếu ớt nhưng lại có bản tính rất mạnh mẽ, sẵn có tính chí dương, bách âm bất xâm, bách hàn bất nhập, nhờ thế mà trở thành lựa chọn ưu tiên trong Tết Đoan Ngọ để khu độc, sát trùng và trừ âm tà.
Ẩm thực trong tết Đoan Ngọ đối ứng với đạo dưỡng sinh theo ngũ hành
“Ngũ hồng” là từ đại biểu cho phong tục ẩm thực trong Tết Đoan Ngọ. Tết Đoan Ngọ diễn ra vào giữa mùa hè, dân gian có một phong tục là ăn “ngũ hồng thái” (năm loại rau đỏ). Rau màu đỏ rất giàu chất sắt, có thể dưỡng huyết, dưỡng tâm (tim), tục ăn “ngũ hồng” chính là tương ứng với Đạo ngũ hành dưỡng tâm trong mùa hè.
Theo quan điểm của Trung y, mùa hè là mùa để “dưỡng tâm”, vì trong ngũ hành mùa hè thuộc về Hỏa, hỏa khí thông qua tim. Cuốn “Hoàng Đế Nội Kinh” nói rằng: “Xích sắc, nhập thông ư tâm, khai khiếu ư nhĩ, tàng tinh ư tâm” (Sắc đỏ, thâm nhập vào tim, khai khiếu ở tai, tàng trữ tinh hoa trong tim). Liệu pháp ẩm thực theo ngũ hành của Trung y truyền thống nhấn mạnh “hồng nhập tâm”, ý tứ là thực phẩm có sắc đỏ có thể bổ Tâm. Vì vậy, trong Tết Đoan Ngọ ăn “ngũ hồng” vừa vặn phù hợp với nguyên lý ẩm thực bổ dưỡng của Trung y. Ngũ của “Ngũ hồng” cũng vần với ngũ trong “Đoan Ngũ” – một cách gọi khác của tết Đoan Ngọ.
Các loại thực phẩm mang theo màu đỏ là có rất nhiều, đặc sản mỗi nơi cũng khác nhau, do đó “ngũ hồng thái” ở mỗi địa phương cũng khác nhau tùy theo điều kiện. Rau, trái cây, ngũ cốc, đậu, cá, tôm và thịt, v.v. đều là những lựa chọn cho bữa ăn “ngũ hồng” vào dịp Tết Đoan Ngọ.
Ngoài ra còn có phong tục ẩm thực truyền thống trong Tết Đoan Ngọ là ăn “ngũ hoàng” (5 loại thực phẩm có màu vàng), đặc biệt là ở các khu vực phía nam sông Dương Tử như Giang Tô, Chiết Giang và Hàng Châu. Thông thường sẽ ưu tiên chọn lươn, cá đù vàng, lòng đỏ trứng muối và những món khác như đậu tương, mận vàng, v.v. Tại sao lại ăn “ngũ hoàng” trong tết Đoan Ngọ? Theo “Bản thảo cương mục”, các loại thực phẩm “ngũ hoàng” nói trên đa số đều sẵn có tác dụng bài độc hoặc giải độc, rất thích hợp dùng trong mùa hè nóng nực để thanh lọc thân thể.
Bên cạnh đó, tinh chất của thực phẩm sắc vàng có thể nhập vào can tỳ, có công hiệu bồi bổ tỳ vị, cường tráng thân thể. Những thực phẩm này rất thích hợp dùng để làm món khai vị trong thời tiết mùa hè, tăng cảm giác thèm ăn, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và bổ sung nguyên khí. Điều này cũng phù hợp với quan niệm dưỡng sinh theo Ngũ Hành của Trung y truyền thống. Trong “Hoàng Đế Nội Kinh” nói rằng: “Trung ương hoàng sắc, nhập thông ư tỳ, khai khiếu ư khẩu, tàng tinh ư tỳ” (màu vàng trong thức ăn đi vào tỳ vị, khai khiếu ở miệng, lưu trữ tinh chất trong tỳ).
Dù là “ngũ hồng” hay “ngũ hoàng”, phong tục ẩm thực trong dịp Tết Đoan Ngọ đều thể hiện đạo dưỡng sinh theo Ngũ Hành trong văn hóa truyền thống của Trung Hoa.
Trung y khẳng định “Ngọ thời thủy” có tác dụng chữa bệnh
Tất cả các ngày trong năm đều có giờ Ngọ (khoảng thời gian từ 11 giờ trưa tới 1 giờ chiều), nhưng chỉ có nước vào giờ Ngọ trong Tết Đoan Ngọ mới được đặc biệt gọi là “Ngọ thời thủy”. “Ngọ thời thủy” vào tết Đoan Ngọ rất được coi trọng về nhiều mặt và đã nổi danh từ xa xưa, tắm lan thang cũng là dùng “Ngọ thời thủy” này. Cuốn “Vạn Vật Luận” của Dương Tuyền thời nhà Tấn nói rằng: “Sở dĩ lập thiên địa giả, thủy dã” (Sở dĩ lập nên thiên địa cũng là nước vậy), cho nên “ngọ thời thủy” cũng có thể là phản ánh thông điệp về âm dương của Trời Đất.
Lý Thời Trân, y học gia vĩ đại thời nhà Minh từng nói, nước vào ngày 5 tháng 5 Hoàng lịch cũng là một loại “tiết khí thủy”, có tác dụng phòng dịch, giải độc, đặc biệt thích hợp để bào chế thành những vị thuốc có tác dụng kiềm chế độc tính như bệnh lỵ sốt rét, lở loét vàng da và các loại giun, sán. Ông cũng nói rằng nếu trời mưa vào trưa ngày 5 tháng 5 thì đó thực sự là “Thần thủy”, là bảo vật mà Thượng Thiên ban cho. Vì vậy, phải chặt cọc tre vào giữa trưa rồi nhanh đem các khớp tre chắt lấy nước, sắc uống có thể “thanh nhiệt giải đờm, định kinh an thần”; dùng để chế dược thì chủ trị các loại giun sán trùng tích tụ trong ruột, uống với thát can (gan của con rái cá) như thuốc.
Xét từ góc độ âm dương tương sinh tương khắc, nước vào giờ Ngọ thích hợp nhất để tiêu trừ âm độc, thanh nhiệt an thần, điều này đã được khẳng định trong y học cổ truyền Trung Hoa.
Phong tục của Tết Đoan Ngọ đã phản ánh quan niệm về thiên nhân hợp nhất, cũng như những phát minh sáng tạo của người xưa trong việc vận dụng Đạo dưỡng sinh tương ứng với Âm Dương Ngũ Hành. Người đời sau noi theo phong tục của văn hóa truyền thống để đón Tết, có thể nói là không biết Đạo mà đã ở trong Đạo. Khi chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn nữa, chúng ta càng có thể khám phá ra trí tuệ văn hóa ẩn chứa trong các phong tục của cổ nhân.
Xem thêm:
Thưởng thức ‘Đoan Dương cố sự đồ’ – Tranh vẽ phong tục ngày Tết Đoan ngọ
Cải thiện vóc dáng trước mùa hè nhờ cân bằng âm dương trong cơ thể
Lý Mai biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