Tiên thảo Xương Bồ phát ánh phong quang trong Tết Đoan Ngọ
Xương bồ có thể xem là cỏ Tiên hoặc hoa Tiên của Tết Đoan Ngọ, được dùng phổ biến trong phong tục dân gian vào dịp tiết này.
Xương bồ mọc nơi khe suối hẻo lánh, Tiên khí vây quanh
Thời nhà Tống có cách nói rằng dùng “Tiết Xương bồ” thay cho “tiết Đoan Ngọ.” Điều này đã thể hiện mối quan hệ gắn bó mật thiết của Xương bồ đối với tập tục tiết này. Thi nhân Dương Vạn Lý trong bài “Sơ hạ tức sự thập nhị giải” đã miêu tả hình ảnh cây Xương bồ đang “phát ánh phong quang trong tiết Xương Bồ” [1].
Cây xương bồ là loại thực vật thuộc họ Thiên nam tinh (Araceae), có nguồn gốc lâu đời và rất nhiều chủng loại. Thời cổ, nó được gọi là Khê Tôn, Nghiêu Niên Cửu, Bồ Kiếm. Các tên gọi khác của nó cũng rất nhiều, như Thạch Xương, Thủy Xương Bồ, Kiếm Xương Bồ, Sơn Xương Bồ, Bạch Xương Bồ… Phiến lá của nó mảnh dài tựa như kiếm, kích thước và đặc điểm có sự khác biệt tùy thuộc vào nơi sinh trưởng.
Cây Xương Bồ mọc ở khe suối hẻo lánh, ngày đêm đều ngâm mình trong suối lạnh, được giới văn nhân Trung Quốc xem là loài cây cỏ thanh nhã tán phát Tiên khí, cùng với hoa Lan, hoa Cúc, Thủy Tiên hợp thành “Hoa thảo tứ nhã.” Xương Bồ cũng thường xuất hiện trong tranh của các văn nhân họa gia, “Xương Bồ thọ thạch” tượng trưng cho sự trường thọ, được mọi người vô cùng yêu thích.
An Kỳ Sinh và truyền thuyết cây Xương bồ
Trong “Nam phương thảo mộc trạng – Quyển thượng” do Kê Hàm (cháu nội của Kê Khang) thời nhà Tấn ghi chép, xưa kia ở phía đông Phiên Ngung (nay là Quảng Đông) thuộc nước Sở có An Kỳ Sinh ăn cây Xương Bồ mà thành Tiên, lưu lại câu chuyện đẹp về đôi hài: “Phía đông Phiên Ngung có khe suối, trong khe có cây Xương Bồ, cao một tấc chín, An Kỳ Sinh [2] hái ăn thành Tiên và thăng thiên, nhưng lưu lại hài ngọc ở chỗ này.”
“Bản thảo cương mục” của Lý Thời Trân ghi chép, Bạch Xương Bồ (Thạch Xương) sinh trưởng nơi ao đầm, rễ có thể ăn được, chế thành loại rau ướp muối mặn gọi là “Xương bản,” Chu Văn Vương rất thích ăn.
Xương Bồ khắc ngũ độc
Bước vào Tết Đoan Ngọ ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch, khí trời trở nên nóng nực khắc nghiệt. Thời tiết nóng bức, “ngũ độc” (rết, rắn, bọ cạp, cóc, nhện) cùng nhau di chuyển, ôn dịch phát sinh. Người xưa có cách phòng dịch, dùng “ngũ đoan” chế “ngũ độc”. Ngũ đoan trong tiết Đoan Ngọ là chỉ: Xương Bồ, cây Ngải, hoa Long Thuyền, hoa Thạch Lựu và Toán đầu (củ tỏi). Xương Bồ đứng đầu trong “ngũ đoan,” có thể diệt trừ ngàn vạn tà khí.
Tắm gội bằng nước cây Xương Bồ, uống rượu Xương Bồ, ăn bánh ú, chính là phong tục thường thấy trong dịp Tết Đoan Ngọ từ xưa đến nay. Trong bài từ của Âu Dương Tu thời Tống từng xướng lên một cảnh tượng như thế này:
“Ngũ nguyệt lưu hoa yêu diễm hồng, lục dương đái vũ thùy thùy trọng, ngũ sắc tân ti triền giác tống. Chính thị dục lan thì tiết động, xương bồ tửu mỹ thanh tôn cộng…” (“Ngư gia ngạo”)
Tạm dịch:
“Hoa lựu tháng năm rực cháy yêu kiều, dương liễu xanh mang mưa trĩu nặng, tơ mới ngũ sắc quấn góc bánh ú. Chính là lúc bắt đầu tiết Dục Lan, cùng uống rượu Xương Bồ thanh khiết…”
“Kinh sở tuế thời ký” thời Nam Bắc Triều có ghi lại tập tục tắm gội bằng nước cây Xương Bồ, treo cây Ngải và uống rượu Xương Bồ: “Ngày mùng 5 tháng 5 được gọi là tiết Dục Lan, dân chúng bốn phương đều chơi đùa cùng nhiều loài cây cỏ, hái cây Ngải treo lên cửa sổ, để ngăn chặn khí độc, dùng cây Xương Bồ giã nát ngâm rượu.” “Dục Lan” là dùng cây Xương Bồ nấu nước, phòng tránh ôn dịch do nắng nóng gây ra. Ngày nay ở Hàn Quốc, tục tắm nước cây Xương Bồ vào dịp Tết Đoan Ngọ vẫn rất thịnh hành. Nhiều địa phương ở Nhật Bản cũng có tục như vậy.
