Nếu không có ngải cứu thì chưa gọi là tết Đoan Ngọ
Hầu hết chúng ta đều biết rằng vào dịp tết Đoan Ngọ mọi người sẽ ăn bánh ú (tống tử) và chèo thuyền rồng. Nhưng thời cổ đại còn có một việc nữa mà nhà nào cũng thực hiện, đó là hái ngải cứu.
Nhắc đến ngải cứu, có thể quý vị sẽ tò mò về mối liên hệ của nó với tết Đoan Ngọ. Ngải cứu luôn đóng một vai trò quan trọng không thể thiếu trong Tết Đoan Ngọ. Nhưng tại sao lại có tập tục này? Quý vị sẽ làm gì với cây ngải cứu mà quý vị đã hái?
Tết Đoan Ngọ là ngày mùng 5 tháng Năm âm lịch hàng năm. Vào thời cổ đại, tháng Năm được coi là tháng xấu và ngày mùng 5 là ngày xấu. Vì vậy, trong tâm trí của người xưa, tết Đoan Ngọ bị xem là ngày xấu tháng xấu, là một ngày không may mắn. Người ta nói rằng vào ngày này, ôn dịch, khí bệnh, rắn độc và côn trùng… sẽ hồi sinh và làm hại cơ thể con người. Vì vậy, dân gian có rất nhiều tập tục nhằm trừ tà và tránh độc, chẳng hạn như thu thập bách thảo (các loại cỏ) để tránh độc.
Loại cây phổ biến và được ưa chuộng nhất trong các loại bách thảo là ngải cứu. Vậy tại sao ngải cứu lại đặc biệt đến vậy?
Ngải cứu có thể chữa bệnh
Trước hết, ngải cứu có thể chữa bệnh. Tục ngữ có câu: “Gia hữu tam niên ngãi, Lang trung bất dụng lai”. (Nhà ba năm có cây ngải cứu, thầy thuốc sẽ không cần phải đến).
Cứu trong liệu pháp châm cứu của y học cổ truyền Trung Quốc chính là dùng ngải cứu. Đây là phương pháp trị liệu bằng cách đốt thân cây ngải cứu hoặc nhánh của nó để kích thích huyệt vị. Đốt trực tiếp lá ngải cứu còn có tác dụng phòng trừ ôn dịch, ngăn ngừa bệnh tật. Vì vậy, người xưa có rất nhiều phương pháp phòng trừ bệnh dịch trong đó có đốt ngải cứu ngoài sân.
Trên thực tế, trí tuệ của cổ nhân sâu sắc hơn chúng ta tưởng tượng rất nhiều. Chỉ đến thời hiện đại, khoa học mới xác nhận rằng khói tạo ra sau khi đốt ngải cứu thực sự có thể ức chế nhiều loại vi khuẩn, vi rút bệnh truyền nhiễm và dịch bệnh. Người Trung Quốc cổ đại hiểu đầy đủ về đặc tính và công dụng của ngải cứu từ hơn 2,000 năm trước.
Là một vị thuốc bắc, ngải cứu có tính nóng. Vì vậy, đối với những người cơ thể lạnh, tay chân lạnh và phụ nữ, dùng ngải cứu ngâm chân hoặc tắm cũng có tác dụng xua tan cảm hàn ẩm ướt, giảm đau bụng kinh.
Ngải cứu có thể tránh tà
Bởi vì ngải cứu có tác dụng đặc biệt trong việc ngăn ngừa bệnh dịch nên người xưa sẽ treo cây này trước cửa nhà trong tết Đoan Ngọ. Một số người sẽ buộc ngải cứu thành hình người, gọi là ngải nhân, và cũng có rất nhiều người buộc thành hình con hổ, gọi là ngải hổ.
Người ta còn cho ngải nhân hoặc ngãi hổ vào trong túi mang theo bên mình để tránh bị bệnh. Bởi vì người xưa tin rằng dịch bệnh, bệnh tật không phải vô duyên vô cớ đến, mà do Ôn Thần hoặc dịch quỷ gieo rắc. Mọi người muốn không bị bệnh thì ngoài việc tích đức hành thiện hằng ngày cũng cần treo hoặc đeo ngải cứu để tránh tà.
Ngải cứu đuổi muỗi
Ngải cứu cũng là loại cây đuổi muỗi hiệu quả nhất trong số tất cả các loại cây tự nhiên. Mùa hè đến và muỗi bay quanh tai quý vị thực sự rất khó chịu. Nếu không muốn sử dụng hóa chất tổng hợp để đuổi muỗi, tại sao quý vị không thử đốt ngải cứu.
Học sinh trung học ở Đài Loan qua thí nghiệm nhận thấy rằng so sánh với các loại cây như hương thảo, sả, thì ngải cứu có tác dụng đuổi muỗi nhanh nhất và rõ rệt nhất.
Mùa hè này, cuối cùng chúng ta không còn phải lo lắng về việc bị muỗi đốt nữa.
Ngải cứu có thể dùng để nấu ăn
Ngoài tác dụng chữa bệnh, tránh tà, đuổi muỗi, ngải cứu còn có thể dùng để nấu ăn và làm điểm tâm. Quý vị có thể xào ngải cứu, tráng trứng với ngải cứu, luộc trứng với ngải cứu, làm bánh ngải cứu ngọt, bánh ngải cứu với bột gạo, bánh ú ngải cứu, trà ngải cứu, rượu ngải cứu .v.v.
Hơn nữa, những món ăn này rất phù hợp với nữ giới và có thể dùng làm ẩm thực dược liệu để điều hòa cơ thể.
Tung tích của ngải cứu
Ngải cứu rất hữu ích, vậy có thể tìm thấy nó ở đâu?
Tôi sống ở Hoa Kỳ, nơi mà ngải cứu dại mọc khắp nơi ven đường. Ngải cứu có sức sống rất mạnh mẽ. Một khi quý vị biết nó trông như thế nào, quý vị có thể tìm thấy dấu vết của nó ở bất cứ nơi nào đặt chân đến. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất của nó là những chiếc lá xẻ ra như lông vũ, sau lưng có những sợi lông trắng mịn.
Bây giờ là tháng Sáu, cây ngải cứu chưa cao lắm, có thể hái lá đem phơi khô. Lá ngải cứu khô có thể đốt để đuổi muỗi và thanh lọc không khí. Tinh chất cũng có thể được chiết xuất để làm xà phòng, kem dưỡng da tay, tinh dầu, v.v.
Đợi đến mùa thu, cây ngải cứu sẽ cao bằng cây nhỏ và nở hoa.
Tuy nhiên, cần đặc biệt chú ý đến một thực tế là uống ngải cứu vào ngày tết Đoan Ngọ thường được cho là có tác dụng tốt nhất, nên cũng có câu nói rằng “ngải cứu hái ngày mùng 5 tháng Năm có thể trị bách bệnh”. Tết Đoan Ngọ năm nay, chúng ta cùng đi hái một ít ngải cứu về sử dụng nhé.
Quý vị tìm ra nó chưa? Trên thực tế, trí tuệ của cổ nhân vượt xa khoa học ngày nay. Ví dụ như ngải cứu, người xưa quý trọng ngải cứu là có lý do. Tết Đoan Ngọ thiếu ngải cứu sẽ trở nên chưa trọn vẹn.
Gần nhà quý vị có cây ngải cứu không? Quý vị có thể hái một ít và mang chúng về dùng trong dịp tết Đoan Ngọ.
Xem trên nền tảng Gan Jing Word: