Những loài cây mang ý nghĩa tốt lành trong Tết Đoan Ngọ có thể trừ độc, xua đuổi bệnh dịch
“Lựu hoa giác thử đấu thời tân,
Kim nhật thùy gia tửu bất tôn.
Khai tiếu giang hồ trở phong khách,
Khước tùy hao ngải thượng chu môn.”
(Dương Châu Đoan Ngọ trình Triệu sư – Đới Phục Cổ, thời Nam Tống)
(Tạm dịch:
Hoa lựu tranh vẻ tươi mới cùng bánh ú,
Hôm nay nhà ai không có rượu.
Cười khách giang hồ bao phen sương gió,
Nhưng lại theo cây ngải bước vào cửa son.)
Bài thơ trên của Đới Phục Cổ miêu tả cảnh tượng Tết Đoan Ngọ vào thời Nam Tống. Giác thử là bánh ú, còn gọi là Tống tử. Theo phong tục dân gian, trong Tết Đoan Ngọ, người ta sẽ ăn bánh ú. [Lúc ấy] hoa lựu nở rộ, trên cửa nhà treo “Thiên Trung ngũ thụy” để trừ độc, xua đuổi bệnh dịch.
‘Thiên Trung’ và ‘ngũ thụy’
Ở Trung Quốc, vào dịp Tết Đoan Ngọ khí trời oi bức, nóng ẩm. Người xưa gọi “trưa ngày mùng 5 tháng Năm” âm lịch là “Thiên Trung”, vì vậy Tết Đoan Ngọ còn được gọi là “Tiết Thiên Trung”. Đây là thời điểm mùa hè nóng ẩm, các loại côn trùng độc hại và bệnh dịch bắt đầu phát triển mạnh. Người xưa đã làm như thế nào để tránh được các loại côn trùng và bệnh dịch trong tiết mùa nắng nóng này? Người Trung Quốc cổ xưa với trí tuệ của mình đã biết sử dụng “Thiên Trung ngũ thụy” (năm loại cây cát tường trong ngày Thiên trung) vừa thuần thiên nhiên, vừa bảo vệ môi trường, lại không hề tốn kém. “Thiên Trung ngũ thụy” còn được gọi là “Đoan Ngọ ngũ thụy” cũng chính là năm loại thực vật khắc chế “ngũ độc” – con rết, rắn, bò cạp, cóc, thằn lằn. “Ngũ Thụy” chính là năm loài cây gồm xương bồ, ngải cứu, cây lựu, củ tỏi và hoa thuyền rồng (Ixora chinensis Lam, hay còn gọi Trang mẫu đơn). Người xưa phát hiện rằng những loại thực vật này có “mùi hương” nồng đậm có thể trừ khử những mầm bệnh trong mùa nóng ẩm và côn trùng độc hại trong mùa hè. Ngoài ra, chúng còn là loài thảo dược có lợi cho sức khỏe. Bản thân những cây này mang độc tính, có thể dùng độc trị độc.
Cây Xương bồ
Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, cây xương bồ cùng với hoa lan, hoa thủy tiên và hoa cúc được tôn xưng là “Hoa thảo tứ nhã” (Bốn loài hoa thanh nhã). Cây xương bồ thích mọc ở ven dòng suối xanh trong. Cây mọc lên tươi tốt từ rễ củ thân thảo lâu năm, có hoa lớn xinh đẹp. Hoa đong đưa trong gió như những chú bướm đang múa lượn, còn được gọi là hoa Ngọc thiền. Lá xương bồ có hình dáng nhỏ dài, dáng vẻ ung dung như lan, nên còn được gọi là Phúc lan.
Cây xương bồ với dáng vẻ đầy tình thơ ý họa như vậy, nhưng trên thực tế lại là loại cây toàn thân có độc, chứa tinh dầu thơm dễ bay hơi, có công dụng sát trùng diệt khuẩn. Lá xương bồ mảnh dài thẳng, mọc trực tiếp từ gốc, rộng khoảng hai hoặc ba ngón tay, và có thể dài tới một mét. Giữa lá có xương sống, hai bên lá mỏng sắc bén, giống như một thanh kiếm màu xanh sắc nhọn.
Thi nhân Giải Tấn thời Minh có bài thơ miêu tả lá xanh của cây xương bồ giống như một thanh “bồ kiếm”, ngày ngày được dòng nước trong vắt âm thầm mài dũa luyện rèn. Cứ như thế, từ năm này qua năm khác, từng lá xương bồ xanh biếc phát ra kiếm quang kỳ ảo, giữ lệnh trông coi chính nghĩa như thanh bảo kiếm Thái A cổ xưa. Thanh “Bồ kiếm” ấy tỏa sáng vỗ lên mặt nước chém tan từng con sóng, khiến giao long trong nước vừa thấy bóng hình đã kinh sợ:
“Tam xích thanh thanh Thái cổ a,
Vũ phong tra phá nhất xuyên ba.
Trường kiều hữu ảnh giao long cụ,
Giang thủy vô thanh nhật nguyệt ma.”
(Bài thơ ‘Bồ kiếm’ – Giải Tấn)
(Tạm dịch:
Thái A cổ xanh biếc dài ba thước,
Múa trong gió chém tan con sóng.
In bóng bên cầu dài giao long sợ,
Nước sông âm thầm, mài dũa ngày đêm.)