Xương Bồ, Hoa Xương Bồ đều là loài hoa tốt lành
Rễ và thân cây Xương Bồ có nhiều đốt và bò trên đất, thường có chín đốt hoặc mười hai đốt. Lá có lông, mảnh dài tựa như kiếm, chiều dài lớn nhất có thể hơn một thước. Vào đầu mùa hạ, hoa sẽ nở, tạo ra những bông hình trụ tròn với kích thước rất nhỏ. Khắp thân cây đều có mùi hương đặc biệt, có công dụng diệt khuẩn khử trùng, cũng có thể làm cây cảnh hoặc làm thuốc. Phong tục dân gian vào dịp tiết Đoan Ngọ thường bó những chiếc lá cây Xương Bồ lại rồi treo trước cửa dưới hiên nhà để tránh tà. “Hồng lâu mộng – Hồi 31” miêu tả cảnh tượng dịp Tết Đoan Ngọ như sau: “Ngày này chính là tiết đẹp Đoan Dương, trước cổng nhà treo lá Bồ, lá Ngải, tay đeo Hổ phù.”
Còn có Hoa Xương Bồ có hình dạng như hoa Diên Vĩ thường thấy, thuộc chi Diên Vĩ (Iridaceae), lá tương đối lớn, hoa có phong thái như Lan hồ điệp. Màu sắc loài Hoa Xương Bồ này rất đa dạng, có màu tím, màu vàng, màu trắng, màu phấn, màu cam, cũng có loại nhiều màu, còn có loại có sọc hoặc đường viền. Mỗi vùng đất khác nhau có hoa văn, màu sắc mang tính đặc biệt. Hoa Xương Bồ được xem là một trong “bát đại kim thoa,” tám loài thực vật đáng thưởng ngắm. Nhưng phong hiệu này ngược lại dường như hàm chứa sự phô diễn, đánh phấn điểm son cho người đẹp vốn đã mang vẻ thanh thoát, phong lưu.
Hán Vũ Đế và Tiên nhân trường sinh
Dựa theo ghi chép trong quyển thứ 10 “Thần Tiên truyện” của Cát Hồng, vào năm Nguyên Phong thứ hai, Hán Vũ Đế dẫn theo các đại thần Đổng Trọng Thư, Đông Phương Sóc lên Tung Sơn trai giới tế Thần. Đến nửa đêm, Vũ Đế nằm mộng thấy bỗng nhiên xuất hiện một vị Tiên nhân thân cao hai trượng, vành tai lớn rủ từ đỉnh đầu xuống vai. Vũ Đế cung kính hết mực hỏi về lai lịch của vị này.
Vị Tiên nhân nói ông là Thần của Cửu Nghi, vì hái thuốc Tiên trường sinh Xương Bồ mà đến, nghe nói trên đá Nhạc Sơn trong ngọn Tung Sơn có Xương Bồ rễ dài một tấc, gồm chín đốt, uống nó có thể trường sinh. Sau khi nói xong, Tiên nhân liền biến mất. Vũ Đế nói với các thị thần theo hầu rằng, “Ông ấy không phải người muốn học Đạo tìm thuốc, nhất định là Thần trong núi đến hiểu dụ cho trẫm.”
Sau giấc mộng này, Hán Vũ Đế liền hái Xương Bồ ăn trong hai năm. Vũ Đế vốn thích dùng đồ nóng, cho nên ăn Xương Bồ thì cảm thấy buồn phiền không vui, sau đó không dùng đến nữa. Các quan lại lúc đó có nhiều người cũng học theo ông ăn cây Xương Bồ, nhưng không kiên trì được lâu. Trong số đó có một người tên là Vương Hưng, nghe nói Tiên nhân dạy Hán Vũ Đế ăn cây Xương Bồ, nên từ đó ăn mãi cây này không hề dừng lại, nhờ vậy có được trường sinh, sống đến thời Ngụy Vũ Đế nhà Bắc triều mà vẫn khỏe mạnh. Người già, trẻ nhỏ trong thôn làng đều nói Vương Hưng trông như người ở độ tuổi năm mươi, thân thể tráng kiện, mỗi ngày có thể đi 300 dặm, về sau không rõ ông đã đi đâu.
