Thưởng thức ‘Đoan Dương cố sự đồ’ – Tranh vẽ phong tục ngày Tết Đoan ngọ
Tập tranh “Đoan Dương cố sự” (tập tranh về ngày tết Đoan Ngọ) do họa sĩ cung đình Từ Dương thời nhà Thanh vẽ, tổng cộng có 8 bức, mỗi bức tranh mô tả một hoạt động quan trọng trong ngày Tết Đoan Ngọ.
Giữa các bức tranh không mang tính nối tiếp mà chỉ là tập trung thể hiện các phong tục tập quán ở các vùng địa phương. Mỗi bức tranh đều dùng lối chữ Lệ để đề tên bức tranh, đồng thời dùng lối hành thư để giả thích sơ lược về nội dung tác phẩm, giúp cho độc giả dễ dàng hiểu được nội dung của bức tranh.
Tập tranh này có kết cấu chặt chẽ tinh xảo, tạo hình nhân vật thanh tú sinh động, đường nét đơn giản, trong sáng mà lưu loát, màu sắc nhẹ nhàng thanh nhã. Nhờ vậy, chúng ta có thể thấy được tác giả đã nắm giữ được tinh thần tả thực của thể loại tranh cung đình, cũng cho thấy đặc tính hội họa cung đình tinh tế tươi đẹp trong thời Hoàng đế Càn Long.
Trên tập tranh còn in dấu các tỷ ấn của Hoàng đế Càn Long như: “Càn Long giám thưởng”, “Tam hi đường tinh giám kỳ”, “Nghi tử tôn”, “Nhạc thọ đường giám tàng bảo”, “Càn Long ngự lãm chi bảo”… lưu lại dấu tích những lần Hoàng đế thưởng lãm các bức tranh. Từ trong tập tranh “Đoan Dương cố sự” có thể thấy được những tập tục được lưu hành từ thời nhà Thanh.
Tập tranh “Đoan Dương cố sự” kể về phong tục trong Tết Đoan Ngọ
1. Bức tranh thứ nhất: “Xạ phấn đoàn” (Bắn bánh bột hình tròn)
Đề họa: “Xạ phấn đoàn, vào thời Đường, trong cung làm phấn đoàn (bánh bột gạo nếp hình tròn hoặc hình sừng) đặt trong khay, dùng cung nhỏ bắn, người bắn trúng sẽ được ăn.”
Trò chơi “Xạ phấn đoàn” này thịnh hành ở đô thành và trong cung vào thời nhà Đường. Trong “Khai Nguyên Thiên Bảo di sự” cũng có ghi chép: “Mỗi khi đến Tết Đoan Ngọ, trong cung làm phấn đoàn (bánh bột gạo nếp hình viên tròn, hình sừng), đặt vào trong khay vàng. Dùng sừng nhỏ làm cung nhỏ xinh đáng yêu. Lắp tên bắn phấn đoàn trong khay, người bắn trúng sẽ được ăn. Có lẽ phấn đoàn trơn mịn nên khó bắn trúng. Ở kinh đô thịnh hành trò chơi này.”
Phấn đoàn là một loại bánh ngọt giống như bánh Mochi, được làm từ bột gạo nếp, bên ngoài bọc hạt mè, dùng dầu chiên hoặc luộc lên ăn, cũng được gọi là “bánh mè”. Sau khi nấu xong, bánh có mùi thơm tỏa ra tứ phía, ai nấy đều muốn ăn.
Bức tranh dùng thủ pháp “giới họa” (kỹ thuật vẽ cung đình với sự hỗ trợ của thước kẻ) miêu tả một góc vườn ngự uyển yên tĩnh sạch sẽ. Trong tranh, có năm cung nữ trạc tuổi nhau tụ tập lại cùng nhau chơi bắn phấn đoàn. Dáng vẻ của năm cung nữ đều thanh tú, trang phục thanh nhã, trong tay các nàng còn cầm quạt ba tiêu và quạt tay. Từ đó có thể thấy rằng các nàng có lẽ vừa mới hoàn thành xong công việc, trong tay vẫn còn cầm công cụ của ca trực, nghe nói có trò chơi bắn phấn đoàn thì vội vàng chạy tới muốn chơi cùng, trên khuôn mặt tràn đầy sự chờ mong và hy vọng. Có thể thấy trò chơi này vào thời đó hấp dẫn như thế nào.