Cho dù là độc tính và hương thơm có công dụng sát trùng, diệt khuẩn, hay hình tượng những chiếc lá như thanh Bồ kiếm xanh biếc sắc bén, tất cả đều làm cho cây xương bồ trở thành đại diện của “Thiên Trung ngũ thụy”.
Cây Ngải cứu
Người Trung Quốc đều biết về công dụng dược liệu của cây ngải cứu. Phương pháp điều trị cứu ngải trong y học Trung Quốc truyền thống, còn được gọi là “cứu chước pháp”, chính là lấy lá ngải cứu làm nguyên liệu, vo thành dạng viên hoặc cuốn thành thanh dài dùng như một loại thuốc để thực hiện việc cứu ngải (là phương pháp lấy ngải cứu cuốn lại châm lửa đốt hơ vào các huyệt vị để chữa bệnh). Cây ngải cứu có nhiều loại. Người dân phía nam lưu vực sông Trường Giang ở Trung Quốc thường dùng cây ngải cứu và lá xương bồ, củ tỏi có mùi thơm nồng buộc thành bó treo trước cửa chính hoặc treo ở dưới mái hiên trước nhà để xua đuổi muỗi, các loại côn trùng khác và dịch bệnh trong dịp Tết Đoan Ngọ. Lấy lá ngải cứu khô ngâm nước rồi đem hun xông có thể tiêu độc và giảm ngứa. Lá xương bồ, ngải cứu khô và xa tiền tử (hạt mã đề) kết hợp với nhau cho vào nồi nấu thành “nước xương bồ”, để cả nhà tắm giúp bảo vệ sức khỏe. Phong tục tắm “nước xương bồ” vào dịp Tết Đoan Ngọ này còn được truyền rộng tới Nam Hàn và Nhật Bản, và vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay.
Cây Thạch lựu
Cây Thạch lựu hay còn gọi là cây lựu, có nguồn gốc từ khu vực Tây Á, du nhập vào Trung Quốc từ thời triều Hán. Cây lựu có nhiều chủng loại, nở hoa vào mùa hè khoảng tháng 6-7, hoa thường có màu đỏ tươi, có thể dùng làm thuốc nhuộm màu đỏ. Phụ nữ thời xưa thường dùng hoa lựu để nhuộm vải, làm thành váy gọi là váy thạch lựu. Trái lựu là loại trái cây giàu vitamin, có tác dụng làm chảy nước miếng hết khát, giải rượu và trừ độc. Ngoài ra, vỏ rễ và vỏ thân cây lựu chứa chất alcaloid có tác dụng sát trùng, tẩy diệt ký sinh trùng sống trong cơ thể người.
Củ tỏi
Ở Trung Quốc, tỏi được xếp vào “Thiên Trung ngũ thụy” trong dịp Tết Đoan Ngọ. Còn các dân tộc ở châu Âu thì tin rằng tỏi có thể trừ tà. Không chỉ ở Trung Quốc, từ Hy Lạp cổ đại đến La Mã, từ châu Á đến Trung Đông, suốt hàng ngàn năm qua, tỏi luôn được mọi người ưa chuộng, hơn nữa còn được xem như một loại thảo dược hàng đầu trong việc kháng khuẩn. Tỏi chứa nhiều lưu huỳnh và các thành phần hoạt tính, cũng như Allicin. Mọi người đều biết rằng ăn tỏi với số lượng nhất định có tác dụng chữa bệnh. Người xưa sử dụng nước ép tỏi để khử trùng vết thương, chống nấm mốc, vi khuẩn và đuổi ký sinh trùng. Trong “Bản thảo cương mục” ghi chép rằng tỏi có thể chữa trị các vết lở loét. Các nghiên cứu y học hiện đại chỉ ra rằng tỏi có thể tăng cường hệ miễn dịch.
Hoa Long thuyền
Hoa long thuyền (hay còn gọi là hoa Thuyền rồng, Trang mẫu đơn) có hai loại, loại hoa màu trắng và loại hoa màu đỏ. Hoa Long thuyền có bốn nhị hoa vươn dài ra ngoài, dài khoảng gấp đôi ống tràng hoa. Hình dáng của nó rất nổi bật, giống như thuyền rồng đang vươn lên phía trước trong các cuộc đua thuyền, vì vậy mà có tên gọi này. Hơn nữa, ở vùng Phúc Kiến và Chiết Giang, Trung Quốc, mùa hoa nở trùng với dịp đua thuyền rồng, nên còn được gọi là “hoa Long thuyền” hay “hoa tháng Năm”. Hoa Long thuyền trắng là một biến thể, có giá trị dược liệu rất quý. Hoa Long thuyền được sấy khô và nghiền thành bột mịn, trộn với rượu gạo có thể làm thuốc đắp ngoài da, bôi ngoài vết thương giúp giảm đau tiêu sưng.
Trí tuệ của người xưa trong việc đón các ngày lễ là ứng theo trời, thuận theo các mùa. Điều này được thể hiện qua nhiều phương diện, từ ẩm thực, giải trí, trang sức cho đến bảo vệ sức khỏe. Từ những phong tục trong Tết Đoan Ngọ cho thấy, việc dùng “Thiên Trung ngũ thụy” để xua đuổi côn trùng và trừ bệnh dịch trong ngày lễ này không chỉ giúp nâng cao sức khỏe thể chất, mà còn làm phong phú thêm nội hàm của phong tục dân gian, làm cho ngày lễ truyền thống thêm phần đa dạng, rực rỡ!