Truyền thuyết này đến thời nhà Đường vẫn còn thịnh truyền. Trong bài thơ “Tung Sơn thái Xương Bồ giả” của Lý Bạch vẫn còn tái hiện cảnh tượng đương thời:
“Thần Tiên đa cổ mạo,
Song nhĩ hạ thùy khiên.
Tung Nhạc phùng Hán Đế,
Nghi thị Cửu Nghi Tiên.
Ngã lai thái Xương Bồ,
Phục thực khả diên niên.
Ngôn chung hốt bất kiến,
Diệt ảnh nhập vân yên.
Thâu để cánh mạc ngộ,
Chung quy Mậu Lăng điền.”
Tạm dịch:
Thần Tiên dáng cổ quái,
Hai tai rủ xuống vai.
Tung Nhạc gặp Hán Đế,
Cửu Nghi Tiên là ngài.
Ta đến hái Xương Bồ,
Dùng nó trường sinh mãi.
Lời cuối xong mất dấu,
Bóng mờ nhập khói mây.
Nhưng cuối cùng chẳng ngộ,
Vẫn đến Mậu Lăng hoài.
Biết bao nhiêu người trong các thời đại khác nhau cả đời truy tầm Phật Pháp Tiên Đạo. Bản thân Lý Bạch cũng là người có Tiên phong Đạo cốt, muốn xuất thế rời khỏi thế gian, siêu nhiên giữa Trời Đất, một mình bước theo đường Tiên. Xương Bồ mà ông nhắc đến chính là “Tiên thảo”; ngọn Ngọc Nữ ở Tung Sơn có quê Tiên của ông, có cỏ Tiên lá nõn tím; bằng hữu quy ẩn ở Tung Sơn, nhặt Tiên thảo mà ăn. Lấy được Tiên thảo, đời người thực quá tốt đẹp thay! Ngày nọ cưỡi rồng trắng đi thăm hỏi, tất thảy đều không vướng khổ phiền bởi danh lợi tình thù nơi thế gian:
“Ngã hữu vạn cổ trạch,
Tung Dương Ngọc Nữ phong.
Trường lưu nhất phiến nguyệt,
Quải tại đông khê tùng.
Nhĩ khứ chuyết Tiên thảo,
Xương Bồ hoa tử nhung.
Tuế vãn hoặc tương phỏng,
Thiên thanh kị bạch long.”
(“Tống Dương Sơn nhân quy Tung Sơn”, Lý Bạch)
Tạm dịch:
Ta có nhà từ lâu,
Ngọc Nữ chốn Tung Dương,
Một mảnh trăng lưu dấu,
Treo rặng tùng suối đông.
Bạn đi tìm Tiên thảo,
Hoa Xương Bồ tím nhung.
Ngày sau có gặp gỡ,
Trời xanh cưỡi bạch long.
Chú thích:
[1] Trong bài thơ “Sơ hạ tức sự thập nhị giải” của thi nhân Dương Vạn Lý miêu tả hình ảnh cây Xương Bồ từ góc nhìn chủ đạo của “đốt cây Xương Bồ.” Thơ ngâm rằng: “Vương gia chủ bính lục quỳnh hương, huyên thảo du lai bính cánh trường, tàng khước thị hồng anh phất tử, Xương Bồ tiết lý phóng phong quang.” Trong bài “Hựu thất ngôn tam thủ – Kỳ tam” của Lưu Khắc Trang thời Tống cũng dùng “tiết Xương Bồ” thay cho “tiết Đoan Ngọ”: Chi thượng giáng anh xuy dục tận, kính trung tố phát trích lai hy. Kim niên quá liễu Xương Bồ tiết, vưu tựu hương câu trứ cáp y.
[2] “An Kỳ Sinh” còn gọi là An Kỳ, An Sinh, tên của vị Tiên nhân. Ong là người nước Tề sống giữa thời Tần, Hán; có thuyết nói người làng Phụ, Lang Da. Lúc Tần Thủy Hoàng tuần du phía Đông, đã cùng ông nói chuyện ba ngày ba đêm, ông được ban thưởng mấy ngàn vạn vàng ngọc. Tất cả số vàng bạc này ông đều để lại ở đình làng rồi đi mất, chỉ lưu lại sách và một đôi hài ngọc màu đỏ làm kỷ vật. Vì thế, các Đạo gia và phương sĩ về sau đều nói ông là Thần Tiên sống trên biển. Việc này còn được ghi chép trong các sách như “Sử ký – Lạc Nghị liệt truyện,” “Liệt Tiên truyện” của Lưu Hướng thời nhà Hán.