Về mặt bố cục, họa sĩ Từ Dương đã tạo ra một bố cục tam giác cân: người – cây – hương kỷ (bàn hương), ba cạnh cân đối. Xét từ bản thân trò chơi, thì người và cái hương kỷ là đủ rồi, vì sao còn thêm gốc cây nữa? Có thể vì hình dáng của hương kỷ nhỏ, e là phối cảnh không cân đối hài hòa, bèn vẽ thêm gốc cây để tăng thêm sự cân đối về tỷ lệ. Chúng ta lại quan sát tiếp cái hương kỷ này.
Từ xưa đến nay có một số người thích đốt hương hay xông hương ở trong phòng, đặc biệt là khi thiền định hoặc đọc Kinh Phật càng không thể thiếu việc đốt hương này. Hương kỷ chính là cái bàn nhỏ chuyên dùng để đặt lư hương, nó có ba chân cong uốn lượn, dáng vẻ nhỏ tinh tế của nó tạo cảm giác thướt tha yêu kiều. Vào thời cổ đại, hương kỷ là chuyên dùng đặt lư hương để xông hương. Đến ngày nay, ngoài việc dùng để đặt lư hương, thì cũng có người dùng hương kỷ để đặt chậu hoa hay bồn cây cảnh, cho nên cũng xem giống như là bàn hoa vậy.
Chúng ta hãy quay lại với bức tranh. Kết quả trò chơi, cuối cùng có người bắn trúng phấn đoàn hay không, có đạt giải hay không, khi đạt giải có chia sẻ cùng nhau hay không, đối với những điều này, quý vị có thể tự mình kết luận, ở đây chúng tôi cũng không đưa ra nhiều suy đoán.
2. Bức tranh thứ hai: “Tứ kiêu canh” (Ban canh chim kiêu)
Đề họa: “Hoàng đế nhà Hán lệnh các nước chư hầu dâng cống chim kiêu (loài chim dữ giống như chim cú vọ) nấu canh ban cho các quan lại trong triều, dùng loài chim ác để ăn.”
Vào thời nhà Hán, người ta coi chim kiêu là loài chim hung ác, Hoàng đế nhà Hán đã lệnh cho các nước chư hầu khi cống nạp thì hãy cố gắng lấy chim kiêu làm cống phẩm. Sau đó ra lệnh cho người đem chim kiêu nấu thành canh rồi ban cho các quan lại.
Bức tranh này chỉ vẽ hai vị quan viên đang trao và nhận canh chim kiêu. Có câu “lễ đa nhân bất quái” (lễ nhiều người không trách), hai vị quan đều khom người, chắp tay cảm tạ lẫn nhau. Người bưng canh chim kiêu kia mặc dù không rảnh tay để chắp, nhưng biểu cảm và động tác khom người cũng đã được truyền đạt rất tốt.
Người xưa tâm tư đơn thuần, hội họa cũng như thế, ngoài hình tượng nhân vật, và các thứ khác như bậc thang bên dưới cung điện, vách tường, cửa ra vào, hành lang, cột nhà, thì không còn vẽ thêm vật gì khác. Đặc tính vẽ “giới họa” mộc mạc đơn thuần trong bức tranh này đã được thể hiện không thiếu sót.
3. Bức tranh thứ ba: “Thải dược thảo” (Hái thảo dược)
Đề họa: “Vào giờ Ngọ ngày mùng 5 đi hái các loại thảo dược trị bệnh, thảo dược hái vào thời gian này có hiệu quả chữa bệnh nhất.”
Hàng năm vào giữa trưa ngày mùng 5 tháng 5, mọi người sẽ đi vào núi hái thảo dược, cho rằng thảo dược hái vào lúc này sẽ có tác dụng trừ bệnh, trừ tà. Nhờ có ngày Tết Đoan Ngọ mà vùng núi vốn dĩ luôn yên tĩnh. đến lúc này lại trở nên nhộn nhịp, tiếng gió thổi, tiếng nước chảy, tiếng người nói cười, người lên người xuống núi, xen lẫn với nhau.
Ở bức tranh này có lối vẽ bố trí cảnh sắc tỉ mỉ, phần lớn các khối đá đều được tô màu xanh mức độ đậm nhạt khác nhau. Cũng có khối đá tô màu xanh biếc, cho nên cũng có phần giống với phong cách vẽ tranh sơn thủy “thanh lục sơn thủy”. Vì màu xanh chiếm phần lớn, lại có thể phân ra độ đậm nhạt khác nhau, đã trở thành điểm sáng tinh khiết tươi đẹp.
Sau khi vào núi không bao lâu, một người lớn và hai đứa trẻ dường như bị chìm đắm trong khung cảnh núi non yên tĩnh, trong tâm trí họ chỉ nghĩ đến thảo dược, đặc biệt là thảo dược được hái vào lúc giữa trưa này. Do đó chúng ta có thể nhìn thấy trong bức tranh, vào thời khắc này, những người hái thuốc đang vui vẻ hào hứng như thế nào.
4. Bức tranh thứ tư: “Dưỡng cù dục” (Nuôi chim sáo)
Đề họa: “Bắt chim sáo mới mọc lông vũ, lột đi đầu lưỡi của nó, nuôi dưỡng nó sẽ nói rất rõ.”
Ở trước ngôi nhà được xây khang trang này, một người phụ nữ đang dắt một đứa bé, đối diện em là một đứa trẻ đã lớn trên tay cầm con chim sáo. Đứa bé nhìn thấy con chim sáo, hoa tay múa chân, tỏ ra rất hưng phấn. Nhìn qua bức tranh chúng ta có thể thấy, hẳn là em bé kia muốn mua con chim sáo về nhà nuôi rồi!
Chim sáo còn được gọi là “Bát ca”, thuộc họ chim Yến Tước. Chim sáo có màu lông đen tuyền, phần đầu và phần lưng ẩn hiện màu xanh óng ánh. Lông trên đầu của chim sáo nhỏ dài và nhọn, giống như lá liễu. Khi chim sáo mới mọc lông vũ, nếu có thể lột đi đầu lưỡi của chúng, thì về sau chim sáo sẽ bắt chước tiếng người nói hoặc tiếng kêu của loài chim khác rất giỏi. Chim sáo biết bắt chước tiếng người nói, cho nên vẫn luôn được những người yêu thích chim chọn nuôi dưỡng.
Nhân tiện đây xin đề cập đến một vấn đề, “không bỏ, không nuôi” là tiêu chuẩn cao nhất trong việc nuôi dưỡng thú cưng. Nếu đã nuôi thì không thể tùy ý bỏ rơi; nếu như lúc chưa nuôi mà không chắc chắn, vậy hãy quyết định không nuôi.
5. Bức tranh thứ năm: “Huyền ngải nhân” (Treo ngải cứu hình người)
Đề họa: “Phong tục nước Sở dùng cây ngải cứu làm thành hình người treo lên trên cửa nhà, để trừ khí độc.”
Tết Đoan Ngọ cũng là “ngày lễ quét tước sạch sẽ”, mọi người vào ngày này đều phải lau quét nhà cửa, sân vườn, treo nhánh ngải cứu, buộc lá xương bồ, vẩy nước hùng hoàng, uống rượu hùng hoàng, rửa bỏ đi những thứ cũ nát không sạch sẽ, trừ khuẩn phòng bệnh. Để trừ tà phòng độc, công việc vệ sinh vào ngày Đoan Ngọ mùa hè nắng nóng cũng quan trọng như tổng vệ sinh mừng năm mới vậy. Bởi vậy, dân gian còn gọi đây là ngày lễ quét tước.
Thân và lá cây ngải cứu có hương vị nồng đậm, có tác dụng xua đuổi ruồi muỗi sâu bọ và thanh lọc không khí. Còn tác dụng của xương bồ cũng giống như ngải cứu, trong dân gian đều cho rằng hai loại cây này có công dụng trừ tà tránh dịch bệnh. Vì thế từ thời nhà Hán về sau, vào ngày Tết Đoan Ngọ nhà nhà sẽ cài cành ngải cứu đón lễ. Đến thời nhà Đường thêm vào cây xương bồ, còn có người kết ngải cứu thành hình người rồi treo ở trên cửa ra vào của nhà mình.
Trong cuốn “Kinh Sở tuế thời ký” có ghi: “Thông thường vào ngày mùng 5 tháng 5, lúc gà chưa gáy sáng thì đi hái ngải cứu, gặp được cây ngải cứu có hình dáng giống như hình người thì lấy về, dùng chữa trị rất hiệu nghiệm. Sư Khoáng Chiêm nói: ‘năm có nhiều bệnh thì cây chữa bệnh sẽ mọc sớm, cây ngải cứu cũng vậy’. Người thời nay lấy cây ngải cứu làm thành hình con hổ, hoặc là cắt lụa thành hình hổ, gắn lá ngải cứu lên đó rồi đeo bên mình.”
Bức tranh miêu tả hai người phụ nữ đang đứng nói chuyện trước cổng nhà, chính là đang nói chuyện về treo ngải cứu hình người lên cửa. Trong bức tranh này, yếu tố “giới họa” chỉ thể hiện một chút, trọng điểm nằm ở kết cấu cổng nhà và tường bao quanh, cây dương liễu bên trong bức tường, cây hoa bên ngoài bức tường và bó ngải cứu được treo trên cột cổng. Hai người phụ nữ nói chuyện rất hào hứng say sưa.
Đường nét đơn giản nội liễm, bố cục màu sắc trong sáng nhu hòa mang theo đặc tính ôn hòa thong dong của người họa sĩ, đã làm cho toàn bộ bức tranh hiển hiện được sự tươi mát trong sáng, trang nhã. Cũng làm cho người xem vừa nhìn liền cảm thấy tâm thần thoải mái vui vẻ.
6. Bức tranh thứ sáu: “Hệ thải ti” (Thắt dây lụa)
Đề họa: “Thắt dây lụa, là dùng dây tơ lụa ngũ sắc buộc vào tay, gọi là dây trường mệnh.”
Vào ngày Tết Đoan Ngọ, dùng dây tơ ngũ sắc hoặc chỉ thêu buộc vào cánh tay, cổ tay hoặc treo vào trước ngực trẻ nhỏ, chính là dùng để trừ họa cầu phúc. Trong “Kinh Sở tuế thời ký” của Lương Tông Lẫm thời Nam triều có nói: “Ngày mùng 5 tháng 5, dùng dây tơ ngũ sắc buộc vào cánh tay gọi là tịch binh, làm cho người buộc nó không nhiễm bệnh.”
Bức tranh vẽ cậu bé đang buộc dây tơ ngũ sắc lên cánh tay cho người lớn tuổi, thể hiện tình cảm ấm áp.
7. Bức tranh thứ bảy: “Khỏa giác thử” (Gói bánh ú)
Đề họa: “Lấy lá cô (lá rau cô, cây niễng, người xưa gọi là ‘giao bạch măng’) gói bánh ú bột gạo nếp với ý nghĩa gói trọn âm dương, để cầu mùa màng.”
Chúng ta nhìn kỹ bức tranh, bối cảnh là một sân sau nhỏ kiêm phòng bếp của một gia đình giàu có. Lúc này ở nhà bếp đang bận rộn việc gì vậy? Những người ở đây đang làm việc gì? Họ đang gói bánh sừng, cũng chính là gói bánh ú! Có người đang ngồi rửa lá gói bánh ở chỗ đất trống, có người ngồi ở bên bàn lấy nguyên liệu gói bánh, mỗi người một việc, hiệu suất rất cao, người xưa quả thực rất trí tuệ!
Đặc biệt là kết cấu của căn nhà, nhìn rất đẹp, rất phù hợp với nhu cầu chức năng của kiến trúc. Chẳng hạn như có một giếng nước chuyên dụng, còn trồng cây ngô đồng, cây cọ, nhà bếp nhỏ trong ngày Tết Đoan Ngọ này đã trở nên hài hòa xinh đẹp. Trong tranh có 6 người, trong đó 3 người là trẻ nhỏ, người lớn và trẻ nhỏ cùng nhau gói bánh ú, còn có một đứa bé kê thêm cái ghế nhỏ để đứng, trông vô cùng đáng yêu! Điều này cũng cho thấy truyền thống giáo dục gia đình rất tốt, không gian ấm áp và thoải mái, thể hiện mối quan hệ hòa hợp trong gia đình.
8. Bức tranh thứ tám: “Quan cạnh độ” (Xem đua thuyền)
Đề họa: Xem đua thuyền, nhiều người tu tập xem thuyền nào tới trước, cũng gọi là hội đua thuyền rồng.”
Đi xem hội đua thuyền rồng, mọi người đều rủ thêm bạn bè, người nghe tiếng mà đến xem có già có trẻ, có tăng nhân có người phàm tục. Một đoàn người đứng ở bên cạnh cây dương liễu bên bờ sông, dáng đứng tự tại thoải mái, hơi vươn cổ ra hăng say nhìn xem, cũng hy vọng có thể nhìn thấy kết quả sớm hơn một chút. Nhìn về phía trước, cách đó không xa, có chiếc thuyền rồng đang ra sức chạy thật nhanh về phía trước. Mỗi bên thuyền có 6 người, tổng cộng 12 người tay cầm mái chéo, động tác nhất tề gắng sức chèo về phía trước.
Cảnh tượng này không giống lắm với cảnh đua thuyền rồng thông thường, có thể là do sắp xếp lịch trình khác biệt. Bình thường, đua thuyền là nhiều thuyền cự ly ngắn có xác định vị trí, từ điểm xuất phát đến điểm cuối đã định sẵn, thuyền nào đến trước thì rút được thẻ trước, một đường cho đến điểm cuối, cuộc so tài cũng kết thúc. Hoạt động đua thuyền mỗi năm tổ chức một lần này cũng sẽ kết thúc.
Còn bức tranh này miêu tả lịch trình đua thuyền kiểu khác, dường như là đua thuyền đường dài, cho nên mỗi lần chỉ nhìn thấy được một chiếc thuyền, hoặc có thể những chiếc thuyền khác bị kéo dài khoảng cách, nhất thời nhìn không thấy được.
Một hàng người đứng trên bờ, có người cầm quạt hương bồ, có người cầm quạt xếp, trẻ nhỏ trên tay trái cầm theo vật như ván chèo thời hiện đại, người lớn tuổi hơn thì chống gậy, vị tăng nhân già quay lưng về phía mặt sông, chòm râu bạc trắng khiến cho biểu cảm của ông càng thêm nghiêm túc. Cây dương liễu đứng bên cạnh mọi người, lá cây nhỏ xinh nhẹ nhàng đong đưa trong gió, tựa như cũng gia nhập vào đoàn người xem đua thuyền vậy.
Cuộc đua tưng bừng náo nhiệt theo tốc độ tiến lên của thuyền rồng, chẳng mấy chốc đã trôi qua, muốn xem lại lần nữa chỉ có thể đợi đến năm sau!
Trịnh Hành Chi thực hiện
Cổ Dung biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